THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút ANH LƯU: Con bám, các mẹ giải quyết sao?

ANH LƯU: Con bám, các mẹ giải quyết sao?

 

con-bam-me-giai-quyet-ra-lam-sao-R

 

Bao giờ cũng vậy, trăm lần như một, cuối cùng đề tài mà các bà mẹ trẻ thường bàn đến vẫn là “con bám mẹ”. Trong nhóm “bà tám” của bọn tôi, có bạn la toáng lên như thể đang đưa tay “đầu hàng” trước tình huống cực kỳ phổ biến: “Giải quyết làm sao nè, bé nhóc nhà mình lúc nào cũng “một bước không đi, một ly không rời”, suốt ngày cứ bám rịt lấy mẹ. Khổ!”.

Nghe câu cảm thán ấy, thú thật, tôi cũng gật gù cảm thông và thấy y hệt trường hợp mình. Thì đó, cả ngày mệt lử, đêm đưa con vào giường dỗ ngủ, phải nằm cạnh, lúc bé ngủ mới có thể len lén bước xuống làm chút việc riêng. Tưởng đã yên, nào ngờ, lúc bé giật mình tỉnh giấc, không thấy mẹ lại la toáng, khóc òa lên, thế là phải vào nằm chung ve vuốt, bé mới chịu ngủ tiếp. Sáng sớm thức dậy, mẹ nhẹ nhàng bước xuống giường chuẩn bị cho một ngày mới, bé cũng tỉnh giấc lò mò theo và cũng bước luôn… vào phòng vệ sinh, đứng cạnh mẹ. Rồi cả ngày, không một phút giây nào có thể “thoát” khỏi sự đeo bám cực kỳ khắng khít ấy.

Vậy, phải làm sao đây… hỡi trời?

Về tình huống này, người mẹ có thể sẽ bị chê trách nếu để con bện hơi mẹ, bám mẹ, nói như ông bà mình đích thị là “Chó cái trốn con”. Nói như thế, vì dù muốn dù không, người mẹ cần phải trở lại với sinh hoạt bình thường, từ công việc đến quán xuyến nhà cửa, cơm nước, chợ búa…

Nếu không nhanh chóng tách con trước sáu tháng, thì sẽ thật vất vả. Từ ăn uống ngủ nghỉ đến vệ sinh riêng tư, cũng không cách nào thoát khỏi cái “đuôi sam” ấy, chứ đừng nói tập trung cho công việc. Con bám mẹ khiến mẹ căng thẳng đến mệt mỏi. Người xung quanh lại chê cười không biết cách nuôi con.

Ở khía cạnh khác, một người bạn chia sẻ: Người Nhật khi làm việc tại công sở Việt Nam rất ngạc nhiên và không thể tin nổi ở Việt Nam nghỉ thai sản đến sáu tháng. Trung bình các công ty ở Nhật chỉ cho nghỉ sau sinh khoảng tám tuần. Áp lực là thế, nên phụ nữ Nhật sau khi sinh con thường chọn lựa rất khác so với phụ nữ châu Á nói chung: Họ chọn nghỉ việc và toàn tâm làm bà mẹ hiền. Phải chọn lấy một, chứ không thể “bắt cá hai tay” là vừa chu đáo chăm con vừa chu toàn công việc.
  

Lựa chọn đi? Theo tôi biết hiện nay, các bà mẹ bỉm sữa của mình đã hưởng ứng trào lưu “nuôi con kiểu Nhật” hay phương pháp nuôi dạy con trẻ theo cách của người Nhật. Họ đề cao vai trò của người mẹ trong việc dành toàn thời gian chăm sóc con, đặc biệt là ở giai đoạn 0-3 tuổi, giai đoạn hình thành trí tuệ và nhân cách của trẻ.

Suy nghĩ này, liệu chừng có nên không? Bởi làm như thế, con lại càng có điều kiện bám mẹ nhiều hơn nữa. Một bạn trong nhóm phát biểu chắc như “đinh đóng cột”: “Con càng được ở lâu với mẹ, càng có lợi cho con”. Câu nói này cũng đáng suy nghĩ đây, vì ít ra bạn đó đã sinh, đã nuôi dưỡng những hai con rồi kia đấy, vì thế câu nói của người bạn đi trước chia sẻ khiến tôi an tâm tin tưởng, không lo lắng khi con mình bám mẹ.

Như trường hợp của tôi, nếu bé bám mẹ quyết liệt quá, gửi ai cũng khóc vật vã lả người, tội nghiệp lắm. Điều này cho thấy con chỉ tin tưởng tuyệt đối ở mẹ, ở bên mẹ mới an toàn thì sao ta không biến sự đeo bám của con thành cơ hội giáo dục con? Suy nghĩ như thế, không riêng gì tôi mà nhiều bạn bè “cùng hội cùng thuyền” đã tận dụng thời gian vàng này để đặt nền tảng ban đầu cho con.

Trước mắt, bọn tôi chấp nhận nghỉ việc, đặt ra thời hạn tối thiểu ba năm lo cho con. Như vậy, mình sẽ “lạc hậu” so với cuộc sống bên ngoài, bước đường “hoạn lộ” có thể chậm lại, “tụt hậu” so với các bạn cùng trang lứa, thế nhưng bù lại năm tháng dành cho con được tăng lên. Vì thế, nhiều người chọn cách tận hưởng thời gian “con bám mẹ” để cùng con vui chơi và học hỏi. Và, nói thật cũng là trở về tuổi thơ chưa được trọn vẹn đã qua của mình.

Thoáng một cái, với bé nhóc nhà tôi, thời gian ba năm đã trôi vèo. Nhìn lại, tôi thấy rõ những lợi ích như:

- Bé khỏe mạnh, ít gặp các vấn đề sức khỏe.

- Khả năng ngôn ngữ phát triển mạnh mẽ, chẳng hạn lúc hơn hai tuổi, bé đã thuộc được vài bài thơ thiếu nhi, đồng dao, ca dao dù chưa biết chữ, nhờ nghe mẹ đọc cho nghe mỗi ngày.

- Thắc mắc tò mò, không ngừng đặt câu hỏi để hiểu biết hơn mỗi ngày.

- Bé nhận diện mọi thứ xung quanh rõ ràng. Chỉ thức ăn mới cho vào miệng, không đi theo người lạ, không thèm muốn quà bánh khi có ai dụ ngọt bé.

Và còn thêm hạnh phúc nữa đây cũng là dịp cả nhà cùng nhau trải nghiệm nhiều hoạt động vui chơi, không có cảnh tất tả tan ca đón con, lo vội bữa ăn từ “cháo gói dinh dưỡng”…

Đọc đến đây nhiều bạn sẽ thắc mắc: “Mọi việc đơn giản quá nhỉ”. Ừ, mọi việc chỉ đơn giản khi người “đầu ấp tay gối” cũng đồng hành bằng cách… siêng “cày”, chăm “cày” nhiều hơn trước. Chứ nếu bà mẹ “đơn thân” hoặc hoàn cảnh khó khăn thì sẽ khó.

Rồi, sau đó, một việc thế nào? Câu trả lời vẫn là: “Trái chín sẽ tự rụng”. Đến một lúc con thấy quanh quẩn với mẹ cũng chán, và nhận ra: Ngoài kia có bao nhiêu bạn nhỏ hoạt động vui chơi thật thú vị. Đó là lúc con sẵn sàng rời vòng tay mẹ, vui vẻ đến lớp không nước mắt. Trường hợp cụ thể của tôi là vậy, còn kinh nghiệm bạn thế nào? Tôi đang lắng nghe đây.

Anh Lưu
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 9/11/2021)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com