THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Lời Tựa tập thơ Thơ và cuộc sống quanh ta của NGUYỄN THỊ SƠN

LÊ MINH QUỐC: Lời Tựa tập thơ Thơ và cuộc sống quanh ta của NGUYỄN THỊ SƠN

 

tho-va-cuoc-song-quan-ta-NGUYEN-THI-SON

 

TỰA

Có những phút ngã lòng

Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy

Đã từ lâu, tôi rất thích câu thơ này của Phúng Quán. Ơ hay, tại sao lại “vịn câu thơ”, chứ không là gì khác? Khi đọc tập Thơ và cuộc sống quanh ta của nhà giáo, luật gia, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sơn, tôi mới “ngộ” ra rằng, ấy là cách nói hãy dựa vào lòng mình, dựa vào chính mình, điểm tựa ấy mới vững chắc nhất.

Và, với sứ mệnh của thể loại này, thơ cho phép chúng ta đi sâu vào tâm trạng một cách chân thật. Thơ có gì ngoài con chữ? Có gì ngoài nhịp điệu? Có gì ngoài tiếng nói thốt lên tận đáy lòng? Vâng, chỉ có thế. Chính vì thế, với thể loại khác, ta có thể uốn éo nọ kia nhưng với thơ lại không, tâm thế nào ắt thơ thế ấy. Không thể khác. Vì lẽ đó, từ ngàn xưa đến nay có những câu thơ đã hằn vết trong trí nhớ nhiều thế hệ. Mà, dù có thể những câu thơ đã viết ra, sau đó trôi dần vào quên lãng, cũng không sao cả. Lòng mình, tâm mình, trí mình thế nào thì mình cứ thể hiện thế ấy. Thơ của chị Nguyễn Thị Sơn là một thí dụ sinh động.

Qua thơ chị, tôi hiểu, niềm vui và đau khổ, hạnh phúc và tan vỡ và dù gì đi nữa, dưới gầm trời này, tất cả cũng từ góc nhìn của mình, nếu tiêu cực ắt sẽ thấy gam màu xám xịt, nếu tích cực sẽ nhận ra tia nắng mới. Có thể nói, ở tập thơ này cũng như ở tập thơ Hạnh phúc quanh ta đã in trước đây, tác giả đều có cái nhìn, nói như thi sĩ Rimbeaud Arthur (1854 - 1891), đó chính là “thấu thị” (voyant). Hiểu theo nghĩa hẹp của từ này, tôi sung sướng nhận ra được “góc nhìn” của chị trước nhiều sự vật/ sự việc.

Có một chuyện từ thơ của chị, với tôi và cả thẩy chúng ta đã nghĩ không khác gì bài học Thiền. Rằng, trong năm 2021, cả nhân loại phải cuống cuồng, nháo nhào, bi quan, hoảng hốt trước đại dịch Covid-19. Mọi sinh hoạt quen thuộc đã thay đổi. Phải giãn cách. Phải cách ly. Sự thay đổi này, tác động đến từng bữa ăn hằng ngày của mỗi nhà. Vậy, làm sao có thể an lạc, tĩnh tâm? Chị bảo:

Trong nhà mì gói, còn cá hộp

Ra vườn ngắt mấy cọng húng xanh

Bẻ thêm chùm khế vàng nữa nhé

Khéo tay xào nấu được bát canh

Đọc câu thơ này, tôi tủm tỉm cười và nhớ đến lời dạy bảo của ông bà mình: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Lẽ đời là vậy. Bao giờ cũng có cách để “hóa giải” nghịch cảnh một cách hợp lý. Thế nhưng, xin cắc cớ hỏi thêm, nếu:

Hôm nay giãn cách tăng độ mấy

Trong nhà hết gạo lại hết rau

Thì phải làm sao đây? Kìa, ta nghe chị reo lên:

Cô em vội khoe rau tự cấy

Loe ngoe mấy cọng thế mới ngầu

Thưa chị, ở độ tuổi tự nhận “bà lão”, thế mà chị phóng bút tung ra từ “ngầu” cực kỳ “xì tin”, em đây thấy chị “ngầu” thật. Đã có cơ duyên được đọc hai tập thơ của một người khiêm tốn tự nhận:

Về già bà chẳng đi đâu

Loanh quanh vườn tược bắt sâu diệt rầy

Tự dưng co-vid chơi gay

Bà lão buồn quá mỗi ngày làm thơ

Thì rõ ràng, từ “ngầu” ấy tươi trẻ quá. Hiện đại quá. Bởi chị đã chọn “đắc địa” một từ mới cho thể thơ bảy chữ đã rất quen thuộc. Chỉ dừng lại đó, cũng chưa gì ghê gớm, ở khổ thơ kế tiếp mới “thấu thị” làm sao. Nhẹ nhàng làm sao. Sao lâu nay, có thể chúng ta lại quên lãng, không có góc nhìn này hoặc có thể nhớ nhưng lại không vận dụng vào thơ? Chị Sơn đã ghi nhận lại một điều khiến ta giật mình:

Em bảo ngắm rau thì bớt cáu

Cồn cào một chút có sao đâu

Còn hơn không có rau mà ngắm

Ô kìa trên lá có con sâu…

Câu thơ cuối không ngẫu nhiên, sự vật/ sự việc thế nào, chị phản ánh thế nấy chăng? Có thể lắm. Nhưng đó chính là chi tiết vận động của đời sống. Giữa rau xanh có con sâu. Giữa đóa hồng có gai nhọn. Sự đời vốn thế. Hiểu thế để an nhiên tĩnh tại trước lẽ đời. Và chị đã nhìn ra một quy luật thấm đẫm triết lý của tinh thần phương Đông:

Hoa nở đẹp rồi hoa cũng héo

Các nụ hoa mới lại vươn tràn

Sinh lão bệnh tử nhân sinh kiếp

Thấy tâm an mọi sự đều an

Từ “tâm an” có sức khái quát, mà, trong dòng chảy của đời sống đến một độ tuổi nào đó, ta mới thấy quý báu biết dường nào. Như đã nói, tâm thế nào thì thơ thế ấy, ở chị Nguyễn Thị Sơn, qua những gì đã viết như một cách ghi nhật ký, ta thấy rõ một tâm hồn khoáng đạt, tĩnh tâm và luôn tìm thấy niềm vui, an lạc từ cuộc sống quanh ta:

Ngày thứ chín giãn cách xã hội

Thêm một ngày như mọi ngày thôi

Cửa sổ mở toang ùa gió mát

Ánh sáng ban mai chiếu tỏa rồi

Sự vận động này vốn thế, chỉ có khác là mỗi chúng ta có góc nhìn như thề nào đấy thôi. Thật thú vị, tâm hồn ấy đã cảm nhận đôi điều rất đỗi bình thường:

Niềm vui vu vơ

Đôi khi đến từ một lời thơ

Một hình ảnh đẹp chợt thoáng qua

Một em bé áp môi thơm má cụ già

Đôi khi đến từ một bức tranh quê

Buổi chiều tà nắng chiếu trên đường đê

Chính vì thế, dù dòng chảy cuộc đời có lặng lẽ êm đềm, có gập ghềnh sóng gió thì chị vẫn nhẹ nhàng như không:

Mỗi ngày thêm nụ hồng xinh

Thêm tia nắng ấm bình minh rạng ngời

Thêm làn gió mát tuyệt vời

Thêm yêu cây cỏ yêu đời đẹp vui

Tâm đắc với sự “yêu đời đẹp vui” ấy, liệu chừng có chủ quan hay không, khi tôi nghĩ rằng, quý nhất ở tâm hồn chị Nguyễn Thị Sơn vẫn là giữ được cốt cách/ hồn cốt của lớp nhà Nho xưa mà nay đã hiếm hoi dần trong nhịp sống hiện đại: “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc/ Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?” (Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ/ Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?). Qua thơ, chị Nguyễn Thị Sơn đã có câu trả lời. Mà, không chỉ dành riêng cho chị, vì lẽ đó, tôi hoan hỉ trân trọng giới thiệu tập thơ này đến với mọi người. Ít ra, chúng ta thêm vững tin rằng:

Trên cành lá rụng, chồi non nhú

Dịu mát hàng cây nắng xế tà

Giai điệu trong sáng “thấu thị” về lẽ đời, về quy luật tuần hoàn xưa nay, qua thơ chị vẫn còn ngân vang mãi…

LÊ MINH QUỐC

(1.1.2022)

(nguồn: Thơ và cuộc sống quanh ta, Nguyễn Th5 Sơn, NXB Hội Nhà văn - 2022)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com