TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định LÊ MINH QUỐC - Dấn thân cho thi ca

LÊ MINH QUỐC - Dấn thân cho thi ca


ImageView.aspx

Lê Minh Quốc là người cả đời chạy theo thơ, nhưng không ồn ào. Một người mới “nảy mầm” sở thích cầm cọ nhưng không phải để làm duyên. Anh tâm sự rằng trong tâm hồn mình tiềm tàng  hạt giống nghệ thuật, chỉ cần biết khơi và đúng thời cơ là nó nảy mầm. Việc cầm cọ vẽ tranh cũng vậy, khi anh đến gặp bạn mình là họa sĩ Suối Hoa, có điều kiện, lòng và tay muốn cầm cọ, thế là vẽ. Mới đây, anh còn lập trang web cá nhân http://www.leminhquoc.vn  để có chỗ giao lưu bè bạn.

Lê Minh Quốc quan niệm nghệ thuật là sự lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn của chính mình. Dù rằng, không ai có thể lấp đầy khoảng trống ấy được, vì lấp đầy cũng đồng nghĩa với sự bất lực. Anh chạy theo thơ một cách hăm hở bởi anh luôn ảo tưởng mình sẽ bắt kịp được nàng. Chính ảo tưởng ấy giúp anh còn có thể “lang chạ” với thơ cho đến hết đời mình. Tập thơ “Hành trình của con kiến” (NXB Trẻ, 2006) cũng nằm trong dòng ảo tưởng đó.

Ở tập này,  không chỉ thể hiện sự phá cách ở thể loại trường ca mà còn bộc lộ rõ rệt một cái tôi giữa cuộc đời của Lê Minh Quốc. Cảm hứng viết tập trường ca “Hành trình của con kiến” chính là nỗi lòng trước cuộc sống quanh mình. Thời gian gần đây, anh cảm thấy nhịp điệu sống của mình và nhiều người quá chóng vánh. Nhiều lúc không kịp ăn, không kịp thở, không kịp ngủ đã lao vào công việc. Cứ thế ngày đến, ngày đi, đến lúc giật mình, ngoảnh lại đã thấy mình ngoài 40 và chỉ muốn viết một cái gì đó ghi nhận lại cảm xúc về thời gian mình đã sống. Lê Minh Quốc kể: “Từ khi có ý thức như thế, bất cứ  làm công việc gì, tôi đều lẩm nhẩm trong đầu những câu thơ, những tứ thơ bất chợt, rồi tìm mọi cách ghi lại và tin rằng đó là những cảm xúc thật, còn tươi rói. “Hành trình của con kiến” hoàn tất sau 2 năm lặng lẽ. Nó không đi vào một đề tài lớn lao với tham vọng “là một sử thi”. Nó chỉ là một tiếng nói nhỏ bé, một tiếng nói cá nhân khai thác ngóc ngách cảm xúc của tâm hồn người viết. Chính vì thế, nó có dấu ấn riêng biệt so với các trường ca trước đó”.

Thơ Lê Minh Quốc đầy tâm trạng, và được anh viết bằng một tâm trạng điềm đạm, tự nhiên. Ngay cả cái cách anh nói về thơ cũng tự nhiên. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra, rằng làm gì để có một bài thơ hay? Lê Minh Quốc nói chẳng phải làm gì cả. Tự nó sẽ đến nếu trong sâu thẳm tâm hồn của bạn thúc giục phải viết một cái gì đó. Viết như một sự tự giải thoát trong một tâm trạng đang khốn cùng, không lối thoát. Thơ trẻ hiện nay có nhiều phá cách? Thì cũng tốt thôi. Tâm trạng họ thế nào thì họ biểu hiện thế ấy, miễn là đừng làm dáng, đừng chạy theo mốt thời thượng. Vào một chiều nhạt nắng, nhịp điệu tâm hồn êm ả với nhịp lục bát thì làm sao có thể buộc họ phải phóng túng với thể loại tự do? Ngược lại, lúc tâm trạng rối bời, không định hướng, làm sao có thể bắt họ phải nhịp nhàng, chỉn chu trong vần điệu?

Ngoài tâm trạng thơ, Lê Minh Quốc còn có cả tâm trạng hội họa, tâm trạng của người tập vẽ. Anh vẽ như một đứa trẻ, một người mù tập đi. Vì thế anh yên tâm sẽ chẳng có ai chê người mù cả. Anh vẽ là để chơi, chứ chẳng phải học ai chơi. Thế nhưng, hàng trăm bức tranh đã hoàn thành, trong đó 40  bức tham gia triển lãm chỉ ra rằng, anh là một người mù tập đi và đi đúng đường. Tranh và người xem đánh giá điều đó. Còn nhớ, vào một ngày đẹp trời bỗng dưng Minh Quốc nổi hứng muốn vẽ, khi ở nhà họa sĩ Suối Hoa về. Và anh đã nhận được sự ủng hộ của bè bạn thân thiết. Rồi tìm đến phông và cọ, lại chẳng biết bắt đầu từ đâu. Anh đã trình bày tâm trạng của mình khi ấy: “Trước khung tranh trắng toát một màu/Anh cảm thấy như sắp lao xuống biển/ nhưng chẳng biết bơi/ Vẽ gì đi tôi ơi / biết vẽ gì khi tâm hồn trống rỗng”.  “Anh chàng mù” đã tập đi và phết những gam màu đầu tiên, dòng cảm xúc miên man gắn kết anh với phông vẽ, không dứt ra được. Đó là một cảm giác lạ lùng mà lần đầu tiên anh cảm nhận được. Cái khung vải nhỏ ấy bỗng như có một ma lực hấp dẫn lạ lùng, lạ lùng nhất là khi anh nhìn thấy ở đó thăm thẳm như biển khơi trập trùng sóng vỗ.

Trước khi vẽ tranh Lê Minh Quốc đã làm nhiều bài thơ có hình ảnh liên quan đến hội họa, nhưng khi đó anh chưa nghĩ tới có một ngày mình sẽ vẽ tranh. Sau này cầm cọ, đôi khi để tăng thêm cảm xúc anh viết thêm một câu thơ, một bài thơ ngắn vào bên cạnh tranh, thơ - họa giao hòa, lúc đó là trong tranh có thơ và trong thơ có họa. Anh vẽ với tâm trạng của một thi sĩ, thoải mái, phóng khoáng và không “đua” với các họa sĩ chuyên nghiệp. Nhưng anh tin ở khả năng sáng tác thơ của mình, tin ở thế mạnh là một người làm thơ, khi cầm cọ, cảm xúc thăng hoa, hòa hợp thơ và họa, điều đó thì đâu phải ai cũng có.

Lê Minh Quốc có một thuở mơ làm thi sĩ, và cái thuở đó rất…oách! Đó là theo ý anh. Độ đó, khi đang học lớp 7, suốt 3 tháng hè nghỉ học, Minh Quốc tha thẩn trốn nhà theo bạn đi tắm biển Mỹ Khê, Thanh Bình (Đà Nẵng). Một lần cậu bé Quốc suýt chết đuối, bố cậu bực lắm. Biết chắc thể nào về nhà cũng được một trận đòn roi, cậu bé láu cá xin mẹ lên ở nhà ông ngoại tìm chỗ náu thân. Ở đây, ngoài rong chơi, cậu bé lẩn vào phòng của ông cậu và đọc sách, không hiểu cũng đọc. Sau đó may mắn, cậu đọc được những bài thơ trên tạp chí Phổ Thông do nhà thơ Nguyễn Vỹ làm chủ nhiệm thì cậu hiểu. Những vẫn thơ khoan thai đã đi vào trí nhớ, và một ngày, cậu bé tập tễnh làm thơ.

Lê Minh Quốc gửi thơ đến một số tờ báo, như người gieo hạt chờ ngày nảy mầm. Mỗi số báo là cậu hồi hộp lật giở từng trang để xem mình có được in hay không. Sau nhiều lần thất vọng, cuối cùng cậu cũng thấy cái bút danh của  mình chình ình trên mặt báo. Cậu sung sướng hét lên. Tác phẩm đó là bài thơ Em tôi, in trên báo Thiếu nhi, tháng 5 năm 1973. “Em tôi bé nhỏ/ Bầu bĩnh dễ thương / Trên môi son đỏ /  Nụ cười trầm hương…”. Bài thơ in đậm ký ức mà cậu bé Lê Minh Quốc cứ đọc đi đọc lại. Đến giờ, khi đã là một nhà thơ nổi tiếng,  anh vẫn nhớ cảm giác đó. Khi đã được đăng tải vài bài, tiếp tục gửi một số tờ báo khác và được dùng. Tuy nhiên, một số tờ báo lại chưa có nhuận bút. cậu bé ưỡn ngực tự đắc “Chả cần, mình phục vụ văn học nghệ thuật (!)”. Cậu bé ngửa mặt lên trời, thấy vui, thanh thản và tiếp tục nuôi hồn thơ. Ước mơ trở thành một nhà thơ. Thuở mơ làm thi sĩ đó đã qua lâu rồi. Trước mặt tôi là một chàng thi sĩ dấn thân cho thơ, đi nhiều nước trên thế giới, và nếu thấy cảm hứng dạt dào, cần phải viết thì anh lại viết hẳn một cuốn sách về đất nước đó. Ví như đi Mỹ, anh có tập bút ký “Một ngày ở Mỹ”, đi Hà lan, anh có cuốn “Du lịch của người câm”...

 

NGUYỄN VĂN HỌC

(nguồn

http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=16078

:

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com