LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.1.2018

leminhquoc1989

Lê Minh Quốc (ảnh: Nguyễn Công Thành chụp năm 1989 tại xưởng làm giấy của báo Tuổi Trẻ)



Khi vàng đứng bóng im trưa

Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường

Thơ Hồ Dzếnh. Câu thơ có ma lực gì khiến y mỗi lần đọc lên lại cảm thấy quạnh vắng hun hút, một tiếng thở dài như gió lùa qua trí nhớ? Nhớ gì? Nhớ về những trưa im ắng, từ trong nhà ngồi nhìn ra đường, con đường Triệu Nữ Vương (Đà Nẵng) của thập niên 1960. Ngày ấy, đường phố vắng, người vắng. Những trưa im ắng tưởng chừng như còn nghe và thấy tiếng lá lào xào. Nhìn ra con đường chỉ thấy nắng vàng trải dài. Nhìn vào lòng mình chỉ là những vu vơ của tháng ngày thơ dại. Tịnh không tiếng động. Lặng lẽ. Con phố ngủ trưa. Nay đã khác. Đông đúc. Ồn ào. Nhộn nhịp. Câu thơ ấn tượng nhất vẫn là “thưa”. Ngẫm nghĩ lại đi. Nếu không nghe tiếng lá rụng thì làm sao câu thơ đủ sức cựa quậy trong tâm tưởng?

Từ “Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường” lại nhớ đến: “Dịu dàng em nói dạ thưa/ Đôi môi lễ độ ngàn xưa vọng về”. Câu thơ ấy, y viết lúc nào?

Đôi khi nghĩ lại thấy rằng, cuộc đời này hay quá đi mất. Bấy giờ, tập thơ Tôi vẽ mặt tôi đã gây ồn ào dư luận. Phê phán gay gắt. La ó dữ dội. Trên báo chí từ Nam chí Bắc “ném đá” tơi bời. Nào ngờ, chẳng thể ngờ, ngay thời điểm ấy đó trên tạp san Nữ sinh (số tháng 2.1999) có bài viết bênh vực y. Bằng cách nào? Bằng cách bình lấy bài thơ Dạ thưa. Bùi Tá Phạm Vinh viết bài Lời thưa dịu dàng là ai? Y không rõ. Nhưng rõ ràng là kịp thời có một tiếng nói khác. Cần thiết lắm. Nay đọc lại, cảm thấy vui vui một chút.

Vấn đề vẫn là ở chỗ kịp thời, có một tiếng nói khác trong dòng chảy ồn ào của dư luận lúc bấy giờ. Trong đời, có những lúc tai ương, hoạn nạn, bất ngờ có bàn tay đưa ra, níu ta đứng dậy. Ơn ấy sẽ nhớ mãi? Chưa chắc. Con người ta vốn mau quên. Quên nhanh lắm. Nói về ai thế? Chính y đã tự thú từ năm 1989 đấy thôi: “Trên đường đời một lần tôi vấp ngã/ Có cánh tay nâng đỡ giúp tôi ngồi/ Tôi suýt soa. Quên cám ơn. Là lúc/ Ngẩng mặt lên. Người ấy đã đi rồi”. Trong đời dù nhớ, dù không, ai cũng có “người ơn” lặng lẽ, lặng thầm ấy. Âu cũng là cái sự may mắn. Nếu không, “Một người bèn ra ven sông buông theo nước cuồn cuộn mau” (P.D) làm sao có thiện nhân cứu vớt, hỡi cô em Thúy Kiều, cô nàng Kiều Nguyệt Nga?

Thời trẻ, y thích đọc thơ của ai? Mà cái thời trẻ qua rồi, nói về lúc này có phải hay hơn không? Vâng. Đến một tuổi nào đó, y lại quay ngược về xuôi cùng dòng thơ Huy Cận và Hồ Dzếnh. Thâm trầm. Sâu sắc. Âm hưởng thơ mênh mang không gian của Đường thi, dù ngôn từ cực kỳ thuần Việt. “Khi vàng đứng bóng im trưa/ Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường” là một thí dụ. Sực nhớ, đã lâu lắm rồi, y có dịp diện kiến nhà thơ Quê ngoại. Ấy là khoảng tháng 4.1991 lúc ra Hà Nội.

Rằng, Sau khi uống cạn ly bia Vạn Lực ở 51 Trần Hưng Đạo - Hội nhạc sĩ Việt Nam - anh Nguyễn Thụy Kha bảo: “Bọn mình ghé sang thăm cụ Hồ Dzếnh nhé”. Lời đề nghị ấy đã làm y hoàn toàn vui sướng. Trong trí nhớ của y đã hiện lên hình ảnh một nhà thơ nổi tiếng từ thời “tiền chiến” với tập thơ Quê ngoại và những tập truyện như tập Chân trời cũ… Con người mang hai dòng máu Hoa - Việt ấy là ai? Là một người như thế nào mà đã viết những vần thơ rất bay bướm? “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/ Đời hết vui khi đã vẹn câu thề”. Vẫn còn nhớ như in đoạn văn của Mai Thảo viết về Hồ Dzếnh in trên tạp chí Văn năm 1973. “Và một buổi chiều kia rầu rầu úa héo trên thiêm thiếp quê cũ chẳng dung người, quê cũ đã phụ rồi, vòm trời mây trắng bao la của nước Trung Hoa lạ lùng đã in cái hình bóng bé nhỏ li ti di động của một người Hoa nghèo khổ bỏ một nước Trung Hoa nghèo khổ mà lên đường. Đi qua Vân Nam. Đi từ Dương Tử đi tới Hông Hà. Đi từ Trung Hoa đi tới Việt Nam. Và từ cuộc gặp gỡ trong mưu sinh buồn rầu trên đất khách giữa một người Hoa bán thuốc dạo và một cô lái đò Việt trên một dòng sông Thanh Hóa, đã có một gã làm thơ Hồ Dzếnh Minh Hương”.

Thời trẻ, đọc ít nhớ nhiều; nay, đọc nhiều nhưng rồi chẳng nhớ gì mấy.

Tuổi thanh xuân, y đã chép những vần thơ của ông trong trí nhớ. Đã quên. Đã nhớ. Có lẽ, niềm hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ là một khi thiên hạ đau khổ, bất hạnh giữa trần gian này lại bấu víu vào thơ ca của mình để mà yêu, mà sống. Với Hồ Dzếnh, y cũng đã có những lần bấu víu vào thơ của ông để tâm hồn vơi nhẹ nỗi nhọc nhằn, phiền muộn. Nguyễn Thụy Kha và y đã đến nhà ông vào lúc đúng Ngọ. Phía trước là quầy bán sách báo đã đóng cửa nghỉ trưa, có cẩn thận ghi dòng chữ: “Giờ nghỉ trưa xin đừng gọi cửa”. Mặc dù biết như vậy nhưng bọn y vẫn gọi. Con trai của nhà thơ đã dẫn vào ngõ sau. Leo lên những bậc cầu thang. Ô! Nhà thơ mà y đã từng mến yêu đây sao? Với gương mặt nhăn nheo, bình dị trong bộ quần áo mặc ở nhà, y đã thất vọng vì không tìm thấy được nét phong trần, gió bụi của những vần thơ: “Tôi là người lữ khách/ Màu chiều khó làm khuây/ Ngỡ lòng mình là rừng/ Ngỡ hồn mình là mây/ Nhớ nhà châm điếu thuốc/ Khói huyền bay lên cây”. Lời thơ đó, Dương Thiệu Tước phổ nhạc quyến rũ, lãng mạn bao nhiêu thì trước mặt y là một ông già móm hiền lành khiến y hẫng bấy nhiêu.

Sau lời giới thiệu của Nguyễn Thụy Kha, ông đã đưa tay nắm lấy tay y. Bàn tay lạnh và gầy. Rồi ngồi nói chuyện về thơ ca. Điều làm y ngạc nhiên là ý kiến đánh giá của ông về phong trào Thơ mới: “Tôi khác hẳn mọi người về nhận định này. Thơ bây giờ hay, đúng là thơ mới. Chớ không phải như phong trào Thơ mới trước đây. Vì sao ấy à? Thơ mới ngày ấy, kể cả những đại biểu tiên phong nhất cũng cố gắng gỡ ra khỏi từ ngữ chứ không gỡ khỏi tư tưởng. Ngày xưa, phong trào Thơ mới với Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu... làm cho từ ngữ trong sáng lên, đẹp lên chứ tư tưởng chưa chắc đã mới lắm. Còn bây giờ, các nhà thơ đã nói thẳng tư tưởng của họ, theo tôi mới là thơ mới”.

Phát biểu của ông đã mở cho y thấy phía sau một thân thể già nua, lọm khọm ấy là một tâm hồn tha thiết với thơ biết bao nhiêu. Y còn nhớ là đã đọc được những câu thơ mà ông đã viết từ thời tiền chiến như một bộc bạch tâm sự: “Đừng mơ ước cả thiên đường/ Hãy xin lấy nửa tấc vườn vắng hoa”. Ngôi nhà của ông nằm ngay mặt phố ồn ào, không có vườn để trồng hoa cỏ vui với tuổi già. Anh Nguyễn Thụy Kha bảo: “Cụ Dzếnh và những bài thơ của từ thời ấy, đáng quý như vàng. Tuổi già như lá, chẳng biết rụng lúc nào”.

Những ngày này đã vắt sang năm mới. 2018. Những tập sách của y lại tiếp tục đặt trên bàn biên tập của một, hai nhà xuất bản. Lại in sách mới. In gì nhiều thế? Có dăm người thốt lên và hỏi y. Trả lời ra làm sao? Bèn cười. Nếu con tằm mỗi ngày được ăn lá dâu non, không nhả tơ, chỉ mỗi ngày la cà quán xá buôn dưa lê, bà tám, chém gió thì có còn là tằm? Đã tằm thì nhả tơ. Đã họa sĩ thì vẽ. Đã cỏ thì xanh. Đã em Kiều thì 15 năm phiêu bạt. “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Thế thôi. Chẳng gì khác.

Sực nhớ vu vơ, thuở còn đàn đúm theo Sơn Nam, ông kể cũng đã có lần đã nghe câu hỏi ấy. Còn nhớ, ông cười khà khà rằng, nhiều người nói hay lắm, tốt lắm, khuyên rằng đừng nên viết nhiều mà hãy suy nghĩ về tác phẩm lớn. Không sai. Nhưng suy nghĩ mãi, đến lúc cầm lấy cây bút thì thói quen viết lách đã rơi rụng tự bao giờ rồi. “Tôi phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì tôi viết, luôn cả những bài viết theo nhu cầu thị trường ngoài ý muốn. Nhiều bạn khuyên tôi nên bớt viết, viết nhựt báo là hư văn chương. Nếu bớt viết thì lấy gì có tiền mà xài? Chẳng lẽ mượn tiền của bạn rồi đi chơi lăng nhăng để giữ cho ngòi bút được thơm tho. Tới chừng hư thì soạn từ điển, viết khảo cứu cũng hư. Đại khái, bàn tay dính bùn là điều tốt, nghề gì, “sứ mạng” gì trong lúc này cũng vậy thôi”. Trong phỏng vấn “Những nhà văn ở phút nói thật” in trên tạp chí Văn trước năm 1975, Sơn Nam đã phát biểu như thế.

Lại nhớ hôm kia, sau chầu lai rai chia tay ra về, một người bạn ôm vai thân mật bảo y, đại khái, phải viết như quyển này, quyển nọ mới thật sự là ghê gớm. Quyển gì? Nghe kể ra một loạt quyển, bỗng giật mình tỉnh rượu. Vẫn là những quyển bàn về chính trị, thời cuộc mà y nào có quan tâm gì đến. Chính trị vẫn là một lãnh vực y vốn mù mờ, làm sao dám đặt bút viết? Lại nghĩ, tùy theo vị trí, thế đứng, mỗi người có góc nhìn khác nhau về một sự việc. Có người nhìn A, có kẻ nhìn B. Dẫu có hoặc không có thông tin thì liệu sự nhận định ấy có đúng? Đúng lúc này nhưng về sau chắc gì đã đúng? Bởi, tùy theo góc nhìn của mỗi người, mỗi thời. Mà thôi, mỗi người có mỗi sở trường, ham hố làm chi. Vấn đề căn bản nhất vẫn là nhìn nhận sự lao động của mỗi người, miễn là họ viết hết lòng, sống hết lòng cùng trang viết bằng giọt mồ hôi trên vầng trán. Nếu thích, hãy vỗ tay một tiếng, bằng không hãy im lặng để họ tiếp tục viết.

Thể loại Feuilleton, không bàn sâu về nó, chỉ nói rằng, đó chính là một trong những cách giúp nhà văn trở nên chuyên nghiệp hơn. Mỗi ngày phải viết. Đến hẹn lại lên. Đến giờ phải giao bài. Không thể chần chừ. Không đợi cảm hứng. Cảm hứng à? Làm gì có cảm hứng. Phải viết như mọi thói quen. Như đói thì ăn. Như sống  thì thở. Ngay cả lúc mày mò tìm cảm hứng, đã sống chết với nghề thì cũng có tác phẩm như ai. Tản Đà là một thí dụ. “Hôm qua chửa có tiền nhà/ Suốt đêm thơ nghĩ chẳng ra câu nào/ Đi ra rồi lại đi vào/ Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ”. Trong cái sự quẩn quanh, bứt rứt bởi trong túi không còn xu teng nào mà ngày mai đã đến hạn đóng tiền nhà, vẫn ra thơ đấy chứ?

Lúc này, sẽ viết gì nữa? Chẳng thể biết. Thôi thì, ngày viết mỗi ngày, ngày sống đời thơ, ngày đi trên chữ, ngày trong nếp ngày như từng ngày vẫn thế. Vẫn rị mọ, mày mò, tiếp tục tìm hiểu về tiếng Việt như lâu nay vẫn làm. Miễn thấy thích, thấy vui là đã hài lòng. Hài lòng với chính mình là một nguồn vui sống. Tìm kiếm đâu xa. Mấy hôm nay vẫn đọc. Lại nhớ, ngày 7.4.2003 tại Hội Nhà báo TP.Hồ Chí Minh, bấy giờ anh, Lê Hoàng -  Giám đốc NXB Trẻ đã công bố với báo giới về “Việc mua bản quyền toàn bộ tác phẩm Sơn Nam”, có nhà báo “tò mò” đặt câu hỏi với ông già Hương rừng Cà Mau: “Thưa ông, ông có thể cho biết số tiền mua bản quyền là bao nhiêu?”. Ông đã nheo mắt hóm hỉnh: “Ai lại đi hỏi một người khác rằng, trong túi của anh có bao nhiêu tiền?”. Ai nấy đều cười vang vui vẻ. Âu đó cũng tính cách bông lơn thường gặp ở Sơn Nam.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment