Lê Minh Quốc và hành trình đến với thơ ca
Tôi biết Quốc đã từ lâu nhưng gặp gỡ không nhiều để có thể hiểu được anh trong đời. Và tôi cũng không được đọc của Quốc nhiều để hiểu hết được anh trong văn chương. Nhưng tôi luôn luôn kính trọng sự lao động và một khối lượng công việc đồ sộ mà anh đã làm được. Trong thời gian qua, hầu như cứ vài ngày, vài tuần lại thấy một cuốn sách mới của tác giả Lê Minh Quốc ra đời. Mừng cho bạn và tôi thầm nghĩ, chắc rằng anh đã làm việc như một người tù khổ sai - tự nguyện.
Quốc làm thơ, làm báo, viết văn xuôi, khảo cứu, phê bình… xông xáo và tung hoành trong nhiều lĩnh vực, nhưng có lẽ thơ ca là nơi Quốc đam mê và dành nhiều tâm huyết nhất. Đặc biệt là khi tập thơ Tôi vẽ mặt tôi (1994) ra đời thì bức chân dung của nhà thơ Lê Minh Quốc đã tạo được một ấn tượng rõ nét nơi người đọc. Với tập thơ này Quốc đã có một phong cách, một tiếng nói riêng. Ý thức cá nhân và nhu cầu được bộc lộ mình một cách thành thật nhất được thể hiện khá rõ. Tập Yêu em, Đà Nẵng (1999) lại tập trung vào một chủ đề khác. Đó là tình yêu da diết, sâu đậm đối với mảnh đất quê hương - nơi mình đã sinh ra và lớn lên đầy kỷ niệm ngọt ngào. Đó cũng là nỗi khắc khoải, là niềm day dứt khôn nguôi của người con xa xứ. Quê hương – nơi có mẹ, có em, có tuổi học trò với Sân trường kỷ niệm, là bến đỗ bình yên nhất trong cuộc đời phiêu bạt của chàng thi sĩ đa cảm này.
Trong những ngày đầu xuân năm 2003, Lê Minh Quốc lại “trình làng” tập thơ mới: Tôi chạy theo thơ (Hội nhà văn TP.HCM - NXB Trẻ). Vẫn biết cuộc chạy maratông cùng nàng thơ của Quốc chưa có hồi kết thúc. Nhưng ở chặng đường này chúng ta đã có thể hình dung một cách tương đối đầy đủ chân dung tinh thần của nhà thơ Lê Minh Quốc - một con người sống hết mình, sống trọn vẹn cho thơ. Hàng loạt bài trong tập thơ này đau đáu một nỗi niềm đối với thơ ca.
Những con chữ nhảy múa, quay cuồng trong thơ anh như một sự ám ảnh, như một trò chơi của số phận và nhiều lúc như là “giời đầy”. Những câu thơ dày vò, hành hạ người thơ này đến khốn khổ, nhưng cũng kỳ lạ thay, chỉ có nó mới đem đến cho anh những niềm vui đích thực và lâu bền nhất.
Rất nhiều lần ta gặp trong thơ Quốc những lời xưng tụng về ý nghĩa của thơ ca đối với cuộc đời anh: “Hắn thấy mình vừa chạm được hoàng hôn / Chỉ có thơ là gia tài lớn nhất” (Thơ gửi nàng thơ); “Chàng lú lẫn tham dự một trò chơi / Không bắt đầu và không kết thúc” (Nghĩ về thơ). Không thể lý giải nổi và cũng chẳng ai có thể biết thơ anh đến từ đâu. Chỉ biết rằng có lần anh đã tìm thấy một câu trả lời thật dễ thương: “Thơ hữu hình như gió / Đi đến đâu về đâu / Không một ai biết rõ / Ngoài mầm lá xanh non / Ngoài những đêm mất ngủ / Ngoài mắt biếc môi ngon / Cũng giống như em đến / Trong giây phút tình cờ / Anh giật mình trẻ lại / Ú ớ mớ ra thơ…”
Bàng bạc trong suốt tập thơ này là tâm thế bất an của một người phiêu du trên con đường đi tìm kiếm thơ ca và tình yêu - những thứ mơ hồ nhất, mong manh nhất mà cũng bền chắc nhất của cuộc đời này. Thơ ca và tình yêu là hai điểm sáng, hai nốt nhấn quan trọng nhất trong hành trình - sáng - tạo thơ của Lê Minh Quốc. Anh đã đặt vào đó tất cả những buồn vui, những đam mê, của một con người chân thành và nồng nhiệt.
Lúc sinh thời tác giả của Truyện Kiều đã từng băn khoăn rằng không biết 300 năm sau nữa có còn ai khóc mình nữa không? Quốc cũng mang trong mình một nỗi ám ảnh giống như tiền nhân: “Tôi viết ngàn sau ai còn nhớ / Câu thơ hun hút giữa vô cùng?” (Chịu chơi); “Mai kia tôi vắng mặt / trên trần gian / giữa cõi thu vàng / Có còn ai nhắc Lê Minh Quốc / Còn để lại dăm bảy trang thơ / Hắn đi giữa đời như một kẻ ngủ mê / Vắt kiệt sức trên cánh đồng chữ nghĩa”. (Quốc ơi)
Những câu hỏi ấy đành để ngỏ, chỉ biết rằng bây giờ, ngày hôm nay, những người bạn, những người yêu thơ luôn tìm thấy trong các bài thơ của Quốc rất nhiều sự chia sẻ, đồng điệu và đồng cảm trong tâm hồn. Và có lẽ một điều quan trọng nữa chúng ta cảm nhận được ở Quốc đó là, với anh thơ ca vừa như là một trò chơi lại vừa là một lẽ sống ở đời.
Lưu Khánh Thơ
(nguồn: báo Văn Hóa số 869 ra ngày 16-19.3.2003)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|