THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUÔC: MUÔN THUỞ NƯỚC NON NÀY

LÊ MINH QUÔC: MUÔN THUỞ NƯỚC NON NÀY

421055168_7745967265432485_3641445233097004337_n

MUÔN THUỞ NƯỚC NON NÀY

LÊ MINH QUỐC

1.

Xuân ẩn trong sắc cỏ mềm

Nơi người lính đang cầm súng

Cỏ xanh dưới chân tôi đứng

Là xuân về tối hôm qua

Chỉ là vạt cỏ xanh nhú trên căn hầm dã chiến, ở ven đường đi, có gì đâu, bình thường thôi, vậy mà cũng viết thành thơ. Liệu chừng, tôi có lãng mạn lắm không? Nếu không đi qua những tháng ngày đối mặt với cái chết rình rập trong từng khoảnh khắc, từ mìn, từ súng đạn, từ lúc hành quân lửa cháy rừng hun hút phía sau lưng, từ cơn khát như dao xuyên qua cổ họng… có thể lúc nhìn thấy mơn mởn cỏ xanh thì cỏ cũng chỉ là cỏ.

Năm tháng ở chiến trường K, với thế hệ của chúng tôi - những người lính trẻ “mặt còn búng ra sữa”, trong lồng ngực còn đầy ắp giai điệu dân ca tình tứ: “Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”, trong sổ tay còn nắn nót viết những câu thơ tình: Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất/ Anh cho em, kèm với một lá thư”, tâm hồn thơm tho như lụa mới, thế thì trong buổi sáng thức dậy, từ căn hầm chữ Z, bước ra ngoài, phóng một tầm mắt ôm lấy trời xanh, rồi bất ngờ nhìn thấy ngọn cỏ, lúc ấy, cỏ không còn là cỏ.

Cỏ chính là sự sống.

Nhìn thấy cỏ trong thâm thế đó, bởi chúng tôi đang ở chiến trận. Có những buổi chiều câm tiếng súng, tôi lặng lẽ nhìn các cô thôn nữ Kampuchia thong dong ra suối lấy nước trong chiều xế bóng, chỉ có thế nhưng trong lòng dội lại nhiều xúc động. Rồi những lúc trong ầm ì tiếng súng, tôi ước ao sẽ có lúc mình cùng đồng đội:

Rũ áo bụi đỏ biên giới

Nhảy tắm suối U-da-đao

Đôi dép lốp kỳ lưng nhau

Suối bạc cười lên trắng xóa

Ngày tháng đó, sâu thẳm trong tâm hồn thế hệ tôi luôn khát vọng hòa bình. Chỉ cần nghĩ đến hai từ đó, tôi tin rằng, bất kỳ những ai đã từng là lính, đã mang chiếc ba lô chỉ chừng 30 ký nhưng có lúc tưởng chừng nặng đến nỗi như vác cả trái đất ắt sẽ nhớ đến câu nói da diết tột cùng: “Mẹ chờ con/ Em chờ anh”. Là phía sau lưng mình, trên đường ra trận dù có đi bốn phương trời đông, tây, nam, bắc cũng đều cảm giác có ánh mắt của người mẹ/ người vợ dõi theo sau và vọng về thì thầm câu nói trìu mến ấy. Được về với người yêu dấu, về với quê nhà, ước mơ ấy giản dị nhưng lại là điều không dễ dàng trong chiến tranh.

2.

Ôi, có những lúc chỉ cần đọc lại những áng văn của người xưa, dù không tận mắt chứng kiến nhưng rồi chúng ta rúng động tâm can, da nổi gai ốc khi hình dung ra diện mạo của sự khốc liệt của chiến tranh: “Nướng dân đen trên ngọn lửa tham tàn/ Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ”. Đã mường tượng ra sự chết chóc. Tiếng kêu than ngút trời. Máu và nước mắt. Vì lẽ đó, có lẽ không một dân tộc nào đã tổ chức lực lượng chiến đấu như dân tộc Việt: “ngụ binh ư nông”. Có thể hiểu nôm na, người nông dân “ngoài cật có một manh áo vải”, “việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm” nhưng khi giặc đến lại hiên ngang “lột sắt đường tàu rèn dao kiếm”, hết giặc lại về trở về cày cuốc. Chỉ là chuyện diễn ra trong thời chiến?

Không đâu.  

Thành kính lật Lịch triều hiến chương loại chí (NXB Trẻ-2014) của nhà bác học Phan Huy Chú, tôi “note” lại vài nét chính trong thời bình, về đời nhà Lý, ngoài cấm quân: “Còn ngoại binh thì không có lương, cứ luân phiên đến canh, hết phiên canh cho về nhà cày cấy, trồng trọt để tự cấp”; đời nhà Trần, ngoài binh túc vệ, “Còn binh các đạo thì chia phiên về làm ruộng, cho đỡ tốn lương”, đời nhà Lê cũng tương tự: “Các vệ ở năm đạo chia làm năm phiên lưu lại, bốn phiên về lảm ruộng” (tập 5, tr.59). Chi tiết này cho thấy từ ngày xửa ngay xưa, dân tộc mình không bao giờ chủ quan, lơ là mất cảnh giác bởi kẻ thù luôn rình rập, một khi chiến tranh xẩy ra là chủ động đối mặt, không sợ hãi.

Số phận dân tộc Con Rồng Cháu Tiên, thân phận ngón chân Giao Chỉ hết sức lạ lùng, thậm chí có gì đó rất cay đắng là khi ước mơ không chiến tranh thì phải tiến hành chiến tranh. Bởi một khi bị xâm hược thì chúng ta phải chấp nhận chiến tranh để giữ nước. Kỳ lạ chưa? Để có hòa bình, tất cả đều phải cân đong đo đếm bằng máu. Do đó, nhìn lại tiến trình tồn tại của dân tộc Việt, tôi nhận ra rằng có thể khẳng định toàn bộ tư tưởng văn hóa giữ nước của dân tộc ta suốt mấy ngàn năm gói trọn trong chữ "đánh", không bao giờ ươn hèn quỳ gối, mại quốc cầu vinh. Chấp nhận chiến tranh. Đánh giặc, vẫn chính là đem lại sự bình yên cho non sông gấm vóc, là tâm thế của sự hòa hiếu nhẳm bảo vệ đất nước mình, chứ không vì một mưu cầu nào khác.

Làm nên phẩm chất hòa hiếu bởi dân tộc ta đã trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc. Đau thương. Mất mát. Nặng trĩu nỗi buồn. Ngay cả tiếng lòng gửi vào câu ca dao nhịp nhàng vần điệu sáu, tám cũng nghèn nghẹn nước mắt: “Em về nuôi cái cùng con/ Anh đi trẫy hội nước ngon Cao Bằng”... Chiến tranh không chỉ ngoài chiến trường mà còn ngay cả phía hậu phương, còn là người mẹ, người vợ: “Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền” (Hữu Thỉnh) Vì lẽ đó,  một khi nhịp sống trở lại bình thường, người Việt mình  thích dùng cụm từ rất bay bướm: “trẩy hội non sông” - là niềm vui chung của đất nước, của mọi nhà, chứ nào phải của riêng ai.  

3.

Non sông nước Việt đã đi qua chiến tranh. Chúng ta đang sống trong những tháng ngày thanh bình, dù chưa phải mọi sự vật/ sự việc diễn ra như ý muốn nhưng hôm nay đã là thời điểm yên ổn để cùng nhau góp công sức mình cho đất nước. Văng vẳng bên tai tôi còn nghe tiếng thơ của Thượng tướng Trần Quang Khải, sau chiến thắng chống xâm lược Nguyên - Mông:

Cướp giáo Chương Dương đó

Bắt thù Hàm Tử đây

Thái bình nên gắng sức

Muôn thuở nước non nước này

Nhà sử học Trần Văn Giài đánh giá áng thơ này “không khác gì một Bình Ngô đại cáo, một bài Hịch tướng sĩ, một bài Nam quốc sơn hà”, và tâm tình: “Càng tự hào, càng không quên quá khứ, thì càng phải làm sao sống những phút giây hiện tại, những giây phút thanh bình hiện tại, cho thật ý nghĩa. Có thế mới xứng đáng tiếp nối được cái “nước non” mà ông cha trao vào tay mình, mới làm cho “nước non này” trở thành “nước non muôn thuở”.

Suy nghĩ này, tôi lấy làm tâm đắc, chắc chắn mọi người cũng thế, và xuân này, chúng ta lại vững lòng đi tới với tâm thế tự ý thức về trách nhiệm của mình.

L.M.Q

(nguồn: Giai phẩm Xuân 2024 Người Lao Động)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com