TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định LÊ MINH QUỐC: Làm sách thời kinh tế thị trường

LÊ MINH QUỐC: Làm sách thời kinh tế thị trường

 

Vào ngày 24-3-2000, tại hội trường số 111 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TPHCM, Hội sách TP. Hồ Chí Minh lần thứ nhất sắp khai mạc. Trong những ngày hội này, hàng nghìn đầu sách sẽ được trưng bày để bạn đọc nhìn ngắm, lựa chọn. Nhưng ẩn sau những cuốn sách đẹp kia, quá trình làm ra chúng trong thời buổi kinh tế thị trường này thì không triển lãm được. Xin hé mở với bạn đọc một vài khía cạnh trong quá trình làm sách ấy.

 

lam-sach


Trong năm 1999, giữ được phong độ mỗi tháng có ít nhất một đầu sách là nhà báo Lê Minh Quốc. Chỉ riêng với Nhà xuất bản Trẻ, anh đã hợp đồng biên soạn 10 đầu sách danh nhân Việt Nam và đã thực hiện đúng, thực hiện nghiêm túc và khẩn trương đến độ NXB in không kịp, cho nên phải đến những tháng đầu năm 2000 bạn đọc mới có đủ 10 cuốn (khoảng 1.600 trang sách) trên tay. Khi bộ sách danh nhân kia còn đang in ở NXB Trẻ thì NXB Thanh niên lại đã phát hành Mối tình đầu của các danh nhân (430 trang), sách biên soạn của Lê Minh Quốc. Với một seri như thế, người ta không thể không ghi tên Lê Minh Quốc vào hàng ngũ những “nhà” biên soạn hiện nay.

Cách đây khoảng 10 năm, việc biên soạn chỉ những nhà nghiên cứu tên tuổi mới được làm, nhưng từ sau 1990 trở lại đây, với đòi hỏi đa dạng của thị trường, biên soạn bỗng trở thành nghề… phổ thông. Một thầy giáo, một nhà báo, một kỹ sư, một nhà văn… đều có cơ hội biên soạn và Lê Minh Quốc đã vào cuộc.

Từ thơ (Quốc đã in 7 tập), truyện (8 tập), 10 kịch bản phim, hàng nghìn bài báo, Quốc đột ngột chuyển qua biên soạn sách sử các loại, quả là anh “bẻ nạng chống trời”, ai dám tin có kết quả! Ban đầu cũng chỉ là những bài báo nhỏ, qua đấy anh đưa ra “ngoài ánh sáng” một vài sáng tác của các nhà văn tiền chiến bị bỏ quên, như trường hợp tiểu thuyết Đàn chim non của Nguyên Hồng hay truyện dài Đảng rỗ bảy của Nguyễn Công Hoan; công bố đầy đủ “bổn” thơ Nôm xuất hiện ở Nam kỳ đầu thế kỷ 20: Thơ Hai Miêng, Sáu Trọng. Bấy nhiêu phát hiện “chào sân” thì cũng tạm coi được. Nhưng tới khi Lê Minh Quốc “sửa lưng” tiến sĩ báo chí Huỳnh Văn Tòng (người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ báo chí tại ĐH Sorbonne, Pháp) trên báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh về xuất xứ và năm ra đời của tờ báo công giáo “Nam kỳ địa phận” ở Việt Nam thì chứng tỏ Quốc không còn tay ngang nữa. Ít ra anh cũng có nguồn tư liệu quý hiếm nào đó và chắc là cũng đã ngấm ngầm chuẩn bị cho công việc biên soạn này từ lâu. Cho nên sau những công bố lẻ tẻ trên, Quốc dồn dập cho xuất bản: Nguyễn Thái Học, Tướng quân Hoàng Hoa Thám, Nguyễn An Ninh - dấu ấn để lại, Nụ cười dân gian hiện đại, Kể chuyện danh nhân Việt Nam… và gần đây nhất, Mối tình đầu của các danh nhân như đã nói ở trên. Để tìm hiểu bếp núc công việc biên soạn sách, chúng tôi tìm đến nhà Quốc hỏi chuyện.

- Có nhiều người cho rằng biên soạn như anh thì dễ quá, chỉ soạn ra rồi biên lại, ai chẳng biết làm. Cứ có sách tham khảo là làm được!

-Vâng! Công việc chỉ chừng ấy thôi. Anh có thấy ai làm biên soạn mà thoát khỏi các quỹ đạo ấy không? Ai cũng bắt đầu từ việc kiếm sách của người đi trước để tham khảo. Cách làm này NXB Thanh niên đã xác định rất rõ trong lời nói đầu tập Mối tình đầu của các danh nhân: “Bất cứ mối tình nào trong tập sách này đều được căn cứ vào những tài liệu sử học, văn học đáng tin cậy. Bạn đọc có thể kiểm chứng lại qua mục “tài liệu tham khảo”. Hy vọng, một việc làm cẩn trọng như vậy, có được ích lợi cho bạn đọc”.

Chúng tôi tìm lên kho tài liệu tham khảo của Lê Minh Quốc. Đó là một phòng sách dài 12m, rộng 6m, sách để trên kệ cao 2m kín các bức tường. Quốc nói về những mét vuông sách của mình:

- Tôi đã thu vén cho tủ sách của mình từ hồi còn là sinh viên, còn trong quân ngũ. Tủ sách tư nhân  của tôi chẳng là gì so với những thư viện lớn, nhưng chắc chắn là có nhiều cuốn chỉ có ở tủ sách của tôi mà không có ở thư viện. Hiện nay, công việc của người làm báo lại giúp tôi hàng tuần nhận được cả chục cuốn sách biếu từ các NXB, các nhà sách tư nhân. Bộ Tổng tập văn học Việt Nam mấy chục cuốn bìa cứng kia, nếu biết chỗ thì cũng xin được, chẳng tốn đồng xu cắc bạc nào. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi xin, tôi mua sách bất kể loại nào, vì nghĩ, thế nào rồi cũng có lúc cần tới. Vừa rồi ra Huế, tôi vét gần như sạch một kios bên bờ sông Hương. Với số lượng kha khá nư thế, tôi quản lý số sách của mình theo phương châm “lấy đâu đặt đó”, bởi chỉ cần để lạc một lần trong cái rừng ấy, cuốn sách coi như mất vĩnh viễn! Mất khả năng biên soạn về một đề tài nào đó!

- Nghề báo giúp anh có sách để biên soạn. Biên soạn xong bài nào lại có báo trong tay để in trước khi in sách. Có phải báo đang nuôi sách không?

- Cũng không hẳn thế. Sách Mối tình đầu các danh nhân của tôi thì đúng là đã tập hợp 83 bài báo tôi in liên tục trên tuần san Sài Gòn giải phóng thứ bảy. Nhưng ngược lại, sách Các vị Tổ ngành nghề Việt Nam của tôi lại được đến hai tờ báo xé rời ra để in nối nhau từng bài. Vậy báo có thể nuôi sách, và ngược lại sách cũng biết nuôi bao. Cả sách và báo chung nhau nuôi người biên soạn. Tỉ như cuốn Mối tình đầu các danh nhân của tôi với 83 bài báo, tôi nhận được cõ 32 triệu đồng. Những bài báo ấy khi in thành sách theo kế hoạch A tôi được thêm 3, 5 triệu đồng và không phải lo lắng gì tới chuyện phát hành.

Toàn bộ sách biên soạn của Lê Minh Quốc đều xuất bản theo kế hoạch A, nghĩa là tác giả không cần bỏ vốn.

Minh Quân

(nguồn: Tạp chí Thế giới mới  số 378 - 20.3.2000)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com