CẢM NHẬN KHI ĐỌC “NGÀY ĐÀNG SÀNG KHÔN” CỦA NGUYỄN VĂN MỸ

TAIBAN-DIMOT-NGA-DANG-1-R

 

CẢM NHẬN KHI ĐỌC “NGÀY ĐÀNG SÀNG KHÔN”

 

Để nhận xét về 2 cuốn sách mà tác giả, ông Nguyễn Văn Mỹ đã bỏ ra nhiều năm tâm huyết tích lũy và viết nên quả là điều không dễ.

Theo cảm nhận của tôi, đó là ấn phẩm mang chữ Tâm và Tầm, của một ngườitràn đầy nhiệt huyết và kinh nghiệm.

Chỉ là: “đi, thấy, nghe, cảm và viết” theo của riêng tác giả, không giống ai,không theo bố cục nào; nhưng cũng chính vì điều đó mà tôi cảm nhận tính chân thật,xác thực cao quý của mỗi dòng chữ.

Chữ Tâm: cảm nhận thật, nói thật, viết thật, trải nghiệm và lắng đọng lại, rồi dùng nhiệt huyết khắc họa khách quan chính xác những điều hay cần trải nghiệm hoặc những điều cần tránh. Tác giả từng viết: “ cuộc sống là những chuyến đi, còn đi làcòn sống và còn sống là còn đi” . Ai làm du lịch, nhất thiết phải có tâm.

Chữ Tầm: tính quan sát trong nội dung sách rất cao, vừa phong phú lại liên quan đến các khía cạnh du lịch như văn hóa, ẩm thực, tôn giáo, chính trị… Từng chitiết, đều được tác giả nhắc đến một cách sâu sắc, đồng thời đưa ra hướng giải quyết cho những điều còn hạn chế, và những cách thức để phát triển hơn nữa, đó là điểmkhác biệt trong sách tôi chọn đọc. Cho thấy kinh nghiệm, tinh tế, kiến thức rộng rãicủa tác giả không chỉ ở trong nước, mà còn nhiều nước trên thế giới. Thiết nghĩ, bổ trợcho những người quản lí du lịch thì ấn phẩm trên là hết sức cần thiết.

Cách đặt tên không giống ai, mà không phải ai cũng nghĩ ra được để đặt:

Ví dụ như trong tập một, Dọc Đường Đất Nước có các bài: Một vùng trời đất Phú Yên, Bình Định đất võ trời văn, “ Chiến hạm” cù lao Câu, Nha Trang và các hòn, Phải lòng cù lao Chàm… Rất nhiều tên gọi nghe mà phát hờn, sao lại có thể đặt được tênkích thích người đọc đến vậy.

Hay trong tập hai, Thế Giới Lạ Mà Quen có các bài: Bokor lạ lùng hơn ta tưởng,Amsterdam thủ đô xe đạp, Côn Minh mỗi ngày một mùa xuân, Kỳ bí cánh đồng Chum… Nghe tò mò, muốn tìm hiểu ngay.

Theo tôi, điều khó của ấn phẩm đối với đọc giả, đó là cách viết không theo bất kỳ bó buộc nào, khiến cho ai quen với quy phạm khuôn khổ sẽ khó cảm nhận hết được điều hay, đậm chất phượt, mới mẻ trong từng khung cảnh. Nhưng với tôi, bỏ ra hơn 20 năm để hành trình dọc đường đất nước, cảm nhận thế giới lạ mà quen, và chưa hề muốn dừng lại. Tâm huyết trong từng câu chữ làm tôi thấy cao quý và mãn nguyện.

Nếu có cơ hội, trên cương vị một cựu sinh viên, và đang tiếp tục đi, học hỏi từng ngày: tôi hi vọng sẽ được giới thiệu đến các bạn sinh viên, đọc giả về ấn phẩm này bằng chính những gì tâm mình cảm nhận được.

Và chúng ta cùng chờ đợi hai ấn phẩm: Chuyện Đời, Chuyện Nghề sẽ xuất bản trong thời gian tới. Như câu nói của tác giả: “Nghề đã chọn mình và mình không thể phụ nghề.” Làm nghề phải có tâm!

*Hướng dẫn viên Công Ty TNHH Dã ngoại Lửa Việt

Cựu sinh viên trường ĐH Sư Phạm TP.HCM

Ngô Thành Nhân

 

Thật quá thú vị khi được đi đó đi đây qua  Ngày Đàng Sàng Khôn. Xin cảm ơn tác giả đã cho tôi có "chuyến du lịch tại chỗ" quá tuyệt vời này.

Với kiến thức sâu rộng ở nhiều lãnh vực: Văn hóa; Lịch sử; Địa lý . . .  ngôn từ giản dị nhưng sâu sắc, hóm hỉnh, chân thành tác giả đã đưa tôi thả hồn hòa quyện cùng thiên nhiên qua những vùng miền quê hương chữ S và cả thế giới. Đọc Ngày Đàng Sàng Khôn tôi như tạm xa rời cuộc sống quá xô bồ áp lực của cuộc sống hiện tại.

Xin cảm ơn và chúc sức khỏe đến tác giả!

*Bạn đọc Lê Châu Hà (Lâm Đồng).

 

Bảy mươi năm tuổi đời, gần 40 năm tuổi nghề, nhưng định mệnh đưa tôi đến nghề nghiên cứu về muỗi sốt rét, do đó tôi có cơ hội đi gần như khắp đất nước, đặc biệt là vùng rừng núi. Do vậy, khi cầm trên tay cuốn sách “Ngày đàng sàng khôn” của tác giả Nguyễn Văn Mỹ, lướt qua thấy 67 câu chuyện là những địa danh của đất nước mà mình từng đến, tôi cứ nghĩ mình còn học khôn được

Những trang sách đầu tiên và cách hành văn đơn giản, lối viết chân thực làm người đọc cuốn hút. Hóa ra tác giả này không làm mình thất vọng. Ông ta đã từng làm ruộng, vẫn biết cấy lúa (khi lên Hà Giang còn lội ruộng cấy với mấy cô thôn nữ người Mông), nhưng lại là nhà giáo, rồi làm hướng dẫn du lịch nên viết hấp dẫn, thế mà ông nói thấy gì viết nấy và những bài viết nghiệp dư này chẳng theo thể loại nào cả. Có thể nói mỗi chuyện lại giúp người đọc hiểu thêm về tất cả mọi vấn đề của những điạ danh (địa lý, lịch sử, sinh địa cảnh, rừng biển, sông suối, văn hóa, con người, các di sản, các di tích lịch sử và tiềm năng du lịch).

Sau khi gấp lại cuốn sách lại, điều tôi trăn trở về sự khô cứng trong cách viết về địa lý, lịch sử và du lịch của sách giáo khoa. Hay con cháu chúng ta lại quên mất sử ta, hay bao đời nay chúng ta vẫn nói nước ta có “rừng vàng biểnbạc” nhưng qua các kỳ thi địa lý, lịch sử của học sinh các cấp, tỷ lệ điểm thấp chiếm phần lớn. Phải chăng do cách đào tạo, truyền đạt kiến thức, cách gây cảm hứng cho người dạy và người học? Và tôi cứ suy nghĩ khi đọc những chuyện này gợi cho chúng ta một hướng đây sẽ là những “cách” để chuyển tải kiến thức cho dân ta, con cháu chúng ta muôn đời sau.

Tôi trộm nghĩ đó là điều đóng góp nhiều ý nghĩa nhất của cuốn sách, chứ không phải đơn thuần là giới thiệu về du lịch, mặc dù qua các câu chuyện, tác giả đã cung cấp cho độc giả nhiều kinh nghiệm, kiến thức về du lịch mà người du lịch và dân phượt có thể coi là cẩm nang.

Hà Nội, những ngày đầu Xuân Bính Thân

Lê Xuân Hợi

Nguyên cán bộ Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

TAIBAN-DIMOT-NGA-DANG-2R

Nguyễn văn Mỹ làm nghề du lịch lữ hành chuyên nghiệp. Anh là nhà quản lý, hướng dẫn viên du lịch, người thiết kế tour. Nguyễn Văn Mỹ viết báo, tuy không làm báo chuyên nghiệp, nhưng năng suất bài viết nào có kém ai. Anh say sưa đứng trên bục giảng, góp phần đào tạo nhân lực ngành công nghiệp không khói.

Hai tập sách NGÀY ĐÀNG SÀNG KHÔN với hơn 800 trang in, gần 130 bài viết “Dọc đường đất nước”, “Thế giới lạ mà quen”, đủ thấy Nguyễn Văn Mỹ có sức đi, sức viết – lao động sáng tạo không thể chê vào đâu được. Kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa uyên thâm.

Bạn đọc là người cảm nhận, tiếp thụ và đánh giá công bằng nhất. Những trang viết của Nguyễn Văn Mỹ là bóng dáng, diện mạo của tản văn, những bút ký - ghi chép - tiểu luận - phóng sự báo chí ắp đầy sự kiện, tư liệu, lấp lánh văn hóa, có sức hấp dẫn, lôi cuốn đến lạ. Nó là cẩm nang, sách gối đầu giường của những ai yêu du lịch, làm du lịch, mê nghiên cứu, thích khám phá.

Nguyễn Văn Mỹ quả quyết: “ Với tôi, cuộc sống là những chuyến đi. Nhờ đi mà có thêm kinh nghiệm để quản lý, thêm thực tiễn để giảng dạy, thêm kiến thức để viết, thêm bạn bè, thêm tình nghĩa để sống tốt hơn”. Đáng quý biết bao !

* Nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN

(Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam)

 

Tôi cũng mê đi du lich, không chỉ đi để biết mà còn đi để săn ảnh, và đã  đồng hành với anh Mỹ hơn chục năm nay. Thế mà cầm cuốn “ Ngày đàng sang khôn “ của anh là tôi đọc ngấu ngiến đến hết…Không cần một tấm ảnh minh họa nào nhưng những dòng viết của anh đã kích thích trí  tưởng tượng hơn cả vì những con người, cảnh trí, không gian, ẩm thực, hình tượng, …như ngồn ngộn trong lối viết hồn nhiên pha chút dí dỏm quen thuộc của anh mà tôi đã từng nghe anh thao thao bất tuyệt suốt nhiều famtrip đi cùng …Đọc xong lại muốn vác máy ảnh  lên đường tìm đến nơi anh đã đến…

*Nhiếp ảnh gia  Duy Anh

Ủy viên hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam

 

Nguyễn Văn Mỹ biết nhiều, đi nhiều, cảm nhận nhiều, suy tư nhiều và chịu viết để chia sẻ với đời những cảm xúc ngồn ngộn trong lòng. Thế nhưng nét độc đáo của anh là nhìn cuộc sống bằng cặp mắt của một người từng trải trong cuộc: một cựu chiến sĩ tình nguyện từng vào sinh ra tử tại chiến trường Campuchia, một cựu cán bộ Đoàn từng lăn lộn với công tác chăm sóc học sinh và trẻ em nghèo, một cán bộ giảng dạy Đại học truyền đạt hiểu biết cho sinh viên khoa Du lịch, một nhà kinh doanh không lấy lời làm mục tiêu tối thượng mà làm du lịch “như một thứ tôn giáo nghề nghiệp” như tác giả thú nhận.

Đọc hai tập “Ngày đàng sàng khôn” của Nguyễn Văn Mỹ, người đọc học được không biết bao sàng khôn vì không chỉ được làm giàu về kiến thức địa lý, đáp ứng khát khao được ngao du thế giới,mà còn được dịp tìm hiểu con người nơi vùng lạ, xứ lạ trong thời đại mà con người ta “thèm đi hơn thèm ăn” bởi đi là học. Các thanh niên ưa du lịch khi đọc bài của Nguyễn Văn Mỹ đã có thể cho trí tưởng tượng của mình “phượt” theo từng trang sách của tác giả. Các cán bộ văn hóa, các nhà kinh doanh du lịch có thể tìm được những gợi ý sâu sắc bởi không ít bài trong sách dù được viết với giọng nhẹ nhàng, dí dỏm của hướng dẫn viên du lịch nhưng vẫn không thiếu chứng cứ, số liệu và nhận xét rất sắc sảo như một tài liệu viết cho một hội thảo khoa học.

Các nhà giáo có thể trích dẫn những bài tả cảnh viết rất trau chuốt và rất sinh động trong sách phục vụ cho bài giảng của mình. “Giữa những Cánh đồng Chum lặng lẽ, nắng chiều như nhuộm vàng cả không gian…Đẹp và ấn tượng nhất là cảnh mặt trời đỏ lựng, tròn xoe, từ từ chui vào miệng chum đá, mang theo bao bí ẩn bể dâu” (Kỳ bí Cánh đồng Chum). Còn người quản lý xã hội, người làm chính trị có thể thấy thấp thoáng trong sách của Nguyễn Văn Mỹ những câu hỏi thời sự nóng bỏng mà xã hội chờ mình ra tay cách giải quyết.

Cám ơn anh Mỹ vì đã viết cuốn sách rất đáng để đọc và suy gẫm này.

*Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng.

Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố HCM.

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com