BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều Lưu Đình Triều: “Hấp Tinh Đại Pháp” khi tác nghiệp

Lưu Đình Triều: “Hấp Tinh Đại Pháp” khi tác nghiệp

 

btriu-1348826787_480x0LDTRIUENhà báo Lưu Đình Triều

 

Sinh thởi, trong một lần trà dư tửu hậu, nhà văn Nguyễn Quang Sáng bảo tôi: “Lớn tuổi rồi, mày nên thường xuyên giao lưu, vui chơi cùng giới trẻ. Đấy cũng là một kiểu “hấp tinh đại pháp”, để nuôi giữ sức trẻ đó Triều. Mà mày có nghe nói đến môn võ công này chưa?”. “Dạ! Trước em cũng có đọc kiếm hiệp, nên hiểu sơ sơ đó là một môn võ có thể hút công lực của người khác vào chính bản thân, để làm mạnh nội lực của mình”. “Đại khái là vậy. Còn vận dụng trong cuộc sống, nên nghĩ rộng hơn”, anh Sáng lưu ý.

Sau đó ngẫm lại, tôi ngộ ra rằng mình đã vô tình luyện "hấp tinh đại pháp” - hiểu rộng theo ý của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, kể từ khi bắt đầu làm phóng viên, đi tác nghiệp.

Tôi chính thức về Tuổi Trẻ khi đã ngoài ba mươi. Cái tuổi mà theo nhà thơ Vũ Hoàng Chương: “Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết/ Một ván cờ thua ngả bóng chiều”. Ở cái tuổi ấy và kéo dài hàng chục năm, tôi chuyên viết về thanh niên. Như lời dạy của các thầy ở trường báo, muốn viết đúng, viết sâu, tôi cần phải lăn lộn cùng thực tế, gần gũi với đối tượng càng nhiều, càng tốt. Và tôi đã thường xuyên tới lui các cơ sở Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh Niên, Nhà Văn hóa Thanh Niên thành phố, quận, huyện; đã gặp gỡ, sinh hoạt chung cùng với các bạn trẻ - tuổi thua mình có khi hơn cả giáp. Nhiều dịp Lễ, Kỷ niệm, tôi hào hứng theo các bạn đi trại xa. Lần vui chơi nào cũng vậy, tôi luôn giữ phương châm “chơi xả láng sáng về sớm”. Như lần đi trại cùng Đoàn Công ty Du lịch Thành phố tại rừng Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), lúc cần thì ghi ghi, chép chép, chụp ảnh, lúc rảnh cứ vô tư chơi. Tôi đã đu xe bò vào rừng và đêm lửa trại, cũng tình nguyện làm người rừng - mặc quần đùi, cởi trần, trên người dắt đầy cây lá, mặt bôi than, rồi diễn…

Lá còn xanh như anh đang còn trẻ… Đúng là nhiều lúc đi tác nghiệp, tôi cứ “ngộ nhận” như mình đang còn trẻ, hồn nhiên sinh hoạt cùng những chiếc lá còn xanh. Đã thế, sau vài năm viết về lá xanh, tôi lại được Ban biên tập phân công làm trang Tuổi Hồng hàng tuần. Đối tượng chính của trang này là các em tuổi mới lớn. Để trang báo, bài viết phù hợp và được đối tượng đón nhận, tôi phải cặm cụi cưa sừng ngắn hơn, nhằm dễ hòa nhập cùng nghé… Cũng do nội lực hấp thu từ Tuổi Hồng mà tôi được phân công tác nghiệp, tiếp sức Khăn Quàng Đỏ làm Mực Tím - tờ báo đầu tiên của tuổi mới lớn cả nước ngay những số đầu.

Xanh xanh… hồng hồng… tím tím... Có lẽ trong quá trình tác nghiệp, tôi đã phải thường xuyên, ngấm ngầm ôn luyện ngón võ “hấp tinh đại pháp”. Chính vì thế mà khi tuổi vàng vọt rồi, đôi lúc tôi vẫn chơi đùa, nói năng như dạo tuổi tím tím, hồng hồng, xanh xanh. Giờ đây ngồi nghiệm lại, theo lời lưu ý của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôi nhận ra rằng, nội lực của thanh niên nào chỉ mỗi sự trẻ trung. Nội lực ấy, với từng con người cụ thể còn bao hàm cả niềm tin, ý chí, nghị lực, kiến thức, ước mơ, khát vọng cống hiến v.v…

Dạo mới về Tuổi Trẻ, tôi chuyên viết về lối sống của thanh niên. Những người tốt việc tốt, nhân vật vượt khó, sống đẹp… luôn nằm trong tầm ngắm, săn tìm của tôi. Viết về những nhân vật này, cánh phóng viên thường ghi nhận, biểu dương những nổ lực vươn lên của họ (còn hạn chế nào thì cũng nêu ra để họ phấn đấu tiếp) và qua đó nhằm động viên, cổ vũ nhũng người trẻ khác noi theo, làm theo. Tôi cũng thế. Chỉ có điều trong thực tế, đôi khi, tôi lại được hấp thu nội lực của các nhân vật ấy làm hành trang để tự tin, dấn bước đi tới.

Trong đời làm báo của mình, tôi cũng đôi lần gặp trắc trở. Thậm chí có lần bị yêu cầu rời khỏi ngành nội dung, chuyển sang làm nhân viên trị sự. Trong hồi ức, tôi vẫn ghi nhớ tâm trạng lúc ấy - một sự dẫy chết về khát vọng nghề nghiệp trong tâm hồn. Tôi buồn chán, nãn lòng, muốn thả nổi cuộc đời, trôi đâu thì trôi. Nhưng rồi một chiều lang thang trong mưa, bất chợt tôi nhìn thấy một chàng trai gầy yếu đang gò lưng đạp xe chở đá cây. Hình ảnh đó làm tôi nhớ về một nhân vật của mình - Ngô Đình Đức, người bị xem như mồ côi từ bé. Mới 8 tuổi, ngày ngày Đức đi rong trên đường phố, xóm chợ, bến xe với tập vé số cầm tay. Lúc 11 tuổi, Đức làm đủ thứ việc để sống: phụ bán phở, vác gạo, xách nước thuê... Năm 16 tuổi, lui cui đạp xe đi bỏ mối nước đá từ 3g30 cho đến 9-10 giờ… Hồi ấy, tôi muốn té ngửa khi lần dò tìm đến “tư gia” của em: Một bô rác cũ, nằm dưới lô nhà cao tầng, rộng khoảng 2 m2… Hoàn cảnh cùng cực thế nhưng Đức vẫn cố gắng đeo đuổi việc học và ghi vào nhật ký một câu như châm ngôn sống của mình: “Ta vẫn cứ tin, cứ mơ, đời sẽ tốt hơn, vì không thể sống mà thiếu niềm tin”.

… Sự chợt nhớ về Ngô Đình Đức trong chiều mưa ấy, như một luồng điện dẫn truyền, thức tình trong tôi một mảng nội lực khi tiếp cận nhân vật này: tinhthần, ý chí không chịu đầu hàng số phận. Và rồi tôi lại ngẩng đầu, nhìn thẳng vào thực tế mà dấn bước.
 

Không chỉ Ngô Đình Đức, khá nhiều nhân vật của tôi, đã góp phần củng cố nhiều mảng nội lực trong tôi. Như Dương Thúy Thúy, cô gái đã giúp tôi vơi đi sự tự ti, mặc cảm về lý lịch. Cha của Thúy là một sĩ quan chế độ cũ. Theo cách nhìn hồi mới thống nhất đất nước, chủ nghĩa lý lịch đã gây khó khăn cho Thúy trên bước đường vươn lên. Dù vậy bạn vẫn không chịu thua mà quyết tâm băng qua lối đi hẹp để bước vào cổng trường đại học, rồi dự tuyển du học ở Liên Xô.

Hồi ấy trong lời kết của bài viết, tôi không giấu giếm: Cái giọng nói vừa bức xúc, vừa tự tin và đầy lạc quan của Thúy Thúy đã làm lây sang tôi niềm tin rằng cô gái này sẽ chế ngự cái được gọi là số phận… Chính Ngô Đình Đức, Dương Thúy Thúy, cùng gần cả trăm nhân vật tương tự đã giúp tôi hình thành nên quyển sách đầu tay, mang tâm nguyện mà tôi thu nhận từ các bạn: hãy bật một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối (sách Bật một que diêm).

Với tôi, đời làm báo thú vị nhất là những chuyến đi. Đặc biệt là đi đến những vùng đất lịch sử, thiêng liêng của đất nước. Năm 1984, khi vừa tốt nghiệp Đại học báo chí, tôi đã may mắn được cử đi hành nghề trên Điên Biên Phủ và liền theo đó Hà Tuyên (giờ là Hà Giang, Tuyên Quang). Ròng rã suốt 30 năm, những chuyến đi cứ nối tiếp nhau, từ Đất Mũi Cà Mau cho đến Cột Cờ Lũng Cú; từ đồi núi cao nguyên cho tới biển đảo xa. Ở từng chuyến đi, trong sổ tay của tôi, không chỉ có địa danh, thắng cảnh mà ghi nhiều và sâu đậm là những câu chuyện, những con người gắn với từng vùng đất.

Thật khó quên chuyện của những lính đảo Trường Sa (1994). Anh lính nào canh gác trong đêm mà không phát hiện được một chú vích bò vào bờ sẽ bị kỷ luật. Vích bò vào được thì địch cũng bò vào được. Bao nhiêu năm trôi qua, tôi vẫn mãi nhớ Đội sản xuất 15, Hợp tác xã Ninh Dương (huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh) - những người nông dân chân chất nhưng dũng cảm. Mỗi lần nghe tiếng pháo đề-pa bên kia bên giới, mọi người phóng liền xuống hố cá nhân đã đào sẵn ngay ven ruộng; pháo ngớt lại nhảy lên tiếp tục canh tác. Tôi cũng nhớ cả chuyến đi Hà Tĩnh, ghé qua mộ phần của 10 cô gái Thanh niên Xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc. Nhìn những gương, lượt đặt cạnh các ngôi mộ nghi ngút khói hương của chị Hường, chị Cúc, chị Tần… cảm xúc gai gai người ùa đến. Trở về, tôi đã lục tìm những câu thơ của Vương Trọng: “Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/ Ngày bom vùi tóc tay bết đất/ Nằm trong mộ rồi mái đầu chưa gội được…” đưa vào bài viết, để tô đậm thêm câu chuyện bi hùng của những cô gái tuổi 17, đôi mươi...

Nói theo Giáo sư Huỳnh Như Phương, những chuyến đi về các miền đất thiêng liêng của đất nước, gặp gỡ, sẻ chia với đồng bào mình, đó là nguồn sức mạnh trợ lực cho một ngòi bút! Còn nói theo ý của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, ít nhiều tôi đã hấp thu thêm nội lực qua từng chuyến đi.

Bao lần như một, khi đặt chân đến miền đất nào thì lúc rời đi, trong ba-lô-ký-ức của tôi lại đong đầy thêm niềm tin và sự lạc quan vào cuộc sống. Xin cảm ơn những chuyến đi, những vùng đất, những con người đã giúp tôi dần hoàn thiện chính mình!

L.Đ.T

(nguồn: Đặc san của Hội Nhà báo TP.HCM - 2019)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com