Chương bốn
Bóng trăng lênh láng những ánh vàng trên vòm cây. Đêm yên tĩnh. Nhận lệnh rút khỏi Hà Nội và quay về trấn giữ vùng Nghệ An, ông Thuyết không vui. Đến xứ Nghệ, với tâm trạng buồn bực, ông không thể bình tâm lắng nghe tiếng hò từ ruộng đồng khô cằn đang vọng đến:
Ai có chồng nói chồng đừng sợ
Ai có vợ nói vợ đừng ghen
Tới đây hò hát cho quen
Rạng ngày mai ai về nhà nấy, há dễ ngọn đèn hai tim.
Ông Thuyết cảm thấy trái tim mình đau buốt. Chẳng lẽ ta là ngọn đèn hai tim ư? Ngay sau khi hiệp ước 1874 ký chưa ráo mực, nhân dân cả nước điên tiết. Họ bất bình. Họ trách triều đình nhà Nguyễn hèn nhát đã bỏ mất cơ hội có thể đánh Pháp và thắng Pháp. Biết làm sao được khi mà vua Tự Đức nhìn tương quan lực lượng, cho rằng: “Huống chi ngày nay nhân dân sợ sệt rồi, mà thuyền của họ vẫn mạnh như sóng gió, súng của họ vẫn mạnh như lửa hồng, các ngươi định đem toán quân cô quạnh, vừa ít vừa hèn ra mà chống chọi với họ, thực là bước qua đầu rắn độc, giẫm lên đuôi hổ mang, có khác chi lũ nhặng múa trong bụi cỏ, con bọ ngựa giơ cánh tay để ngăn xe được không?”. Bất chấp lời nhận định dại dột, ươn hèn này, văn thân Nghệ An đã nổi dậy, họ tuyên bố:
Vận trời chả biết làm ao
Ra về dàn trận đánh đao với triều
Dập dìu súng bắn cờ xiêu
Phen này quyết đánh cả triều lẫn Tây!
Tiêu biểu cho phong trào này là hai bạch diện thư sinh chỉ mới đậu tú tài đứng ra làm chủ soái. Đó là Trần Tấn và Đặng Như Mai. Trước lúc khởi binh, họ làm tờ tấu gửi cho nhà vua. Trong đó có đoạn: “Có thật là yếu hèn đâu: ta như bay, như lượn, như sông Giang, sông Hán, như núi cao bao bọc, như sông dài chảy quây. Một tiếng trống đánh lên đủ làm tan súng phá trời, một thẻ lính bài gõ xuống đủ làm đắm thuyền rẽ đất. Quân vua đến đâu như núi Thái Sơn đè lên quả trứng vậy. Sao lại bảo như bầy nhặng vo ve trên cỏ, bò ngựa giơ càng đá xe?”. Họ đã phối hợp với lực lượng kháng chiến của Trần Quang Cán ở Hà Tĩnh, Trương Quang Thủ ở Quảng Bình… vây hãm thành Vinh và đánh những trận dữ dội. Quân triều đình chống cực không nổi phải bỏ chạy. Trước tình thế này, nhà vua nghĩ đến Tôn Thất Thuyết và phái ông đi dẹp “loạn” văn thân!
Trước ngày ông Thuyết rời Sơn Tây để vào Nghệ An, Thống đốc quân vụ Hoàng Kế Viêm có đưa cho ông xem tờ hịch “Bình Tây sát tả”. Xem xong, ông thở dài:
- Từ thuở trai tráng, tôi từng mong được lấy da ngựa bọc thây. Được đánh một trận vang trời lở đất với bọn mắt xanh mũi lõ thì dẫu có chết, tôi cũng ngậm cười nơi chín suối, cũng vui lòng. Nay nhận chỉ dụ của quốc vương đem quân đàn áp văn thân xứ Nghệ thì lòng tôi không nỡ!
Ông Viêm chia sẻ:
- Ông nói được như thế thì quả không phải là kẻ mù quáng, tầm thường. Đã đành, hưởng ơn mưa móc của thiên tử thì phải làm thân khuyển mã nơi chốn sa trường. Nhưng nay ông về Nghệ An thật lòng tôi cũng không vui…
Không vui, vì ông Viêm biết rằng dăm năm trước một linh mục người Pháp lấy tên Việt là Chu về Nghệ An truyền đạo, chia rẽ lương – giáo thì bị Trần Tấn cùng học trò mình phản đối kịch liệt, đốt nhà thờ. Linh mục Chu tố cáo việc này lên bộ Lễ. Vua Tự Đức giận lắm, xử phạt nghiêm khắc. Nhưng rồi, giám mục người Pháp có tên Việt là Ngô Gia Hậu cũng tiếp tục khiếu nại, nhà vua buộc lòng bắt tất cả xử chém, nhưng cho “trảm giam hậu” - tống giam để đợi xét xử thêm. Riêng Trần Tấn có mẹ già ốm đau nên tạm thời được tha. Rồi lúc chuẩn bị cho việc ký hòa ước, nhà vua lại cử tượng thư bộ Công Ngụy Khắc Đản đi dàn xếp dứt điểm những chuyện rắc rối này. Trước thái độ nhu nhược đó, Trần Tấn quyết định phát động phong trào nhân dân vừa đánh Pháp vừa chống lại triều đình:
Vì thằng tả, giận thằng Tây
Tuốt gươm chém sạch trận này mới nghe
Nghĩa binh nghĩa sĩ ta hè
Đồng chung áo giáp tứ bề ruổi rong
Đâu đâu ai cũng một lòng
Cờ bay lá nghĩa, đùng đùng tiếng nhân
Một niềm trừ địch yên dân
Càn không giãi tỏ, quỷ thần chứng tri
Không thể chống lệnh của nhà vua, ông Thuyết phải lên đường về xứ Nghệ. Đêm ấy, hai tướng quân đã uống một bữa rượu say túy lúy. Trong cơn say ngất ngưởng, ông Thuyết đã cao hứng đọc bài thơ mà ông cho rằng mình chẳng khác nào con ngựa thồ! Giọng đọc sang sảng của ông như tiếng chuông rền, trưởng chừng như vang động cả núi rừng:
Mang nặng lên cao sức mỏi dần
Đường dài dằng dặc vẫn phân vân
Vật quý trong nhà còn gì nhỉ?
Chỉ bức Hà đồ mấy nghìn năm!
Nghe tin ông Thuyết kéo quân về đàn áp phong trào, thủ lĩnh Trần Tấn và Đặng Như Mai lo lắm. Khi họ khởi binh, Tổng đốc Nghệ An là Tôn Thất Triệt dù không nói ra, nhưng cũng ít nhiều dành cho họ nhiều thiện cảm, nhắm mắt cho họ làm việc nghĩa nên phong trào ngày càng lan rộng. Còn bây giờ triều đình cử tướng võ về đây thì tình thế sẽ ra sao? Mà nhất là người ấy lại là Tôn Thất Thuyết, người vừa mới đánh tan đám quân của bọn Ông Thất từ Long Châu tràn qua biên giới. Thất kết hợp với thổ phỉ của Chu Tường Lân từ Tuyên Quang kéo xuống Thái Nguyên, bao vây tỉnh thành Cao Bằng. Lực lượng này hùng hậu như thế, nhưng ông Thuyết cũng đánh tan. Thế thì ta phải đối phó ra sao?
Sau nhiều lần bàn luận, họ nghĩ, ông Thuyết là võ tướng, không giỏi văn chương nên có thể mượn tay một thầy đồ gàn để “cảm hóa” bằng chữ nghĩa vẫn là diệu kế? Mà những kẻ sĩ hay chữ nhưng sinh bất phùng thời thì không thiếu!
Bóng trăng vẫn ngời sáng. Tiếng hò xứ Nghệ vẫn vọng đến khoan nhặt. Bỗng ông nghe tiếng bẩm báo:
- Thưa, có một kẻ tự xưng là thầy đồ muốn vào gặp quan lớn!
Từ ngày kéo quân về đây, ông Thuyết đã từng nghe nói đến con người xứ Nghệ. Họ vừa thông minh, hiếu học nhưng cũng có không ít kẻ gàn bướng, ngang tàng coi trời bằng vung! Điều này ít nhiều hợp với tính cách của chính ông! Lâu nay, ông nổi tiếng là người tính tình nóng nảy, ghét ai là ghét ra mặt, ghét đào đất đổ đi; thương ghét rạch ròi đâu ra đó chứ không úp úp mở mở. Đang buồn bực, ông quay lại:
- Cho hắn vào!
Thoạt thấy mặt ông, thầy đồ đã quỳ mọp xuống đất, xá:
- Bẩm quan lớn, con chỉ muốn chết.
Chỉ muốn chết ư? Quả là lạ. Ông Thuyết ngạc nhiên:
- Chết đâu có gì là khó. Chỉ biết sống, sống cho đáng mặt nam nhi mới là khó!
Thầy đồ vẫn nhũn:
- Vì biết khói nên con mới đến đây nhờ quan lớn hóa kiếp!
Đúng là đồ gàn, ông Thuyết nổi nóng:
- Quái lạ! Tại sao ngươi muốn chết?
Thầy đồ nhăn nhó:
- Bẩm, con chỉ là thứ “điên, cuồng, ngu, ngộ”! Sinh ra trên đời có nhiều cách để lập thân, có người cầm quân vùng vẫy chốn sa trường, có kẻ học mót chữ của thánh hiền để lai kinh ứng thí. Như con đây, những mong học hết trang sách nát để được ghi tên trên bảng vàng! Con học như cuốc kêu ngày hạ, nhưng rồi thi có đỗ đâu! Thi mãi không đỗ thì con chỉ muốn chết cho xong.
Nghe thầy đồ nói đâu ra đấy, bất giác ông Thuyết cũng dịu lòng:
- Biết thẹn với nghiệp bút nghiên thì cũng không phải là kẻ tầm thường. Thế ngươi học hành ra sao?
- Bẩm, con chỉ là một thứ “điên, cuồng, ngu, ngộ” thôi ạ! Học hành nào có ra gì!
Biết thầy đồ không phải tay vừa, ông Thuyết gằn giọng:
- Học hành từ thuở tóc xanh đến lúc bạc đầu mà vẫn dốt nát thì chết là phải. Nếu ngươi muốn thì ta cũng không tiếc một nhát gươm!
Biết không thể đùa được nữa, thầy đồ nói:
- Trước lúc được ơn của quan lớn, kẻ hèn này cũng xin được đọc bài thơ bộc bạch nỗi lòng!
Ông Thuyết khinh bạc:
- Thơ à? Để làm gì? Chẳng có ích gì trong thời buổi này cả. Bọn sĩ tử trói gà không chặt, nhưng giỏi thơ phú thì thời nào cũng có. Chúng chỉ lăm lăm lưu danh hậu thế bằng những vần thơ trăng, hoa, tuyết, nguyệt thì thật đáng hổ thẹn! Nhớ chưa? Nói thế thôi, chứ ta không phải kẻ võ biền…
Đang nói, ông Thuyết đứng dậy:
- Ta cho phép ngươi đọc thơ. Nhưng phải là bài thơ do ta ra đề, nếu không thì lưỡi gươm của ta lại vấy máu!
Thầy đồ vẫn bình tĩnh:
- Dạ, xin quan lớn ra đề!
Ông Thuyết đáp:
- Thì đấy! Ngươi bảo ngươi “Điên, cuồng, ngu, ngộ”. Vậy hãy lấy bốn chữ ấy làm đề!
Ngồi xuống tràng kỷ, ông Thuyết ngồi khoanh chân, lấy miếng trầu nhai bỏm bẻm để chờ nghe bài thơ của ông đồ xứ Nghệ. Nhai chưa kịp dập miếng trầu, đã nghe cất lên giọng đọc thơ ai oán, trầm buồn như chất chứa biết bao tâm sự:
-Cao Tổ điên hào kiệt
Vũ Đế ngộ thần tiên
Tăng Điểm cuồng thiên hạ
Nhan Tử ngu thánh hiền
Giọng đọc vừa dứt, ông Thuyết vỗ đùi đen đét:
- Tuyệt bút! Hay lắm! Ngươi hãy đứng dậy! Ngồi đây!
Lần đầu tiên, binh lính đứng ngấp nghé ngoài cửa thấy Tán tương quân vụ rót ly trà mời cho kẻ dưới! Ông Thuyết bảo:
- Có phải thơ của ngươi hay thơ của ai?
Được lời như cởi tấm lòng. Ông thầy đồ cho biết đấy là thơ tú tài Trần Tấn và Đặng Như Mai sai ôn đến đọc cho quan lớn.
Giọng ông Thuyết trầm hẳn xuống:
- Thôi được. Nay mai ta sẽ gặp hai ông tú tài kia! Để xem họ học hành ra sao mà dám khởi binh chống lại triều đình? Đáng tội chết!
Bóng trăng chìm sau núi. Đêm tối đen. Có tiếng chó sủa vu vơ…
Nhưng Tôn Thất Thuyết chưa kịp gặp thủ lĩnh của phong trào “Bình tây sát tả” xứ Nghệ thì ông nhận được lệnh trở về nhiệm sở cũ để nhận nhiệm vụ mới.
***
Sau hòa ước Giáp Tuất (1874), không chỉ văn thân trong nước nổi lên chống lại triều đình mà bọn thổ phỉ ở biên giới cũng lợi dụng cơ hội đánh phá khắp nơi. Ở mạn Tuyên Quang, quân Cờ vàng của Hoàng Sùng Anh ngang nhiên đem quân về đóng ở tại Châu Thượng, phủ Vĩnh Tường! Chúng cướp bóc, đốt nhà, hãm hiếp dân lành không ai chịu xiết!
Nhận được lệnh này, như cá được về biển, Tôn Thất Thuyết đã nhanh chóng đem quân đến giao chiến.
Tháng 10.1875. Sương khuya dày đặc. Ngọn lửa vẫn cháy sáng bập bùng. Mấy đêm nay, ông Thuyết gần như thức trắng. Hai hố mắt sâu hoắm. Có lẽ do có nội gián nên mỗi lần hành quân thì bọn thổ phỉ đã trốn sạch! Đến nơi chỉ thấy doanh trại trống toang hoác, ông cho phóng hỏa và rút quân. Nhưng chỉ dăm ba ngày sau thì chúng lại tụ tập và tiếp tục đánh phá, thậm chí ngay cả doanh trại của ông cũng bị chúng lẻn đến tập kích! Đánh rắn phải đánh đập đầu. Phải diệt trọn ổ thì mới an dân!
Nhưng đánh bằng cách nào để đạt hiệu quả nhất? Sau nhiều đêm suy nhĩ, ông quyết định sẽ áp dụng một chiến thuật táo bạo…
Đêm vẫn như mọi đêm. Vẫn yên tĩnh lạ thường. Có tiếng gà gáy cầm canh. Cuối chân trời một vì sao băng đột ngột. Sương lất phất. Vòm trời Tuyên Quang chìm trong bóng tối. Trong những ngày này, không ai hiểu vì sao ông Thuyết lại tổ chức khao quân để rút quân. Dân trong làng hay tin, họ gánh trâu, lợn và rượu lên đến tận nơi ông Tán tương quân vụ đang đóng quân để xin ông ở lại. Ông Thuyết nghiến răng kèn kẹt khi nghe họ kể tội ác của giặc:
Ai có tiền hối lộ, chúng tha
Ai không có tiền, chúng giết ngay tại chỗ
Đem ít thịt lợn treo cột nhà
Cô nàng coi như làm vợ cho giặc
Đặt bầu rượu trên chạn bếp ăn
Coi như đám cưới đã xong,
giặc vào buồng ngủ với con, với cháu
Dân sống như nai, hoảng, nay đây mai đó
Dân như cáo như chồn, chui rúc rừng sâu
Ở tại Mường Lò, chỉ còn người đui què
Chạy không được, phải làm tôi tớ cho giặc
Dù bày tỏ sự căm hờn giặc, nhưng trong lúc liên hoan ông lại cho biết, đánh nhau với quân Cờ vàng đã mệt mỏi, nay mai sẽ rút hết lực lượng về Sơn Tây, vì thế cho quân lính được thong thả dăm ba ngày dưỡng sức. Mà thật vậy, những ngày này quân Cờ vàng không gặp một trở ngại nào. chúng vào trong làng cướp phá như chỗ không người. Thậm chí, đêm khuya khoắt, khi chúng vào cướp bóc trong làng, dân chúng khua chiêng, gõ trống vang trời để kêu cứu nhưng bốn bề cũng vắng lặng như tờ!
Chủ tướng Hoàng Sùng Anh lấy làm đắc ý. Vó ngựa vang đều đặn trên sườn núi. Bọn thổ phỉ đi thám báo đang quay trở về căn cứ. Nghe chúng cho biết quân triều đình nước Nam mấy hôm nay liên tiếp tổ chức ăn uống linh đình, việc quân chểnh mảng, y quyết định tập trung lực lượng tập kích doanh trại của ông Thuyết. Vì nếu đẩy lùi được quân của ông Tán tương quân vụ, chúng sẽ khống chế được các vùng Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên… Từ đó, con đường vận chuyển thuốc phiện, vũ khí cho con buôn phương Tây của chúng qua Trung Quốc sẽ thuận lợi gấp bội phần. Hơn nữa, y cũng muốn đánh trận này để các quân Cờ đen, Cờ trắng khi nghe đến tiếng tăm của y cũng phải nể phục! Rừng chỉ một cọp thiêng làm chủ. Y không thể để vùng biên giới nước Nam bị chia sẻ bởi bất cứ lực lượng nào. Suy nghĩ như thế, y quyết định ra quân mà chính y sẽ là tướng tiên phong đi đầu.
Bóng trăng vừa khuất núi, bọn thổ phỉ Cờ vàng ùn ùn phóng ngựa. Tiếng ngựa hí vang. Đuốc cháy rực trời. Trên đường đi chúng không gặp một trở ngại nào cả. những chốt tiền tiêu của quân ông Thuyết bị san bằng một cách dễ dàng. Không như mọi lần, lần này chỉ nghe vó ngựa Cờ vàng phóng qua là họ đã bỏ vị trí chiến đấu, cuốn cờ chạy. Chúng phóng hỏa đốt cháy sạch sành sanh các chốt ấy và tiếp tục tiến quân. Nhưng khi chúng vừa phóng ngựa lên sườn núi, thì bỗng một tiếng đại bác gầm lên. Rồi im bặt. Nghe ngóng tình hình, Hoàng chủ tướng biết là đối phương đã khiếp đảm nên chỉ cầm cự để tìm cách rút quân!
Không thể chạy thoát được dễ dàng như thế, y ra lệnh cho bọn thổ phỉ tung hỏa lực bắn phá dữ dội vào căn cứ trước mặt. Không thấy có sự phản công nào đáng kể, lập tức y xua quân tiến lên… Lúc vó ngựa rầm rập tiến đến mục tiêu thì bất ngờ chúng thấy lửa sáng lòa cả một vùng rừng núi! Thì ra họ quá khiếp sợ nên ông Thuyết đã cho đốt cả doanh trại! Nhìn lửa ngùn ngụt cháy, Hoàng Sùng Anh không thể hiểu vì sao một võ tướng lại hành động thất sách như thế. Đành rằng, tự mình phá hủy kho lương thực, vũ khí để khỏi rơi vào tay đối phương, nhưng tình thế này liệu chừng có cần phải hành động như thế không? Một võ tướng đã từng xông pha trận mạc như ông Thuyết lại hèn nhát như thế thì quả là lạ! Mà cũng không có gì là lạ, vì ông Thuyết đã tuyên bố là sẽ rút quân trong nay mai. Vậy thì, thời điểm mà Hoàng chủ tướng chọn để tấn công là chính xác, nó đã thúc đẩy ông Thuyết rút quân cho nhanh hơn kế hoạch đã định trước mà thôi!
Ngẫm nghĩ như thế, Hoàng chủ tướng đắc ý phóng một cây lao về phía trước mặt. Cây lao xé gió găm phập vào mục tiêu. Thân cây rung lên bần bật. Y ngửa mặt lên trời cất tiếng cười sảng khoái. Y quyết định sẽ đóng quân lâu dài nơi này.
Trời rạng sáng dần. Có tiếng gà gáy le te. Cả một vùng núi nhung nhúc bóng quân Cờ vàng làm chủ trận địa. Bọn chúng đang mệt mỏi sau một đêm giao chiến. Bỗng từ bốn phía đồng loạt “hỏa tiễn” bắng lên cấp tập. Đây là một loại vũ khí rất lợi hại. Nó được cấu tạo bằng một đoạn ống tre đực, trong có nhồi thuốc nổ và dây mồi cháy; một đầu cắm mũi tên sắt tẩm thuốc độc, còn đầu kia buộc mảnh vải. Trước khi phóng, người ta cuộn mảnh vải này vào xung quanh ống tre và đặt vào một loại súng phóng hỏa đặc biệt. Sau khi đốt cháy dây mồi, rút chốt thì “hỏa tiễn” lao ra khỏi “bệ phóng” và sợi dây vải ở đuôi tung ra để tự điều khiển hướng bay của “hỏa tiễn”. Bọn Cờ vàng tưởng chừng như cả đất trời lật nhào. Chúng nhốn nháo tìm nơi trú ẩn để phản kích thì hỡi ôi, bao nhiêu hầm hố nơi đây thì đối phương đã chủ động lấp từ bao giờ rồi! Không còn cách nào khác, chúng lao xuống núi để tránh hỏa lực đang phóng tới.
Nhưng vừa lao xuống núi là chúng đã lọt vào trận địa mai phục đang giăng sẵn.
Từ trong rừng rậm, quân của ông Thuyết bất ngờ xông ra đánh trực diện. Quân Cờ vàng chết như rạ. Biết đã sa vào bẫy của đối phương, Hoàng chủ tướng phóng ngựa chạy như bay về hướng làng Châu Thượng. Nhưng không kịp nữa rồi. Từ phía trước mặt y, một nòng súng kíp nâng lên. Ngắm chính xác và siết cò. Một dòng máu vọt ra giữa ngực, y ngã xuống ngựa.
Sau cái chết của Hoàng Sùng Anh, thổ phỉ Cờ vàng tan tác hết. Tiếng tăm của Thuyết nổi như cồn. Ông được triều đình thăng Thự tổng đốc Ninh –Thái kiêm việc quân Ninh –Thái - Lạng - Bằng.
Tháng 3.1875, vua Tự Đức lại tin tưởng giao cho ông Thuyết tiếp tục cất quân đi đánh dẹp cuộc nổi loạn ở Cổ Loa mà sử nhà Nguyễn gọi là “giặc lá tre”. Thủ lĩnh của phong trào này tên là Trận, không rõ họ. Trận là người Bắc Ninh, tôn một sinh đồ người Nghệ An làm quân sư, tự xưng Đại nguyên soái cùng lãnh binh Lạc, Dung tập hợp lực lượng nổi dậy. Ông Thuyết đem quân về, nhưng không dẹp nổi, vua Tự Đức bực mình giáng xuống hai cấp.
Trận bắn tin cho ông rằng, ông Thuyết chỉ là tướng võ, không có tài văn chương thì không đáng “tâm phục khẩu phục”! ông Thuyết thở dài ngán ngẩm cho quan niệm kỳ quặc đang phổ biến là quan võ không “oai” bằng quan văn! Thật vậy, có điều oái oăm, con đang làm quan văn mà đổi sang quan võ thì người cha bị phạt 50 quan! Hoặc đang làm quan võ muốn đổi sang quan văn thì phải giảm một ngạch lúc đi nhậm chức! Vì thế, trước ngày khởi binh, khi mặt trời vừa ló khỏi lùm tre, ông Thuyết cùng thuộc hạ thân tín đi viếng đền Cổ Loa.Tại đây, ông đã phóng bút viết câu đối:
Giặc đến Loa thành thì lập tức bị tiêu diệt
Đền không có nỏ rùa thần nhưng vẫn đủ uy linh
Để tỏ cho mọi người biết, ông không chỉ là một võ tướng mà cũng là người sính văn chương, đủ chữ nghĩa để nói lên chí khí của mình.
Trước lúc cất quân, ông kêu gọi nghĩa quân ra hàng, nếu không ông sẽ giết sạch. Trận bất chấp. Trong trận đánh thọc vào trong làng, dù trời sụp tối và đang mưa tầm tã, nhưng ông vẫn hạ lệnh tấn công quyết liệt. Trận hơn mười lần dẫn nghĩa quân ra xông phá vòng vây, binh lực hao tổn rất nhiều nhưng vẫn không thoát được. Bắt được Trận, ông Thuyết hỏi nguyên cớ làm loạn thì nghe đáp:
- Vì triều đình ươn hèn!
Ông Thuyết trừng mắt:
- Sao lại nói thế?
Dù bị trói quặt tay ra sau lưng, nhưng Trận vẫn ngửng cao đầu:
- Đất đai của tiên triều ngày một mất vào tay bọn giặc Pháp. Thế không ươn hèn là gì?
Ông Thuyết khục khặc:
- Triều đình ươn hèn nên ngươi mới làm loạn phải không?
- Đúng!
Ông đúng dậy rút lưỡi gươm kề vào ngay cuống họng của Trận:
- Thế mà đúng ư? Sao ngươi không giỏi cất quân đánh bọn giặc Tây dương, đánh bọn giặc khách mà lại cướp bóc dân tình? Hành động như thế là anh hùng hay ươn hèn?
Trận im lặng. Ông nói tiếp:
- Ta cho ngươi một cơ hội, nếu ngươi theo ta lập công chuộc tội thì không những sống sót mà còn được cất nhắc nữa. Bằng không thì ngươi hãy tự xử!
Trận đáp:
- Lòng dân vẫn hướng về Lê triều. Tôi không thể không phò con cháu nhà Lê. Sống làm người mà hai lòng thì sao có thể nhìn mặt tổ tiên nơi suối vàng?
Nói xong, Trận đập đầu xuống nền đất. Vỡ sọ. Máu tung tóe. Ông Thuyết lẳng lặng quay lưng vào công đường.
Với nhiều chiến công đã lập được, từ tháng 10.1875, Tôn Thất Thuyết được nhà vua tặng thẻ bài bằng ngọc, bổ làm Hiệp đốc quân vụ đại thần. Như thế, chức tước của ông đã ần ngang với Thống đốc quân vụ Hoàng Kế Viêm. vua Tự Đức cao hứng khen tặng cho ông Thuyết bài thơ:
Khói trận rợp đen, trống dậy trời
Lấy đồn, thò túi dễ như chơi!
Dứt cành, sóc hết mong năm ngả
Ba ngách, thỏ cùng huyệt phá rồi! (*)**** Nguyễn Quang Trung Tiến dịch*****
Bước đường hoạn lộ đang diễn ra thuận lợi như thế, thì một thời gian sau, năm 1876, ông dâng sớ cho vua Tự Đức…
Tiếp theo > |
---|