TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC - 6. Sức cuốn hút kỳ thú của tiếng Việt

Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC - 6. Sức cuốn hút kỳ thú của tiếng Việt

Mục lục
Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC
1. Lời nói đầu
2. CẢM NGHĨ SAU KHI HOÀN THÀNH BỘ SÁCH VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT
3. 'Giải mã' lúng liếng, trúc trắc… tiếng Việt
4. “Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt” của Lê Minh Quốc
5. Nhẩn nha, nhâm nhi, nhấm nháp cùng Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt
6. Sức cuốn hút kỳ thú của tiếng Việt
7. Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt- Bộ sách về văn hóa của nhà thơ Lê Minh Quốc
8. Đọc Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt của Lê Minh Quốc
9. Những nét đặc sắc trong văn hóa tiếng Việt
10. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”
11. Nhà thơ Lê Minh Quốc: ‘Học tiếng Việt vì tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt’
12. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”
13.
14. Lê Minh Quốc - Tình yêu nồng nàn dành cho tiếng Việt
15. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Ăn là một từ có vị trí thượng thừa trong tiếng Việt
16. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tiếng Việt là máu của người Việt, không dễ gì thay đổi
17. Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Nội soi tiếng Việt”
Tất cả các trang



Sức cuốn hút kỳ thú của tiếng Việt


Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc vừa cho ra mắt bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt (NXB Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh) mà anh gọi là kết quả của 'một lối tự học'. Dịp này, tác giả dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi thú vị.

Người Việt có thể chơi chữ với bất kỳ "mẫu tự" nào

* Bộ sách khá dày. Gồm ba tập. Mỗi tập trên dưới 80.000 chữ! Thế mà anh lại còn... "dọa" mọi người trong Lời nói đầu: "Có điều đây vẫn là bộ sách chưa kết thúc. Vẫn tiếp tục. Vẫn còn viết. Viết thêm nữa"!

- Ngay từ thời đi bộ đội rồi mãi đến nay, khi đi đến chỗ đông người, bao giờ trong túi áo tôi cũng có cuốn sổ nhỏ và cây bút.

Đó là thói quen đặng kịp thời ghi lại từ mới, cách nói mới mà mình nhặt nhạnh lúc tình cờ nghe được.

Sau này, khi báo Tuổi Trẻ Cười chọn tôi đứng chuyên mục "Lắt léo chữ nghĩa" (năm 2015), tôi bắt đầu chính thức đem vốn từ đó sử dụng dần. Như thế vẫn chưa đủ. Phải kể đến các nguồn từ điển, tự vị xưa nay mà tôi đã nhọc công sưu tập.

Như thế vẫn chưa đủ. Thỉnh thoảng, tôi còn vào các trang mạng xã hội, tìm xem hiện nay có từ gì mới được sử dụng để học hỏi thêm. Kể cả đọc lại tác phẩm văn học trước đây, để xem thời đó các nhà văn đã sử dụng những từ gì mà nay ít ai còn nhớ đến.

Có thể nói, với tôi, đây là một quá trình tự học, dần dà tôi càng bị cuốn hút theo sự kỳ thú của tiếng Việt.

* Vừa là nhà thơ, nhà báo vừa làm công việc biên khảo, anh không chỉ đọc mà còn có hơn 40 năm viết lách nữa. Điều gì khiến anh tâm đắc nhất khi đi cùng năm tháng với sự cuốn hút đó?

- Qua việc tự học này, với tôi bất kỳ từ nào mà mình tìm hiểu và giải thích được cũng lấy làm tâm đắc.

Thí dụ, tôi đã học được hàng trăm từ qua các câu cửa miệng như "Làm trai chớ hề bầu chủ, làm gái chớ làm mụ dầu", "Con mày không bằng con bòi", "Mép thợ ngôi"...

Hoặc câu thơ của Nguyễn Bính: "Mặt hồ vừa đúc khối tiền sen/ Bươm bướm đông như đám rước đèn"...

Thế thì, những "mụ dầu" đó, "con mày" đó, "thợ ngôi" đó, "tiền sen" đó... nghĩa là gì? Hàng loạt câu hỏi tương tự được đặt ra và sẽ được giải thích trong bộ sách này. Tôi tin rằng khi đọc, bạn đọc sẽ cực kỳ thú vị.

* Rất nhiều sách bàn về tiếng Việt không dễ đọc chút nào. Ngay như tựa đề của từng tập sách cũng khiến bạn đọc đôi chút... hoang mang.

- Tôi chọn cách viết theo lối "gặp đâu xâu đó, chữ nọ xọ chữ kia, chuyện kia tăm tia chuyện nớ", như một cách trò chuyện thân tình, trao đổi thân mật, học hỏi lẫn nhau, không ngoài mục đích lôi cuốn người đọc.

Khi đặt tên sách theo lối không "đụng hàng", ngụ ý chia sẻ rằng người Việt có thể chơi chữ với bất kỳ "mẫu tự" nào. Há chẳng phải là một phần của lối lắt léo trìu mến, cái cắc cớ thân thương của tiếng Việt đấy sao?

Không cớ gì khi bàn về tiếng Việt, người Việt lại gây khó cho nhau, khiến người đọc cảm thấy khô khan, thậm chí khó hiểu và không hào hứng góp thêm câu chuyện cho rôm rả?

Do vậy trong bộ sách này, chẳng có tập nào sau, tập nào trước; chẳng có bài nào trước, bài nào sau. Các bài đều hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Khó có thể phân biệt một cách chi li, cụ thể. Toàn bộ các bài viết, tôi chọn theo lối thể hiện "lan man" như thế.

 

Sức cuốn hút kỳ thú của tiếng Việt - Ảnh 2.

Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc

Lời ăn tiếng nói của người Việt tinh tế, khéo léo và gợi cảm; phong phú, đa dạng và không "đóng khung" trong một "công thức" máy móc, cố định nào cả.

Mong nhiều người tìm về hồn tiếng Việt

* Bàn về văn hóa là một công việc không hề đơn giản. Vì văn hóa vốn phức tạp, đa diện, nhiều tầng... Có người so sánh với công việc của người khai thác quặng mỏ. Vậy đâu là phần đào quặng (sưu tập, thống kê...), đâu là phần sàng lọc (phân loại, hệ thống hóa...) và đâu là phần tinh luyện (phát hiện, khái quát hóa những vấn đề có tính quy luật) của tác giả trong công trình này?

- Từ bộ sách này và những gì đang tiếp tục viết, tôi bước đầu nhận ra rằng:

1. Cùng một sự vật/sự việc nhưng người Việt mỗi thời có cách nói, cách diễn đạt và dùng từ khác nhau. Có nhiều từ dần dần đi vào lãng quên, có còn chăng là ở ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Thí dụ, thành ngữ "Bẻ no mà đếm", ta hiểu thế nào cho đúng? "No" từ thời Alexandre de Rhodes (1651) đến thời Việt Nam tự điển (Khai Trí Tiến Đức, 1931) và hiện nay đã khác nhau xa lắm.

2. Sự thay đổi này khiến ta gặp lại cũng từ ngữ đó nhưng nay mỗi người hiểu mỗi phách; hoặc do không hiểu nên người đương thời đã thay bằng từ khác, dẫn đến "dị bản" là lẽ tất nhiên. Thí dụ, "Vênh váo như bố vợ cậu ấm" hay "Vênh váo như bố vợ phải đấm"; "Làm cách sạch ruột" hay "Làm khách sạch ruột"?...

3. Thành ngữ, tục ngữ ra đời gắn với phong tục, tập quán, nghi lễ, quy chế nhà nước... Và khi các hoạt động đó không còn nữa thì tự thân những câu cửa miệng đó cũng đi vào quên lãng. Vậy, khi ta tìm về chúng, chính là lúc ta tìm về và hiểu được nét văn hóa của một thời đã qua.

4. Từ lời ăn tiếng nói thể hiện qua câu cửa miệng, ta dễ dàng nhận ra tính chất "nước đôi" của người Việt. Cách nói nước đôi này, ông cha ta từng bảo: "Làm trai cứ nước hai mà nói". Nhìn rộng ra là cả nghệ thuật trong giữ nước và dựng nước đấy chứ? Hiểu như thế, vì tôi luôn nghĩ câu cửa miệng có tính khái quát ở mức độ cao, chứ không bó gọn trong một sự việc cụ thể.

Sức sống của nó chính là ở đó. Cách nói này, theo tôi, người Việt mình còn sử dụng cực kỳ hiểm/hiểm hóc trong nghệ thuật phê phán, châm biếm. Chính vì thế, tìm về tiếng cười của người Việt, ta sẽ thấy thiên hình vạn trạng, đa thanh đa sắc, biến hóa khôn lường...

Cũng xin thưa, một vài "gạch đầu dòng" này, có thể nhiều người cho rằng chẳng có gì là "mới mẻ", là "phát hiện". Nhưng với tôi là những gì rút ra từ cả quá trình tự học, nay chia sẻ lại, chứ không có gì khác.

* Trở lại câu chuyện, vì sao anh nói: "Đây là bộ sách vẫn chưa kết thúc"?

- Tôi luôn nghĩ rằng công việc của mình không hề đơn độc, vì rằng một khi bàn về tiếng Việt, đó cũng là mối quan tâm của nhiều người. Điều mong mỏi nhất mà tôi luôn nghĩ đến là ngày sẽ có thêm nhiều người cũng làm công việc như mình.

Tất nhiên, ngoài vốn sống, chúng ta còn có thể nhờ cậy đến các bậc thầy đã đi trước chính là các nguồn tài liệu và nhất là một tình yêu vô bờ bến dành cho tiếng Việt. Tình yêu này, chính động lực để ta có thể - nói như nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo là tìm về "linh hồn tiếng Việt" của chúng ta!

Vị trí thượng thừa của chữ "ăn"

* Bộ sách góp "vốn liếng" gì cho bạn đọc qua từng trang sách theo anh?

- Nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy nội dung sách xoay quanh một chữ "ăn": Dích dắc dập dìu dư dí dỏm - bàn về ăn học, ăn ở; Chơi chữ chanh chua chan chát chữ - bàn về ăn uống, ăn chơi; Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo - bàn về ăn nói, cười chơi. Tất nhiên sự phân chia này, chỉ có tính cách tương đối, không thể tách bạch rạch ròi.

Theo những gì đã khảo sát, tôi mạo muội nghĩ: "Ăn" là một từ có vị trí độc đáo, đặc biệt, "thượng thừa", "cao thủ" trong trùng trùng điệp điệp vốn từ tiếng Việt xưa nay, nó đã chi phối, quán xuyến sinh hoạt, thậm chí tính cách của dân tộc ta.

* Đó là lý do của vấn đề "văn hóa nhìn từ tiếng Việt"?

- Ý tôi là, khi đọc bộ sách Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt, bạn đọc sẽ tham khảo thêm ít nhiều những câu chuyện lịch sử, xã hội, văn học, chính trị... liên quan đến từ ngữ nào đó.

Điều này có lợi ở chỗ, ta thấy rằng một từ đã xuất hiện không chỉ là một "xác chữ", nó còn gắn bó với đời sống sinh hoạt một thời/nhiều thời của cư dân vùng miền đó. Nếu không biết thấu đáo, ta sẽ không cảm nhận hết "phần hồn" của từ đó.

DUYÊN TRƯỜNG thực hiện

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ ra ngày 12/12/2021)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com