TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Người chỉ yêu mỗi lần... một người

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Người chỉ yêu mỗi lần... một người

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Người chỉ yêu mỗi lần... một người
3:14, 25/04/2012

Lê Minh Quốc làm thơ, vẽ tranh, viết báo, biên khảo, làm MC và kể cả yêu đều tạo thành “sự kiện” trong bạn bè văn nghệ thân thiết với anh. Bởi làm cái gì, chơi cái chi, Lê Minh Quốc cũng muốn đẩy đến tận cùng trong giới hạn khả năng có thể.

Hai NXB Trẻ và Văn hóa Văn nghệ TP.HCM vừa tái bản cùng lúc hai cuốn sách biên  khảo của Lê Minh Quốc. Một cuốn viết về Người Quảng Nam, một cuốn viết về Tiếng cười dân gian Việt Nam hiện đại. Với những người cầm bút khác in sách để kiếm sống thế nào tôi không rõ, chứ với Lê Minh Quốc dường như in sách để chơi, để cuộc đời này còn biết đến sự tồn tại của một gã đàn ông ngoài 50 tuổi mà vẫn hồn nhiên như trẻ nhỏ. Mà sự thực, có được mấy người viết sách sống tốt theo đúng nghĩa đen “cơm áo gạo tiền” đâu. Lê Minh Quốc vẽ tranh, làm MC hay làm nhiều chuyện khác nữa cũng vậy, trước để mình quên buồn, sau để không ai quên mình.

Viết sách biên khảo còn được các đầu nậu nhận phát hành, chứ làm thơ thì chỉ có một con đường là “bốn triệu” tức “biếu trọn”. Lê Minh Quốc làm báo lâu năm nên anh hiểu được tình cảnh “chợ chiều” của thơ hiện nay như thế nào. Thế nhưng gã đàn ông ấy vẫn làm thơ một cách cuồng dại như… đang yêu. Theo chỗ tôi được biết, mỗi tập thơ mới của Lê Minh Quốc đều được trình làng sau một “cuộc yêu” hoang dại như thế. Yêu với Lê Minh Quốc rất cụ thể, rằng phải có một đối tượng nào đó làm chất xúc tác để gã đàn ông tên Quốc “thay tính đổi tình” chuyển từ một gã sống cuồng nhiệt, đôi khi thực dụng, trở thành một người mỏng manh, yếu đuối dễ khóc dễ cười.

Có được mấy người thấy gương mặt ông nhà thơ Lê Minh Quốc khi yêu chưa? Tôi được tận mắt chứng kiến mấy “dịp yêu ra mặt” như thế của Quốc. Lúc tình yêu đến mang theo niềm vui và hương hoa của một cánh rừng, Lê Minh Quốc bỗng dưng hoạt náo hẳn lên. Anh nói tíu tít, miệng cười rạng ngời, tay chân như biết múa… bất kể là Quốc đang ngồi với ai. Lúc tình yêu có trúc trắc trục trặc, mặt gã ỉu xìu như diều đứt dây. Gã buông thõng hai tay, lâu lâu rít từng hơi thuốc chậm chạp, mắt còn ngân ngấn nước nữa. Tôi tin là lúc buồn vì yêu, chỉ cần một hơi gió nhẹ thổi ngang cũng làm Lê Minh Quốc sợ và biết đâu còn xô ngã người đàn ông này.

Chừng mươi năm trước, khi tôi mới sống đời sinh viên hồn nhiên như chim hót chuyền cành, thì Lê Minh Quốc lúc ấy còn đang ở những tuổi 30 sung mãn. Vèo một cái, ông nhà thơ ngày nào đã bước qua tuổi 50. Nghĩ đến thời gian mà hãi hùng, mà đắng cay, mà tiếc nhớ. Nhưng tôi lại nghĩ, ở tuổi 30 hay 50, Lê Minh Quốc đều yêu chỉ một lần dẫu cho có trải qua bao nhiêu cuộc tình khiến gã mất ăn mất ngủ.

Có lẽ những năm 20 tuổi, Lê Minh Quốc cũng yêu như thế. Gã thể hiện tình yêu bằng tất cả những gì có thể làm được để các nàng vui, các nàng hạnh phúc. Nhưng kỳ lạ, tình yêu đến với Lê Minh Quốc như một cánh bướm rồi nhẹ nhàng bay, để lại gã buồn phiền, xơ xác như một cành cây khô. Rồi tình yêu lại đến, lại hồi sinh gã, lại khiến gã làm thơ, hì hục vẽ tranh, lại hoạt náo như chàng trai mười tám đang chứng tỏ trước người mình để ý. Cái vòng yêu, rồi thất tình; thất tình, rồi lại yêu diễn ra bất tận trong người Lê Minh Quốc.

Yêu nhiều là thế, viết lách hì hục năm nào cũng trình làng một cuốn sách, vẽ ra hàng chục bức tranh, góp mặt làm MC rất nhiều cuộc “event bè bạn”…, nhưng đến nay gã vẫn là kẻ độc thân lúc vui lúc buồn. 50 tuổi, người ta có còn là thanh niên không? Với Lê Minh Quốc, 50 tuổi, gã vẫn còn là thanh niên, cái chất thanh niên tính trong một người độc thân luôn sẵn sàng trỗi dậy trong Quốc bất kể khi nào. Chẳng hạn khi quá hứng chí hay phẫn nộ, gã nhà thơ tên Quốc có thể đứng thẳng người hét toáng lên trong cuộc vui bằng hữu. Nhiều người mới sơ giao không hiểu hành động lạ này của gã nhà thơ sẽ e dè. Song, với những người thân tình với Lê Minh Quốc, những hành động kiểu cuồng loạn của anh lại rất dễ thương.

11_nha51-450

Nhà thơ Lê Minh Quốc.                                             Ảnh: Lê Phương Thảo.

Ví dụ ngồi cùng một bàn nhậu, bỗng dưng Lê Minh Quốc la toáng lên: “Bây giờ anh muốn đục vào mặt thằng T. quá”. Người không biết tưởng là Lê Minh Quốc có rượu muốn “oánh nhau” như thời gã đi lính bên chiến trường Campuchia. Hóa ra không phải vậy, cái nhân vật mà Quốc đòi “đục vào mặt” không phải là người Quốc ghét. Ngược lại, gã nhà thơ này chỉ đòi đục vào mặt ai mà gã đang rất yêu quý. Thế mới kinh dị, quý mến người ta mà cứ đòi “đục vào mặt” mới là kiểu thể hiện tình cảm của Lê Minh Quốc.

Nhà văn Trần Nhã Thụy thuộc thế hệ đàn em của Lê Minh Quốc sau hàng chục năm nhậu với ông anh, có hai câu lục bát để khái quát chân dung ông nhà thơ nói giọng Quảng Nam hay cãi và hay “cực đoan”: “Ngẫm đời buồn nhớ đến anh/ Kêu ồn một tiếng nghe hoành tráng ghê”.

Nhắc đến người Quảng Nam, cũng xin nói đôi chút về cuốn sách biên khảo mang tên Người Quảng Nam của Lê Minh Quốc, đọc cuốn sách này sẽ hiểu thêm về con người xứ Quảng và đồng thời cũng hiểu thêm tính cách của ông nhà thơ độc thân “khó hiểu” Lê Minh Quốc. Thực ra quê cha đất tổ của Lê Minh Quốc ở Ninh Bình. Cụ thân sinh của anh đi bộ đội Nam tiến bị mắc kẹt lại Đà Nẵng. Lê Minh Quốc sinh ra và lớn lên ở thành phố biển Đà Nẵng, anh rất tự tin khi cho rằng mình rất hiểu người Quảng, đất Quảng do chôn rau cắt rốn và lớn lên trên xứ sở này.

Lê Minh Quốc nói về người Quảng Nam: “Đọc lại Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, ta thấy đã có những nhận xét về đặc tính của người Quảng Nam. Nhận xét này được viết ra từ thời vua Tự Đức, cách đây hơn hai trăm năm ắt nay có những điều đã khác và nó cũng không phải là “khuôn vàng thước ngọc”. Hơn nữa trong quá trình lao động, vật lộn mưu sinh thì sẽ, hoặc hình thành thêm, hoặc loại bỏ những tính cách không còn phù hợp. Nay nhận xét trên xem ra vẫn còn vài đặc điểm “mang tính thời sự”, chẳng hạn sốt sắng việc công; học trò chăm chỉ, siêng năng đèn sách; nhà nông chăm đồng ruộng; người quân tử chỉ lo phận sự của mình, chứ không thích cầu cạnh kẻ trên - tôi hiểu, đây không là sự an phận mà do người Quảng không chịu, không thích luồn cúi để được lòng “cấp trên”; kẻ tiểu nhân hay kiện tụng; nghề dệt tinh xảo; trong việc quan, hôn, tang, tế thì quà cáp lễ nghĩa tùy vào thực lực của mình, chứ không “trưởng giả học làm sang”, thấy người ta như thế thì mình (dù nghèo) cũng chạy đôn chạy đáo, vay mượn sắm sửa “mâm cao cỗ đầy” để được như thiên hạ. Tính cách này cho thấy người Quảng thực tế, thật bụng đối đãi nhau chứ không “hoa hòe hoa sói” trong giao tế, lễ nghi…”.

Anh nhận xét về người Quảng Nam cũng như đang tự nhận xét về bản thân mình: “Bản chất người Quảng vốn “ăn cục nói hòn”, “nghĩ sao nói vậy”, không giỏi mồm mép, không “mồm mép đỡ chân tay”; họ ghét những kẻ “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”! Chính vì nói thẳng, trực tính, không nói vòng vo “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” nên cách nói ấy dẫu đúng, nhưng có khi vẫn không đạt hiệu quả như mong muốn. Nếu cách nói “hợp lý” ấy được người Quảng thể hiện uyển chuyển hơn nhằm đạt đến sự hợp tình hơn, xuôi tai hơn thì hẳn người nghe sẽ dễ tiếp thu hơn.

Và cũng trong trò chuyện, dẫu là chỗ thân tình nhưng ở người Quảng, ta thấy họ cũng thường hay phản biện, hay lật ngược vấn đề, chứ không gật gù cho qua chuyện. Chính vì thế, khi nói chuyện với họ, ta thường được tiếp nhận khá nhiều thông tin lý thú. Với một người dù mới quen sơ, mới gặp lần một lần hai nhưng khi cần phải bộc bạch quan điểm nào đó thì họ sẵn sàng trao đổi, chứ không nhìn trước ngó sau mới phát biểu”.

Người Quảng Nam có ưa cãi không, theo Lê Minh Quốc, nói đến đặc tính người Quảng Nam thì phải nhấn mạnh ở chỗ “ưa cãi”! Cãi của người Quảng Nam nặng về lý hơn về tình. Đây là một nhược điểm hay ưu điểm? Với họ, khi đã cãi thì yếu tố tình cảm ít khi có thể xen vào được. Vì thế, đôi khi đỏ mặt tía tai cãi nhau, để rồi sau đó, tự thâm tâm họ cảm thấy mình có điều gì chưa phải lắm. Lý không sai, nhưng tình đã “bay đi ít nhiều”. Điều này, cho thấy người Quảng ít uyển chuyển, mềm mỏng trong tranh luận, bởi họ quên rằng, có nhiều chuyện tưởng là đúng, cần phải gân cổ cãi cho bằng được, nhưng rồi “một bó lý không bằng một tí tình”. ấy mới là sự vận hành trong các mối quan hệ xã hội, “tưởng vậy mà không phải vậy”. Người Quảng ít khi nghĩ như vậy. Họ thường rạch ròi mọi chuyện.

Có lần ông Mai Thúc Lân - người từng giữ chức vụ Bí thư của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (từ giữa nhiệm kỳ khóa XV đến hết khóa XVI) cho rằng: “Song tính cách Quảng Nam cũng không phải chỉ là ưu điểm. Mặt trái của tính cách Quảng Nam là vì hay cãi nên dễ dẫn đến cực đoan, bảo thủ; kiên quyết nhưng cũng dễ đưa đến khó dung hòa. Không khoan nhượng đối với kẻ thù là đúng, nhưng đối với bạn bè, đồng chí lại trở thành thiếu khoan dung. Những tính cách này thường gây trở ngại trong công việc và căng thẳng trong quan hệ một cách không đáng có”.
Vậy trong tình yêu, đứng trước một cô nàng mà Lê Minh Quốc đang phải lòng, gã có cãi không? Tôi tin chắc là không và gã nhà thơ sẵn sàng lắng nghe mọi điều nàng nói. Vậy mà trớ trêu thay, hiện nay gã vẫn chiếc bóng một mình trên đường khuya về nhà, không một bóng hồng chờ đợi. Có lần, sau cuộc nhậu tàn canh với tôi và một người bạn trẻ, Lê Minh Quốc nhắn tin, đọc mà buồn nẫu ruột: “Có hai em nhậu mới vui/ Rượu bia “hoành tráng” ngược xuôi đêm dài/ Say rồi cứ tưởng là trai/ Tỉnh ra mới biết mình nay đã già”

Trần Hoàng Nhân

(nguồn: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/nhanvat/2012/5/55884.cand

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com