LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.10.2017

d-tram-tro-cxuo7-khioc

 

Thì ra thế. Mà có thật là thế? Thì cứ cho là thế. Cứ nghĩ thế cho đời thêm vui một chút. Rằng, hôm nọ có cuộc điện thoại của dăm người bạn rủ ra quán lai rai. Trời chiều. Mưa nhẹ. Cũng buồn. Bèn đi ngay. Thật ra cũng chẳng mấy hào hứng vì đã lâu không gặp bạn. Mà bạn chẳng mấy thân thiết. Biết thì biết vậy. Chơi thì chơi vây. Chỉ là bạn bè văn nghệ văn gừng hơn là bồ tèo chiến hữu. Ra đến quán, ngạc nhiên khi thấy trên bàn bày biện tươm tất, có cả tay đàn nhạc, nữ ca sĩ phòng trà. Một người bạn nói: “Biết tin buồn của  bạn, hôm nay, anh em chia buồn đây. Tính đến nay, mẹ bạn đã mất đã X ngày rồi phải không?”. Ngạc nhiên quá, sao lại nhớ kỹ và chính xác đến thế? Bèn hỏi, bạn cười: “Mình tính từng ngày”. Lại càng ngạc nhiên tợn. Ngạc nhiên lần nữa. Thì ra, vẫn còn có nhiều người yêu thương y lắm đấy, dù rằng, chẳng bao giờ họ nói ra. Rồi đến lúc cần thiết, mới bộc lộ.

Kể ra cũng lạ. Thường trong những cuộc vui này nọ vì quá chén, vì đã quá hưng phấn, vì thật thà bộc lộ cái tôi nên chính y quậy quá, ồn ào quá. Y còn không chịu nổi y, đâm ra oán ghét chính y, chứ nói gì người khác. Rồi đã có lần tự viết bản kiểm điểm. Viết rằng: “trong những cuộc vui, anh ồn ào hênh hoang chích chòe/ tào lao ba hoa xích đế/ như hồn ma bóng quế/ tỉnh tỉnh mê mê/ thằng cà chớn/ say quá trớn/ có ai chịu nỗi không?/ sóng đã vỗ trong lòng/ niềm bi thảm đã cuộn tròn trong mắt/ anh hát/ nghe như khóc/ rượu bia anh nốc/ chỉ nước lã thôi nghe cứ như đùa/ anh cứ ngang như cua/ cười cợt nói năng lăng nhăng nhảm nhí”.

Thử hỏi, ai chịu nổi?

Sự bộc lộ bên ngoài ấy, có bao giờ phản ánh đúng nội dung của bên trong? Nhìn nhận về một con người, phải chăng cũng giống như đọc bài thơ. Phải tìm sự ẩn giấu nằm giữa hai dòng chữ, chứ không hẳn tìm trên từng con chữ cụ thể kia. Phải là thế, phải tìm ở phía sau của chữ. Phía không có chữ. Tính cách một con người biểu hiện ra bề ngoài, đôi khi chỉ là sự lên gân, nhằm che đi cái  bản chất yếu mềm đang đè nén ở bên trong đó thôi. Vì thế, y thanh minh thanh nga: “nào ai biết trên đỉnh trời xa tít/ một người đang réo gọi bước chân đi/ anh cứ ngồi lì/ che khuất mình bằng một hình bóng khác/ thì cứ thả cái linh hồn phiêu dạt/ cho mày đi lạc/ về đầu sông cuối bãi ngọn lau gầy/ gió trút lạnh vai/ anh ngồi đây chỉ còn là thể xác/ một tư duy bệ rạc/ một Kẻ Khác/ như điên như cuồng/ như dế như giun/ ý thức tầm ruồng”.

Hư đốn quá.Vậy phải làm gì?

Y tự bảo: “phải vui đi để giết chết nỗi buồn/ lao xuống vực sâu cầu cứu tiếng chuông/ câu kinh kệ tiễn đưa về mộ huyệt/ có một người khép mắt xuôi tay và trần gian từ biệt/ quay về trong hư ảo của hoa sen/ anh ngồi yên ngồi yên mà hương huệ thơm lên/ cõi niết bàn trong bàn tay năm ngón/ ấy vậy mà anh đổ đốn/ cà chớn/ đi như bơi trong cơn lốc say mềm/ anh đi tìm sự Lãng Quên/ từ một hình thức khác”. Thế thì đừng bao giờ đánh giá thương ghét một người khi họ đã hiện diện: “từ một hình thức khác”.  

Bài thơ này viết vào ngày 13.XI.2012 - ngày bà chị ruột Lê Thị Ái chỉ mới vừa hạ huyệt ở Nghĩa trang Hòa Sơn (Đà Nẵng). Nói thì nói thế, buồn thì buồn, một nỗi buồn trĩu nặng tâm hồn nhưng cũng phải biết chừng mực, kiềm chế đi chứ? Vâng ạ. Đã nhiều lần tự nhủ thầm nhưng rồi lại chứng nào tật nấy.

Y có thay đổi được y đâu?

Con người ta kỳ lạ lắm, đôi lúc có những biểu hiện bề ngoài quá trớn, cà chớn, hẫu lốn, ồn ào chẳng ra gì, nhưng lại buộc người khác phải hiểu rõ lấy tâm trạng của mình. Vô lý. Vô lý quá phải không? Vâng, rất vô lý. Thế nhưng sự đòi hỏi ấy rất hợp lý bởi vì rằng đã tri âm, tri kỷ thì phải nhìn thấy từ các hình thức ấy, còn là phía sau, là một con người khá hẳn: “Cõi người thần thánh quỷ ma/ Phía sau mặt nạ u oa khóc thầm/ Có người tịnh khẩu như câm/ Ai nghe tiếng nói ầm ầm sóng vang?/ Có người vội vã bước ngang/ Biết đâu rẽ dọc là đang quay về?”.

Ai hiểu? Ai biết?

Câu hỏi ấy, chỉ dành cho tri kỷ mà thôi. Đừng đòi hỏi người ngoài phải hiểu, phải cảm thông, chia sẻ. Nhố lắm. Quá đáng lắm. Y chẳng có tri âm, bèn tự an ủi lấy chính mình: “Tự nhiên nhìn xuống bàn tay/ Thấy rãnh sâu tựa luống cày thời gian/ Nhọc nhằn vó ngựa mây ngàn/ Ngày đi thăm thẳm nắng vàng như sương/ Độc hành xa lắc con đường/ Chân mây gió cuốn yêu thương níu về/ Tôi như cỏ dại nhà quê/ Câu thơ bàn phím đam mê còn dài”. Lúc xòe hai bàn tay, nhìn lấy lấy mười ngón tay và ngẫm lại đời mình, lúc ấy, con người ta nghĩ gì? Y nghĩ gì? Thôi thì, hãy cứ vui cho hết một ngày, một đời và tự nhủ: “Hãy nhìn núi thẳm non cao/ Để nghe tiếng sóng dạt dào yến oanh”. Đường còn dài. Yến oanh còn lắm. Hãy cứ vui đi. Mình hãy cứ là mình.

Tưởng rằng, chỉ có mình thương lấy mình. Không đâu. Thì ra thế. Mà có thật là thế? Thì cứ cho là thế. Cứ nghĩ thế cho đời thêm vui một chút. Lúc gặp nhau ở quán nhậu, sau vài câu chia buồn của bạn là ly men nốc cạn. Ừ, 100% Bắc Kạn. Ngà ngà say. Ly bia đã cạn. Và nghe cô ca sĩ hát Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ: “Một bông hồng cho em/ Một bông hồng cho anh / Và một bông hồng cho những ai / Cho những ai đang còn Mẹ/ Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn/ Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi / Như đóa hoa không mặt trời / Như trẻ thơ không nụ cười/ ngỡ đời mình không lớn khôn thêm / Như bầu trời thiếu ánh sao đêm…”. Tự dưng ứa nước mắt. Bạn đã chia sẻ chu đáo đến thế. Thế mà lâu nay, y có hiểu bạn đâu? Đã thế, lúc nào cũng đòi hỏi mọi người phải hiểu lấy mình. Nhố quá, phải không? Đúng quá đi chứ.

Tối qua, lại lai rai một chút. Tại nhà. Cùng anh A. Câu chuyện thân tình. Cỡi mở. Mà thật lạ, lại trùng với ngày ở quê nhà đang làm tuần thứ 2 cho mẹ. Kỳ lạ không? Không có sự ngẫu nhiên nào cả. Mọi sự đã được sắp xếp. Rất vô hình. Nào ai biết trước. Sáng nay, thức dậy muộn. Vẫn thói quen dừng lại ở sạp báo mua lấy một hai tờ báo. Đọc lúc đang ăn phở. Phở bà Dậu. Sung sướng nhất là phở ngon, ngồi một mình,vừa ăn vừa nhẩn nha đọc báo. Không ai làm phiền. Cứ thế, lướt hết trang này qua trang nọ. Dừng lại với chuyên mục Chuyện thường ngày của Bút Bi trên báo Tuổi Trẻ. Đọc bài viết Tìm cha mất tích. Cực kỳ ngắn gọn. Chỉ 100 chữ:

“Đặc điểm nhận dạng: Cao ráo, mặt mày sáng sủa, tuổi trung niên.

Nghề nghiệp: Cán bộ.

Ngày mất tích: Ngày diễn ra phiên tòa xét xử đàn con.

Lý do mất tích: Chưa rõ, có thể là không muốn ra tòa giải thích vì sao cho phép đàn con làm bậy.

Lời nhắn gửi: Cha về để chịu trách nhiệm, đàn con đang khóc như mưa ở tòa.

Ai biết được cha, chồng chúng tôi ở đâu, xin báo về cho gia đình chúng tôi, địa chỉ: số nhà 123, đường Bị Y Tố. 

Xin chân thành hậu tạ”.

Chừng dăm năm nữa, đọc lấy bài này, nếu không liên hệ với thời sự đang diễn ra, chằng mấy ai hiểu chăng? Không đâu. Thời buổi của Google, chủ cần gõ từ khóa “vụ án vn pharma” ắt sẽ thu thập đầy dủ thông tin. “Bị Y Tố” là một cách nói lái. Hôm kia, vừa mua tập sách Nghệ thuật nói lái qua ngôn ngữ dân gian Nam bộ (NXB Tổng hợp TP.HCM) của Nam Chi Bùi Thanh Kiên vừa được ấn hành. Chẳng hạn, đây là một thí dụ về cách nói lái về chuyện “ăn cơm trước kẻng”. Ông Dương Quốc Thanh (bút hiệu Sơn Hồ) ở xứ Quảng đã hòa giải cho hai bên gia đình bằng bài thơ dí dỏm: “Ai bàn chi chuyện đã an bài/Trai khiển đồng tình gái triển khai/Cứ sợ cho nên thành cớ sự/ Mai than mốt thở lỡ mang thai/ Tính từ ngày tháng vương tình tứ/ Khai ổ bây giờ báo khổ ai/ Cưỡng chúng ông bà nghe cũng chướng/ Thôi đành để chúng được thành đôi”.

Có nhiều cách nói lái, thú thật, y không rành lắm. Trong nhóm bạn rành nhất phải là nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt… Chỉ loáng thoáng nghĩ rằng, có phải Duyên Anh là nhà văn trước nhất đưa nói lái vào tác phẩm văn học chăng? Thời nhỏ, đã đọc mòn cả quyển Thằng Vũ, còn nhớ trong đó, có đoạn đối thoại: “Ngay lúc ấy, bên ngoài nhà nó, nấp sau cây bàng, thằng Côn mắt la mắt lém, ngó trước ngó sau, đoạn thong thả đọc một câu tiếng lóng cơ hồ con chim chích chòe gọi bạn giữa trưa mùa hạ: “Lũ vã lơi a, li đa lập lạ lá đi lóng bí (Vũ ơi! đi tập đá bóng). Đó là thứ tiếng lóng do Vũ và Côn đặt ra, chỉ dùng vào những lúc gia đình cấm đoán không cho đi chơi. Lũ vã là Vũ, bỏ chữ u ở tiếng lũ, chữ ã ở tiếng vã và chắp lại thành Vũ. Cứ thế muốn nói bao nhiêu câu cũng được”.

Những cuốn sách đọc thời nhỏ, thường ở lại trong trí nhớ lâu hơn. Và hạnh phúc thay, khi nhớ đến năm tháng ấy, bao giờ con người ta cũng nhớ đến hình ảnh của người mẹ. Mẹ cho tiền mua sách đọc.

Thông thường lúc chiều rồi, nếu không lai rai đi nhậu thì đọc sách, bằng không lại lướt web. Chiều nay lại lai rai. Vẫn là những gương mặt bồ tèo, chiến hữu đã ra Đà Nẵng trong đám tang mẹ. Vì thế, càng cảm động. Tương tự hôm qua nhận tin nhắn: "Hôm nay. lúc 10g30 cúng thất thứ 2 của mẹ tại Quảng Hương Già Lam, anh Q nhé". Mọi người đã yêu y đến thế, sao lâu nay y lại không cảm nhận một cách sâu sắc? Y nhợt nhạt, tẻ nhat và nông cạn quá chăng? Câu hỏi ấy đã quay đi quay lại nhiều lần. Vì thế đêm kia đã viết như một cách tự bạch về tính cách. Liệu chừng y có ích kỷ quá không? Lúc nào cũng đòi bạn hiểu nhưng rồi y đã làm gì để hiểu bạn? Y kém quá đi mất. Rất kém.

Bèn tự bạch rằng: “Đã nhập vai trong tuồng hát bội/ Đã mặt xanh mặt trắng cũng nhì nhằng/ Đã mặt nào cũng trăm trò cười khóc/ Đã tri âm mới rõ giáng hay thăng/ Đã mím môi nhưng ai thấy nhe răng/ Đã nhố nhăng ai lại hay nghiêm túc/ Đã vui trong tình nghĩa của đời/ Đã mặt nào cũng trăm trò cười khóc/ Đã hân hoan đã nồng nàn hạnh phúc/ Đã ai đang biết cúc cũng là hồng/ Đã sen thắm ai nhìn ra héo rũ/ Đã có đây nhưng nọ cũng là không/ Đã đi đứng với một hai gương mặt/ Đã mặt này cười mặt nọ oa oa/ Đã mặt nào cũng trăm trò cười khóc/ Đã rất gần nhưng lại rất người ta/ Đã nhập vai như diễn tuồng hát bội/ Đã hênh hoang náo nhiệt tiếng cười/ Đã mặt nào cũng trăm trò cười khóc/ Đã ai hay ai nén tiếng thở dài?”.

Thấu hiểu điều đó, với mỗi người phải cần có tri âm tri kỷ. Người tri âm trí kỷ nhất đời y chính là mẹ. Mẹ đã mất. Và hạnh phúc thay, những ngày này, y đã nhìn thấy qua gương mặt bạn bè.

Hạnh phúc ấy, đang có thật.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment