LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.10.2016

ca_go_7

 

Tùy cơ ứng biến.

Cứ đọc lại ca dao, tục ngữ mới cảm nhận hết cái sự “nước đôi” của người Việt. “Đi với Phật mặc áo hoa, đi với ma mặc áo giấy; Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” v.v…. Cũng con người đó, nhưng muốn tồn tại trong hoàn cảnh đó ắt phải có lựa chọn đó, dù muốn dù không. Vừa bảo: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, ngoặt một cái lại nói: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Vừa bảo: “Trồng trầu thì phải khai mương/ Làm trai nhiều vợ phải thương cho đồng”, chỉ cần làm được thế là OK lắm rồi. Ngoắt một phát mắng luôn: “Lắm duyên nhiều nợ, lắm vợ nhiều oan gia”. Vừa bảo: “Làm trai cho đáng nên trai/ Xuống đông, đông tĩnh; lên đoài, đoài yên” - tính cách đó trượng phu quá đi chứ? Đáng mặt nam nhi, nói/làm đâu ra đó. Ngoắt một cái lại bảo: “Làm trai cứ nước hai mà nói”. Nước hai là “nước đôi’, nói lấp lửng, chẳng quả quyết gì cả, ai hiểu sao cũng được, chẳng biết đâu mà lần

Nghĩ cho cùng. Trí khôn của người Việt nằm ở “nước đôi”. Hạn chế của người Việt cũng ở “nước đôi”. Ấy là lúc cần phải đối phó với người ngoài. Chứ “gà cùng một mẹ”, “bầu ơi thương lấy bí cùng” mà giở trò đó ra, ai chịu trời cho thấu? Thì cứ xem cách các quan chức nhà ta giải thích về nhiều sự vụ đã tầy huầy thì rõ.

Dừng lại với thông tin này, vui hơn.

Theo Báo Thanh Niên số ra ngày 2.5.2016: “Tháng 4.2016 đánh dấu chặng đường 10 năm phát triển của Google Dịch (Google Translate), bắt đầu từ 2 đã phát triển đến 103 ngôn ngữ với hơn 500 triệu người dùng mỗi ngày, theo tờ The Financial Express. Trong đó, ngôn ngữ được dịch phổ biến nhất là từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ả Rập, Nga và Indonesia. Ứng dụng này dịch 100 tỉ từ mỗi ngày trong đó có nhiều từ theo xu hướng và sự kiện nóng trên thế giới như “selfie”. Ngoài ra, từ “I love you” cũng được dịch phổ biến”.

Trước đây, nhằm phá rào cản về ngôn ngữ, tiếng nói, năm 1887, Quốc tế ngữ (Esperanto) ra đời. Linh hồn của nó chính là bác sĩ Zamenhof người Ba Lan. Esperanto theo Quốc tế ngữ là “Người hy vọng”. Tuy nhiên, với sự tiến bộ kinh khiếp về khoa học kỹ thuật, cụ thể qua vai trò Google, Quốc tế ngữ đã lép vế. Không còn mấy ai sử dụng nữa. Phải thế thôi. Con người ta ngày càng lười suy nghĩ, càng hạn chế được thao tác nào càng hay, càng tốt. Chà, nếu chỉ cần nói: “Anh yêu em” là "xong phim", là "biến cuộc đời thành những tối tân hôn" (Nguyên Sa), có lẽ thiên hạ cũng chẳng cần gì đến thơ nhạc nữa. Xếp xó nó cho xong.

Khi nói: “Anh yêu em”, từ ấy thiêng liêng quá đi chứ. Thế nhưng, biết đâu lại giả thì sao? Thì biết làm sao. Vừa rồi, Đoàn Tuấn có comment bằng câu vần vè cà rỡn, bông phèn. Đọc xong là cười luôn. Rằng, sau khi đeo đuổi, tán tỉnh, cưới được giai nhân, có người lại phát hiện ra lắm thứ giả mà lâu nay cứ ngỡ là thật: “Chú rể đêm động phòng/ Cô dâu mang trinh giả/ Chàng sờ tay lên má/ Vết dao kéo giấu rồi/ Chàng liền hôn lên môi/ Em vừa xăm, chưa được/ Chàng đưa tay sờ ngực/ Thấy toàn silicon/ Kéo cô dâu vào ôm/ Vuốt lên làn tóc giả/ Chàng thấy buồn rầu quá/ Về hỏi mẹ thế nào?/ Mẹ chàng bảo : Không sao/ Trên đời này tất cả/ Đều là giả dối thôi/ Chỉ có mẹ, đúng rồi/ Chỉ mẹ là thật nhất!/ Bố con cũng chưa chắc/ Con thấy đúng không nào?”. Thôi thì, cười đi. Cho nó vui cái sự đời. Những thứ ấy, dù giả, cũng chẳng hệ trọng gì, miễn là tình yêu ấy là thật.

Trong cái sự vận động của vũ trụ này, thật và giả đan xen nhau là lẽ thường tình. Ngay cả thức ăn nuôi sống cơ mỗi ngày, ai dám chắc nó là thật? Sáng nay, đọc Báo Thanh Niên liền choáng với thông tin: “Nước + hóa chất = nước mắm công nghiệp”. Với người Việt, nước chấm trong bữa cơm hàng ngày dứt khoát phải có chén nước mắm. Nếu cư dân trong một cộng đồng có nơi sinh hoạt chung là đình làng, giếng làng thì bữa cơm gia đình có chén nước mắm. Nay nước mắm cũng giả nốt. Mỗi ngày, lật tờ báo ra, biết bao sự việc giả - thật đã chen chúc nằm chình ình trên mặt báo. Đố ai có thể phận biệt dược thật-giả.

Có lẽ tiếng nước ngoài trở thành quen thuộc, phổ biến nhất với người Việt hiện nay không phải “I love you”. Vậy từ gì? Formosa. Chính nó đấy. Dạo này, mẹ đã về quê, vì thế thỉnh thoảng y cũng đi chợ. Khi ngang qua dẫy hàng cá, đang chần chừ, ngần ngừ thì người bán cá nào dù trẻ, dù già cũng đều mời mọc, lên tiếng khẳng định cá mình bán không phải cá Formosa. Với họ, có thể không phát âm đúng, không viết được rành mạch chữ đó nhưng rõ ràng họ biết đó là là sự hãm tài, hắc ám khủng khiếp. Va vào nó, dính vào nó chỉ có nuốc đổ hết tôm, cá xuống cống, quảy gánh về không. Chồng con chết đói. Than ôi! Ngày vui qua mau. Biết bao giờ mới quay trở về cảm hứng như lúc ngang qua hàng cá là tận mắt nhìn thấy sức sống, sự tươi ngon của cá? Ngày ấy, nhờ thế, y viết được bài thơ tếu táo:

Cao hứng ngày xuân đi chợ Tết
Chân mang giày, cổ thất cravate
Ai nỡ nào nói thách đàn ông
Giữa dòng người, tôi huýt sáo thong dong
Lanh lảnh tiếng rao mời chào những cá
Cá giẫy đành đạch như muốn hụt hơi
Cá sặc bướm này quằn quại đang bơi
Cá vồ, cá trê nằm trơ mắt ngó
Cá lòng tong kia đang bơi quạu quọ
Tôi quờ quạng rờ con cá lưỡi trâu
Sực nhớ vợ dặn khoái cá bã trầu
Đặt tiền xuống mua. Thôi mua cá nhái
Cá trở quều quào lách luồn quày quại
Tội nghiệp nên thôi. Mua lấy cá mè
Cá nằm quay lơ - vợ rủa ai nghe?
Mặt nàng quằm quặm còn chi là Tết?
Hay mua cá trê. Nhưng làm sợ mệt
Con cá út thịt trắng muốt béo dai
Cá ngát, cá linh quắn quíu nằm đây
Bụng cũng muốn mua. Làm sao mua hết?
Loạng choạng một hồi sắp tàn ngày Tết
Mặt mày quàu quạu chủ cá mắng vui:
“Mua đi cho rồi lựa tới lựa lui!”
Nàng nguýt, háy, lườm làm tôi nhớ... vợ
Thông cảm đàn ông lần đầu đi chợ

Nay, cá đã chết. Nói cách khác là cá đã là cá thép. Có lẽ, không động vật nào lúc chết lại có ánh mắt hiền lành, đáng thương như mắt cá. Vừa rồi, cá Hồ Tây chết trắng xóa, chưa rõ vì lý do gì. Nhìn qua hình ảnh cá chết trên báo chí, lại thấy ánh mắt ấy nghèn nghẹn oan ức đến đau lòng. Cá Formosa, cá chết vì hóa chất là cá giả. Bởi sự độc hại tàn khốc của nó. Chớ dại mà ăn. Thôi thì, tạm thời ăn cá gỗ chăng? Từ “cá gỗ” vốn thuộc “bản quyền” của người xứ Nghệ. Nguồn gốc, xuất xứ của nó thế nào? Vừa rồi được đoc trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (số ra ngày 8.10.2106) bài viết “đâu ra đó”, “có đầu có đũa” về câu chuyện “cá gỗ” của tác giả Bình Vương. Chép lại vì xét thấy cần thiết cho những ai cần tham khảo:

“Chuyện là, trong bản in lần đầu tiên năm 1866, tập sách viết bằng văn xuôi quốc ngữ thuở sơ khai của học giả Trương Vĩnh Ký với nhan đề “Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích” (về sau đổi gọn thành “Chuyện khôi hài”) đã có kể về “cá rô cây”. Xin chép lại nguyên văn: “Nghệ An là tỉnh rộng lớn đàng đất, lại đông dân sự hơn các tỉnh và cả nước An Nam. Người xứ ấy hay co ro còm ròm cần kiệm quá. Người ta thường hay nói người Nghệ đi ra Bắc hay giắt lưng một con cá rô bằng cây khéo lắm. Hễ tới quán thì chỉ xin mua ít trự cơm ăn mà thôi. Quán hỏi có mua đồ ăn, thịt đông, chả giò, nước mắm chi không? thì nói không, xin một chút xíu nước mắm dằm cá mà thôi. Bỏ cá cây vô đĩa lật qua lật lại, húp cho mặn miệng mà trơn cơm ba miếng. Làm lận làm vậy cho khỏi tốn tiền đồ ăn. Ăn rồi giắt cá vào lưng phủi đít ra đi”.

Bây giờ nếu truy tìm từ khóa “cá gỗ”, chỉ vài giây Google sẽ đưa ra đầy rẫy dữ liệu mà trong đó, rất nhiều cách kể khác nhau, đúng là tam sao thất bổn. Chẳng trách chi ai, ở đây người viết chỉ thuật lại hai mẩu chuyện theo trí nhớ, được nghe lúc mình còn nhỏ, qua lời kể của thân phụ.

Mẩu thứ nhất, về đại thể khá tương đồng với chuyện “Cá rô cây” chép ở trên, song nói rõ hơn, người giắt lưng con cá gỗ đó là một thầy đồ nghèo trên đường đi tìm chỗ dạy học. Thầy có chữ nhưng đang túng tiền, bèn nảy ý đẽo một con cá bằng gỗ, chạm tỉa kỹ càng, lại sơn màu trông giống y một con cá rán (chiên). Cứ mỗi bữa ghé quán cơm dọc đường, thầy lựa chỗ ngồi khuất khuất, sao cho người ngoài nhìn qua sẽ tưởng thầy đang dùng cơm với đĩa cá chiên dầm nước mắm. Mẩu chuyện này được các bậc bề trên kể cho con cháu nghe với ý đề cao tánh... sáng tạo của thầy đồ xứ Nghệ nhằm giữ thể diện trong hoàn cảnh khó khăn - mặc dầu bằng sự “làm lận” chẳng ai muốn tự hào - chớ không phải ý chê cười một tánh cách “co ro còm ròm cần kiệm quá”.

Mẩu thứ hai, kể chuyện nhà nọ nghèo khó đến nỗi bữa cơm hàng ngày đã lâu không mua nổi cá mà ăn. Để an ủi các con, người cha nghĩ ra cách cũng đẽo một con cá gỗ, nhưng sơn màu cho giống cá kho, trông thật ngon lành. Ông dùng dây buộc, treo cá gỗ lơ lửng giữa bàn ăn và quy ước: mọi người hễ khi và một miếng cơm thì nhìn lên nó một lần rồi nhai nuốt, tưởng tượng chẳng khác mình đang ăn cơm với món cá kho thực thụ. Đang thực hành theo đúng lời cha, bỗng thằng em cất giọng méc: “Cha ơi, anh hai ăn mặn!”. Hỏi tại sao, nó thưa: “Tại con thấy ảnh và một miếng cơm mà nhìn lên con cá hai ba lần lận!”. Đây cũng vẫn là một tiếng cười lạc quan bởi tình huống bất ngờ và bởi lối suy diễn ngây thơ thành thật của đứa bé con nhà nghèo, chớ không ai nỡ chê trách người cha đã “làm lận” con trẻ.

Như thể cùng chung mục đích minh oan cho cá gỗ, tờ tạp chí Văn Hóa Nghệ An cũng từng giới thiệu một tác giả đã bỏ công tìm kiếm và phát hiện ra rằng, ngày nay tỉnh Nghệ An vẫn còn có một loại cá biển làm thực phẩm, một đặc sản địa phương chỉ riêng thấy ở vùng biển Cửa Hội, thuộc xã Nghi Hải, huyện Nghi Lộc. Nó là chất cá thiệt nhưng được gọi tên... cá gỗ, cùng với tên gọi nữa là cá luộc, tức cá tươi đánh từ biển lên, luộc chín bằng chính nước biển rồi đem phơi nắng cho tới lúc khô đanh lại, săn chắc như cá bằng gỗ.

Khác với cá trong giai thoại, cá gỗ này không cần nước mắm vì nó đã sẵn vị mặn muối biển. Khi ăn, người ta phải dùng tay xé thịt cá ra từng sợi nhỏ, đầu và đuôi thì chặt riêng để nấu canh. Một thứ đồ khô tích trữ để dành được lâu, dùng khi trời giá rét, biển động kéo dài hay mùa hiếm cá. Từ đó có thể suy ra, con cá gỗ vốn có thực trong đời sống một địa phương, trải qua các nẻo đường lưu thông hàng hóa, đã trở thành “chất liệu” để dân gian biến hóa, nâng cấp thành giai thoại “cá gỗ” truyền bá khắp nơi?

Dù nghĩ theo cách nào, rốt lại sự tích cá gỗ vẫn nên nhìn nhận tích cực về một nét tánh cách vùng miền, con người cần cù chịu khổ mà coi trọng sĩ diện. Con cá bằng gỗ được “giả bộ” là ngon lành ấy chẳng làm hại đến một ai. Còn những sự giả vờ về “cá thép Formosa” thì... miễn bàn”.

Tác gải bài báo này nói đúng. Cá gỗ nghĩ cho thấu đáo là một nét văn hóa của người xứ Nghệ. Cá thép Formosa là tội ác. Vì thế, "miễn bàn". Trời đã chiều. Không mưa. Nắng lên. Biết rủ ai đi nhậu đây ta?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment