BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Để có tình yêu sách, phải thay đổi từ đâu?

Để có tình yêu sách, phải thay đổi từ đâu?


 

tinh-yeiu-sach-thay-doi-tu-dau

Việc khơi dậy tinh thần đọc sách đang đứng trước một bài toán nan giải. Sở dĩ nan giải vì chúng tôi cho rằng mọi nỗ lực của những người tâm huyết với "văn hóa đọc" chỉ mới tác động đến phần ngọn chứ chưa giải quyết căn cơ phần gốc

Cũng như những năm trước, Ngày sách Việt Nam với nhiều hoạt động tuyên truyền bề nổi đã trôi qua. Mọi việc gần như trở lại bình thường, chờ năm sau đến hẹn lại lên. Tinh thần đọc sách phụ thuộc vào hiệu quả của lời kêu gọi hô hào hơn là những giải pháp mang tính căn cơ.

Bài toán nan giải?

Tình hình đọc sách của người Việt hiện nay thế nào? Đã có tín hiệu gì khả quan? Chưa cơ quan nào có câu trả lời ngoài số liệu thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vào năm 2013: Trung bình mỗi người Việt Nam đọc 0,8 cuốn sách/năm.

Theo Cục Xuất bản - In và Phát hành, 5 năm qua, toàn ngành có gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỉ bản sách. Với số dân khoảng 90 triệu, như vậy tính trung bình mỗi người Việt Nam đang được hưởng thụ hơn 4,2 bản sách mỗi năm. Về lý thuyết là vậy nhưng thực tế, không ít người Việt hiện nay chưa đọc hết 1 cuốn sách/năm, thậm chí không đọc cuốn nào dù có tới hàng triệu thư viện và tủ sách công cộng, chưa tính các tủ sách gia đình; mỗi năm có hàng ngàn hội thảo về sách và văn hóa đọc.

Để có tình yêu sách, phải thay đổi từ đâu? - Ảnh 1.

Tình yêu sách được hun đúc từ khi còn trên ghế nhà trường và trong từng gia đình. (Ảnh do Đường sách TP HCM cung cấp)

Tỉ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng rất thấp, chỉ chiếm 0,057% dân số. Nếu so với mục tiêu phấn đấu 85% người dân (trong đó 90% là học sinh - sinh viên) sử dụng thư viện thì tỉ lệ này rất đáng suy nghĩ. Chưa hết, bình quân mỗi năm, Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách nhưng trong đó, số lượng sách giáo khoa, giáo trình đã chiếm đến 80%, như vậy tính bình quân 90 triệu dân chỉ có... chưa đến 1 đầu sách/người/năm.

Rõ ràng, việc khơi dậy tinh thần đọc sách đang đứng trước một bài toán nan giải. Sở dĩ nan giải vì mọi nỗ lực của những người tâm huyết với "văn hóa đọc" chỉ mới tác động đến phần ngọn, chứ chưa giải quyết căn cơ về phần gốc.

Ngọn, nghĩa là "xuân thu nhị kỳ" cứ đến Ngày sách Việt Nam (21-4), các địa phương, ban ngành, đoàn thể phát động rầm rộ nhiều hoạt động liên quan đến sách, văn hóa đọc như nhiệm vụ chính trị nhất thời. Sau đó, khi thời sự đi qua, mọi việc lại lắng xuống như trước. Dù rằng các hoạt động này là tích cực, cần thiết, ít ra cũng tác động đến nhận thức của công chúng nhưng vẫn chưa đủ. Xin đừng quên, đọc sách phải là một thói quen đã được định hình như nhu cầu tự thân chứ không vì... đọc sách theo phong trào. Điều cần thiết nhất để khắc phục tình trạng này phải là từ nhà trường và gia đình.

Giáo dục tình yêu sách từ gốc

Khi quan sát, khảo sát từ kinh nghiệm của Singapore, nhà báo Nguyễn Tri Anh cho biết: "Ở Trường Tiểu học Farrer Park, học sinh buộc phải hoàn tất reading log (tạm hiểu là tờ giấy mà học sinh sẽ ghi thông tin các cuốn sách đã đọc, bao gồm tên sách, tác giả, số lượng trang, ngày bắt đầu đọc, ngày kết thúc...) trong một học kỳ (ở Singapore, 1 năm học có 4 học kỳ). Một reading log tối đa 25 cuốn. Khi nào đọc xong 25 cuốn sách, học sinh sẽ nộp lại cho cô giáo và đề nghị đọc thêm sách hoặc thôi. Cô sẽ tìm trên mạng cuốn sách này và kiểm tra ngẫu nhiên với học sinh về nội dung những cuốn sách mà các em đã đọc".

Không những thế, "Trong tuần, nhà trường sẽ chọn những ngày riêng để các thành viên trong lớp đều cùng nhau đọc sách. Vào thứ hai, cô giáo đọc cho cả lớp nghe một cuốn sách nào đó. Thứ ba, thứ tư, thứ năm, các bạn sẽ cùng đọc cuốn sách mà mình thích cho cả lớp nghe rồi viết cảm tưởng về cuốn sách đó cho các bạn và cô giáo" - nhà báo Nguyễn Tri Anh kể.

Kinh nghiệm này, theo chúng tôi được biết, đã có một số trường thực hiện, từ đó có những chuyển biến rõ rệt ở học sinh về tình yêu sách. Muốn như thế, trước hết hệ thống thư viện ở các trường học cũng cần phải có sự đầu tư, thay đổi về chất và lượng. Rất tiếc là đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa kết hợp với Cục Xuất bản cùng cơ quan chức năng xây dựng mô hình thư viện sách, cụ thể là cần phải trang bị các loại sách gì trong trường học các cấp. Thử khảo sát thư viện tại các trường, chúng ta sẽ nhận thấy hầu hết chỉ mới là ngẫu hứng, "được chăng hay chớ", nên thư viện chưa thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh.

Sách cần được lựa chọn kỹ lưỡng

Với kinh nghiệm của người sáng lập và điều hành dự án phát triển văn hóa đọc "Sách ơi mở ra", cô Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhìn nhận: "Hệ thống sách cần được lựa chọn tỉ mỉ, kỹ lưỡng để phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Ở các thư viện tại lớp, thư viện trường học, sách nên được sắp xếp và phân loại theo độ tuổi, theo thể loại, theo trình độ đọc hoặc theo chủ đề để giúp trẻ có thể dễ dàng lựa chọn những cuốn phù hợp nhất với mình. Những cuốn sách hay, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi, được trình bày đẹp mắt chính là những "sự gợi ý", giúp trẻ tò mò, có hứng thú với việc đọc".

Trong khi đó, ở Việt Nam, ý thức làm sách dành cho mọi độ tuổi vẫn chưa được chú trọng. Một khi hình thức sách vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, tẻ nhạt thì phải thay đổi từ chuyện nhỏ nhặt này trong ngành xuất bản chứ không phải là từ các lời kêu gọi chung chung.

Không những thế, tình yêu dành cho sách không chỉ từ thư viện nhà trường mà còn từ mỗi gia đình nữa. Hiện nay, chưa ai thống kê ở Việt Nam có bao nhiêu tủ sách gia đình. Ở các chung cư cao cấp, đã có chung cư nào thực hiện tủ sách dành cho cư dân? Nếu không thay đổi một cách phổ quát thì mọi việc liên quan đến tình yêu sách vẫn chưa thể chạm đến phần gốc là vậy.

Việt Nam chưa nằm trong số nước có người đọc sách cao

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết: "Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới, trong khi khối Đông Nam Á có 3 nước: Singapore đứng thứ 36, Malaysia thứ 53 (12 đầu sách/người/năm) và Indonesia thứ 60". Nếu chỉ thay đổi theo phong trào nhất thời, e rằng qua năm sau, năm sau nữa, ta lại nhận được thông tin: Không có gì thay đổi!

ANH LƯU
(nguồn: Báo Người lao động ngày 22.4.2019)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com