BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Lê Minh Quốc: Mỗi người viết đều ‘giật giải’ mùi Tết từ ký ức của mình

Lê Minh Quốc: Mỗi người viết đều ‘giật giải’ mùi Tết từ ký ức của mình

img_26005THUING-NHO-MUI-TET

 

Cuộc thi "Nhớ thương mùi Tết" do Thế Giới Tiếp Thị Online tổ chức như một sân chơi để mọi người cùng giãi bày tâm trạng và chia sẻ những hồi ức khó quên.

Nhớ thương mùi Tết do Thế Giới Tiếp Thị Online tổ chức, có thể nói là một cuộc thi thú vị. Khác với những cuộc thi khác là ở chỗ nhấn mạnh vào “mùi Tết”. Chính vì không để ý đến chi tiết quan trọng và riêng biệt này, không ít bạn đọc đã hơi “lạc đề”, khi viết về kỷ niệm của Tết chung chung.

Lắt léo chính là chỗ đó.

Ban Giám khảo cuộc thi "Nhớ thương mùi Tết" 2019. Ảnh: Lê Sâm.

Kỷ niệm về ngày Tết trong quá khứ lẫn hiện tại, ai ai cũng có nhưng “mùi Tết” nào đọng lại lâu dài khiến nay họ vẫn còn nhớ đến mãi? Và tại sao lại nhớ? Câu hỏi này đặt ra và lôi cuốn bạn đọc, qua đó, chúng ta có thể thấy được sự đa dạng, phong phú về các mùi/ mùi vị/ hương vị đặc trưng của Tết Việt trải dài trên các vùng miền của non sông gấm vóc.

Bản sắc văn hóa cũng chính là ở chỗ đó.

Đọc qua các bài dự thi, tôi nhận ra rằng, tùy theo hoàn cảnh gia đình, vùng miền mà các bạn đã có những cảm nhận về mùi Tết rất thi vị, gợi nhớ kỷ niệm êm đềm. Có thể đó là mùi bùn, mùi của đất trời lúc giao mùa, mùi đồng tiền lì xì mừng tuổi mới, mùi khói bếp nấu bánh chưng bánh tét, mùi chả giò, mùi hoa vạn thọ, mùi nhang trầm... Không thể lấy gì ra so sánh được cả, bởi mỗi mùi đều có nét đặc trưng riêng và nó gắn với kỷ niệm của từng người.

Âu đó cũng là một trong những lý do khiến Ban giám khảo phải… đau đầu khi lựa chọn các bài hay nhất, viết đúng chủ đề nhất để trao giải. Vì rằng, bài viết dự thi của các bạn hầu hết đều đạt yêu cầu của cuộc thi và được viết với cảm xúc dạt dào.

Khó quá đi mất.
Vậy phải chọn ra làm sao?
Câu trả lời không dễ dàng.

Tuy nhiên, cái khó ấy cũng có thể giải quyết ổn thỏa nếu ta biết rằng, “Thương nhớ mùi Tết” là lúc người viết quay về cùng ký ức. Mà trong ký ức khó quên ấy, sở dĩ còn nhớ mãi là do nó còn gắn với kỷ niệm có thật với chi tiết có thật. Mùi Tết, sâu xa và bền chặt chính là mùi cố hương, mùi thơm thảo của ký ức. Chính điều đó sẽ thuyết phục bạn đọc lẫn Ban giám khảo.

Kết quả cuộc thi đã có. Chúng tôi tin rằng với những bài đoạt giải lần này, ngoài “mùi Tết” được cảm nhận riêng biệt từ người viết thì bạn đọc cũng tìm thấy nỗi lòng của mình trong trang viết đó. Như thế, nói cách khác, tất cả chúng ta - những người đã dự thi dù không được giải lần này nhưng thật ra cũng đều có giải của chính mình và từ bạn đọc nói chung.

Như vậy, mỗi người viết đều “giật giải” mùi Tết từ chính ký ức của mình. Cuộc thi chỉ là cái cớ, là sân chơi để mọi người cùng giãi bày tâm trạng và chia sẻ những hồi ức khó quên.

Xin chân thành cảm ơn sự cộng tác xa gần của các bạn. Hẹn lại gặp vào cuộc thi năm tới.

LÊ MINH QUỐC
(Thành viên Ban giám khảo cuộc thi Nhớ thương mùi Tết 2019)

“Lì xì” thêm 3 giải khuyến khích

Theo thể lệ đã được công bố từ đầu, cuộc thi có tổng cộng 8 giải (1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 5 giải khuyến khích). Thế nhưng, thực tế cuộc thi nhận được rất nhiều bài hay, nhiều câu chuyện xúc động, việc loại bài nào ra khỏi giải thưởng cũng khiến Ban giám khảo tiếc nuối. Do vậy, sau nhiều lần cân nhắc, Ban giám khảo cùng Ban tổ chức quyết định… lì xì thêm 3 giải thưởng, nâng số giải thưởng chính thức lên 11 giải.

Tuy là một cuộc thi nhỏ, nhưng để tăng sự hấp dẫn và bất ngờ, Ban tổ chức xin giữ bí mật về giải thưởng đến giờ chót.

Ban tổ chức trân trọng mời các tác giả có bài vào chung khảo đến dự lễ trao giải và liên hoan cùng các tác giả đoạt giải.

Buổi trao giải thưởng Nhớ thương mùi Tết 2019 diễn ra lúc 15g30 ngày 5/3 tại Nhà hàng Hương Xưa, số 204 Võ Thị Sáu, P.7, Q.3, TP.HCM.

(nguồn: https://thegioitiepthi.vn/moi-nguoi-viet-deu-giat-giai-mui-tet-tu-ky-uc-cua-minh-158678.html)

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com