BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Đào Tấn - ông vua của nghệ thuật tuồng

Đào Tấn - ông vua của nghệ thuật tuồng

DAOTANONGVUA-NGHETHUAT-TUONG

Đào Tấn tự Chỉ Thúc, hiệu Mộng Mai, Mai Tăng - là nhà thơ, nhà từ khúc, nhà soạn tuồng xuất sắc của đất Bình Định, được sân khấu hát bội cả nước tôn vinh là Hậu Tổ. Ông sinh ngày  3.4.1845 tại làng Vinh Thạnh, tổng Nhơn Ân, phủ Tuy Phước (Bình Định). Từ thuở nhỏ, ông được thụ giáo với thầy Nguyễn Diêu - tác giả của nhiều vở tuồng như Ngũ hổ bình Liêu, Võ Tam Tư chém cáo... chịu ảnh hưởng của thầy nên lúc còn đi học, ông cũng đã tập viết tuồng. Một trong những vở tuồng đầu tiên ông viết năm 19 tuổi còn lưu lại đến ngày nay là Tân Dã đồn.

Cả đời cầm bút, Đào Tấn đã viết trên 30 vở tuồng mà sau này nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký đã nhận định: “So với những vở tuồng đã viết trước thời ông, thì Đào Tấn đã phá vỡ và đưa con người gần với cuộc sống hơn, mang tính chất mới của chủ nghĩa lãng mạn. Việc này ông Nguyễn Diêu (thường gọi là tú tài Nhơn Ân) đã làm, đến Đào Tấn thì mới đứng vững và thành trào lưu; nhân vật chính của Đào Tấn không phải là con người cung đình. Văn tuồng Đào Tấn rất hay, ông đã nâng văn tuồng lên mức văn học”. Còn nhà thơ Xuân Diệu lại nhìn thấy: “Người viết tuồng Đào Tấn và người làm từ khúc Đào Tấn là một, có người tâm hồn bên trong dào dạt mà viết từ, mới có người hành động xã hội bằng viết tuồng. Người viết tuồng Đào Tấn phấn đấu để viết tuồng cho tốt, cho có tác dụng xã hội, đồng thời người làm từ Đào Tấn lắng nghe tâm hồn mình, tâm trạng mình...”.

Năm 22 tuổi, Đào Tấn thi đậu cử nhân, bốn năm sau ông được giữ chức Kiểm tịch rồi sung chức Hiệu thư ở Huế. Tài năng của ông đã phát tiết trong thời gian này, ông đã soạn thảo các kịch bản tuồng theo mệnh lệnh của vua Tự Đức như Đảng khấu, Bình địch, Tam bảo thái giám thủ biểu... Năm 29 tuổi ông được thăng chức Biên tu rồi được bổ nhiệm làm tri phủ Quảng Trạch. Sau đó, ông còn đảm nhậm nhiều trọng trách khác. Năm 33 tuổi Đào Tấn đã phụng sắc các vở tuồng như Từ quốc lai vương, Quần trân hiến thụy và hoàn thành vở Vạn bửu trình tường.

Cuộc đời làm quan của Đào Tấn khá suông sẻ, suốt 30 năm trong chốn quan trường - trừ hai lần đi làm Tổng đốc An Tịnh (10 năm), làm Tri phủ Quảng Trạch (2 năm) thì ông đã sống trọn vẹn ở Huế 18 năm. Sau khi vua Tự Đức băng hà, ông xin treo ấn từ quan. Nhưng rồi lúc Đồng Khánh lên ngôi, ông được gọi ra làm quan trở lại, nói như nhà thơ Hoàng Trung Thông: “làm quan là cái xác, làm thơ là cái hồn”. Bất đắc dĩ phải làm quan, ông đã trút tâm sự qua câu đối đề tại quan xá của mình (dịch nghĩa): “Vua nhắm sức kẻ bày tôi mà giao việc/ Còn kẻ tiểu nhân này có mẹ, vì phải nuôi mẹ mà đã làm quan”.

Và khi làm quan thái độ của ông đối với hiện tình đất nước thật rạch ròi, minh bạch. Lúc ngồi ghế Phủ doãn Thừa Thiên, ông đã nhiều lần bộc bạch tâm sự ghét Tây và bọn theo Tây hà hiếp nhân dân. Bọn quan nhu nhược nhiều lần khuyên can ông: “Bực tức mà làm gì? Không khéo ông Phủ cũng mất chức thôi. Ông cứ lo soạn tuồng chứ hơi đâu mà để ý vào những chuyện nhiễu nhương đó?”. Vốn là người khí khái, nghe vậy, ông đập bàn quát lớn: “Sống ở đời thấy chuyện ngang trái không trị thì còn mặt mũi nào dạy dỗ thiên hạ trong tuồng?”.

Trong tác phẩm L'Empire d'Annam của đại úy Charles Gosselin từ trang 465 đến 468 có đoạn hội kiến với Đào Tấn. Tác giả viết: “Với chủ nhân ông cao đàm phong lưu như Đào tổng đốc, thì cuộc đàm thoại không bao giờ nguôi, càng ngồi nói chuyện lâu càng thêm hứng thú. Đại nhơn biết tôi thích nghe chuyện nước nhà, chuyện xẩy ra trong xứ, nên đại nhơn vẫn chọn những đề tài như vậy đem ra bàn bạc, nên cuộc hội diện hôm nay lấy làm phấn khởi. Đào Tấn đại nhơn vốn là một cựu thần túc nho, khi tiên đế Tự Đức còn tại vị vẫn mười phần ưu ái, ba phen giữ trọng nhiệm Thượng thư trong nhiều triều đại liên tiếp, đại nhơn vẫn chủ trương hợp tác vì dư biết hai nước bắt tay nhau càng thêm có lợi cho cả đôi bên. Một đời tận tụy trong nhiều chức vụ quan trọng, Đào Tấn vẫn tay trắng thanh bần, bao nhiêu ấy đủ danh thơm hậu thế và làm cho đại nhơn vượt lên trên hẳn nhiều đồng liêu khác ít được gương mẫu như đại nhơn”.

Có lẽ tác giả bài viết này vẫn chưa hiểu rằng, Đào Tấn vượt lên các đồng liêu khác, còn chính ở thái độ của ông đối với thời cuộc. Dù không trực tiếp tham gia kháng chiến nhưng Đào Tấn là vị quan có tinh thần ái quốc và trực tiếp giúp đỡ những người kháng chiến.

Vào năm 1901 nhân ngày quốc khánh Pháp 14.7, Phan Bội Châu cùng các đồng chí của mình có kế hoạch cướp vũ khí của giặc để đánh thành Nghệ An. Do bị điềm chỉ, công việc bại lộ. Bấy giờ Đào Tấn là Tổng đốc Nghệ An ra sức che chở, nếu không thì Phan Bội Châu đã bị bắt. Tháng 11.1902 để bắt liên lạc với các đồng chí, Phan Bội Châu đã xin Tổng đốc Đào Tấn giấy thông hành đi khắp Bắc Kỳ, nhờ vậy cụ Phan mới làm được công việc của mình. Rồi khi anh hùng Phan Đình Phùng tạ thế, nhân danh sĩ phu Nghệ An, Đào Tấn đã viết câu đối khóc “đấng trượng phu” mà “trời đất cổ kim còn mãi” và khẳng định: “Rõ thật tùng mai khí tiết, tinh thần một thác sáng trăng sao”. Ngoài việc che chở cho những người kháng chiến, Đào Tấn còn khẳng khái làm thơ khóc những người hy sinh vì nước như Hoàng Kế Viêm, Hoàng Diệu...

Rõ ràng, Đào Tấn đã sống và hành động như những nhân vật anh hùng trong các vở tuồng mà ông đã viết. Nhà thơ Xuân Diệu từng nói: “Tình hình nước nhà lúc ấy, là nước đã mất, nhiều cuộc khởi nghĩa đã thất bại, vô hạn khó khăn đang bao bọc những người yêu nước, cứu nước. Tuồng Đào Tấn đã giáo dục một cách kiên trì sự bền bỉ chiến đấu, sự trong sáng hy sinh”. Những câu hát trong tuồng của ông như: “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vây”; hoặc “Tấm thân liều gởi cung dâu/ Đố con lương mã biết đâu là nhà?”; hoặc:

Quạnh quẽ tình riêng dạ khó khuây,

Chày sương lộp độp trống canh chầy.

Ngựa hồ hí gió nghe dồn dập,

Giọt lệ hùng anh gạt lại đầy.

đã ít nhiều phản ánh tâm trạng của chính ông muốn gửi lại cho người đương thời và hậu thế.

Có thể nói, trong suốt cuộc đời làm quan, chưa bao giờ Đào Tấn rời cây bút và trường hát. Ông là người đầu tiên thành lập các đội tuồng chuyên nghiệp - họ được hưởng lương và cấp bậc. Ông cũng là người đầu tiên mở trường đào tạo diễn viên chính quy ở Nghệ An, Bình Định... Điều này đã tạo thành một hệ thống, một phong cách hoàn chỉnh nhằm nâng cao nghệ thuật diễn tuồng. Trường dạy nghề hát bội của Đào Tấn có tên Học bộ đình và rạp hát do ông xây dựng có tên Như thị quan. Trước cửa rạp ông đã cho treo câu đối để gửi tâm sự của mình và đó cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của Đào Tấn (Xuân Diệu dịch):

Trời chẳng cho nhàn, tìm chút thảnh thơi trong bận rộn;

Việc đời như kịch, chớ cười trong giả ấy không chân.

Và phương châm nghệ thuật của ông là “Tùy xứ khôi hài/ Phùng trường tác hý” nghĩa là: Tùy chỗ, tùy đối tượng mà hài hước, châm biếm, chứ không nên hài hước, châm biếm lung tung. Tùy hoàn cảnh sân khấu mà diễn, mà viết, mà xử lý nghệ thuật cho thích hợp (Vũ Ngọc Liễn dịch nghĩa).

Trong thời gian ở Nghệ An (1889-1893), Đào Tấn đã sửa tuồng Tam nữ đồ vương và đổi tựa thành Khuê các anh hùng, rồi chỉnh lý lại các vở tuồng Sơn Hậu, Phi Phụng v.v... Sức làm việc của ông thật khủng khiếp, ngoài mấy trăm bài thơ, từ khúc còn có tới khoảng 30 vở tuồng mà Đào Tấn để lại cho hậu thế. Có những vở dài đến 100 hồi, diễn tới 100 đêm như Vạn bửu trình tường, Quần trân hiến thụy. Chính vua Tự Đức - một ông vua hay chữ - cũng phải nghiêng mình thán phục là “bút pháp như thần”. Sức sáng tạo tuyệt vời của ông, cho đến nay vẫn chưa có mấy ai sánh kịp. Không phải ngẫu nhiên, lớp hậu sinh đã gọi Đào Tấn là “ông vua của nghệ thuật tuồng”. Ngoài việc sáng tác tuồng là hoạt động nghệ thuật chủ yếu, ông còn sáng tác nhiều thơ văn được tập hợp lại trong các tập Mộng Mai ngâm thảo, Mộng Mai thi tồn, Mộng Mai từ lục, Mộng Mai văn sao.

Năm 1904, lúc tròn 60 xuân, nhân có chuyện xích mích với Nguyễn Thân - Thượng thư bộ lại - Đào Tấn xin về hưu. Từ đấy, ông trở lại quê nhà, vẫn lấy việc nuôi dạy kép hát làm vui. Lúc về hưu, triều đình Huế cấp cho ông bốn mẫu lộc điền. Với số ruộng này thì gia đình ông có thể sống ung dung, nhưng vì phải cưu mang thêm hơn hai mươi kép hát nên ông mới bán dần đi. Sau đó, ông lại rủ thêm những quan hưu khác cùng quê vỡ hoang vùng đầm nước mặn làng Huỳnh Giảng (xã Phước Hòa ngày nay) thành đồng ruộng để canh tác. Ruộng này được gọi tên là: “Quy canh” - đồng ruộng của những ông quan về đi cày. Lại có giai thoại kể rằng: nhân ngày giỗ cha, Đào Tấn không mâm cao cỗ đầy như những nhà giàu khác mà bằng chính thành quả lao động nghệ thuật của mình. Ông đã giỗ cha bằng cách cho các nghệ sĩ trong Học bộ đình ở Vinh Thanh biểu diễn vở tuồng do chính ông sáng tác.

Nếu nhà thơ tài hoa Cao Bá Quát tự nhận “Nhất sinh đê thủ bái hoa mai” (suốt đời chỉ cúi đầu trước hoa mai) thì Đào Tấn cũng có ước nguyện như thế. Ông đặt tên hiệu là Mộng Mai, đặt tên vườn là Mai với câu đối (dịch):

Dùng chữ của tên mình đặt tên cái vườn,

Vừa có duyên phận, vừa có tình ý.

Và tâm sự:

Núi Mai rồi giữ xương Mai nhé,

Ước mộng hồn ta là đóa Mai.

Ngày rằm tháng 7 năm 1907 ông vua của nghệ thuật tuồng, nghệ sĩ Đào Tấn, đã nhắm mắt xuôi tay, từ giã cuộc đời, thọ 63 xuân. Đúng như ước nguyện, ông được an táng trên núi Huỳnh Mai - cách vườn mai của ông chừng vài cây số.

Từ nhiều năm nay, đã có nhiều hội nghị khoa học nghiên cứu về Đào Tấn được tổ chức. Trong tập Kỷ yếu Đào Tấn nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc (Ty VHTT Nghĩa Bình XB 1978), các tác giả đã phân tích được những nét lớn trong sự nghiệp sáng tác của Đào Tấn. Đó là so với tuồng cổ, Đào Tấn xây dựng được những nhân vật gần với cuộc sống hơn. Tác phẩm của ông phản ánh được hiện thực lịch sử thời đại, đáp ứng được yêu cầu của thời đại và nâng văn học tuồng lên một trình độ bác học... Đào Tấn lớn và trường tồn ở chỗ ông đã sáng tạo được một phương pháp sáng tác mới, phương pháp này vừa kế thừa vốn cổ, vừa phát triển cái mới. Chắc chắn các thế hệ sau vẫn còn tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu di sản đồ sộ và quý báu của Đào Tấn để lại.

LÊ VĂN NGHỆ

(nguồn: ANTG giữa tháng - số 124 tháng 5.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com