LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.8.2017

bo-truong-1503029601bui-thanh

 

Nhiều sự kiện thời sự đang diễn ra. Lẽ nào không ghi nhận? Đã từng dặn dò như thế, nhưng rồi lại tự nhủ cứ nhắm mắt, bịt tai cho nó nhẹ nhàng cái sự đời. Biết thêm mà không bàn ra môn ra khoai, không có chính kiến rõ ràng, không thay đổi được thì biết để làm gì? Để thêm nặng đầu chăng? Rồi có lúc ghìm lòng không đặng, buông ra tiếng chửi thề cho khoay khỏa bực bội thì chẳng ra làm sao. Mà nhắm mắt, bịt tai có phải là một sự lựa chọn khôn ngoan?

Gần đây, theo ghi nhận của y đã có một bài báo viết rất ngắn, chỉ 92 từ, nhưng lại tạo hiệu ứng đồng tình nhiều nhất trong dư luận. Đó là bài báo Xin nói thẳng với Bộ trưởng - in trong chuyên mục Thời sự & và suy nghĩ của báo Tuổi Trẻ số ra ngày 18.8.2017. Đồng nghiệp Bùi Thanh viết: “Đã 17 ngày trôi qua và bây giờ chỉ có thể nói thẳng với ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: phải bỏ ngay trạm thu phí Cai Lậy trên quốc lộ 1 và truy cứu trách nhiệm những người liên quan! Hãy chấp nhận sửa sai, chứ không thể tiếp tục đối phó dư luận và bảo vệ điều phi lý. “Một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động”. Những gì diễn ra ở trạm thu phí Cai Lậy rõ ràng đang đi ngược lại thông điệp này, thưa Bộ trưởng!”.

Chỉ có thế.

Một tiếng nói dứt khoát. Mạnh mẽ. Liệu chừng sau này, khi đọc lại bài báo trên, thế hệ sau có thể hình ra những gì đã xẩy ra ở trạm Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang)? Tại sao không? Chỉ cần một cú click chuột ngay trên bàn phím, một thao tác nhỏ trên điện thoại là xong. Trước sự thu phí vô lý ấy, cánh tài xế đã phản ứng bằng cách không chỉ dùng tiền có mệnh giá nhỏ, họ còn vò các tờ tiền nhàu nát rồi bỏ vào chai nhựa. Muốn thu tiền ư? Cứ thế nhé. Rất mất thời gian. Có lúc trạm thu buộc phải “xả cửa” hướng miền Tây đi Sài Gòn để giảm bớt ùn tắc. Kể ra các tài xế cũng có máu hài hước. Phản ứng thông minh, tinh quái và tháu cáy.

Còn có những gì nữa không? Tất nhiên còn. Còn nhiều lắm. Mà thôi. Việc liệt kê sự kiện theo dòng thời sự, xin dành cho các nhà sử học, các vị ghi chép thành nhiều tập sách như Chuyện từng ngày mà ông Đoàn Thêm đã thực hiện tại miền Nam trước 1975. Còn y thì sao? Lại vẩn vơ chìm đắm vào cái cõi riêng tư đang quan tâm. Ai cũng có cái quyền ấy, tùy theo lựa chọn của mỗi người. Cũng tỷ như người thích Boléro, kẻ thích dòng nhạc khác, bình thường thôi, chẳng gì phải mạt sát, tranh luận hơn thua. Mỗi người có một gu thẩm mỹ, dù không đồng tình nhưng việc gì phải chê bai, khích bác, đả kích, châm chọc? Nói như thế vì dư luận hiện đang dấy lên cuộc tranh luận giữa hai phe thích/không thích Boléro. Liệu có cần thiết không? Không. Xã hội còn nhiều, rất nhiều vấn đề sát sườn hơn, đang cần phải có tiếng nói tranh luận, phản biện, cần có tiếng nói hợp ý tâm đầu. Nhưng rồi, thế nào?

"Rộng thương cỏ nội hoa hèn

Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau"

Nghe lời vừa ý gật đầu

Cười rằng: "Tri kỷ trước sau mấy người?"

Ấy là lúc Thúy Kiều đối đáp cùng Từ  Hải. Lại quay về cái cõi thư hương bộn bề sách vở. Phủi lớp bụi mờ trên trang sách, bước vào đó, sẽ là gì? Chẳng là gì cả. Không khéo lớp bụi mờ ấy cũng phủ nốt lên hình hài của chính y đấy thôi. Chấp nhận nó đi. Tháng rộng ngày dài? Tháng cùn ngày mủn? Chẳng rõ. Luôn nghĩ rằng, đọc cũng là học. Sách vở quá nhiều, đọc làm sao hết. Có người đã đọc và viết lại. Mình đọc của họ cũng là học.

Ca dao có câu: “Một mai trống thủng khó hàn/ Dây dùn khó đứt, bạn lan khó tìm”. Bạn lan là bạn ra làm sao? Theo Việt Nam từ điển (1971) do Lê Văn Đức biên soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính: “Bạn lan: Bạn tốt, bạn quý”; Phương ngữ Nam bộ của Nam Chi Bùi Thanh giải thích: “Người bạn quân tử đáng quý như hoa lan”. Từ này, nay không mấy ai sử dụng nữa, kể cả “bạn ngọc": “Mặt đất láng nguyên tự nhiên cây cỏ mọc/ Bởi phận tôi nghèo, bạn ngọc có đôi”, Đại từ điển tiếng Việt (1999) không ghi nhận, đã thay thế bằng bạn lòng, bạn vàng, bạn tình.

Có những câu ca dao, dù đọc thoáng qua/đọc kỹ bao giờ trong lòng cũng dội lên một nỗi niềm trắc ẩn. Rười rượi buồn. Thăm thẳm nhớ. Nhưng rồi biết tâm tình cùng ai. Tội nghiệp nhất vẫn là những cô nàng sống trong tâm cảnh: “Chàng buồn có chốn thở than/ Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya”. Có thể xếp vào những câu ca hay nhất trong kho tàng văn chương Việt Nam. Một cách nói dịu vợi đến nao lòng. Không hề than trách bạn tình. Chỉ mình mình biết. Chỉ mình mình hay. Đốm lửa nhỏ nhoi của ngọn nhang hắt hiu ấy, gợi lên một không gian quạnh quẽ. Im ắng lạ thường. Tĩnh mịch. Cô độc nhất vẫn là lúc nhìn ngọn khói lãng đãng, tan loãng trong đêm hôm khuya khoắt. Rồi ngọn nhang sẽ tàn. Đốm lửa sẽ tắt. Biết lấy gì làm bầu bạn? Đêm dài vẫn dài. Gà chưa gáy sáng. “Nửa đêm về sáng, đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi”. Cố nhân cũng đồng nghĩa với “bạn lan”: Ðêm nằm ôm gối thở than/ Gối ơi là gối con bạn lan nó xa rồi”.

Tiếng kêu ấy, chỉ là viên sỏi ném xuống lòng sông dài rộng mênh mông. Đêm tối đen. Ai nghe lấy một tiếng lòng nức nỡ?

Còn nhớ chừng mươi năm trước khi đến Đà Lạt, có thăm một xưởng thêu nọ. Quan sát nhìn thấy các cô thợ trẻ cắm cúi, chăm chú, nhẫn nại, tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ. Không nói không cười. Lặng lẽ. Không biểu hiện một sắc thái gì trên gương mặt. Cứ như thể họ đang sống ở một thế giới khác. Chỉ chú tâm miệt mài cùng công việc, bất chấp mọi tiếng động ồn ào xung quanh. Lạ quá. Tại làm sao họ lại có được tâm thế ấy? Đã nhà báo lấy thông tin viết bài, đã nhà văn lấy chất liệu phân tích tâm lý nhân vật thì phải tìm hiểu căn kẽ, biết cách gợi chuyện. Sau đó, y mới biết rằng: Một khi đã vào làm việc nơi này, họ được ông chủ dành cho khoảng thời gian để thực hiện xong hai việc riêng tư, trọng đại nhất đời người. Sau khi đã làm xong phần việc ấy, bây giờ với họ chỉ còn công việc và công việc. Hai việc đó là gì? Là thêu xong hai bao gối. Một, bọc lấy cái gối đêm tân hôn; và một, bọc cái gối kê đầu lúc nằm trong cỗ quan tài.  

Nghe mà rờn rợn.

“Ðêm nằm ôm gối thở than/ Gối ơi là gối con bạn lan nó xa rồi”. Lúc thất tình não nùng, xa cách tuyệt vọng, trong đêm khuya quạnh vắng ấy, chỉ có chiếc gối và ôm lấy gối. Không phải ngẫu nhiên, quan hệ giữa bạn tình, bạn trăm năm, bạn lan, bạn ngọc được gọi “Đầu ấp tay gối”. Cụm từ ấy, đã là một sự gắn bó chặt chẽ. Đằm thắm. Quấn quýt. Có đôi có lứa. Khó có thể tách rời. Rồi lúc “Biệt ly nhớ nhung từ đây/ Chiếc lá rơi theo heo may”, niềm an ủi còn sót lại vẫn là cái gối.

Còn là cái gì nữa? “Chàng về để áo lại đây/ Áo thời thiếp mặc, gối mây đợi chờ”. Tại sao lại là áo? Chỉ vì có mùi thương, mùi nhớ, mùi ăn nằm, mùi ân ái, mùi chung chạ…, nói gọn lại là mùi hương đã từng có nhau. Quyện lấy nhau trong hơi thở đầm đìa thân xác. Ông Nguyễn Du đúng là bậc thượng thừa, tuyệt đỉnh kongfu phân tích về tâm lý, thói quen của sự nồng nàn chăn gối ấy: “Hương gây mùi nhớ”. Từ “gây” cực kỳ chuẩn xác. Là sự gợi lên, nhóm lên, nhen lên. Có những việc đã qua, đã quên, đã chìm sâu trong tiềm thức, đã thất lạc trong ký ức thế nhưng chỉ một mùi hương cũ thoáng đến, thoáng qua dù vô tình hay cố ý đều khiến con người ta nhớ lại mồn một. Nhớ rõ nét. Nhớ từng chân tơ kẽ tóc.

Khốn khổ chưa?

Hạnh phúc chưa?

Cô nàng trong câu ca dao hàng ngàn năm trước, “Áo thời thiếp mặc” để “tưởng nhớ mùi hương:”, nàng còn đặt đầu trên chiếc gối mây. Có phải đây là chiếc gối làm bằng song mây từ cây mây? Có thể lắm. Tùy theo vật dụng mà người ta đặt tên cho chiếc gối ấy. “Gối rơm theo phận gối rơm/ Có đâu dưới thấp mà chờm lên cao (Lục Vân Tiên), là cái gối nhồi rơm, đệm bằng bàng,  còn gọi gối đệm. Tùy theo hoàn cảnh sang giàu, nghèo khó, ai cũng có chiếc gối. Sung sướng, hoan lạc, tình nghĩa nồng nàn nhất vẫn là “Đầu ấp tay gối”. Thê thảm, rầu rĩ nhất vẫn là những ai “Gối đất nằm gai/ Gối tuyết nằm sương”. Thương thay cho “Người đi kẻ ở”, lúc ấy gối đầu vào tay ai?

Đến một độ tuổi nào đó, người ta lại nhận ra rằng, chính Huy Cận thời trai trẻ lại nói hộ lòng mình lúc đã bước qua lứa tuổi xế chiều. Lúc 18, đôi mươi, nhựa đời rạo rực. Men tình dạt dào trong từng thớ máu. Tim còn đập nhịp Tango. Co chân nhảy một cú là chạm tay đến trời xanh. Làm sao có thể cảm thông: “Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt/ Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày/ Chiếu chăn không ấm người nằm một/ Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay”. Đầu mình gối lấy tay mình. Cô độc quá.

Cụ Nguyễn Du tâm lý lắm. Bao dung lắm. Dù rằng, nàng Kiều đã “Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”, nhưng khi đến với Thúc Sinh, cụ vẫn dành cho những câu thơ tình hay nhất. Lâm ly nhất. Cảnh biệt ly giữa đôi bạn lan này, tuyệt đẹp. Rất ấn tượng. Và chỉ diễn ra đúng một lần. Không lập lại. Lúc ly biệt của mối tình son sắt ấy, ngay cả thiên nhiên cũng động lòng. Không đứng ngoài cuộc. Và vầng trăng đêm ấy là “nhân chứng”, đã chứng kiến cũng bùi ngùi, thương xót họ đến độ phải an ủi bằng cách: “Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường”. Câu thơ ấy, còn là gì? Là ngầm ý tán thành của cụ Nguyễn dành cho mối tình Thúc Sinh - Thúy Kiều.

“Ðêm nằm ôm gối thở than/ Gối ơi là gối con bạn lan nó xa rồi”. Có lúc nào đó, khi đọc sử, chẳng hạn đọc Đại Nam thực lục, bắt gặp từ “ôm gối” ta cũng hiểu như đã từng hiểu chăng? Không đâu. Còn nhớ đã khá lâu có đọc bài báo của nhà nghiên cứu Bùi Thị Mai (Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV), nhan đề Lễ “ôm gối” dưới triều vua Minh Mạng qua mộc bản. Cứ tưởng “ôm gối” là… “ôm gối”. Nhâm to rồi đấy cưng. “Gối” ở đây lại là “Khoanh tay bó gối/ Mỏi gối chồn chân”; “Ví dù theo thói người ta/ Uốn lưng, co gối cũng nhơ một đời” (Nhị độ mai).

Vậy, lễ “ôm gối” là gì?

Cứ vào Đại Nam thực lục và nhiều tài liệu khác, nhà nghiên cứu Bùi Thị Mai cho biết lễ này - tên gọi theo chữ Hán là “bão tất”, chỉ diễn ra dưới thời vua Minh Mạng. Năm 1835, lúc quân triều đình dập tắt được cuộc chống đối của các dân tộc ít người vùng Tây Bắc do Nông Văn Vân - thổ ty châu Bảo Lạc cầm đầu. Nhà vua xuống Dụ: “Trải qua mọi gian hiểm mới nên được công to. Tuy là bổn phận của đạo tôi con phải làm nhưng vì nước khó nhọc, làm ta bớt mối lo ở phương Bắc. Trẫm lẽ nào quên đi mà không hậu đãi, ngoài việc ban công ban thưởng, phong tước đền công đã có Dụ thi hành rồi, nay cho bộ Lễ bày nghi lễ, chọn ngày tốt, trẫm ngự ở cửa Đại Cung, cho các quan đại thần lui quân về vào chầu và cho Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Lê Văn Đức làm lễ ôm gối để tỏ ý trẫm coi như Hoàng tử vui đùa dưới gối. Đây là cái lễ trẫm mới nghĩ ra, mà vì tình thì rất thân yêu, ở chỗ tình lễ vua tôi, không còn gì hơn nữa”.

Ý nghĩa lễ này, gói trọn trong câu: “để tỏ ý trẫm coi như Hoàng tử vui đùa dưới gối”. Câu “huynh đệ chi binh” hoàn toàn phù hợp với lễ “ôm gối”. Về sau các vua nhà Nguyễn không duy trì nữa, tuy vẫn ban thưởng, phong tước cho người có công. Thích thú với thông tin này, bèn tự cười: “Sao bây giờ mới biết? Sách vở nhiều cho lắm, nếu không đọc, nào ích lợi gì?”. Nghe thế, bèn cãi: “Chẳng sao. Biết đâu nhờ đọc của người khác, rồi sẵn sách vở đã có, kiểm tra lại thì cũng tốt thôi”. Đúng thế, tài liệu hiện nay không thiếu, cứ cậy nhờ ông Google là xong, Nhưng xin chớ chủ quan, phải kiểm chứng lại từ tài liệu gốc cho chắc ăn.

Tất nhiên.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment