THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Du xuân làng nghề xứ Quảng qua ky họa của Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng

LÊ MINH QUỐC: Du xuân làng nghề xứ Quảng qua ky họa của Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng

du_xuan_lang_nghe_xu_Quang_1
1.

Với những trang sách đã mở ra, người ta hoàn toàn có thể làm một chuyến viễn du rất thú vị. Ấy là một cách đi theo từng con chữ mà tác giả đã trình bày trong sách. Bạn thử tưởng tượng với bộ sách 6 tập có tên Lang thang phố thị, dày cả hàng ngàn trang với hàng trăm bức tranh ký hoạ thì công phu và ngồn ngộn thông tin như thế nào? Tác giả là Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng - một nhân vật quen thuộc với giới kiến trúc qua nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước.

Do bản tính tài hoa, ham ngao du đây đó nên anh đã thực hiện nhưng chuyến du khảo từ Nam chí Bắc, và, như một nhà báo chuyên nghiệp, như một hoạ sĩ có nghề, hễ đi đến đâu là anh là viết, lại vẽ. Khi đọc sách của anh, thú thật, dù là người đã từng sống tại xứ Quảng, đã từng tác nghiệp báo chí nơi quê mình nhưng tôi lại bất ngờ với nhiều thông tin mà anh đã kể một cách thú vị, lôi cuốn.

Một trong những vấn đề văn hóa mà lâu nay báo chi nước nhà từng quan tâm, lên tiếng ủng hộ vẫn là kêu gọi gìn giữ và phát huy vai trò của làng nghề truyền thống. Có thể nói bất kỳ vùng miền nào trên đất nước ta cũng có những nghệ nhân tài hoa đã làm nên bản sắc của làng mình, quê hương mình. Nét đẹp ấy, vào Xuân này, ta hãy nhẩn nha đi về miền quê xứ Quảng cùng KTS Nguyễn Ngọc Dũng âu cũng là một thư giãn nhẹ nhàng mà có thể mở ra nhiều thông tin hữu ích.

2.

Với Đà Nẵng, một trong những biểu tượng tiêu biểu nhất vẫn là Ngũ Hành Sơn tựa năm ngón tay vút lên trời xanh, ở đây có Làng nghề đá Non Nước KTS Nguyễn Ngọc Dũng đã lại lời kể của người chị vốn quê ở đây: “Ông tổ nghề là người gốc Thanh Hóa, tên là Huỳnh Bá Quát. Mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày giổ Tổ của làng. Trước kia, đá được khai thác tại chỗ, ngày nay do nguyên liệu cạn kiệt nên phải nhập đá từ các nơi khác về... Hiện nay làng nghề này có gần 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, nhiều gia đình có tới 7, 8 thế hệ làm nghề điêu khắc đá...”. Khi đến nơi ấy vào đầu Xuân, biết dâu ta nghe vọng trong gió câu hát huê tình:

Một tấm thanh tre là nghĩa,

Một chiếc chiếu là tình,

Bấy lâu nay em thương bóng nhớ hình,

Bây giờ em hỏi thiệt anh có thương mình hay không?

Nghe da diết quá, lại càng thôi thúc ta cùng KTS Nguyễn Ngọc Dũng đến Làng chiếu Cẩm Nê (thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang). Anh cho biết: “Nguyên liệu chính là cây cói và cây đay, cói được vót nhỏ, phơi khô, rồi đem nhuộm màu phơi khô, đay được vót thành sợi, bó lại... Chiếu ở làng Cẩm Nê đa dạng về kích thước, màu sắc, với hai loại chiếu chủ yếu là chiếu trơn và chiếu hoa”.

Từ đây, chỉ ta có thể nhanh chóng đến Làng bánh khô mè Cẩm Lệ (thuộc phường Khuê Trung, quận Hải Châu), thật thích khi ta biết: “Bánh được làm từ bột gạo, bột nếp, đường kính, gừng và mè. Bột gạo pha vớ bột nếp cho vào khuôn, hấp cách thủy, nướng khô, “tắm” đường, “tắm” mè... Bánh tắm bằng nếp rang gọi là bánh khô nổ; tắm bằng mè thì gọi là bánh khô mè... Màu trắng ngà của mè rang, màu vàng mơ của tơ đường thắng, mùi mè rang, hương quế Trà My, mùi thơm của gừng, vị ngọt của đường, vị bùi của bột nếp và vị béo của mè rang, vị cay thơm của gừng và quế được nhiều người biết đến. Bánh khô mè là loại bánh không thể thiếu trong mỗi gia đình vào các dịp lễ hội, Tết Nguyên đán, hiếu hỷ, giỗ kỵ...”.

Câu chuyện này khiến tôi lang man nghĩ đến một vị trái ngược với cái ngọt của bánh mè khô chính là… cái sự mặn mòi của nước mắm. Nổi tiếng nhất xứ Quảng và cả nước chính là “nước mắm Nam Ô” bởi thế mới có câu tự hào: “Nước mắm Nam Ô, cá rô Xuân Thiều”. KTS Nguyễn Ngọc Dũng đã tác nghiệp như một nhà báo qua lời kể của người chị nhằm cung cấp thông tin mà không phải ai cũng tỏ tường: “Cá làm mắm ở Làng nghề nước mắm Nam Ô là cá cơm, thường được mua vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch. Cá cơm mới đánh bắt từ biển lên còn tươi rói được cho vào chum muối theo công thức 3 cá 1 muối. Trong khoảng 12 tháng muối cá thì phải phơi nắng 5 - 6 tháng sau đó dịch chuyển vào bóng râm. Mỗi lần chuyển phải đảo đều rồi ủ thêm 5 - 6 tháng nữa thì đem ra lọc, khi thấy màu đạt nhất thì đổ vào chum sành để ủ hương tự nhiên...”.

Chà, chà nước mắm ngon và thơm điếc mũi, vì lẽ đó, từ những năm 1621, khi C. Borri - nhà truyền giáo dòng Tên người Ý trong một chuyến du hành đến  Đàng Trong đã miêu tả: “Thứ nước cá này dùng một mình thì không nuốt được, nhưng được dùng để gợi nên hương vị và kích thích tì vị để ăn cơm, do đó phải có một lượng lớn nước mắm và cũng do đó phải liên tục đánh cá”. Rõ ràng, nghệ thuật làm nước mắm của người Việt mình nói chung từ xa xưa đã trở thành một thứ nước chấm không thể thiếu trong mâm cơm hằng ngày.

Không riêng gì bạn, không riêng gì tôi, hầu như ai cũng đồng tình khi cho rằng, đã đến xứ Quảng, không thể không đặt chân đến Hội An. Tết này, chúng ta cùng đến Làng gốm Thanh Hà nằm bên dòng sông Thu Bồn, tuổi đời trên 500 năm, nổi tiếng với những sản phẩm gốm đất nung, từng được triều đình nhà Nguyễn đưa vào danh sách “thổ sản quốc gia”… KTS Nguyễn Ngọc Dũng lật lại trang sử: “Nằm gần thương cảng Hội An là một điều kiện thuận lợi phát triển nghề gốm địa phương đặc biệt từ thế kỷ 17 - 18, sản phẩm gốm và các loại bình chứa để vận chuyển hàng hóa và các đồ đun nấu. Ngoài ra, các nghệ nhân còn làm ra ngói cong, gạch đỏ làm các ngôi nhà cổ ở Hội An...”.

Với sản phẩm này, chị của anh cho biết cách thao tác: “ Từ đất sét loại bỏ tạp chất nhồi đều cho đất chín, sau đó, đến công đoạn “chuốt” gốm - tạo dáng sản phẩm - khâu quan trọng nhất; tiếp đến đem phơi nắng và tạo những hoa văn; cuối cùng đưa vào lò nung... Màu đặc trưng của gốm Thanh Hà là màu gạch đỏ”. Ông bà ta dạy “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Vậy, miếu thờ Tổ nghề ra sao?

“Kiến trúc gồm hai tòa nhà chính biểu trưng cho hai loại lò nung gốm của Thanh Hà: nhà bên trái biểu trưng cho “lò úp” - trưng bày các hiện vật cổ của làng gốm Thanh Hà. Nhà bên phải biểu trưng cho “lò ngửa” - trưng bày các sản phẩm gốm Thanh Hà, Bát Tràng, Phù Lãng, Vĩnh Long... Hồ nước bao quanh biểu trưng cho chiếc bàn chuốt trong làm gốm; cây cầu gỗ bắc ngang thể hiện người xưa đã lợi dụng sức nước, kết củi thành mảng và chuyển về làng nung gốm... “.  Từ lời kể này của anh, tôi nhớ ca dao xứ Quảng có các câu đã giới  thiệu đặc sản lẫn làng nghề quê mình như:

Đá than thì ở Nông Sơn

Bồng Miêu vàng bạc, Quế Sơn có chè

Thanh Châu buôn bán nghề ghe

Thanh Hà vôi ngói, mía che Đa Hoà

Phú Bông dệt lụa, dệt sa

Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng

Ngà voi, tê giác, gỗ rừng

Trân châu hải vị chẳng từng thiếu chi

Tỉnh ta giàu nhất Trung kỳ

Nên ta phải học lấy nghề tự sinh…

Thế thì, ta đến làng nghề nào nhân chuyến du Xuân năm này? À, khó chọn ghê, vì thời gian không nhiều, do đó, ta tạt qua Làng mộc Kim Bồng thuộc xã Cấm Kim, Hội An nằm bên dòng sông Thu Bồn. Khi đến đây với cái nhìn của một kiến trúc sư, Nguyễn Ngọc Dũng phân tích: “Những họa tiết dựa trên các đề tài triết học phương Đông như bát bửu, bát tiên, tứ quý, tứ linh, tứ bình, tam đa, những tích cá hóa rồng, lý ngư vọng nguyệt, tam dương khai thái, ngũ phước lâm môn... được chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng... Đặc biệt là nghệ thuật khảm xà cừ, khảm ốc trên những câu liễn, những bức hoành phi treo... Bên cạnh đó là các dụng cụ sinh hoạt đời thường và cả thuyền đi biển có trọng tải từ 10 tấn đến 20 tấn... Ngày nay, làng nghề vẫn tiếp tục phát triển, góp phần trong việc tôn tạo di tích đô thị cổ Hội An”.

Rõ ràng vai trò của Làng nghề Kim Bồng đã góp phần đặc sắc vào mỹ thuật ở Hội An. Ngoài ra còn có thể kể đến những làng nghề khác như Làng rau Trà Quế, Làng nghề yến Thanh Châu. Làng khai thác dầu rái ở xã Đại Thạnh, Làng hoa trái Đại Bường, Làng trống Lâm Yên, Làng chiếu Bàn Thạch, Làng nghề đúc đồng Phước Kiều v.v… Thiết nghĩ, không riêng gì xứ Quảng nếu trên đất nước ta các làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển thì chắc chắn nơi đó sẽ trở thành điểm du lịch lý tưởng. Và, bây giờ mời các bạn “chiêm ngưỡng” một vài làng nghề qua ký hoạ của KTS Nguyễn Ngọc Dũng thì cũng là một cách vui Xuân.

L.M.Q

(nguồn: Giai phẩm NHÀ BÁO VÀ CÔNG LUẬN - XUÂN 2023)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com