LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.5.2018

trantrungsang


Mỗi ngày, dành bao nhiêu thời gian cho facebook? Câu hỏi này, không thừa. Ngày kia, một đồng nghiệp bảo: “Vấn đề là làm sao kéo độc giả rời khỏi các trang mạng xã hội. Nếu không, báo giấy ngủm củ tỏi, ngay cả báo điện tử cũng lắc lư con tàu đi. Vậy lấy gì mà ăn?”.

Nhắc đến từ ăn, ngay lập tức trong trí nhớ của con người ta lại nhớ về những món ăn của thời hoa niên. Ngày ấy, mẹ nấu cho ăn. Rồi, sau này, vợ nấu. Ông Vũ Bằng may mắn có được bà Quỳ - người vợ nấu ăn ngon nên trong những trang Thương nhớ mười hai, phần hay nhất vẫn là lúc nhớ về món ăn. Viết tựa cho quyển Ngày đi trên chữ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói đúng, “đã là nhà văn thì sớm muộn gì cũng động bút đến đề tài ẩm thực, từ Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng đến Võ Phiến, Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Giang, Đoàn Thạch Biền... Món ăn vật chất như vậy có liên quan mật thiết đến món ăn tinh thần, vì nó là một sự tích lũy, gửi gắm của văn hóa rồi nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của văn hóa”.

Có phải trong tiếng Việt, đồng âm dị nghĩa xuất hiện nhiều nhất vẫn là từ ăn? Vừa đọc trên facebook của người nọ, có liệt kê: “Ăn đi: Không có nghĩa là vừa ăn vừa đi, chỉ nhắc nhở ai đó ăn mạnh vào; Ăn mặc: Không có ăn gì cả, chỉ có mặc không thôi; Ăn nói: Cũng không ăn gì cả, chỉ nói không thôi; Ăn học: chủ yếu là học, quá trình học tập của một người, ăn không đáng kể”. Còn có thể đưa ra nhiều, rất nhiều thí dụ khác nữa.

Với y, đoạn văn viết về ăn ấn tượng nhất vẫn thuộc về Tản Đà. Ai đời, lại có câu văn như thế này: “Đồ ăn ngon, giờ ăn không ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, không được người cùng ăn cho ngon: không ngon. Giờ ăn ngon; đồ ăn không ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, không được người cùng ăn cho ngon: không ngon; Chỗ ngồi ăn ngon; đồ ăn không ngon, giờ ăn không ngon, không được người cùng ăn cho ngon: không ngon. Được người cùng ăn cho ngon, đồ ăn không ngon, giờ ăn không ngon, chỗ ngồi không ngon: không ngon”. Âu cũng là cách diễn đạt của một người lúc đã có hơi men chăng? Trong quyển Nghệ thuật chơi chữ trong văn chương người Việt (NXB Giáo Dục - 2004), nhà nghiên cứu Triều Nguyên cho rằng, “chỉ cần viết lại một câu như sau là đủ: “Ăn sẽ không ngon miệng, khi chỉ một trong bốn yêu cầu sau không ngon (hay không phù hợp): đồ ăn, giờ ăn, chỗ ngồi ăn, người cùng ngồi ăn” (tr.119). Nếu thế, còn gì Tản Đà?

Cá tính, bản lĩnh của nhà văn thể hiện ở văn phong, từ chọn chữ đến cách diễn đạt. Đọc văn bản đã ra đời từ thuở xa xăm, phải đặt vào trong bối cảnh chính trị - xã hội đương thời, mới có thể nắm bắt hồn vía về sự ra đời của nó trong thời điểm đó. Chẳng hạn, “Từ độ sầu đến nay, ngày cũng có lúc sầu, đêm cũng có lúc sầu. Mưa dầm lá rụng mà sầu, trăng trong gió mát mà càng sầu; một mình tĩnh mịch mà sầu, đông người cười nói mà càng sầu; nằm vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ văn ngâm vịnh mà càng sầu. Sầu không có mối, chém sao cho đứt; sầu không có khối, đập sao cho tan…”. Đoạn văn này, Tản Đà viết đâu khoảng năm 1918, cứ nghe như thơ, như phú bởi điệu văn/ câu văn du dương biền ngẫu. Văn xuôi hiện  đại Việt Nam đã đi những bước đầu như thế.

Người ta bảo, muốn bình văn phải biết cảm. Đúng nhưng chưa đủ. Phải đọc nhiều nữa. Với đoạn văn trên, nhà thơ Xuân Diệu đã liên tưởng đến một bài vọng cổ cùng chủ đề cũng ra đời cùng thời điểm. Không rõ ông chép từ đâu, hay từ trí nhớ đã từng nghe? Dù không biết ca, chỉ đọc nhưng lạ cho câu chữ bởi nó tạo ra một xao xuyến đến lạ thường: “Đêm trường, tôi đứng ngồi sầu thảm/ Không biết tôi thương nhớ ai mà tôi ra ngẩn vào ngơ/ Có phải là tôi đây, thương mây, thương gió hay thương ai cuối bãi đầu ghành?/ Hay là tôi đây thương cây, thương cỏ, thương bông rồi lại những thương nhành/ Cái chữ “thương” tuy không ai giựt với ai giành/ Nhưng sao nó khiến cho người vơ vẩn đứng ngồi không an!”. Tâm trạng này, cách kể lể này, biết đâu nay có người cho là “sến như con hến” nhưng y lại không. Bởi các từ nối theo nhau nhịp nhàng vần điệu, cứ quấn quít, níu kéo nhau dằng dặc mãi…

“Vậy thì ai xin tôi cũng cho, ai mua tôi cũng bán, bán mắc, bán rẻ, tiền xu, tiền nhỏ, đây tôi cũng bán phứt chữ “thương” này/ Cũng vì thế mà thân tôi đây như gió dạn, như sương dày/ Chữ “thương” này không biết gốc rễ tại nơi đâu?/ Vậy tôi xin hỏi người tâm trí cao sâu/ Tỏ khúc nôi cho tôi được rõ đuôi đầu/ Để mà tôi dứt một mối mối sầu gây bởi chữ ‘thương’”. Nếu tác giả bài vọng cổ này, muốn “bán phứt chữ thương”, về sau thi nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị lại có tập thơ Bán buồn mua vui. Có phải thi nhân xứ Huế ảnh hưởng từ câu ca đao: “Bây giờ đôi ngả xa xôi/ Có thương thì phải mua vui bán sầu”. Xét ra, đây cũng là cũng là người biết sống. Sống phải vui. Tội gì phải chuốc lấy nỗi buồn rầu thăm thẳm? Nghĩ là thế. Nhưng rồi phải chất liệu của cuộc sống thời buổi nào cũng nhiều gam màu khác nhau.

À, câu “Sầu không có mối, chém sao cho đứt; sầu không có khối, đập sao cho tan…”, nay lại nghe na ná như… lời dạo đầu trong phim Bao Thanh Thiên đã phát sóng từ năm 1997, sau Tản Đà những gần 80 năm: “Rút gươm chém xuống nước, nước chảy càng mạnh/ Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm”. Mới đây nhất, ông nhạc sĩ Vũ Thành An lại có ca từ: “Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu”. Ra là vậy, với mối sầu riêng tư thì thời nào cũng chẳng khác gì. Mà dù có sầu đến cỡ nào đi nữa cũng phải ăn. Tội nghiệp nhất vẫn là những là ai tương tư: “Sầu tình cơm chẳng muốn ăn/ Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm”. Ăn làm sao được mà ăn: “Bữa cơm có cá có canh/ Anh không mát dạ bằng anh thấy nàng”.

Ai lại cũng từng trải qua năm tháng này? Y cũng thế thôi, từ cái thuở Tôi chạy theo thơ (2003) đã: “mắt nhắm lại đợi chờ/ em sẽ đến bằng bước chân rón rén/ nếu ban ngày không gặp được nhau/ thì chiêm bao sẽ là nơi hò hẹn...”. Rồi sau đó, có lúc: “Có những giấc chiêm bao/ Đi qua trong giấc ngủ/ Vẫn còn nghĩ về nhau/ Là ngàn năm sóng vỗ/ Vẫn hiện hữu trong đời/ Sớm mai hoa vẫn nở/ Ngoài chân trời có trời/ Hai người chung hơi thở”. Những câu thơ đã viết lại quên. Quên rồi lại nhớ. Một vết xước nhỏ nhoi trong lồng ngực bền theo năm tháng. Nhưng rồi, dù muốn gì thì muốn, con người ta cũng phải ăn.

Ăn ảnh nhé? Thế mới là tiếng Việt thần sầu quỷ khốc. Một người xem tấm ảnh thốt lên: “Chà, ăn ảnh quá ta”. Thế thì khen hay chê? Cả hai đấy chứ. Phải ngầm hiểu dù chàng ta/ cô ta bề ngoài chỉ “thường thường bậc trung” nhưng lúc chụp ảnh lại đẹp hẳn lên. Đó là ăn ảnh. Ăn tạp nhé? Nghe bảo thế, có người sẽ giận. Ăn tạp là ăn hầm bà lằng xắn cấu, ăn món ngon lẫn món xoàng, ăn tả pín lù, món quen lẫn món lạ, miễn có là ăn, cốt nhồi nhét cho đầy bao tử. Thế nhưng, đừng nói đâu cho xa, chỉ khoảng chừng 300 năm trước đậy thôi, khi nghe “ăn tạp” không ít người reo lên mừng rỡ. Cứ theo như Từ điển Việt-Bồ-La (1651) thì ăn tạp là “ăn thịt. Ngày ăn tạp: Ngày được phép ăn thịt”. Vậy thích nhé. Còn ăn táp là “ăn thịt nướng dối hầu như còn sống”. Trải theo năm tháng ngữ nghĩa tiếng Việt đã có sự thay đổi.

“Ngồi ăn chạo rạo/ Uống rượu bằng tô/ Xương xóc mút vô/ Thịt thà cả rổ/ Kẻ thì ăn tộ/ Người lại gặm xương/ Kẻ nhai be sườn/ Người gặm khu lẳng/ Vừa đi vừa cắn/ Cái miệng chèm nhèm/ Té xuống đứng lên/ Lại còn nói bướng/ Xưng hùng xưng tướng/ Chẳng đứa nào say”. Đích thị là những kẻ ăn thịt chó. Nhân vật của ông Nam Cao bảo: “Trẻ con không biết ăn thịt chó”, chỉ cách ngụy biện của ông bố  đãi bợm nhậu tham ăn tham uống, ăn hết cả phần của vợ con. Ăn thì phải uống. Uống rượu. Rượu vào lời ra. Tất nhiên rồi. Nhưng cũng phải hỏi ngay câu này, chứ chút nữa say tít cung mây lại quên. Những lời “bán trời không mời thiên lôi” phát ngôn trong lúc say bí tỉ thường bị đánh giá “ba xi đế/ ba xích đế” hoặc “ba hoa xích đế”. Hiểu như thế nào cho đúng? Thành ngữ này chỉ có ở Nam bộ.

Trong quyển Nói có sách (1971), nhà văn Vũ Bằng giải thích: “Khi muốn chỉ một câu chuyện gì đó không chính xác hoặc phù phiếm, hão huyền ta thường gán cho nó một câu “Chuyện ba xích đế”. Nếu đem chiết tự mà xét “ba xích đế” chẳng có một nghĩa gì hết. Nhưng nói như vậy, không phải nó không có xuất xứ. “Ba xích đế” không bắt nguồn từ Tam hoàng, Ngũ đế, mà rất đơn giản, từ “ba xích đế”. “Đế” là một thứ rượu lậu, ta thường uống, nấu bằng cỏ “đế”.

Trước đây, vì độc quyền nấu rượu ở trong tay người Pháp, nên ở miền Nam, muốn có một thứ rượu vừa rẻ, vừa ngon do nông dân ta lấy gạo nếp làm ra, cũng phải nấu “lậu”. Muốn nấu “lậu” thì phải ra “biền” (ruộng) mà nấu. Ngoài biền không có sẵn củi, nên phải nấu rượu bằng cỏ đế. Vì thế mà ta gọi “rượu đế”, tức rượu “lậu” đun bằng cỏ đế. Uống trung bình chỉ ba xị (ve nhỏ) là say. Một lẽ nữa là ở miền Nam thường hay có lối nói ăn ba miếng chơi, uống ba chén chơi, nói ba câu chuyện chơi tiêu khiển. Thành ra có từ “ba xích đế”. Sau ba xị đế rồi, người ta bắt đầu “tửu nhập ngôn xuất’, nói có chất say, không kiểm soát được nữa.

“Chuyện ba xích đế” tức là “chuyện ba xị đế”. “Tào lao ba xích đế” là nói chuyện tào lao sau khi đã uống ba xị đế rồi” (bản in năm 1996 của NXB Đồng Tháp, tr.73-74). Rõ ràng, ban đầu câu nói quen miệng là “ba xị đế”, sau trở thành “ba xi đế” hoặc “ba xích đế”. Mà “ba” rất gần với “ba hoa” nên trại qua “ba hoa xích đế” cũng lẽ thường tình. Còn có những cụm từ tương tự như ba hoa thiên địa, ba hoa chích chòe… tức là “nổ” cho sướng miệng, “ba la bô lô/ bô lô ba la”, tự vống những gì có liên quan đến khả năng, tài năng của mình nhưng thực chất “ba voi không được bát nước xáo”. Gần đây lại có cụm từ “tào lao bí đao” cũng gần đồng nghĩa, là nói chẳng trúng trật vào đâu cả. Cách nói này, còn có những cụm từ tương tự như ba hoa thiên địa, ba hoa chích chòe…Ấy là cách nói/ phát ngôn của kẻ say, còn hình dáng thế nào? Thành ngữ miền Nam lại có câu “Ba chùm ba chán”, Việt Nam tự điển (1971) giải thích: “Chệnh choạng, dáng người say, say rượu hoa cả mắt thấy một thành ba”.

Ông Bùi Giáng có câu thơ cà rỡn: “Một lần thấy một ra ba/ Một lần thấy một mà ra bốn lần”. Sao lại bốn lần? Nói lái thử xem. Trong câu đối tiếng Việt, đôi khi mượn cách nói lái để có những câu đối ngộ nghĩnh. Thử lục trong trí nhớ, ghi lại xem sao. Ừ rằng, thì, là, mà, đây nè: Con cò lửa đứng trước cửa lò; Con cá đối nằm trong cối đá; Mèo cụt đuôi nằm mút đuôi kèo; Con mèo cái nằm trên mái kèo; Chim vàng lông đậu trên vồng lang; Cống cả đá, cá cả đống; Cỏ đầu Cầu Đỏ xanh biêng biếc/ Cò lửa Cửa Lò Trắng phau phau (Cầu Đỏ ở Đà Nẵng, Cửa Lò ở Nghệ An); Cá có đâu mà anh ngồi câu đó?/ Biết có không mà công khó anh ơi v.v… Nhân đây ghi lại luôn câu hò đối đáp cực hay. Nữ vênh mặt mà rằng: “Con công con rùa, con cua con rồng/ Anh mà đối đặng được nằm chồng lên bụng em”. Táo tợn thật. Tưởng bắt bí, nào ngờ chàng trai thông minh, tinh quái ra phết: “Con cóc con sáo, con cáo con sóc/ Anh đà đối đặng, nhảy phóc lên bụng em anh nằm”.

Còn dăm câu nói lái khác nhưng cái tâm người đặt ra ác quá, chẳng hạn, Mài kéo cắt đuôi mèo cái; Lòn cưa cứa cổ lừa con… thoạt đọc qua đã rợn tóc gáy. Không phải ngẫu nhiên thời xưa các thầy đồ thường ra câu đối và buộc học trò đối lại, vì qua đó, có thể biết tính nết của từng người mà uốn nắn, dạy dỗ.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment