3 TÁC PHẨM CỦA NHÀ VĂN - NHÀ BIÊN KỊCH ĐOÀN TUẤN

mc3b9a-chinh-chie1babfnlc3bd-lue1baadn-ke1bb8bch-be1baa3nvie1babft-ke1bb8bch-be1baa3n

 

Tôi nhận quà Giáng sinh khá sớm. Ba quyển sách từ Việt Nam đến từ thứ Tư tuần trước. Santa là nhà văn kiêm giảng viên Trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội. Xin cám ơn nhà văn Đoàn Tuấn.

Tôi tò mò về môn kịch bản phim đã lâu, một phần vì thích phim, một phần vì thích viết và dịch, tôi muốn biết thêm từ vựng Việt về điện ảnh và kịch bản.  Hai quyển sách về kịch bản thật là đúng như sự mong ước.

Hôm qua tôi bắt đầu đọc quyển “Những Vấn Đề Lý Luận Kịch Bản Phim” lúc ngồi trên xe lửa chừng sáu trang. Buổi chiều cô nàng người Mỹ ngồi cạnh tôi nói chuyện điện thoại ồn quá, và nói rất lâu, khiến tôi không đọc được (vì nổi giận, tự hỏi sao có người nói chuyện điện thoại vừa to vừa dai thế).

Tôi định đọc xong sẽ giới thiệu, nhưng tôi có một số việc cần làm ngay từ bây giờ cho đến Giáng sinh, nên xin post ảnh trước đọc sau. Lúc nãy scan mấy quyển sách, tôi lật sơ qua quyển “Mùa Chinh Chiến Ấy” chợt nhớ một vài câu hát trong bài “Hướng Về Hà Nội” đại khái như sau “một ngày tàn chinh chiến ấy, lửa khói đắm chìm, tìm về nơi bờ bến. Một ngày tả tơi hoa lá, ngóng trông về xa, tiếc thương hình bóng qua…” Có thể bạn sẽ kêu lên nhạc có liên quan với sách đâu. Tôi chỉ liên tưởng bới mấy chữ (mùa) tàn chinh chiến ấy.

Lật đại một trang trong “Mùa Chinh Chiến Ấy”, nhằm trúng cái trang nói về xác anh Hùng nằm đó nhưng mất cái đầu, máu chảy tràn lan. Khiếp đảm quá. Tôi trượt ngón tay, mất cái trang ấy, tìm lại không thấy nữa.

Tôi vốn sợ sách và phim ảnh chiến tranh nhưng có lẽ nghiệp duyên (không lành) tôi hay gặp sách và phim chiến tranh. Mượn phim Mười ngàn ngày chiến tranh VN mượn rồi trả rồi mượn lại hai ba lần, chỉ xem được một hai tập rồi thôi. Mượn phim Vietnam War, mới đây của Ken Burn, xem được ba CD thấy nổi giận vì không công bình với những người thất trận, không xem nữa. Mượn phim Hamburger Hill giữ ba tuần lễ trả lại thư viện không hề xem. Nhưng có lẽ đến lúc tôi phải đối đầu với cái sợ hãi của tôi. Xin hứa sẽ đọc quyển sách chiến tranh này, với Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy, và đọc lại quyển sách của Bảo Ninh vào ngày 30 tháng 4 năm 2018. Các bạn có ai đề nghị thêm quyển sách chiến tranh nào nữa không?

Tối qua, trong lúc lang thang trên mạng, tôi gặp một bức ảnh không biết báo nào, hình như trong chuỗi 25 tấm ảnh đáng xem. Đó là tấm ảnh một người lính Á châu trẻ tuổi, và có một câu tôi nhớ mang máng như sau: Tôi sợ những cuộc chiến tranh mấy ông già mơ mộng vẽ vời và mấy cậu trai trẻ như chúng tôi hy sinh mạng sống của mình vì cuộc chiến tranh ấy.

Chiến tranh thời nào cũng có, tôi không thể chạy trốn mãi nỗi sợ hãi của tôi.

Tôi đã đọc hồi ký chiến tranh của nhà văn Đoàn Tuấn một lần, qua trang của nhà văn Lê Minh Quốc. Điểm gây ấn tượng trước nhất với tôi là Đoàn Tuấn có giọng văn rất trong sáng, giản dị, thật ra tôi muốn nói, giọng văn rất giống văn người miền Nam. Có lẽ vì tôi lớn lên với văn của người miền Nam, nên tôi dễ có thiện cảm với giọng văn này. Sách in rất đẹp. (Bạn nên chạy ra nhà sách mua ngay kẻo trễ. Haha. Nói đùa một chút, xin đừng trách tôi lên giọng quảng cáo bán hàng.)

(nguồn: https://chuyenbangquo.com/2017/12/06/ba-cuon-sach/)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com