NGUYỄN VĂN MỸ: Vài suy nghĩ thời sự 2014 - 10. MỘT CÁCH LÀM HAY

Mục lục
NGUYỄN VĂN MỸ: Vài suy nghĩ thời sự 2014
1. BẤT NGỜ PHÚ YÊN
2. CÁCH CHÀO CỦA NGƯỜI VIỆT
3. NGƯỜI GIÀU DẠY CON
4. KỲ THÚ HỒ TRỊ AN
5. DOANH NHÂN CŨNG LÀ CÔNG DÂN
6. VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
7. ĐỂ LÒNG TỰ TRỌNG KHÔNG BỊ TỔN THƯƠNG
8. KHI NGƯỜI VIỆT BỊ SỈ NHỤC
9. KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN
10. MỘT CÁCH LÀM HAY
Tất cả các trang


MỘT CÁCH LÀM HAY

 

Vừa rồi, tôi có nhận thông tin từ phòng Hướng Dẫn Viên là “Khoa Du Lịch trường đại học Sài Gòn xin số tài khoản công ty để chuyển tiền. Mỗi sinh viên của khoa, sau khi hoàn tất thực tập được hỗ trợ 600.000đ cho công ty đã tiếp nhận”.

Tôi rất vui, vì lâu lắm rồi mới thấy một trường đại học thể hiện trách nhiệm với việc thực tập của sinh viên như thế. Hơn 10 năm trước, khi tiếp nhận sinh viên khoa Du Lịch, trường đại học Văn Hiến, công ty cũng nhận được tiền hỗ trợ như vậy, nhưng chỉ được vài năm rồi ngưng hẳn. Lúc đó, công ty đã xin phép nhà trường chuyển số tiền này vào quỹ từ thiện “Tuần hội Trung Thu”của công ty mà nhà trường là một trong những đơn vị tài trợ.

Lâu nay, việc thực tập của sinh viên mỗi trường mỗi khác. Có trường làm việc trực tiếp với các công ty. Có trường chỉ cấp giấy giới thiệu. Có trường bỏ mặc các em tự xoay xở. Hàng năm, công ty nhận sinh viên thực tập cả chục đơn vị đào tạo nhưng không có đơn vị nào “trả chi phí thực tập cho sinh viên” như đại học Sài Gòn, thậm chí không có cả một lời cám ơn. Số tiền tuy không lớn nhưng là sự ghi nhận việc phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo. Tôi đã gọi điện thoại và gởi công văn cho nhà trường cám ơn, xin phép được chuyển số tiền này vào “Quỹ hỗ trợ sinh viên” của nhà trường. Từ khi thành lập (1999) đến nay, công ty đều qui định rõ “sinh viên đến công ty thực tập hướng dẫn viên được hưởng lương tour mỗi ngày”.

Công ty luôn khẳng định, việc tiếp nhận và tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để tuyển chọn nhân sự. Từ năm 2012, sinh viên thực tập không chỉ được nhận lương tour mà còn được lương ở các vị trí khác trong công ty. Dĩ nhiên, phải qua sàng lọc chứ không thể nhận đại trà. Hỏi thêm, được biết, một số trường cũng có chi phí cho sinh viên thực tập nhưng giao cho sinh viên sử dụng, các doanh nghiệp không hề hay biết. Việc này dễ tạo ấn tượng là nhà trường bỏ mặc việc thực tập của sinh viên cho doanh nghiệp. Nhiều công ty, sinh viên đến thực tập, chẳng những không được lương mà còn phải bỏ tiền túi để thực tập, để đi tour. Đây là sự vô lí, chỉ có ở Việt Nam. Sinh viên thực tập, kể cả đi theo tour nội địa không hề tốn thêm chi phí, trừ vài điểm tham quan “không giống ai”, cố tình “tận thu” cả những hướng dẫn viên tương lai. So với việc các em làm cho công ty, chi phí này không đáng kể.

Chính việc trả lương cho sinh viên thực tập, dù còn rất khiêm tốn  là một trong những cách PR hiệu quả cho thương hiệu công ty. Sau này, dù làm việc nơi khác, dù có lương khủng, các em vẫn sẽ nhớ mãi “khoản thu nhập đầu tiên” từ nghề nghiệp của mình, từ công ty nơi mình thực tập. Việc trả chi phí và tìm chỗ cho sinh viên thực tập cũng là cách PR rất tốt về sự quan tâm thật sự của nhà trường với sinh viên.

Mong sao, những cách làm này ngày càng được phổ biến, để nhà trường và doanh nghiệp cùng hợp lực trong đào tạo. Để học gắn nhiều hơn với hành. Để sinh viên cảm thấy được trân trọng và đỡ cực nhọc.

 

* Nguyễn Văn Mỹ

 

Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com