THƠ Thơ phổ nhạc LÊ MINH QUỐC - Vài suy nghĩ về thơ phổ nhạc

LÊ MINH QUỐC - Vài suy nghĩ về thơ phổ nhạc

Tiếng hát lên trời

Untitled-3xxx

Những bông hoa có mặt trên mặt đất, có bao giờ tôi muốn nó bay lên trời? Ước vọng ấy, tôi đã nhiều lần suy nghĩ đến. Trong dòng chảy của đời sống, có những dòng tự tình trong thầm lặng, hoặc nằm cứng đờ trên trang giấy, hoặc chạy nhảy tung tăng trên môi, có lúc tôi cũng muốn nó bay lên trời. Bay lên trời có nghĩa là bay vào cõi nhân sinh này. Để từ đó, nó sống một đời riêng. Sống lần thứ hai ở nghĩa khác với một không gian khác. Âm nhạc làm được điêu đó chăng? Tôi sực nhớ đến những ca khúc phổ thơ.

Nếu không có âm nhạc của Nguyễn Xuân Khoát thì bài thơ lạ lùng Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ vẫn sống như thế, sống bằng một ngôn ngữ thơ ước lệ và sang trọng như nghìn trùng e lệ phụng quân vương. Nhưng đã phổ nhạc, “màu thời gian” ấy đã được chúng ta cảm nhận bằng một cung bậc khác. Và từ đó, nó đã có thêm một đối tượng khác có thể cảm nhận được. Nếu ca từ Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi chỉ lặng lẽ nằm trên trang giấy - thì liệu chừng chúng ta có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của nó?

Thế nhưng khi Văn Cao gõ chiếc đũa thần âm nhạc vào từng từ, thì đột ngột, những từ ấy bừng lên ánh sáng, lung linh và tráng lệ huyền ảo.

Tôi lại nhớ đến những lúc "Tôi buồn bã xuống chợ đời rao bán/ Ai thất tình mua lấy trái tim không?". Đêm ấy ở Cần Giờ. Trời hiu hắt lạnh. Sóng vỗ ầm ầm vào ghềnh đá vọng lên những âm thanh nức nở: "Tôi rao hoài rao mãi đến khan hơi"… Thơ tôi viết, nhưng chính nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện lại đem đến cho tôi cảm giác mới, đau đớn, dịu dàng. Từ đó, ngôn ngữ thơ ca bay lên trời, bay vào một cõi nhân sinh, bay vào một đối tượng khác.

Ý nghĩ thơ phổ nhạc là gì? Là duyên nợ. Là một ý nghĩa tận cùng về một tình yêu song hành giữa thơ và nhạc. Có thể lý giải như vậy được không? Tôi vẫn canh cánh trong lòng một gương mặt tuổi hai mươi, đẹp như thần Mercure đã từ giã cõi đời lúc hoàng hôn. Người đó là La Hối - liệt sĩ chống phát xít của Hội An phố cổ. Chàng đã gặp Thế Lữ lúc nào của năm 1943 để có được Xuân và tuổi trẻ vĩnh viễn tuổi hai mươi? Ở đó, thi ca và âm nhạc đã gặp nhau.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: tạp chí Âm nhạc TP.HCM 2.1997)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com