VĂN XUÔI Truyện ngắn LÊ MINH QUỐC: HOÀNG HIỆP - Tình tự với quê hương

LÊ MINH QUỐC: HOÀNG HIỆP - Tình tự với quê hương

Từ năm 1997, tôi đã viết xong kịch bản HOÀNG HIỆP - Tình tự với quê hương, theo đề nghị của đạo diễn Lê Văn Duy của Xưởng phim thời sự tài liệu. Mãi năm 2000 đạo diễn Việt Bình mới hoàn thành bộ phim này và HTV đã phát sóng.

hoanghiep1

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Bẵng đi nhiều năm, tôi đã quên kịch bản này.

Chiều nay tình cờ xem trên http://clip.vn/watch/Hoang-Hiep-Tinh-tu-voi-Que-huong,Wq_Q?fm=se, thấy tựa phim quen quen, xem xong mới biết... là kịch bản của mình! Nay tôi post kịch bản này, nhằm góp thêm một tự liệu nhỏ về nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Và cũng là một phần nhớ lại ngày tháng đó, cái thời còn trẻ và tôi đã thử sức ở nhiều lãnh vực. Đã lâu lắm rồi, tôi không gặp nhạc sĩ Hoàng Hiệp và đạo diễn Việt Bình.

Lúc đó, khi viết xong, tôi đã đưa cho ông xem lại để chỉnh sửa những chi tiết cần thiết, nếu có.

L.M.Q

IX.2012

 

 

hoanghiep3

 

Chủ đề tư tưởng

Hoàng Hiệp - Tình tự với quê hương là kịch bản phim về chân dung nhạc sĩ Hoàng Hiệp - một trong những gương mặt âm nhạc tiêu biểu cho dòng nhạc Việt Nam hiện đại. Với những sáng tác của mình, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã tạo được dấu ấn trong tâm hồn người yêu nhạc qua nhiều thế hệ.

Bằng những thước phim được thực hiện với sự có mặt của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, bộ phim sẽ khắc họa những bước đường phát triển âm nhạc của ông. Có những ca khúc nổi tiếng như Câu hò bên bờ Hiền Lương, Nhớ về Hà Nội… khán giả sẽ biết được thai nghén và hoàn thành trong điều kiện nào? Thời gian nào?

Bên cạnh đó, những bạn bè của nhạc sĩ Hoàng Hiệp sẽ phát biểu những tình cảm đối với ông và có cả nhạc sĩ Tô Vũ - người thầy đầu tiên dạy nhạc cho ông tại trường Âm nhạc VN (nay Nhạc viện Hà Nội).

Cũng qua bộ phim này, chúng ta sẽ hiểu hơn tình cảm nồng nàn của nhạc sĩ Hoàng Hiệp và những cống hiến của ông cho nền âm nhạc nước nhà.

Độ dài của phim: 40 phút
Thể loại:
Địa điểm quay: An Giang, Hà Nội, TPHCM
Khởi quay: 7.1997
Hoàn thành: 1997

Nội dung kịch bản:

Mở đầu:

Trên dòng sông Tiền, buổi chiều. Nắng chập choạng trên những vòm cây. Một chiếc tàu lướt sóng. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đứng nhìn những cảnh vật chung quanh. Tàu lắc lư. Một tiếng hát trong trẻo, tình cảm vút lên:

Qua con sông Tiền rồi qua con sông Hậu. Ta dắt nhau qua miền thương nhớ, bạn mình ơi! Trăng kia khi tròn rồi trăng kia khi khuyết. Người với quê hương nguồn cội, tình đâu dễ nhạt phai. Hơ… Ai đến Thất Sơn, ai về Châu Đốc chất ngất máu xương từ bao đời cha ông vun đắp. Để bây giờ bờ cõi ấm yên. Ai đi ai nhớ Cồn Tiên. Ta về ta nhớ Tịnh Biên Nhà Bàng. Hơ… Ai đến Long Xuyên ai về Chợ Mới. Câu hát mẹ ru từ những ngày xưa xa xôi ấy đã in thành dấu ấn trong tim. Bao phen quạ nói với diều. Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.

Tiếng hát bay qua những làng xóm, những mái nhà, những đồng lúa, những kênh rạch… Mây chiều thong dong trôi. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp vẫn đứng trên tàu. Tàu lướt sóng. Ông đang trầm ngâm như nhớ lại thời ấu thơ đã mất. Lời bình:

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp - đứa con thân yêu của Chợ Mới - An Giang đang trở về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Từ nơi này ông đã đi kháng chiến. Từ kháng chiến, ông đã được nuôi dưỡng một tình cảm da diết với quê hương để trở thành một nhạc sĩ. Và chắc chắn, trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam, thế hệ này và nhiều thế hệ sau vẫn còn đặt ca khúc của Hoàng Hiệp trên môi. Họ hát. Những lời hát thấm đượm tình yêu quê hương, đất nước mãi mãi còn làm lay động trái tim của mọi người.

Tên phim: Hoàng Hiệp - Tình tự với quê hương

Hoàng Hiệp và một người bạn cùng đi trên con đường làng. Cả hai bước thong thả. Nắng buổi sáng tinh khôi. Họ đi vào căn nhà mà thuở nhỏ Hoàng Hiệp đã sinh ra và lớn lên. Hoàng Hiệp đưa tay sờ vào những vách tường. Tay ông gõ nhịp. Gương mặt trầm ngâm.

Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, ông sinh ngày 1.10.1931 tại một làng cù lao nằm giữa con sông Tiền. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, tháng 3.1945, theo tiếng gọi của non sông và sự háo hức của tuổi trẻ, ông đã tham gia tổ chức cách mạng Thanh Niên Tiền Phong. Những năm tháng đáng quý này, Hoàng Hiệp đã hát. Đến bây giờ những bài hát yêu nước vẫn còn in sâu đậm trong trí nhớ của ông.

Hoàng Hiệp và người bạn bước ra khỏi nhà. Họ đi trên đường làng. những con trâu hiền lành đứng nhìn. những đứa trẻ tung tăng chạy theo sau lưng họ. Có những đứa trẻ hát:

Hà rứa hà rứa mô đanh
Mần răng mần rứa sao đành
Sao cho đành
Anh hỡi anh
Sao cho đành
Anh hỡi anh!

Kỳ diệu thay, tiếng hát của trẻ con đang vút lên. Đây cũng chính là bài hát mà chính Hoàng Hiệp đã được nghe từ năm 4,5 tuổi. Chao ôi! Nhiều lần nhớ lại, Hoàng Hiệp vẫn không lý giải nổi tại sao bài hát này lại đi theo ông suốt đời. Đó là nỗi niềm của một người thất cơ lỡ vận hay bị tình phụ?

Họ đứng trước ngôi mộ cổ. Tấm bia còn ghi rõ tên tuổi dòng tộc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Ngôi mộ uy nghi. Rêu phong. Bàn tay run run, Hoàng Hiệp thắp một nén nhang.

Ngoài kia, dòng sông cuồn cuộn chảy.

Mới đó mà đã hơn nửa đời người. Mây trắng vẫn bay. Sông đời vẫn cuồn cuộn chảy.

Người bạn đi bên cạnh Hoàng Hiệp phát biểu: (đề nghị nhà văn Nguyễn Quang Sáng)

Những đứa trẻ con hồn nhiên nhảy tắm trên sông. Xa xa trên nền trời xanh biếc là những cánh cò bay. Tất cả gợi lên một miền quê thanh bình yên ả.

Quê hương đó là nơi gắn bó máu thịt mà không ai có thể quên được. Mấy mươi năm xa nhà, đi kháng chiến, trở về sông Tiền nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu. Còn nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã viết ca khúc Trở về dòng sông tuổi thơ - mà ông đã trân trọng ghi: “Tặng Nguyễn Quang Sáng và tất cả những ai có một dòng sông ở quê mẹ”.

Một chiếc đò lững lờ trên sông. Tiếng chim bìm bịp kêu. Một thiếu nữ xinh xắn trong bộ áo bà ba, tay cầm nón lá, chèo đò và cất lên tiếng hát.

Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà. Con sông gắn bó với tuổi thơ đời tôi. Bao năm xa quê ấy, trong mơ tôi vẫn thấy. Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già. Sông vẫn in màu mây. Vẫn khi vơi đầy vẫn mang phù sao làm đẹp thêm làng quê yêu dấu. Sông vẫn như thuở ấy. Có con đò ngang đón đưa người sang và từng đêm hát ru đôi bờ (thêm cả lời 2)

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp phát biểu cảm tưởng khi trở về quê nhà. Cận ảnh. Chúng ta thấy những sợi tóc bạc. Đôi mắt ông như rưng rưng khi nói về những kỷ niệm thời thơ ấu.

Những thước phim tư liệu thời chống Pháp. Chúng ta thấy những Thanh niên Tiền Phong gậy tầm vông vót nhọn. Chân đất. Giặc đốt cháy làng.

Từ dòng sông này, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã đi kháng chiến. Những năm tháng này, ông bắt đầu sáng tác. Trong ba lô của ông, người ta thấy những ca khúc của Văn Cao, và Lưu Hữu Phước được ông ghi nắn nót trong sổ tay. Hai thần tượng âm nhạc mà ôgn rất kính trọng và yêu mến. Với những sáng tác đầu tiên trong đời, đến nay Hoàng Hiệp không còn nhớ, nhưng thế hệ của ông vẫn còn nhiều người thuộc từng lời… Một ngày kia, Hoàng Hiệp đã bàng hoàng nhận được tin người bạn thuở nhỏ của mình đã hy sinh trong kháng chiến. Anh ấy tên Hòa. Để tưởng nhớ đến bạn, ông đã ghép tên Hòa với tên Nghiệp của mình lại. Và chia hai. Chính tình cảm sâu đậm này để tận bây giờ chúng ta thấy ông có bút danh Hoàng Hiệp.

Hoàng Hiệp và người bạn lững thững đi. Quay phía sau lưng. Bóng của họ nhỏ dần. Nhỏ dần.

Năm 1954, chia tay với dòng sông tuổi thơ, Hoàng Hiệp đã tập kết ra Bắc. Để trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, ông đã thi vào trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội).

Đường phố Hà Nội. Những bóng cây thâm nghiêm tả tơi lá vàng bay vèo trong gió. Trong một căn phòng nhỏ. Hơi tối. Bên cạnh chiếc đàn piano, nhạc sĩ Hoàng Hiệp ngồi trầm ngâm. Tay ông gõ nhẹ xuống một phím. Tiếng vang đột ngột và dừng lại đột ngột.

Ngay từ năm học đầu tiên, Hoàng Hiệp đã gây sửng sốt trong giới âm nhạc bằng ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương. Ca khúc này ông viết năm 25 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất của trường nhạc. Ca khúc này đã đánh dấu từ một nhạc sĩ nghiệp dư đã trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Trường nhạc. Những sinh viên nô nức cười vui trong nắng mới. Hoàng Hiệp đi trong sân trường. Ông cúi xuống nhặt một chiếc lá vàng. Ném bay trong gió. Một tốp sinh viên trong hội trường đang biểu diễn ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương (đề nghị hát nguyên bài). Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đứng ngoài hội trường. Ông xúc động lắng nghe. Cận ảnh. Và khuôn mặt nhạc sĩ mờ dần.

Đã có lần nhạc sĩ Hoàng Hiệp nói với chúng tôi về định nghĩa âm nhạc của nhà thơ Raxun Gamzatốp: “Bài hát sinh ra từ trong trái tim, trái tim truyền lại cho miệng hát, miệng hát truyền lại cho mọi trái tim và mọi trái tim truyền mọi bài hát cho muôn đời sau”. Điều này đã khiến chúng tôi liên tưởng đến các ca khúc của ông được viết trong thời gian ở miền Bắc.

Những bìa ca khúc Hoàng Hiệp như Câu hò bên bờ Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Đất quê ta mênh mông, Trường Sơn Tây - Trường Sơn Đông… được quay lại. Cận ảnh…

Trường nhạc. Ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương vừa chấm dứt, một tốp sinh viên chạy ùa đến tặng hoa cho ông. Gương mặt ông rạng rỡ. Hoàng Hiệp phát biểu. Ông nhắc lại một vài kỷ niệm thời còn là sinh viên của trường.

Đường phố Hà Nội. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp lững thững dạo chơi bên Bờ Hồ. Nắng chiều. Đi bộ. Tình cờ từ phía sau lưng có người réo gọi tên ông. Hoàng Hiệp quay lại. Thì ra đó là người bạn cũ, nay cũng là nhạc sĩ: Hồng Đăng. Người bạn đã chở ông đi trên chiếc xe dream mới. Họ đi đến những nơi như Ô Cầu Giấy, khu tập thể Kim Liên… Đường phố Hà Nội thật đẹp trong chiều nắng vàng óng tơ lụa.

Khu tập thể Kim Liên. Trong một căn phòng nhỏ. Sách vở bừa bộn.

Chúng ta khó ngờ rằng, mấy mươi năm trước đây, cũng trong căn phòng này, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã sáng tác những ca khúc tuyệt vời. Đã có lần nhạc sĩ tài hoa đã đi vào cõi bất tử là Văn Cao thận trọng và cân nhắc từng từ: “Nhạc sĩ phổ thơ số một Việt Nam chính là Hoàng Hiệp”. Vâng, những lời thơ nằm trên trang giấy, khi Hoàng Hiệp gõ chiếc đũa thần âm nhạc vào thì nó bỗng cựa mình tỉnh giấc. Âm nhạc của ông đã chắp cánh cho thơ bao vào cõi đời.

Những thước phim tư liệu. Xe nhà binh ầm ầm ra tiền tuyến. Những bộ đội ngụy trang. Còn trẻ trung tuổi đôi mươi, họ đã vỗ tay hát Lá đỏ. (nếu không có phim tư liệu thì dựng cảnh Hà Nội đang tiễn đưa thanh niên làm nghĩa vụ quân sự lên đường).

Gặp em trên cao lộng gió. Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ. Em đứng đứng ở… bên đường như quê hương vai áo bạc quàng súng trường. Đoàn quân vẫn đi vội vã. Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa. Chào em, em gái Trường Sơn, ơi em gái tiền phương, hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn. Chào em, em gái Trường Sơn ơi em gái Trường Sơn ơi em gái tiền phương, hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.

Tiếng hát chấm dứt. Trong căn phòng là nhà riêng của nhạc sĩ Hồng Đăng. Chúng ta thấy có những người bạn học cùng khóa với Hoàng Hiệp là Hồng Đăng, Huy Thục và Chu Minh, Tân Huyền. Họ đang ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa (đề nghị những nhạc sĩ có tên nêu trên đều phát biểu). Chân dung những nhạc sĩ này chỉ thoáng qua làm nền cho lời phát biểu là khung cảnh của Hà Nội. Mái ngói thâm nghiêm, rêu phong. Đường phố nhỏ. Bóng cây xanh.

Sinh ra tại miền Nam, nhưng nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã chọn miền Bắc làm quê hương thứ hai của mình. Nơi đây, ông đã cưới vợ và tạo nên một sự nghiệp âm nhạc vững vàng. Cho đến nay, cùng với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp đã trở thành ông hoàng của thơ phổ nhạc. Ông đã tìm được nghệ thuật phổ thơ, giữ được hồn thơ mà vẫn bảo đảm được chủ đề, phát triển chủ đề và khúc thức trong âm nhạc. Điều này chứng tỏ, Hoàng Hiệp là một người cực kỳ yêu thơ. Chúng ta hãy nghe nhà thơ Nguyễn Đình Thi (hoặc Phạm Tiến Duật) phát biểu khi có thơ được ông phổ nhạc.

Trong sân 51 Trần Hưng Đạo. Một quán cóc. Bàn ghế thấp lè tè. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi (hoặc Phạm Tiến Duật) ngửa mặt nhả khói thuốc lào. Làn khói trắng tan vào trời xanh. Và phát biểu.

Và cũng tại 51 Trần Hưng Đạo này, cái nôi của hoạt động văn học nghệ thuật miền Bắc thời trước và bây giờ, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã có nhiều lần đứng trầm ngâm dưới bóng cây cổ thụ này. Đó là những lúc ông nhớ miền Nam với một tình yêu sâu đậm. Bây giờ, trở lại nơi này, hẳn nhạc sĩ Hoàng Hiệp vẫn chưa quên, vào một ngày đầ thu của năm 1961, thần tượng âm nhạc của ông là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã nói: “Cậu hãy cố gắng viết một bài về quân giải phóng. Nếu bài hát ấy trở thành bài hát chính thức của quân giải phóng thì càng tốt”.

Tại ngôi nhà số 66 Nguyễn Thái Học. Hoàng Hiệp đã đến đó. Từ trong rađio đặt trên bàn văng vẳng mơ hồ những lời của ca khúc Hành khúc giải phóng.

Chính từ sự gợi ý này mà Hoàng Hiệp đã có ca khúc Hành khúc giải phóng và Giờ hành động. Cả hai ca khúc này đều ký tên Lưu Nguyễn và Long Hưng. Ít ai biết rằng, Hoàng Hiệp đã ghép họ Lưu của mình vào họ Nguyễn của người yêu để tạo nên bút danh này. Còn Long Hưng là tên chung của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng. Sau này, nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng nói rằng: “Trong cuộc đời sáng tác của mình, tôi coi đây là một niềm hạnh phúc, một vinh dự to lớn”.

Đường phố Hà Nội tấp nập. Những cao ốc mọc lên đến chóng mặt. Nhịp sống vội vã. Xe cộ đan nhau. Hoàng Hiệp bước đi - dường như ông không thích ứng được với tốc độ lớn của Hà Nội đang đổi thay. Ông bước đi trên phố thật chậm.

Vâng, những năm tháng chiến tranh tại miền Bắc đã nuôi dưỡng Hoàng Hiệp thành một nhạc sĩ tài năng. Hiện thực của cuộc cách mạng và chiến tranh giữ nước đã được tái hiện trong âm nhạc của ông. Chúng ta làm sao quên được hình ảnh của Cô gái vót chông từ Tây Nguyên ngăn chặn xe tăng địch, làm sao quên được hình ảnh của Đất quê ta mênh mông với bà mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh mà nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc, làm sao ta quên được Ngọn đèn đứng gác, những ngọn đèn như tâm hồn không bao giờ tắt…

Hoàng Hiệp ngồi xuống một quán chè lá tiêu biểu của vỉa hè Hà Nội. Ghế thấp. Trà bốc khói. Gương mặt bà cụ bán nước thật hiền lành, móm mém cười. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp ngồi xuống. Ông uống chén nước trà nóng và lơ đễnh nhìn mọi người. (có thể chọn nơi gần Hồ Gươm). Xa xa là Tháp Rùa. Hoàng Hiệp lại bước đi. Bỗng vút lên tiếng hát Nhớ về Hà Nội (đề nghị sử dụng nguyên bài). Cận ảnh chân dung Hoàng Hiệp. Cận ảnh gương mặt Hoàng Hiệp. Từ hai hố mắt ông, hiện ra những cảnh trí của Hà Nội thời xa xưa, thời chiến tranh. Xe đạp chậm. Trên xe đạp có hoa tươi. Có những thiếu nữ mặc quân phục nụ cười tươi rói….

Nỗi nhớ Hà Nội vẫn luôn ám ảnh trong trí nhớ của ông. Ca khúc này ông đã sáng tác năm 1984. Bây giờ và sau này, nghe lại thì chúng ta vẫn hình dung ra một Hà Nội với hồn nước thiêng còn lắng đâu đây… Chính từ tình yêu quê hương để quê hương có được ca khúc tuyệt vời này.

Và cũng chính vì tình yêu quê hương mà năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, trở về Nam, Hoàng Hiệp đã có Con đường có lá me bay, Đất mũi Cà Mau, Về miền thương nhớ, Thành phố tôi yêu… Và nhiều ca khúc khác trầm lắng đậm đà phong cách trữ tình của Hoàng Hiệp.

Tại Sài Gòn. Nắng gắt phương Nam. Những cao ốc mọc lên cao ngất trời xanh. Những đại lộ rộng mênh mông. Từ sân bay, nhạc sĩ Hoàng Hiệp bước lên xe taxi. Có những bạn bè ùa tới tặng ông những bó hoa hồng thật tươi. Vang lên là những tiếng ca trầm bổng: “Khi mỗi gương mặt là một hoa hồng. Ta mải mê nhìn dù quen hay lạ. Để mắt ta in bóng hình tất cả. Mỗi nụ cười là một dấu môi hôn….”. Xe chạy với tốc độ trung bình. Hoàng Hiệp nhìn qua bên kia đường. Một vòm trời hoa phượng đỏ rực. Xe lao vút qua. Trên đường Nguyễn Du. Trời chiều. Những chiếc lá me li ti rơi trong gió. Vòm me xanh mát mắt.

Cây xanh trên đường phố Sài Gòn được nhiều người yêu thích nhất là cây me.Từ đời Lê Thánh Tôn, một nho sĩ vô danh đã làm thơ vịnh cây me với từng lời lấp lánh.

Cội ngọc sinh thành lạ bởi dâu
Có duyên xưa chiếm được nơi mầu
Ngọn dương tươi tốt hơi đương đượm
Tán lục rườm rà bóng nắng thâu…

Hai mươi năm xa quê, trở lại Sài Gòn, ấn tượng đầu tiên gợi cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp nhiều cảm xúc nhất chính là cây me đáng yêu ấy. Cây me đã nhắc nhở về tuổi thơ của ông, từ đó ông dào dạt một niềm cảm xúc. Thế rồi một ngày kia, được đọc bài thơ Con đường có lá me bay của nhà thơ Diệp Minh Tuyền, lập tức từng nốt nhạc vang trong chiều sâu ký ức. Ca khúc ấy đã ra đời và nó đã trở thành một trong bài hát được giới trẻ Sài Gòn yêu thích.

Xe taxi dừng lại. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đi trên đường Nguyễn Du. Tiếng hát vọng lên.

Con đường có lá me bay. Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về (nguyên cả bài hát này được hát).

Những đường phố Sài Gòn tấp nập người. Những lứa đôi dạo chơi dưới vòm me. Tiếng hát bay lên trời xanh. Hoàng Hiệp mỉm cười nhìn họ. Gương mặt ông thật hiền lành.

Mới đó, thoáng chốc mà đã hơn nửa đời người. Có bao giờ, buổi sáng, soi gương, nhạc sĩ Hoàng Hiệp nhận ra những sợi tóc bạc trên vầng trán của mình. Mới đó, năm 1975, khi vừa giải phóng, ông Trần Bạch Đằng lúc bấy giờ là trưởng ban Tuyên huấn Trung ươn Cục đã điện xin Hoàng Hiệp về Nam. Vậy mà đã hơn 20 năm trôi qua. Lần đầu tiên gặp nhau, ông Trần Bạch Đằng đã nói gì nhỉ?

Tại nhà ông Trần Bạch Đằng. Ngoài sân. Bóng mát (đề nghị ông Trần Bạch Đằng phát biểu)

Vâng, ý kiến của ông Trần Bạch Đằng có lẽ nhiều người vẫn suy nghĩ như thế. Và chúng ta thấy là lạ, dù là người miền Nam, nhưng trong ca khúc của mình, Hoàng Hiệp đã sử dụng hỏi ngã như một người miền Bắc. Và hơn một trăm ca khúc của ông, không bài nào giống bài nào và bài nào cũng mang dấu ấn Hoàng Hiệp. Khi reo vui hùng tráng, khi thâm trầm sâu sắc, khi mượt mà tình tứ, khi rộn rã yêu đời… thì Hoàng Hiệp vẫn là Hoàng Hiệp. Ca khúc của ông không lẫn vào với ai cả. Người thầy dạy nhạc đầu tiên trong đời ông là GS nhạc sĩ Tô Vũ đã phát biểu về Hoàng Hiệp.

Tại nhà nhạc sĩ Tô Vũ (đề nghị GS Tô Vũ phát biểu)

Cách đây hai năm, Nhà xuất bản Văn Nghệ TPHCM đã xuất bản tập Tuyển tập 100 ca khúc Hoàng Hiệp. Qua đó chúng ta nhận thấy sức lao động nghệ thuật của ông thật đáng quý. Hiện nay, với tư cách là Tổng thư ký Hội âm nhạc TP.HCM, nhưng ông vẫn miệt mài viết đều đặn và lặng lẽ.

Tại 81 Trần Quốc Thảo. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đang nghiêng người xuống những giấy tờ, công văn một cách chăm chú. Quán bida của Hội vẫn đông người. Chúng ta thấy có Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Vũ Hoàng, Từ Huy, v.v… đang nói cười vui vẻ. Quán bia của Hội càng đông người hơn. Ồn ào. Hoàng Hiệp vẫn lặng lẽ trên bàn làm việc. Ông đứng dậy, bước đến bên cây đàn piano gõ vài tiếng - như đang tìm cách thư giãn.

Dù bề bộn với công việc nhưng nhạc sĩ Hoàng Hiệp vẫn sáng tác đều đặn. Mới đây nhất, ca khúc Thành phố tôi yêu của ông đã đoạt giải A của Hội âm nhạc. Một lần nữa tình cảm yêu thương quê nhà tha thiết đã gợi hứng cho ông có được giai điệu đẹp.
Tại Nhà Văn hóa Thanh niên. Phim tư liệu về Đêm nhạc Hoàng Hiệp đã từng được tổ chức. Chúng ta thấy vang lên ca khúc Thành phố tôi yêu (hoặc có thể dựng lại một hội diễn văn nghệ có biểu diễn ca khúc này.
Với giải A, nhưng Hoàng Hiệp vẫn chưa thật sự hài lòng với ca khúc này. TP.HCM - thành phố mang tên Bác kính yêu vẫn là điều thôi thúc nhạc sĩ Hoàng Hiệp về một ca khúc xứng đáng hơn, hay hơn nữa. Sự chưa hài lòng và còn canh cánh ấp ủ cho nhiều sáng tác mới nữa - chúng tôi nghĩ rằng - đó là đức khiêm tốn của nhạc sĩ Hoàng Hiệp - khi mà ông đã có nhiều, rất nhiều ca khúc thành công từ 50 năm nay.

Từ 81 Trần Quốc Thảo, nhạc sĩ Hoàng Hiệp bước ra cổng. Cận ảnh. Ông nheo mắt cười và nói (đại khái: Tôi vẫn còn nặng nợ với thành phố này…)
Ảnh đứng lại. Gương mặt Hoàng Hiệp cười thật tươi. Những dòng chữ từ từ hiện lên:
Hoàng Hiệp - Tình tự quê hương
Kịch bản: Lê Minh Quốc
Đạo diễn:
….
Xưởng phim thời sự tài liệu TP.HCM

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com