BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: BÚT KÝ DU LỊCH NƯỚC ÚC

LƯU ĐÌNH TRIỀU: BÚT KÝ DU LỊCH NƯỚC ÚC

1_sau_10_nam_Uc_1

 

Sau 10 năm, nước Úc có đổi thay?

 

Hơn 10 năm gặp lại, trong mắt tôi, nước Úc (Australia) chẳng thay đổi mấy. Cảnh quan vẫn đẹp đa dạng, đường xá vẫn nườm nượp xe… Có chăng là những khu phố, tòa nhà mang dáng dấp hiện đại mọc lên nhiều hơn. Có chăng, 2005 tôi đi Úc theo công việc, còn 2018 là đi chơi nên cảm xúc tha hồ thả rông.

Những góc nhìn khác về Nhà hát Con Sò

Như bao khách phương xa khi đến Sydney - thành phố lớn nhất nước Úc, tôi phải ghé mắt vào Nhà hát Con Sò (Sydney Opera House). Lần đầu, đứng dưới chân cầu cảng Sydney, rồi sau đó đi thuyền lướt qua, tôi thích thú  nhìn  những mảnh vỏ sò trắng chồng lên nhau tựa như những cánh buồm căng gió trên biển xanh.

Đúng y như hình ảnh quảng bá nước Úc mà ai cũng có thể thấy trên báo, tạp chí - đẹp sang trọng vả quý phái. Lần trở lại này, tôi cũng ngắm nhìn từ xa, ngồi du thuyền ngang qua và hơn thế nữa, còn được thấy Con Sò từ những góc nhìn khác.

Sau 10 năm, nước Úc có đổi thay? - Ảnh 1.

Nhà hát Con Sò trong cuộc sống đời thường - Ảnh: Lưu Đình Triều

Giữa trưa nắng, dưới bóng mát của vườn cây, tôi chậm rãi leo lên Khu Ghế Đá của bà Macquarie (Mrs. Macquarie’s Chair) và ngả người vào chiếc ghế mát lạnh do các tù nhân đẽo đá, chạm trổ tạo thành vào năm 1810.

Bắt chước phu nhân của ngài Thống đốc Macquarie ngày xưa, tôi phóng tầm nhìn, ngắm cảnh vịnh Sydney - nhánh chính của vịnh cảng Jackson đẹp nhất thế giới. Để rồi chợt nhìn thấy mảng hông của Con Sò đã bị ố, gắn trên cái nền là cầu Sydney, trông rất lạ. Do thơi gian, tác động của mưa gió, lại không phải là mặt tiền để chăm chút điểm trang, nên Con Sò hơi bị xấu ở góc nhìn này.

Sau đó, chúng tôi rảo bước đến mặt trước Con Sò, hướng nhìn ra phố. Một con đường chạy sát vịnh, dẫn vào tầng hầm. Những quán vỉa hè lố nhố. Thiên hạ tấp nập, người ngồi, kẻ đứng, đi tới đi lui rất ư là nhịp sống ngày thường. Xa xa, mấy mảnh sò vẫn há hốc bên cạnh cái eo biển xanh rờn. Không đẹp bằng góc hình Con Sò dùng quảng bá cho nước Úc song sinh động, gần gũi vô cùng.

Một tối gần 0h, dạo chơi bến cảng Sydney. Ánh đèn từ dưới hắt lên, biến những mảnh sò thành vòm mái của một cung điện lộng lẫy trên mặt nước tối đen. Lần này Con Sò như khoác một vẻ đẹp huyền bí, gợi nhớ Nghìn Lẻ Một Đêm của Ả Rập. Cùng  những quán cà phê ngoài trời còn sáng đèn, cùng các du khách lặng lẽ dạo bước, ngắm cảnh, chụp ảnh, vẻ đẹp huyền bí của Con Sò như tôn thêm lên chất lãng mạn, diệu kỳ của Vịnh Sydney ở thời điểm nửa đêm về sáng…

Một hình ảnh có tính biểu tượng nữa của nước Úc là Kangaroo, loài thú có túi.. Chưa đến Úc, tôi đã nghe thiên hạ gọi đất nước này là Vương quốc Chuột Túi. Hình ảnh loài động vật này được xuất hiện trên quốc huy Australia và đầy trên các phương tiên thông tin.

Kangaroo dễ thương đã lui về ở ẩn?

Một tối mùa xuân của Úc, tháng 11- 2005, trên đường dạo chơi vùng ngoại thành Sydney , dù chẳng có tín hiệu đèn đỏ, xe của chúng  tôi phải dừng lại. Một nhóm Kangaroo đang nhún nhảy băng qua đường.

Trên đất nước này, chuyện đó là bình thường như chuyện trâu bò nước ta đi lại ở miền quê. Tuy nhiên lần rong ruổi này, đi nhiều nơi hơn trước đây, tôi chẳng gặp một em Kangaroo nào cả. Gần cuối chuyến đi, tôi mới nhìn thấy lố nhố loài thú này trong … một cửa hàng bán đồ lưu niệm. Cô bán hàng người Việt cho biết gần đây loài chuột túi ít còn lai vãng nơi thành thị. Chúng lui về ẩn trong thiên nhiên bao la xinh đẹp….Vì sao?

Có lẽ chúng biết sợ biện pháp "giết thịt nhân đạo’ được dùng để hạn chế quân số chuột túi ngày càng gia tăng. Số liệu  năm 2016 là 46 triệu con, gấp đôi dân số nước Úc. Cô cho biết thêm, tháng 9 năm rồi, Autralia kêu gọi người dân tăng cường ăn thịt Kangaroo (khá ngon, như thịt bò) để góp phần bảo vệ hệ sinh thái. Du khách nào thích nhìn ngắm loài động vật có vú này tung tăng nhún nhảy thì xin mời ghé vào các vườn thú, nhất là Vườn thú Kangaroo…

Hơn 7 giờ tối mà những sợi nắng vàng vẫn tươi tắn trên bầu trời Melbourne. Úc đang ở thời điểm cuối hè chuyển sang thu (thu ở nước này từ đầu tháng 3 đến hết tháng 5). Trên phố lớn Swanston, nhiều cửa hàng đã đến cữ … đóng cửa. Nguyễn Hoàng Gia, một hướng dẫn viên thường xuyên đến Úc cho biết: "Ở nơi được mệnh danh Thành phố đáng sống này, thời gian mua bán cũng giống y như các tỉnh thành khác: mở trễ đóng sớm". Hèn gì, 9.30 giờ đoàn khách TP.HCM vào tham quan chợ Nữ hoàng Victoria - ngôi chợ ngoài trời lớn nhất, lâu đời nhất của bang Victoria , thì nhiều sạp vẫn chưa bày hàng xong.

Sau 10 năm, nước Úc có đổi thay? - Ảnh 2.

Trong chợ Nữ Hoàng lúc 10 giờ sáng khách vẫn thưa thớt - Ảnh: Lưu Đình Triều

Hơn 600 quầy hàng bố trí song song chạy dài theo từng nhánh hàng, từ nông sản, hải sản cho đến quần áo, đồ lưu niệm… Thực phẩm tươi ngon, nhiều hàng thời trang độc, phong cách cổ. giá phải chăng... vậy mà Nữ Hoàng vẫn không nhộn nhịp bằng chợ Bến Thành. Chưa kể chợ này lại đóng cửa vào thứ hai và thứ tư. Lạ thật! Dù sao sánh bước cùng Nữ Hoàng, tôi lại thấy thích, vì cái nhịp điệu nhẹ nhàng, hoài cổ của nó.

Những sợi nắng vàng giảm dần. Những  ngôi nhà kín cửa tăng lên. Trên vỉa hè, dòng người vẫn thoăn thoắt bước chân. Dưới lòng đường xe cộ vẫn nườm nượp. Có những đoạn, xe nối đuôi nhau nhích từng mét. Đặc biệt, xe điện (Tram) vẫn thoải mái "xình xịch" tới lui, vì có đường ray riêng đặt giữa lộ.

Nhớ lần đầu tiên đến Melbourne , một trong những thứ gây ấn tượng đậm cho tôi là những chiếc xe điện. Nó cùng với những nghệ sĩ đường phố hòa quyện, tạo một sắc màu văn hóa cổ dễ mến, khó quên.

Hơn 10 năm trở lại, biểu diễn đường phố ít gặp hơn, xe điện thì thấy nhiều hơn. Ngắm nhìn từ ngoài, mạng lưới xe điện lớn nhất thế giới này, rất ư là technicolor – nhiều sắc màu hào nhoáng từ trắng, vàng cho đến xanh, nâu. Theo chân Phương Thoa, một sinh viên Việt đang học ở Mellbourne, chúng tôi nhanh chân bước lên một chiếc xe điện để có thể tìm thêm cảm xúc về  loại giao thông phổ biến của thành phố này.

Trên xe, khách hơi đông nên nhóm chúng tôi, có người ngồi ghế đệm lịch sự, có người  phải đứng bám vào thanh vịn, y như đi xe bus.

Sau 10 năm, nước Úc có đổi thay? - Ảnh 3.

Xe điện trên đường phố Melbourne - Ảnh: Lưu Đình Triều

Xe chạy không nhanh như tàu điện ngầm (Train), nhưng độ rung lắc có lẽ chẳng kém. Mỗi khi chuẩn bị tới trạm dừng, xe luôn phát loa thông báo trước cho khách biết. Nghe nói cách nay hai năm, xe điện Melbourne đã bắt đầu thử nghiệm thông báo bằng tiếng Việt ở những khu vực có nhiều người Việt sinh sống. Xem ra người mình cũng "có giá " đấy chứ..

Sau 10 năm, nước Úc có đổi thay? - Ảnh 4.

Xe điện trên phố - Ảnh: Lưu Đình Triều

Xe chạy tới một trạm gần giữa trung tâm thành phố, Phương Thoa ra dấu hiệu bước xuống. Lại đi bộ , vẫn theo hướng chạy của xe điện, để đến một quán ăn tối. Phải xử lý tình huống giao thông như thế, theo cô sinh viên là vì trạm vừa rồi đã tới giới hạn của tuyến đường đi …không mất tiền. Á à, khách xa lâu ngày ghé qua chơi cứ tưởng xe điện miễn phí tất tần tật ở mọi điểm đi, đến chứ..

Quán ăn Hoa và bia Úc

Quán ăn người Hoa mà chúng tôi ghé vào, dù nằm tuốt trên một tầng lầu tĩnh mịch song khá sang trọng.  Món gọi không phải  sơn hào hải vị - một cá bống mú chưng tương, một dĩa vịt quay cuốn, một chén cơm chiên (dùng chung) cùng một xửng há cảo. Thức uống  là … ba bình trà. Tình thật ăn xong tôi không thấy no, nhưng hóa đơn đưa ra đã tạo cảm giác cứng đơ cuống họng. Trời ạ, bữa ăn như thế mà lại 740 đô Úc , hơn 13 triệu đồng Việt (một đô Úc khoảng 18.000 đồng). Dù sao điều đó đã thể hiện đúng tình hình vật giá ở Úc.

Nhớ hôm đầu tiên dạo chợ, nhiều khách Việt đã hơi sửng sốt trước giá 1,8 đô/ chai nước suối . Khi đó một du khách có giải thích rằng, cái đại lục to lớn nằm giữa biển này có thể tích nước chiếm chưa tới 1% diện tích đất. Trời lại khô hạn liên tục nên chính phủ Úc phải ra một luật riêng về tiết kiệm nước.cũng như tăng giá nước. Với những du khách quen dùng nước giải khát có men thì lại càng thẳng.

Đêm đầu tiên sau một ngày nhẹ bước ở phố thị, tôi đã thả rông trên đường phố tìm một chai bia. Thua trắng ! Bác tài Dũng – người Việt sống ở Úc đã gần 40 năm cho biết việc mua bán bia ỏ đây phải có giấy phép. Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị đều tuyệt đối không bán bia. Cũng từ chỉ dẫn của ông Dũng, đêm Úc, dù ở thành phố nào chăng nữa, tôi cũng mò xuống phòng tiếp tân khách sạn, khai tên và số phòng của mình, cho cô nhân viên kiểm tra, để có thể  nhận lấy một chai bia Úc giá từ  6 đến 8 đô.

Rồi đúng kiểu một anh chàng lữ khách lãng mạn, tôi xách chai bia ra ngồi trên ghế đá vỉa hè. Ở nơi đó, tôi có thể vừa nhâm nhi vùa " nhớ nhà châm điếu thuốc khói huyền bay lên cây...".  Phải thế thôi, du khách ơi. Autralia là quốc gia cấm thuốc lá nghiêm nhặt. Cấm nơi công cộng và cả trong nhà hàng, quán xá. Nên ai mà chưa bỏ được thứ độc hại này thi bò ra đường thôi!

Sau 10 năm, nước Úc có đổi thay? - Ảnh 5.

Hơn 19 g nhưng ánh chiều vẫn chiếu sáng cảng Sydney - Ảnh: Lưu Đình Triều

L.Đ.T

Đến Úc... coi vàng và học đãi vàng

 

Mấy mươi năm cuộc đời rồi mà tôi chưa biết đãi vàng là như thế nào. Được hay không được đều thú vị… Đoàn chúng tôi rời Melbourne trực chỉ thành phố vàng Ballarat và trên đường đi ghé một nhà vườn.

Tấm bảng lớn đặt ngay trước lối vào nông trại Naturipe ghi rõ: đã hết mùa cherry, còn quả đào chưa lớn. Kề bên là: táo 3.50 đô la/kg và dâu 11 đô la/kg. Đấy là giá cho quả hái mang về. Ăn tại chỗ thì thoải mái, ít nhiều gì cũng không mất tiền.

Đến Úc... coi vàng và học đãi vàng - Ảnh 1.

Vừa ăn dâu miễn phí vừa hái mua về - Ảnh: LDT

Bước qua cánh cửa nhỏ, khách đối mặt với một vườn cây bao la, tít tắp. Chớm thu, một số cây bắt đầu vàng lá. Những quả dâu lớn làm trĩu cành. Táo thì đầy ắp. Xanh có, đỏ có. Nhìn đống táo rụng vô số dưới đất mà thấy tiếc. Một đôi vợ chồng trẻ người Hàn cho đứa con nhỏ nghịch ngợm, chơi đá bóng táo. Một đôi vợ chồng Hoa lớn tuổi, vươn người trên xe đẩy chọn hái táo bỏ lên xe.

Đến Úc... coi vàng và học đãi vàng - Ảnh 2.

Táo chín rụng rơi đầy trong vườn - Ảnh: LĐT

Được ăn "chùa" nhưng khách nào cũng giống khách nào, săm soi chọn quả tươi, to, ngắt, phủi sạch rồi cho ngay vào miệng. Ăn kiểu này không biết có vệ sinh không nhỉ? Nhưng ai cũng ăn thì tôi cũng ăn. Dâu còn xơi được mấy quả, chứ táo thì một, hai là hết hơi… Len lỏi trong vườn hái trái kiểu này xem ra chỉ là phút thư giãn trước khi vào cuộc chơi lớn - đãi vàng.

Tròn mắt nhìn vàng

"Khoảng 20.000 người đã tới kiếm vàng trong những đường hầm của Goldfields Ballarat’. Đó là chuyện của năm 1851 mà tôi biết được khi vào Bảo tàng vàng, ngay lối lên Đồi Sovereign. 30 phút dạo quanh ngắn ngủi cũng đủ cho tôi nhìn thấy cơ man là vàng. Cám vàng. Bụi vàng. Hạt vàng. Thỏi vàng. Sách, dĩa, cốc rượu mạ vàng…. Nhiều cặp mắt tròn xoe khi nhìn thấy cục vàng nặng 4,4 kg.

Có những cục vàng dính liền trong vách đá song vẫn chói ngời, thu hút nhiều người chọn làm phông chụp ảnh… lấy hên. Nhiều hiện vật trưng bày trong bảo tàng giúp người xem hiểu biết thêm những ứng dụng của vàng trong suốt lịch sử.

Lạc bước trong mớ ứng dụng ấy, nhiều quý cô quý bà vẫn kịp tỉnh lại, dừng lâu trước những loại trang sức lóng lánh cổ xưa, lạ mắt..

Ngắm, tìm hiểu lịch sử khai thác vàng vàng trong Bảo tàng xong, chúng tôi thả bộ, đi đến Khu mỏ Sovereign Hill Quart Mine - nơi phục dựng phong trào tìm vàng tại Ballarat xưa kia.

Học đãi vàng

Giá vào tham quan "học nghề" đào đãi vàng của một lượt đi là 55.50 đô la. Không rẻ lắm nhưng khách vào cứ nườm nượp, nên có nhiều đoàn phải sắp hàng chờ.    Thị trấn Ballarat của cách đây hơn 160 năm, giờ được thiết kế, tạo dựng lại y như thật. Những ngôi nhà gỗ mang dáng dấp miền Viễn Tây nằm liền kề nhau. Đây là tiệm chụp ảnh, có trưng bày những ảnh cũ xưa. Kia là Nhà hát Victoria mà ngay cửa vào có ghi  yêu cầu: không mang đồ ăn thức uống vào trong rạp. Quán rượu tất nhiên không thể thiếu đối với người đào vàng.

 

Đến Úc... coi vàng và học đãi vàng - Ảnh 3.

Du khách chuẩn bị bước vào tour Hầm mỏ - Ảnh: LĐT

Thỉnh thoảng trên tường nhà có dán các tờ quảng cáo, chỉ chữ và tranh vẽ như:  cuộc đua ngựa lúc 6h chiều ngày 13 tháng 9. 1855; tiệm làm răng của nha sĩ Mr. S. DeSaxe; Tiệm ăn tối Eagle… Lác đác cũng có vài lệnh truy nã dán xen kẽ. Các cư dân ngày ấy, giờ được nhân viên khu du lịch nhập vai, cũng xuất hiện trên phố khá nhiều.

Những phụ nữ xúng xính trong chiếc váy xòe dài rộng, cổ cao. Đàn ông thì quần bó, nón rộng vành kiểu Úc… Họ đứng, ngồi hai bên đường chính. Thỉnh thoảng lại đàn hát, diễn trò cho khách mua vui. Điểm thêm chút hương vị hồi ấy là những chiếc xe song mã chạy lóc cóc trên đường…

Đến Úc... coi vàng và học đãi vàng - Ảnh 4.

Du khách xem người xưa diễn lại một nét sinh hoạt trong cuộc sống cách nay hơn trăm năm - Ảnh: LĐT

Chúng tôi cũng như nhiều du khách khác chỉ dừng chân đôi chút cho thỏa sự tò mò rồi đi sâu vào trong khu vực hầm mỏ. Cô nhân viên Lauren xếp chúng tôi vào từng hàng ghế ngồi, đóng cửa rào lại và vói tay kéo cầu dao. Chiếc xe ròng rọc rùng rùng lao nhanh xuống dốc. Hai bên đường tối om, lại ẩm mốc và lạnh lẽo. Xuống đến độ sâu 20 m so với mặt đất, những ánh đèn dầu leo loét mới dần hiện ra.

Xe dừng. Khách nối đuôi theo Lauren, dò dẫm bước đi trong ánh sáng nhờ nhờ. Cái cảm giác của người thợ đào vàng trong bầu không gian tối tăm, ngột ngạt vì thiếu oxy dường như đã thấm vào tôi.

Cảm giác ấy càng tăng lên, khi ở một góc hầm, khách chen chúc đứng, ngồi, xem những thước phim tài liệu về công việc thường ngày của  thợ mỏ dưới hầm… Đó là công việc đã bắt đầu có tính công nghệ cao thời ấy, với máy nghiền quặng ầm ầm, cùng những máy khoan rít lên dinh tai, nhức óc...

Đến Úc... coi vàng và học đãi vàng - Ảnh 5.

Chăm chú đãi vàng với hy vọng mong manh - Ảnh: LĐTĐến Úc, xem biển hát và săn tìm cá heo

Du khách chỉ "nhập hầm" để biết, để chia sẻ cùng thợ mỏ. Còn riêng cái việc tìm vàng bằng tay thì khách được trải nghiệm cụ thể y như người xưa. Từ trên cao, chúng tôi băng qua những túp lều tranh, xuống cầu thang gỗ để đến bên suối đãi vàng. Khách Tây, khách ta, già trẻ lớn bé đều nhanh tay tìm cuốc xẻng, thau chậu lọc cát. Họ hồ hởi xúc, đãi.

Một bé gái người Úc đang cầm xẻng, xúc giúp tôi 2 xẻng đất đá vào cái chậu bị móp méo khá nhiều. Tôi nghiêng chậu, hứng lấy dòng suối chảy qua ba tầng nấc, rồi lắc lắc, nghiêng chậu, cho nước chảy ra. Chỉ có những hạt sỏi đá sạch bóng hiện ra. Ánh vàng không thấy. Tôi bắt chước ông khách kế bên, dùng chậu xúc sâu xuống dáy suối. Lại động tác như cũ và "Vàng ơi, sao cứ mãi xa!".

Một cô Tây cũng nhiều lần "dang dở" nên nhoài người, xúc đất giữa lòng suối. Cô rây rây và hét lên. Mọi cặp mắt dồn vào cái chậu của cô. Một tích tắc ngộ nhận. Ở trong đấy, có một hạt đá khá lóng lánh nhưng lại màu nâu sáng…

Đến Úc... coi vàng và học đãi vàng - Ảnh 6.

Toàn cảnh khu vực đãi vàng nhìn từ trên cao - Ảnh: LĐT

Đội ngũ đãi vàng cứ kiên trì làm việc. Đúng là như một trò chơi kiếm tìm mà tỷ lệ tìm và thấy gần như  0%.  Sau 20 phút đãi vàng, tôi mới phát hiện ra bí quyết đi đãi vàng và tìm thấy vàng với tỷ lệ 100%. Đấy là lúc tôi tạt qua của hàng lưu niệm, mua lấy một lọ nhỏ lấp lánh những hạt bụi vàng li ti, giá 12,99 đô la, ha ha. Cũng có cái để mà kỷ niệm chuyến đi tìm vàng ấy chứ !.

L.Đ.T

Đến Úc, xem biển hát và săn tìm cá heo

 

"Muốn đi hết bờ biển nước Úc phải mất 27 năm. Cho nên, với thời gian một ngày, đoàn chúng ta sẽ đến Vịnh Jervis nổi tiếng với những bãi biển tuyệt vời". Anh hướng dẫn vào đề dí dỏm, khi bắt đầu ngày hành trình gần lại với biển.

Rời Sydney, chạy khoảng một tiếng rưỡi, xe đổ ịch trên một ngọn đồi cao lộng gió. Biển xanh rì rào tiếng hát bên những vách nham thạch nâu sẫm. Vài đôi tình nhân trẻ, già rảo bước theo những con đường ngoằn ngoèo lát gạch, lên cao, xuống thấp. Vài cậu bé lặng lẽ chơi trò xếp gạch dưới gốc cây cổ thụ. Những con én biển lượn bay đôi vòng, rồi hạ cánh, lững thững bách bộ trên đồng cỏ xanh. Xa xa, những chiếc tàu đánh cá bập bềnh trên sóng nước… Một không khí thanh bình đến tuyệt vời.

Kiama - nơi sóng biển hát cùng với đá

Hùa theo đám đông, tôi thả dốc và nhìn thấy tấm biển ghi hàng chữ Kiama Blowhole (Lỗ Phun nước Kiama). Kiama, cái tên nghe quen quen... Tự vỗ đầu, không nhớ nổi. Thôi gõ đầu ông Google vậy.

Đến Úc, xem biển hát và săn tìm cá heo - Ảnh 1.

Du khách trẻ tung mình tận hưởng không khí trong lành của Kiama - Ảnh: M. Hương

À à… Đây là thành phố được mệnh danh là sạch nhất Australia và là thành phố kết nghĩa với Hội An. Cách nay đúng 10 năm, hai thành phố nhỏ nổi tiếng về sắc thái riêng đã ký kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục đào tạo, du lịch, văn hóa thể thao… Cái "duyên" với Việt Nam của Kiama không chỉ có thế. Thành phố này đã từng thượng cờ Việt nhân kỷ niệm Ngày quốc khánh của ta.

Anh hướng dẫn còn thông tin một số doanh nghiệp cùng người dân Kiama đã nhiều lần quyên góp tiền ủng hộ trẻ em sứt môi, hở hàm ếch ở Việt Nam … Kiama giờ đã là một điểm du lịch nổi tiếng của bang New South Wale.  Cái tên Kiama có nghĩa là nơi sóng biển gặp đá tạo nên tiếng động.

Du khách đến đây gần như không ai bỏ qua cái giao điểm thú vị ấy. Tôi cùng nhiều du khách đổ ra, đứng trên một ban công cao, nhìn xuống, chờ đợi. Lỗ phun nước như một cái hang đá trống toác nên còn được gọi là Hang Gió.

Du khách không phải chờ đợi lâu. Tôi canh đồng hồ, chưa đầy một phút, từ dưới hốc đá sâu, nước biển ùa vào, tạo áp suất đẩy bật lên cột nước trắng xóa. Nước bắn tung tóe, kèm theo âm thanh vang dội, khiến một số du khách phấn khích vỗ tay, hò reo như thể đang xem bắn pháo hoa..

Một số du khách khác lấy máy ảnh, điện thoại ra kiên nhẫn ngắm chờ, chộp lấy khoảnh khắc thú vị mà khó thấy ở các bãi biển khác. Lần này chỉ 30 giây, biển lại hát ầm lên và sóng dâng trào. Cứ thế màn bắn pháo hoa dưới mặt biển liên tục diễn ra…

Nghe nói, màn biểu diễn đơn giản mà tuyệt tác này đã thu hút hơn 600 ngàn khách tìm đến mỗi năm. Tiếng là thành phố, nhưng Kiama rất bé, chỉ như một thị trấn. Nếu không dừng chân, ghé quán cà phê vỉa hè, thưởng thức hương vị biển hay "thể dục thẩm mỹ" trên đồng cỏ, thì khách đi dăm chục phút lại trở về chốn cũ.

Nhưng Kiama chưa phải là lãnh thổ bé nhất nước Úc. Danh hiệu đơn vị hành chính nhỏ nhất trực thuộc chính quyền Liên bang Úc  thuộc về Vịnh Jervis. Diện tích đất liền chỉ vỏn vẹn 65,7 km2, trong khi Úc có tới 7, 74 triệu km2.

Đến Úc, xem biển hát và săn tìm cá heo - Ảnh 2.

"Trên xe dưới thuyền" là chuyện thường ngày ở Vịnh Jervis - Ảnh: M.Hương

Chúng tôi đến khu vực trung tâm Vịnh đúng giữa Ngọ. Một tiếng đồng hồ để  thưởng thức món Fish and Chip - cá và khoai tây chiên. Đây là món ăn truyền thống của người Anh rồi trở thành món ăn ưa thích của người Úc. Còn với du khách Á thì tùy khẩu vị mỗi người.

Sau đó, chẳng còn thời gian để bơi lặn, vào tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên hay động vật hoang dã mà chúng tôi trực chỉ xuống du thuyền Extreme   Tàu vừa rời cảng đập vào mắt du khách là một  mặt nước màu ngọc lam trong vắt ngút ngàn và một bờ cát trắng, cùng những hàng cây xanh chạy dài trên một hòn đảo nhỏ dọc bên hông tàu... Việt Nam ta có những bãi biển, vịnh biển cực đẹp, nhưng phải công nhận là cảnh quan vùng biển này khá ấn tượng.

Đến Úc, xem biển hát và săn tìm cá heo - Ảnh 3.

Vịnh Jervvis - Ảnh: M.hương

Chào cá heo mang đến vận may

Với tôi, đó là nét đẹp thật tinh khiết. Khoảnh khắc bị vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ ấy, kéo dài không bao lâu vì tàu đã di chuyển vào sâu trong vùng biển. Tôi chạy lên tầng trên, ngồi sát bên buồng lái để chia sẻ việc quan sát, săn tìm. Thuyền trưởng Darry có vẻ ung dung trước tay lái. Ông liên tục vừa  theo dõi màn hình máy tính, vừa đưa ống dòm quan sát mặt biển.

Thời gian lặng lẽ trôi qua trong sự chờ đợi. Trước đó, bảng thông tin hành trình có ghi rõ "Quý khách lên du thuyền để tham quan xung quanh vịnh Jervis, nếu may mắn quý khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn những chú cá heo, cá voi đang tung tăng bơi lội trong môi trường hoàn toàn tự nhiên…"

Một nữ thủy thủ tươi trẻ khỏe cho biết mùa này không có cá voi. Liệu đoàn chúng tôi có chút may mắn nào nhìn thấy cá heo bơi lội hay phải quay về bờ mà chẳng thấy gì như khách đi trên chiếc du thuyền trước đó??

13h40. Tiếng loa vang lên, thông báo có một đàn cá heo ở phía trước vừa ngoi lên và đã lặn xuống rồi. Quý khách hãy đợi vài phút! 13h47, chính thuyền trưởng Darry thông tin: có một đàn cá heo đang bơi về hướng bắc. Chúng đang bơi tản ra…

Hồi hộp chờ đợi… 13h50 đông đảo khán giả, trong đó có tôi, nôn nao đổ ra mũi tàu tầng dưới để gần mặt biển hơn….Ô…Ô.. tiếng hò reo vang lên. Tôi căng mắt ra, chỉ kịp thấy một cái đuôi xám đen vẫy lên rồi chìm ngay xuống mặt biển. Hai phút sau lại có ba con phóng lên trên mặt nước và chìm xuống cũng rất nhanh. Loài động vật có vú này được tạo hóa ban cho một thân xác hình thoi suôn tối ưu, nên đúng là bơi với tốc độ cao.

Tôi đã canh sẵn máy, nhưng chỉ chệch điểm biểu diễn vài mét thôi nên không chụp được chúng trong tư thế gần nguyên con trên mặt nước. Biển lại lặng im. Tàu rẽ phải. Tôi cũng di chuyển qua mạn phải tàu. Cách không xa có một  chiếc du thuyền đang băng băng tiến tới. Khách bên đó cũng nhiều người đổ dồn ra mũi tàu, săn ảnh.  Khoảng cách hai tàu gần lại. Tôi chĩa máy hướng mạn tàu kia hy vọng vồ được chú cá heo nào gắn với chiếc tàu cùng du khách cho ảnh sinh động hơn. Nhưng tàu bạn lướt qua mà chẳng có anh, chị cá heo nào xuất hiện. Tôi định cất máy thì bất ngờ một cặp đôi hoàn hảo tung mình lên không và tôi chỉ kịp thu vào chiếc điện  thọại của mình sóng lưng của chúng bập bềnh dưới một làn sóng mỏng. Đó cũng là cặp đôi điệu nghệ ra chào tạm biệt những người ái mộ chúng.

Đến Úc, xem biển hát và săn tìm cá heo - Ảnh 4.

Cặp đôi cá heo chào tiễn khách: Ảnh: L.Đ.T

Đã lâu lắm rồi, dễ cũng 20 năm, đi Thái Lan, tôi từng nhìn thấy rõ hình, rõ nét của cá heo, khi xem chúng diễn xiếc trong  vườn thú Safari world. Tôi cũng nhiều lần nhìn rõ mồn một cá heo tung mình trên không, khi xem phim. Song rõ ràng việc xem cá heo ở đây, có nhiều yếu tố thu hút: Biển thực. Dõi tìm. Canh thời điểm. Hồi hộp chờ đợi và hên xui. Những yếu tố ấy cộng lại đã tạo nên sức hấp dẫn cho chuyến  trải nghiệm  trên  Vịnh Jervis.

Gần 15h tàu chúng tôi cặp bến. Lại có những tàu khác tiếp tục đưa du khách săn tìm cá heo. Họ hên hay xui? - Hãy đợi đấy!

LƯU ĐÌNH TRIỀU

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com