VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI - 3. DÁM TIN NGƯỜI

Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI - 3. DÁM TIN NGƯỜI

Mục lục
Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI
1. DÁM ĐI BẰNG ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH
2.DÁM TẬN DỤNG THỜI CƠ
3. DÁM TIN NGƯỜI
4.DÁM TIẾP THU TÂN THƯ
5. DÁM VẬN DỤNG TINH THẦN YÊU NƯỚC
6. DÁM CẠNH TRANH ĐẾN CÙNG
7. DÁM SÁNG TẠO
8. DÁM MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG KINH DOANH
Chương kết thúc
Tài liệu tham khảo
Tất cả các trang

3. DÁM TIN NGƯỜI

Sau khi tích lũy số vốn lớn, thông thường người ta chọn giải pháp an toàn để giữ đồng vốn như tậu ruộng, mua nhà... cần gì phải nhọc tâm nặng trí mà mưu tính việc khác nữa. Nhưng Bạch Thái Bưởi thì không. Ông cùng người bạn vong niên là lão Thịnh bàn bạc hướng đầu tư mới. Ông rất tin lão Thịnh, vì ngay từ cái thuở mới chân ướt chân ráo bước vào thương trường, đi khai thác gỗ tà-vẹt thì đã có lão sát cánh. Chính lão thay mặt ông quán xuyến nhân công, nghiệm thu thành phẩm. Nhiều người cứ tưởng giữa ông vào lão Thịnh có mối quan hệ ruột thịt. Nhưng không phải. Lão tên thật Nguyễn Văn Thịnh. Trong một lần về quê, gặp lại người bạn cật ruột của bố mình thuở nhỏ, đang sống trong cảnh nghèo túng cùng cực, ông đã cho vay cả trăm đồng bạc không lấy lãi. Chịu ơn này, lão Thịnh xin được theo giúp ông để trả nợ. Được cái lão này chất phác, chịu thương chịu khó, ăn cục nói hòn, không mồm mép tép nhảy, không nề hà việc lớn việc nhỏ.

Sau khi bàn bạc, cả hai quyết định dốc hết vốn đi buôn ngô, nhằm cung cấp cho một hãng thu mua của người Pháp tại Hải Phòng. Hợp đồng đôi bên đã ký xong. Bấy giờ, có nhiều người buôn ngô xuất cảng và “thắng đậm” trên thương trường. Nhưng than ôi, cái thói đời “thấy thiên hạ ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào” là lẽ thường tình. Bởi khi ta nhìn ra mối lợi này thì nhiều người khác cũng thế. Thiên hạ đổ xô nhau đi buôn ngô, vì thế giá tăng lên đột ngột. Điều này không sợ, nếu mình trường vốn hơn người ta. Nghĩ thế, ông lại càng dốc vốn ra nhiều hơn nữa, nhưng oái oăm không lường được trước là ngô mất mùa. Không thể thu mua đúng số lượng đã ký giao kèo với hãng buôn.

Biết không gặp thời, để giữ uy tín, Bạch Thái Bưởi chủ động đền bù hợp đồng như đã thỏa thuận, chứ không để xẩy ra chuyện thưa kiện lôi thôi, mất uy tín. Đây cũng là bản tính hơn người của Bạch Thái Bưởi: một khi đã biết không thể xoay xở được nữa thì ông nhanh chóng tìm lối thoát phù hợp nhất.

Đền bù xong, suốt mấy ngày liền ông ngao ngán thở dài... Chao ôi! Câu thơ trong Cung oán ngâm khúc sao lại vận vào đời mình? “Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”. Gần mấy vạn bạc chắt bóp đã đội nón ra đi một cách chóng vánh! Buồn não ruột. Đau đớn quá! Bây giờ mình làm gì với số vốn ít ỏi còn lại? Đang băn khoăn suy nghĩ như thế, bỗng nghe tiếng ru con từ hàng xóm vọng sang:

Một mai ai chớ bỏ ai

Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim

Ừ nhỉ? Ông bà mình nói có sai đâu! “Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim” kia mà. Nếu mình quyết tâm là được. Nhưng làm gì bây giờ?

Chiều nay ông nằm khèo trong nhà, ngoài sân mưa cuối đông bay lay phay. Mưa như bào da cắt xương. Trời rét buốt. Gió ngoài sông thổi lồng lộng. Vòm cây sầu đông quặn mình trong gió lớn. Mưa như rây bột. Bật người dậy, Bạch Thái Bưởi vớ lấy ống điếu thuốc lào. Một đóm lửa lóe sáng chập chờn. Thuốc lào Vĩnh Bảo ngon phải biết. Ông rít một hơi dài. Thong thả nhả khói. Khói bay lờn vờn trong không gian lạnh cóng. Rồi thuận tay, ông vớ lấy quyển sách Chrestomathie Annamite (Văn tuyển An Nam) của Edmond Nordemann in năm 1898. Lật vài trang, và con mắt của ông dừng lại rất lâu ở trang 286.

A! Tại sao ta không dám đầu tư vào việc làm mới mẻ này nhỉ? Lỡ có thất bại? Bất quá cũng trở lại với hai bàn tay trắng như cái thời mới vào đời kiếm sống là cùng chứ gì? Hồi đó, chỉ với mớ kiến thức, một số vốn ngoại ngữ còn kiếm ra được đồng ra đồng vào; chứ bây giờ sau lưng còn có vợ, bên cạnh còn có lão Thịnh tận tụy giúp đỡ thì sợ gì thất bại? Nghĩ thế, ông đọc lại những trang viết ấy một lần nữa. Đó là những trang mà ông giáo học Edmond Nordemann viết về “Tín dụng, lợi tức và cho vay nặng lãi”.

Những vấn đề này, không phải ai cũng hiểu một cách rành rẽ. Với Bạch Thái Bưởi là một sự gợi ý cho hướng làm ăn mới. Tại sao mình không bước sang lãnh vực tín dụng? Rõ ràng, so với nhiều người thời bấy giờ trong làm ăn còn dựa vào kinh nghiệm, thì ông còn biết tiếp thu thêm một nguồn tri thức từ sách nữa.

Từ sự  gợi ý trong trang sách ấy, Bạch Thái Bưởi quyết tâm lao vào một hướng đi mới. Suy nghĩa ấy đã làm ông khoái chí và mỉm cười. Nụ cười chưa tắt trên môi, bỗng có người đột ngột đội mưa bước vào. A! Lão Thịnh.

Kể cũng lạ. Đã tin vào ai, Bạch Thái Bưởi tin đến cùng. Không bao giờ ông có thái độ “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Lúc nào cũng trước sau như một. Nhờ vậy, những ai đã được ông chọn làm bạn, làm người cộng sự thì họ một bụng một dạ với ông. Nhưng để được ông chọn làm người tâm phúc, người đó phải qua thử thách của ông, nhiều lúc cũng oái oăm. Thuở còn khai thác gỗ làm tà-vẹt, do không chịu đựng nỗi gian khổ, phần vợ nhớ con nên lão Thịnh xin nghỉ  việc. Nghe tin này, ông thoáng bàng hoàng vì trăm công ngàn việc đang bề bộn như thế, không có lão Thịnh thì  sao đây? Ai giữ két, tính toán thu chi?

Vào lúc nửa khuya, ông đến gặp lão Thịnh và trầm tĩnh:

-Này ông ạ! Lâu nay tôi vẫn xem lão như người cật ruột. Bố tôi với lão là bạn từ thuở chăn trâu, rồi lúc thất bát, lão cưu mang bố tôi. Ơn ấy làm sao tôi trả nổi? Hỡi ôi, bố tôi chẳng may sớm về về chín suối, nay nhìn lão thì tôi như thấy hình ảnh của bố tôi.

Nghe những lời cảm động ấy, lão Thịnh rân rấn nước mắt. Ông lại nói:

-Lâu này lão theo giúp tôi, đồng cam cộng khổ, vui buồn có nhau nhưng chẳng rõ tôi có làm gì phật lòng? Hay lão bỏ tôi để làm chỗ khác được hơn lương thì lão cứ bảo thật, tôi sẽ trả như thế…

Lão Thịnh đáp rằng không phải như vậy, viện ra những lý lẽ nhất định để xin thôi. Năn nỉ mãi cũng không được, bất đắc dĩ ông phải bằng lòng, nhưng bảo lưu lại vài hôm bàn giao sổ sách rồi nghỉ cũng chưa muộn. Vài hôm sau, ông đến lão Thịnh làm phiếu lấy tiền đi Hà Nội. Nhận được phiếu, lão Thịnh trao tiền. Nhưng lúc ra đứng trước xe ô tô, làm như sực nhớ ra điều gì, ông mới nói với lão đưa thêm ba trăm. Vì vội quá chưa kịp viết phiếu, thì lúc về, ông sẽ đưa phiếu cũng được.

Lâu nay hai người vẫn tin nhau nên lão Thịnh vội vàng đi lấy tiền ngay.

Khi xe đi đến Phủ Lý, ông mới gọi điện về cho lão Thịnh, nói rằng đây là cái mưu để lưu lão lại:

-Lão ạ! Lão không thể bỏ tôi. Vì nếu lão bỏ tôi, tôi sẽ báo ngay sở Cẩm vào khám két, thì thấy rõ ràng là lão thụt két, lấy cắp ba trăm. Lão sẽ bị bỏ tù!

Biết mắc mưu, lão Thịnh không dám xin thôi việc. Còn với Bạch Thái Bưởi, ông buộc phải làm như thế đặng giữ chân được một người thật thà, tốt bụng.

Gió vẫn thổi, cánh cửa rung lên bần bật. Đã mấy hôm nay, bà vợ của Bạch Thái Bưởi vẫn còn đay nghiến việc ông tỏ ra quá tin cậy ở lão Thịnh. Tất tần tật mọi việc lớn nhỏ, ngay cả sổ sách thu chi đều một tay lão này nắm giữ. Chồng mình tin ở lão này đến thế là cùng. Ai đời trong công việc làm ăn, không tin ở vợ mà lại giao quyền cho người ngoài. Cứ thế, giữa bà vợ Bạch Thái Bưởi với lão Thịnh cứ như sừng với mõ. Trời không chịu đất thì đất chẳng chịu trời. Là người đứng giữa, ông khổ tâm hết sức. Nhưng dù có gì đi nữa, thì ông vẫn tin, vẫn giữ lão Thịnh bên mình, đơn giản chỉ vì lão là người tốt, tận tụy với công việc. Mà không riêng gì lão Thịnh, sau này những ai đã cùng hợp tác thì ông luôn tìm mọi cách giữ họ lâu dài. Tính cách này đã góp phần không nhỏ giúp ông gặt hái những thành công trên thương trường.

Sau khi nghe ông trình bày ý đồ, lão Thịnh gật gù tán thành. Vì thế, ông càng quyết chí hơn.

Không phải chờ đợi lâu, khi hay tin chính phủ bảo hộ mở cuộc đấu giá lĩnh trưng nhà cầm đồ Nam Định, Bạch Thái Bưởi đĩnh đạc tham gia. Kết quả ông đã thắng thầu. Đó là năm 1906.

Về dịch vụ cầm đồ tại Việt Nam, Sài Gòn là nơi thực hiện trước nhất. Ngày 10.5.1893, Thống đốc Nam kỳ ban hành nghị  định cho phép mở hiệu cầm đồ. Theo đó, trong các cuộc đấu giá, người nào trả tiền cao hơn hết cho chính phủ thì được quyền đứng ra mở tiệm và phải đóng tiền ở quỹ trữ kim.Với nhiều người đây là lãnh vực khá mạo hiểm, vì hầu như chỉ có người Hoa hoặc người Pháp đang nắm độc quyền. Người chủ ngoài vốn tiếng Pháp hành nghề theo luật định, còn phải có chuyên môn thẩm định đâu là vàng, ngọc quý, kim cương, cà rá… để đánh giá chất lượng của nữ trang mà đưa tiền ra, lúc khách đến cầm. Nếu đánh giá không chính xác thì sạt nghiệp dễ như chơi. Đó là chưa kể các chủ khác còn tung ra những đòn hiểm hóc để cạnh tranh, giành độc quyền cho vay. Nhưng Bạch Thái Bưởi vẫn vững tin ở khả năng của mình.

Trong hãng cầm đồ của mình, ông chủ ý chỉ sử dụng người Việt giúp việc, ông muốn chứng minh rằng, ta không thua kém ai trên thương trường. Ngoài lão Thịnh nay còn có thêm nhiều người khác nữa, họ đã nắm các cương vị quản lý, giám định, thủ quỷ... Nhiều người nhà trong gia đình ông- kể cả vợ -  không đồng tình ông cách phân công như thế. Họ cho rằng, với số vốn lớn, với công việc như thế nếu giao tất tần tật cho người ngoài nếu họ phản thì chỉ có vỡ nợ! Ông chỉ cười:

-Kinh doanh trên thương trường người Hoa hơn ta là ở chỗ có chữ tín. Vì chữ tín, họ sẵn sàng hy sinh tất cả chỉ vì lợi ích chung. Giao kèo đôi bên nào có gì? Một mảnh giấy lộn lận lưng cũng không! Một chữ ký cũng không! Thế mà họ dám đưa ra mấy vạn bạc để buôn chung. Chẳng lẽ người Việt ta không làm được như thế sao? Ta có thật lòng tin người thì người mới tin ta.

Chính vì tin người nên ông mới giao cho nhiện vụ quản lý, điều hành công việc cho ông Lã Quý Chấn - hùn vốn làm ăn chung. Bởi hai lý do. Thứ nhất, ông Chấn trước đây đã từng làm công cho người Hoa nên ít nhiều đã thông thạo công việc. Thứ hai, quan trọng hơn, và cũng là chỗ hơn người của Bạch Thái Bưởi khi nhận ra vai trò của ông Chấn. Theo ông, trong số những người cộng sự thì ông Chấn có khả năng thu hút và tạo được sự tín nhiệm được khách hàng nhiều nhất. Vì ông Chấn là người của Nho học, một nhà nho.

Tại sao?

“Cái tên nhà nho không những là để chỉ người biết chữ, học đạo thánh hiền trong Nho giáo; lại là chỉ một giai cấp trong xã hội, tức là hạng thượng lưu trí thức trong nước. Vì xưa kia ngoài Nho học không có cái học nào khác nữa, nên phàm người đi học là học đạo Nho hết cả. Đạo Nho có cái địa vị độc tôn, nên hầu như thành một tôn giáo; mà thực ra cũng chính là cái quốc giáo của nước Nam từ xưa đến giờ. Những người phụng sự cái quốc giáo đó, tức là nhà nho. Vậy thì nhà nho là kẻ có học hành, biết chữ nghĩa; nhà nho là bậc thức giả xã hội trong nước; nhà nho là tín đồ của cái tôn giáo họ Khổng. Về đường xã hội, về đường chính trị, về đường tri thức, tinh thần đều có một cái địa vị đặc biệt, đối với một chức vụ đặc biệt. Chức vụ này cao quý, có thể gọi là một thiên chức được, vì là chức vụ hướng đạo cho quốc dân, làm tiêu biểu cho cả nước”(Phạm Quỳnh - Tạp chí Nam Phong số 172, tháng 5.1932).

Dù không lập luận được như thế, nhưng có thể bằng nhận thức, bằng kinh nghiệm của một người lịch lãm từng trải, thậm chí bằng cả linh cảm Bạch Thái Bưởi đã nhận ra điều đó. Có như thế, ông mới giao việc điều hành chung cho nhà nho Lã Quý Chấn. Theo ông, trong tâm lý của người Việt đầu thế kỷ XX khi tiếp xúc với những người xuất thân từ cửa Không sân Trình, tu tâm dưỡng tính theo đạo Thánh hiền đều có thái độ kính trọng. Bởi đó là hạng người có đạo đức, không thể là người làm ăn gian dối, mua một bán mười, trở cờ lật lòng, treo đầu dê bán thị chó... Quả thật như thế, sự tính toán của ông không sai. Khi giao dịch, ông Chấn đã tạo ra sự tin tưởng nơi khách hàng, bởi dù gì cũng là người am hiểu Tứ thư Ngũ kinh.... Được sự tin cậy của Bạch Thái Bưởi và khách hàng, ông Chấn đã làm tốt phận sự của mình.

Cách dùng người của Bạch Thái Bưởi là cả một sự thông minh, linh hoạt. Về sau, tùy trường hợp cụ thể ông còn tiếp tục phát huy một cách có hiệu quả. Chẳng hạn, năm 1914 khi mở chi nhánh điều hành tàu thủy ở Bến Thủy (Nghệ An) ông đã giao cho Babou quản lý. Việc sử dụng ông Tây mắt xanh mũi lõ đảm nhiệm công việc bên cạnh công nhân người Việt không phải ai cũng đồng tình. Nhưng ông lại nghĩ khác.

Thuở hàn vi khi mới chân ướt chân ráo sang Pháp, ông đã có duyên làm quen với chàng sinh viên Babou, hướng dẫn cho ông khá nhiều trong những ngày này nhằm tiếp cận văn minh xứ người. Ơn nghĩa ấy, ông không quên. Nay sử dụng Babou làm việc việc cho mình, vừa được tiếng khen “giàu không đổi vợ, sang không đổi vợ”, vừa sử dụng được người có chuyên môn. Cái chuyên môn mà ông muốn nhân viên người Việt học tập là phong cách làm việc chuyên nghiệp của Babou vốn được đào tạo bài bản ở trường đại học.

Rồi sau này, năm 1919, trong tay có 3 thuyền lớn nhất, chạy trên tuyến đường dài nhất Hải Phòng- Sài Gòn, ông đều giao cho nhân viên cũ của công ty dường thủy Deschwanden, Marty - D’Abbadie. Thuyền trưởng tàu Bình Chuẩn, ông Marathini; tàu Việt Đăng, ông Clisti; và tàu Nguyễn Trãi, ông Dtuillence. Giao tàu của mình cho người Pháp để họ cạnh tranh với chủ tàu người Pháp! Đó là bản lĩnh dùng người của Bạch Thái Bưởi.

Sau khi thu xếp, bố trí nhân sự một cách hợp lý tại hãng cầm đồ, Bạch Thái Bưởi nghĩ ra những phương thức mới để thu hút khách hàng. Ông đã vận dụng cẩm nang gì? Một bài học sâu sắc ông để lại cho hậu thế, thiết nghĩ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự là đánh thức lòng tự hào dân tộc, sự đùm bọc theo ý nghĩa của huyền sử “đồng bào”, của người trong một nước. Để qua đó, mọi người đồng lòng ủng hộ việc làm của mình. Kinh nghiệm này về sau còn được ông vận dụng và tiếp tục phát huy hiệu quả của nó.

Nếu so với Hoa kiều và Pháp kiều thì Bạch Thái Bưởi không có lợi thế về vốn liếng. Số vốn của ông nhỏ hơn nhiều lần. Nhưng ông vẫn ăn nên làm ra, vì biết cách vận động các thương nhân người Việt ủng hộ mình. Người đến cầm đồ dù vẫn phải trả lãi suất bằng các nơi khác, nhưng ở đây họ được gia hạng dài ngày hơn. Mấu chốt của vấn đề chính là chỗ này. Có nghĩa đồng tiền sau khi nhận hãng cầm đồ của ông, nó có thời gian lưu động dài hơn mà không phải chịu thêm lãi suất nào cả. Với cách làm này, dần dần đã lôi cuốn được sự ủng hộ của nhiều người.

Nhờ biết sử dụng người, dám tin người và nghĩ ra phương thức mới nên trong hãng cầm đồ của ông ngày một làm ăn phát đạt. Ai ai cũng dốc lòng, dốc sức vì công việc chung. Tất nhiên, khi thấy sự thành công của người Việt mới mon men bước vào nghề này, thì các chủ Hoa kiều, Pháp kiều lâu nay đang thống lĩnh thị trường trở nên tức tối. Họ đã tung ra nhiều đòn phép nhằm đánh gục đối phương. Trên tạp chí Nam Phong số 29 (1919) nhà báo Thượng Chi (tức Phạm Quỳnh) ghi nhận:

“Việc lĩnh trưng nhà cầm đồ này cũng lại là một cuộc quyết chiến với bọn Khách (tức người Hoa), hình như cái số ông hễ làm việc gì cũng phải tranh nhau với Khách, thật là ông tẩy chay người Khách từ cái khi phong trào tẩy chay chưa nhóm lên, từ khi cái tiếng tẩy chay chưa ai biết vậy. Nghĩ cho kỹ, đó chẳng qua cũng là một lẽ tự nhiên; ông là lãnh tụ bọn nhà buôn An Nam, mà phần nhiều các mối thương thuyền người mình là vào tay bọn Khách hết, vậy thời nhất cử nhất động của mình về đường buôn bán là thế tất phải xung đột với người Khách, không khỏi được. Việc cầm đồ ở Nam Định tòng tiền vẫn hầu coi như một cái chuyên quyền của bọn Khách. Ngay cả chính phủ cũng yên trí rằng người Nam Nam không thể nào kinh lý được một việc khó khăn phiền phức như việc vay cầm đồ. Nếu lúc mới đầu ông ra lĩnh trưng ai cũng lấy làm kinh ngạc và không ai có bụng tin. Không những bọn Khách, mà chính quan sở tại củng cố ý ngăn trở cho ông không làm được. Nhưng dù ai mưu mô gì mặc lòng, ông vẫn đứng vững, mà công việc trong tay ông lại thịnh vượng hơn trước nhiều”.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh ở Bạch Thái Bưởi không phải tự nhiên mà có, như một bản năng sinh tồn. Nếu chỉ như thế, ông không thể đủ sức đi hết một chặng đường dài. Làm sao có thể bền lòng nếu cạnh trạnh ấy là bột phát nhất thời? Chỉ khi tự ý thức, thì công cuộc cạnh tranh để tồn tại mới hình thành một chiến lược lâu dài, có bài bản. Bạch Thái Bưởi có được ý thức này do nhiều lý do, nhưng lớn nhất vẫn là do tác động của thời cuộc. Nói cách khác, chính biến động thời cuộc đã trang bị cho ông một vũ khí mới từ trong nhận thức.

Đó là sự tiếp thu Tân thư.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com