THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc 4 TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LÊ MINH QUỐC VỪA TÁI BẢN (tháng 8.2019)

4 TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LÊ MINH QUỐC VỪA TÁI BẢN (tháng 8.2019)

 

4-tap-sach-cua-q-vua-tai-ban

 

Thay lời Tựa

 

Ba mươi năm khắp núi rừng

 

Danh ông Đề Thám vang lừng núi sông

 

Ngày còn bé, khi được biết đến câu ca dao này, trong lòng tôi đã dậy lên một niềm ngưỡng mộ. Từ đó, những gì liên quan đến anh hùng Hoàng Hoa Thám, tôi thường thích thú tìm đọc. Và qua đó, tôi cũng sở hữu được ít nhiều tài liệu. Từ năm 1995, tôi bắt tay vào viết Tướng quân Hoàng Hoa Thám trong niềm cảm hứng về một con người mà tôi tôn kính gọi vĩ nhân.

 

Cho đến nay, về  gốc gác, năm sinh của bậc anh hùng này nhìn chung các tài liệu vẫn chưa thống nhất. Tuy nhiên, tất cả đều có “mẫu số chung” là cuộc kháng chiến do ông lãnh đạo tại Yên Thế là một vết son chói lọi trong lịch sử cận đại. Ngay cả người Pháp, khi đánh giá về vai trò vị lãnh đạo tối cao Hoàng Hoa Thám cũng không giấu sự khâm phục về tài cầm quân lẫn mưu trí tót vời của ông. Toàn quyền Doumer đã từng đánh giá: “Đề Thám không phải là một tên cướp, mà là thủ lĩnh người An Nam không chịu theo chúng ta và chiến đấu chống chúng ta suốt mười năm qua. Ông ta hoạt động trong một vùng rộng lớn, vùng ven châu thổ và thậm chí cả trong vùng châu thổ, nơi tên tuổi của ông ta rất lớn”.

 

Cuộc kháng chiến bền bỉ, ngoan cường, mưu lược của anh hùng Hoàng Hoa Thám khiến đối thủ Pháp phải khiếp sợ gọi ông là “Hùm Thiêng Yên Thế”. Từ những năm 1890 đến 1913, dưới quyền chỉ huy của ông, nghĩa quân Yên Thế đã dọc ngang chọc trời khoáy nước, gây cho giặc nhiều tổn thất nặng nề. Ngay cả đại tá Galliéni - sau này được phong Thống chế - được ca ngợi là người cầm quân bất khả chiến bại. Nhưng khi được chính phủ Pháp phái sang xứ Bắc Kỳ để bình định cuộc khởi nghĩa của Đề Thám, cuối cùng chỉ thất bại, nhục nhã cút về Pháp!

 

Ngoài vũ lực trực tiếp tấn công, càn quét căn cứ Yên Thế, giặc Pháp còn quỷ quyệt sử dụng Tổng đốc Bắc Ninh là Lê Hoan, Ba Phức - cha nuôi của Đề Thám để dụ hàng, mưu hại nhưng bất thành, đã thế, ông còn tương kế tựu kế đánh trả. Do không thể đương đầu với nghĩa quân và nhiều lý do khác, giặc Pháp đã buộc phải giảng hòa. Chi tiết này, cho thấy nghĩa quân Yên Thế lớn mạnh biết dường nào.

 

Chính thời gian hòa hoãn, căn cứ Yên Thế đã được củng cố và các bậc nhà nho cấp tiến và yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… đã tìm đến trao đổi về sách lược cứu nước. Không chỉ tác chiến ở vùng rừng núi, Đề Thám mở rộng tầm hoạt động xuống các vùng trung du, dồng bằng và Hà Nội. Một trong những sự kiện đáng chú ý là nghĩa quân Yên Thế đã phối hợp với các sĩ phu yêu nước đánh úp thành Hà Nội. Sự kiện này diễn ra vào ngày 17.6.1908 sử sách thường gọi là vụ “Hà thành đầu độc”. Tuy thất bại, “nhưng đã ảnh hưởng lớn tới tinh thần quân Pháp, đồng thời chỉ rõ sự thất bại bước đầu chính sách của Pháp “dùng người Việt đánh người Việt”- Tự điển bách khoa quân sự Việt Nam của Bộ Quốc phòng đã phân tích.

 

Về cái chết của Đề Thám, nhiều tài liệu cho rằng ngày 9.2.1913, ông đã bị ba tên thổ phỉ Tsan Tac Ky, Ly Song Wa, Tsan Fong San - đệ tử của Lương Tam Kỳ giết hại. Nhưng thiết nghĩ đây chỉ là một nghi vấn của lịch sử. Chỉ biết rằng, sau đó Kỳ có nhận của giặc Pháp 25.000 đồng tiền thưởng và con nuôi của Kỳ là Phúc được thăng tri phủ Quảng Oai.

 

Từ năm 1913, sau cái chết của Hùm thiêng Yên Thế, cuộc kháng chiến ròng rã 30 năm hoàn toàn chấm dứt. Cuộc kháng chiến của Đề Thám vẫn là sự nối dài của phong trào Cần Vương. Có thể lấy cột mốc 1913, năm Đề Thám qua đời là năm kết thúc lời kêu gọi của vua Hàm Nghi từ năm 1885.

 

Có lẽ, cho đến nay, Hoàng Hoa Thám vẫn là một trong số ít nhân vật lịch sử được nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn xây dựng thành nhân vật tiểu thuyết. Thiết nghĩ dù đứng ở góc độ nào, chúng ta cũng khó có thể dựng lên toàn cảnh cuộc kháng chiến hào hùng này với vai trò của Hùm Thiêng Yên Thế. Dù biết thế, nhưng chắc chắn sẽ còn có nhiều người tiếp tục tìm thấy cảm hứng từ vị anh hùng bất tử này. Và các trang viết về khởi nghĩa Yên Thế, Hùm thiêng Yên Thế qua các cách tiếp cận từ nhiều nguồn tài liệu mới mẽ hơn lại ra đời. Điều này rất đáng quý. Không chỉ Hoàng Hoa Thám mà bất kỳ danh nhân nào, nếu thế hệ sau lại tiếp tục khai thác về công nghiệp của họ cũng đều là một cách “ôn cố tri tân”. Mà dấu ấn oai hùng của lịch sử bao giờ cũng giờ cũng cần nhắc nhở theo năm tháng và không gì có thể lãng quên.

 

Với tôi, khi viết Tướng quân Hoàng Hoa Thám cũng là một cách học sử và bày tỏ lòng biết ơn tiền nhân - những con người đã đem xương máu tô thắm ngọn cờ vinh quang của Tổ quốc. Rất mong nhận được sự đồng cảm từ bạn đọc - nhất là các bạn trẻ hôm nay.

Lê Minh Quốc

 

Phú Nhuận - tháng 1.2019)

 

 

Thay lời Tựa

 

Từ năm 1994, tôi bắt đầu viết tiểu thuyết lịch sử. Bấy giờ, Công ty Phát hành sách TP.HCM (Fahasa) đặt hàng NXB Văn Học đứng ra mời các nhà văn trong nước viết cho Tủ sách Danh nhân. Sở dĩ chọn nhân vật Nguyễn Thái Học vì tôi nghĩ rằng, lúc tuổi còn trẻ, máu còn nóng, biết bao hăm hở, dự định để cống hiến cho cộng đồng, ai lại không xúc động với giây phút cuối cùng của vị lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng? Chao ôi! Còn gì hấp dẫn tuổi trẻ hơn hình ảnh một nhà cách mạng lúc bước ra pháp trường còn ngẩng đầu lên đọc thơ? Những câu thơ:

 

Chết vì Tổ quốc

 

Cái chết vinh quang

 

Lòng ta sung sướng

 

Trí ta nhẹ nhàng

 

của Nguyễn Thái Học bỗng quay về trong tâm trí của tôi lúc ấy... Mà phải nói thật, trong thời điểm đó, vai trò của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân đảng vẫn chưa được đề cập đến nhiều.

 

Các ông Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Ký Con... lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái long trời lỡ đất, trước cả phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, trước cả lúc Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, tại sao ta không viết lại, không đề cập lại một giai đoạn đáng tự hào của dân tộc? Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái (17.6.1930), 13 yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng bị giặc Pháp chém đầu tại Yên Bái, vẫn mãi mãi là một dấu ấn không phai trong lịch sử cận đại.

 

Vì nhiều lý do, về sau này, không ít người rất ngại khi viết về tổ chức này. Nhưng điểm son, mặt tích cực của nó thì không thể phủ nhận. Đánh giá sự vật, sự việc cần phải đặt nó trong hoàn cảnh lịch sử đương thời, vậy mới là khoa học. Nghĩ nôm na, đơn giản như thế nên tôi càng quyết tâm phải viết cho xong quyển tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thái Học.

 

Trong quá trình viết, tôi tuân thủ dựng lại câu chuyện theo “biên niên” của nhân vật. Cách làm này cũng áp dụng cho các quyển sau, tức là giúp bạn đọc hiểu rõ nữa về chi tiết của nhân vật. Tất nhiên, mối liên hệ giữa các nhân vật cũng được đề cập đến với sự liên hệ chặt chẽ. Chọn cách viết này, tôi nghĩ phù hợp với ký sự làm nổi bật tính cách của nhân vật.

 

Trong quá trình viết, một trong những câu hỏi mà tôi luôn tự hỏi: “Cuộc khởi nghĩa Yên Bái, ý nghĩa của nó thế nào?”. Đây là cuộc khởi nghĩa bằng võ trang của một tổ chức chính trị, có cương lĩnh hoạt động, có chủ trương rõ rệt, cùng lúc diễn ra trên phạm vi nhiều địa phương. Hoàn toàn khác với các cuộc bạo động trước đó, chẳng hạn, khác với các cuộc ám sát, ném bom của Việt Nam Quang phục Hội do cụ Phan Bội Châu cử các chiến sĩ quả cảm từ hải ngoại về nước hoạt động, gây tiếng vang; khác với khởi nghĩa năm 1916 của vua Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân; khác với cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên của Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến năm 1917…

 

Chính từ khởi nghĩa Yên Bái, nhà cầm quyền Pháp nhận ra rằng, họ phải đối đầu với đường lối đấu tranh mới, khác hẳn trước đó. Nghĩa là, một dân tộc nô lệ khi đã có một chính đảng chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức quy củ có thể tập hợp được lực lượng đứng lên giành lại độc lập, tự do. Và không thể trấn áp họ bằng vũ lực sắt máu. Không phải ngẫu nhiên, thi sĩ Pháp Louis Aragon đã viết khái quát:

 

Yên Bái, 

 

Đây là cái từ nhắc nhở chúng ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ. 

 

Yên Bái, 

 

Gửi đến các bạn da vàng lời nguyền này. Để mỗi giọt của cuộc sống các bạn sẽ tràn máu của một tên Varenne. 

 

Trong quá trình tìm kiếm tư liệu, xây dựng lại câu chuyện về sự hình thành của tổ chức này và dẫn đến cuộc khởi nghĩa Yên Bái, tôi đã tham khảo nhiều tư liệu, tài liệu liên quan. Chẳng hạn, ít ai biết, trong số 13 đảng viên lúc bị án chém, anh Phó Đức Chính đã gan dạ đòi nằm ngửa để nhìn tận mắt lưỡi dao chém và anh đã hô to được: “Việt Nam vạn tuế”. Trường hợp này, chỉ xẩy ra duy nhất một lần trong suốt năm tháng giặc Pháp sử dụng án chém ở Đông Dương.

 

Sau thất bại của khởi nghĩa Yên Bái, anh hùng Nguyễn Thái Học đã bị bắt như thế nào? Theo nhà văn Nguyễn Công Hoan, vị lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân đảng bị bắt là lúc đi qua lĩnh vực đồn điền Cổ Vịt của tên thực dân Klieber. Chi tiết này, tôi đã tham khảo từ tập sách Nhớ gì ghi nấy của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Cho đến thời điểm này (2019), theo tôi vẫn xác thực nhất bởi chưa có tài liệu nào khác bổ sung thêm.

Với lịch sử, lãng quên cái gì cũng có thể sửa sai, nhưng không thể lãng quên xương máu đã đổ xuống vì Tổ quốc. Quên ấy là nợ. Không chỉ nợ với tiền nhân mà còn là nợ với tương cuộc sống đang từng ngày tiếp nối.

Với suy nghĩ này, thông qua tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thái Học, một lần nữa, chúng ta cùng nhìn lại vai trò của cuộc khởi nghĩa Yên Bái trong lịch sử cận đại, dù thất bại nhưng “đã cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của nhân dân ta. Những gương hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ Yên Bái đã góp phần chứng tỏ truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam” như tập sách Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (NXB Sự Thật - 1983, Tập I, tr.116) đã ghi nhận.

Lê Minh Quốc

(Phú Nhuận tháng 1.2019)

 

Thay lời Tựa

Năm 1996, tôi hoàn thành quyển tiểu thuyết lịch sử Nguyễn An Ninh - Dấu ấn để lại (NXB Văn Học, NXB Kim Đồng tái bản). Đây là khoảng thời gian, tôi thật sự chú tâm nghiên cứu về nhân vật đã trở thành thần tượng của cả một thế hệ thanh niên ở Nam Kỳ trong thập niên 1920 của thế kỳ XX. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình ông nên tôi đã tiếp cận được nhiều tư liệu quý.

Một trong những tư liệu đáng kể nhất, theo tôi vẫn là những thước phim mà gia đình ông đã thực hiện. Qua đó ta thấy có nhiều ý kiến đánh giá rất xác đáng về Nguyễn An Ninh. Chẳng hạn, nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu: “Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước vĩ đại”; “Ở trong tù, Nguyễn An Ninh luôn luôn đoàn kết với chúng tôi, những người cộng sản để chống lại bọn cai ngục dã man. Khi ông lâm bệnh mất đi, chúng tôi đã cử lễ truy điệu ông rất trang trọng và thương tiếc nhà chí sĩ Nguyễn An Ninh, người yêu nước vĩ đại”. Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu: “Nguyễn An Ninh có tầm vóc một nhà lãnh đạo một cuộc cách mạng cho nên chúng ta phải ghi nhớ những cống hiến quan trọng của một nhân vật có tầm vóc lịch sử”.

Sức hấp dẫn ở Nguyễn An Ninh chính là sự dấn thân. Không chỉ là một nhà cách mạng, ông còn là nhà tư tưởng, nhà diễn thuyết và cũng là nhà báo cự phách - chủ bút tờ báo nổi tiếng La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè) - số đầu tiên ra ngày 10/12/1923 tại Sài Gòn.

 

Người dân Nam Kỳ thuở ấy rất ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh: một thanh niên học giỏi  từ Pháp về, mặc áo dài đen đạo mạo, tóc bềnh bồng rất... bụi đời, đôi mắt sáng quắc, người thấp, chắc da chắc thịt đã ôm chồng báo bằng tiếng Pháp chạy trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi), Bonard (nay đường Lê Lợi), d’Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn)... cất tiếng rao lanh lảnh với giọng Parisien: “Tiếng chuông rè đây! Xin mời quý ông, quý bà! Tiếng chuông rè đây! Báo mới đây! Báo mới đây!.

 

Mới ngoài 20 xuân, nhưng Nguyễn An Ninh đã diễn thuyết bằng tiếng Pháp, từng vào tù ra khám vì hoạt động chính trị. Dù từng du học ở Tây, học rất giỏi và yêu tư tưởng Tự do, bình đẳng, bác ái của Cách mạng Pháp, nhưng ông sẵn sàng chống lại thực dân Pháp. Lạ thật, đó là con người của tư tưởng, lại cũng là con người của hành động. Nếu cần thì ông cạo trọc đầu đi tu, đi bán dầu cù là và thành lập Đảng Thanh niên Cao Vọng! Nếu cần, ông sẵn sàng ra chợ Bến Thành đứng bán hàng rao với dòng chữ tự tin, bản lĩnh: Năm nay còn ăn Tết được.

 

Không ai khác, chính Nguyễn An Ninh là người trước nhất đã dịch quyển Khế ước xã hội của Jean Jacques Rousseau. Bản dịch của ông có tựa Dân ước - dân quyền - dân đạo (in năm 1923) nhằm bổ sung cho ý thức tuyên truyền những nguyên tắc tư tưởng theo ý tưởng của Cách mạng Pháp (1789). Nếu sự tuyên truyền này xét ở ý nghĩa có ý thức, triệt để và có hệ thống thì ở Việt Nam, Nguyễn An Ninh xứng đáng nhận vai trò người đi tiên phong công khai gieo mầm mống tích cực của Cách mạng Pháp.

 

Không ai khác, chính Nguyễn An Ninh là người đầu tiên cho in Tuyên ngôn Cộng sản trên tờ La Cloche Fêleé (1925).

 

Không ai khác, chính Nguyễn An Ninh là linh hồn của Đông Dương Đại hội (1936) - sau khi ông tán thành và ủng hộ quan điểm đấu tranh công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương thời kỳ này, dù ông không gia nhập Đảng Cộng sản. Có thể ghi nhận đây cũng là thời kỳ mà phương pháp đấu tranh của ông đã có những chuyển biến. Trên tờ La Lutte (số 77 ra ngày 1/4/1936) ông cho biết: “Tôi đã vứt bỏ cái chủ nghĩa phiêu lưu lãng mạn. Tôi chấp nhận không do dự đưa ra những điều kiện của tôi trong cuộc chiến đấu tàn khốc giữa con người với cái chế độ mà nó đè bẹp con người”.

 

Có người chỉ vì ở tù chung, ảnh hưởng nhân cách của ông mà sau khi ra tù đã viết được cuốn sách gây chấn động một thời, bị tịch thu ngay sau khi phát hành. Đó là Ngồi tù khám lớn (in năm 1929) của Phan Văn Hùm, v.v…

 

Đáng nhớ ở Nguyễn An Ninh, còn là lời khẳng định của ông trong buổi diễn thuyết Lý tưởng của thanh niên An Nam tại Hội khuyến học Nam Kỳ (ngày 15/10/1923): “Dân tộc nào để một nền văn hóa ngoại bang ngự trị thì không thể có độc lập, tự do thật sự. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc”. Sau buổi diễn thuyết này, Nguyễn An Ninh được ái mộ đến nỗi nhà “chụp hình” Khánh Ký trên đại lộ Bonard cho rửa hàng ngàn tấm hình của ông để đáp ứng công chúng!

Xin kể thêm một chi tiết nhỏ, khi Nguyễn An Ninh bị bắt, có những tờ báo kịp thời cho phát hành những ấn phẩm đặc biệt nhằm đòi trả tự do cho ông, bất chấp chế độ kiểm duyệt thời Pháp.

Nguyễn An Ninh - một con người mà nhà sử học Trần Văn Giàu đã khẳng định: “Điều tôi muốn nói là nhân cách của anh trong quan hệ với bạn bè đồng chí, với gia đình vợ con, anh khiêm nhường, hiền từ và nhân hậu. Anh san sẻ bát cơm manh áo, dốc cạn đồng xu cuối cùng cho người khổ hơn anh. Anh nhường từng lon nước, chỗ nằm cho bạn tù. Anh đem cả tình thương, tri thức dìu dắt cho những ai còn lầm lỡ, bất hạnh, kém may mắn hơn anh. Ai đã gặp anh một lần đều yêu kính anh, một nhân cách lớn lắm, một tấm gương sáng ngời cho thời đại này. Tự thân cuộc đời anh đã đẹp, không cần chúng ta phải tô điểm gì thêm. Một con người như vậy không dễ có đâu, bình dị nhưng vĩ đại lắm”.

 

Điều gì đã hun đúc nên khí phách Nguyễn An Ninh?

 

Đó là câu hỏi mà tôi phải trả lời khi viết tập sách Nguyễn An Ninh - Dấu ấn để lại. Và bây giờ, trang sách đã mở ra, hy vọng bạn đọc sẽ hài lòng với những gì mà tôi đã dày công dựng lại cuộc đời của Nguyễn An Ninh - một con người xứng đáng là thần tượng của thanh niên Nam Kỳ từ thập niên 1920 của thế kỷ XX.

 

Lê Minh Quốc

(Phú Nhuận - tháng 1/2019)

 

Thay lời Tựa

 

Cuộc đời và sự nghiệp của những nhân vật lừng lẫy trong lịch sử nước nhà, với tôi, họ luôn có một “ma lực” hấp dẫn. Họ đã sống trọn vẹn một cuộc đời mà đôi lúc, lúc bình tâm nhất, tôi tự hỏi: Tại sao họ đã sống những năm tháng nhiều biến động dữ dội đến như vậy? Cuộc đời của họ không lặng lẽ trôi qua với ước mơ bình dị, chẳng hạn, có đồng lương ổn định, có vợ đẹp con ngoan, có công việc nhàn nhã “sáng vác ô đi, tối vác về”... Mà họ lại muốn lao vào sóng gió để khẳng định bản lĩnh, thực hiện khát vọng biết “sống vì mình, sống vì người” dẫu biết có lúc táng gia bại sản; hoặc phải lao tâm khổ trí và đầy mưu trí để vượt qua sự chèn ép của ngoại bang trong công cuộc kinh doanh khốc liệt.

Đó là số phận chăng?

Biến động trong cuộc đời họ, dù thành công hay thất bại cũng giúp cho thế hệ đi sau rút ra được những bài học quý báu. Tìm hiểu về họ, không đơn giản chỉ “đóng khung” cuộc đời họ mà qua đó ta còn hiểu thêm một giai đoạn của lịch sử. Học sử thông qua số phận của một con người quả là điều thú vị. Với suy nghĩ này, tôi đã bắt tay viết tập Bạch Thái Bưởi - người dám sống. Đây cũng là “mạch viết” trước đó mà tôi đã thể hiện qua một loạt tiểu thuyết danh nhân như Tướng quân Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh- dấu ấn để lại, Nguyễn Thái Học, Chiến tướng Tôn Thất Thuyết hoặc hàng trăm nhân vật khác trong bộ Kể chuyện danh nhân Việt Nam. Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng, cuộc đời của các nhân vật trong lịch sử luôn đầy ắp chất liệu sống động để ta có thể dựng lên mẫu nhân vật hấp dẫn trên trang viết.

Lần này, nhân vật tôi chọn là người từng thành công rực rỡ trên  nhiều lãnh vực mà tôi không mấy am tường. Đó là nghề buôn gỗ, thầu thuế chợ, kinh doanh thuyền bè trên sông nước, khai mỏ v.v... Không am tường thì phải học. Học qua sách vở. Học qua lời kể của những người trong nghề. Viết về Bạch Thái Bưởi không dễ, vì tài liệu về ông không nhiều; nếu có chăng thì cũng lẻ mẻ, chỉ đôi dòng tản mác đâu đó. Chẳng hạn, trong quyển Nhớ gì ghi nấy, dày vài trăm trang nhưng nhà văn Nguyễn Công Hoan chỉ viết liên quan đến ông chừng mươi dòng... Hơn nữa, tài liệu về Bạch Thái Bưởi công bố trên internet hầu hết đều trùng lắp, các bài viết na ná nhau và các thông tin ấy chưa chắc đáng tin cậy.

Vậy nhiệm vụ của tôi phải dựng lại chân dung Bạch Thái Bưởi “có da có thịt” bằng ngôn từ, hình ảnh đậm chất văn học. Có thể nói đây là cuốn sách khắc họa rõ nét nhất chân dung Bạch Thái Bưởi, tính đến thời điểm này. Công việc không dễ dàng. Trước hết, tôi phải sưu tập tương đối đầy đủ tư liệu về Bạch Thái Bưởi hoặc có liên quan đến Bạch Thái Bưởi. Tư liệu ấy gần với sự thật bao nhiêu phần trăm, thì sự lựa chọn và đánh giá ấy tùy thuộc vào bản lĩnh, khả năng nhận thức (thậm chí cả sự linh cảm) của người viết. Sau đó, tôi dựng lại năm tháng tiểu sử Bạch Thái Bưởi, để có một cái nhìn rõ nét về hơn về hoạt động của ông trong nhiều lãnh vực.

Một trong những khó khăn cần phải vượt qua là đánh giá như thế nào về con người Bạch Thái Bưởi? Thực chất ông là người như thế nào? Có tư liệu cho rằng, trong đời thường ông là người keo kiệt, bủn xỉn, làm giàu bằng nhiều thủ đoạn; ngược lại có tài liệu ghi nhận ông như một nhà cách mạng. Cả hai thái độ đánh giá như thế đều có gì đó chưa xác đáng.

Không biết dựa vào nguồn tư liệu nào, có khá nhiều bài viết đề cập đến chi tiết “có lần lên tiếng bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị, trong Hội nghị kinh tế lý tài, ông bị Toàn quyền Robin đe dọa: “Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”, ông đáp lại: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”. Do không tìm được, không tìm thấy trong tư liệu gốc đề cập đến chuyện “giật gân” này nên tôi dứt khoát không sử dụng.

Hơn nữa Bạch Thái Bưởi qua các tư liệu đã thu thập và chọn lọc thì tôi ngờ rằng, không bao giờ ông buột miệng nói những câu “dại dột” như vậy. Đó không phải là tính cách của một người lão luyện, bản lĩnh, nhiều kinh nghiệm trên thương trường... như Bạch Thái Bưởi.

Rút ra bài học gì từ cuộc đời của một người đã trở thành huyền thoại như Bạch Thái Bưởi? Tất cả những điều này, tôi đã trình bày trong sách. Bây giờ, mời bạn lật trang sách...

Lê Minh Quốc

(Phú Nhuận - tháng 1/2019)

(nguồn: 4 tập sách vừa do NXB Văn Học và Công ty vvăn hóa Đông Tây tái bản tháng 8.2019)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com