THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút Lê Minh Quốc: Ấm lòng từ ký ức chan chứa tình người…

Lê Minh Quốc: Ấm lòng từ ký ức chan chứa tình người…

ktngay-ngay-2082012R

(Riêng tặng các bỉm sữa)

Chắc chắn suốt đời tôi sẽ không quên được bước chân vội vã, tiếng gọi thống thiết dọc theo hành lang bệnh viện: “Mì ơi! Mì ơi!”. Một cảm giác lạnh buốt. Nghĩ lại, tôi vẫn còn mường tượng ra khuôn mặt thản thốt, âu lo tột cùng của nàng. Khi người mẹ bồng đứa con trên tay, chạy nhanh, cất lên tiếng kêu khẩn cầu bác sĩ, đó chính là lúc họ sẵn sàng đổi lấy mạng sống của mình, miễn sao con mình mau bình phục. Tôi hấp tấp chạy theo. Chưa hiểu chuyện gì nhưng biết rằng đang có một điều gì rất nghiêm trọng đang đến với con mình - một mầm non còn quá bé bỏng, chưa đầy một năm tuổi.

Chuyện gì đã xẩy ra?

Vào phòng cấp cứu, lúc ấy, dù đêm đã khuya nhưng vẫn có bác sĩ trực. Bé lên cơn sốt đã chạm đến ngưỡng báo động. Phải cấp cứu ngay. Bấy giờ, trong căn phòng đó, có một người bà đang chăm cháu cũng mới vừa chợp mắt, bà bật dậy ngay. Không nói không rằng, bà lẹ làng bước đến bên tôi, nhanh chóng cùng lấy khăn lau mình hạ sốt cho bé rất đỗi chu đáo, trong lúc các bác sĩ đang thao tác nghiệp vụ. Sự có mặt lặng lẽ và nhiệt tình của bà, khiến tôi ấm lòng, nghĩ rằng, bên cạnh mình còn có thêm người thân, dù giữa tôi và bà mới gặp lần đầu tiên, chưa hề hỏi han nhau một câu.

Từ hình ảnh của bà đến việc làm của bác sĩ, ngay lúc ấy thâm tâm tôi đã vang vọng câu thơ bất chợt: “Không chán đời, thấy đời không đáng chán/ Sao lúc này mới thật sự nhận ra?/ Tàn lụi mọi tai ương ganh ghét…/ Khi nương nhau như chung sống một nhà”. Vâng, thật kỳ lạ, có phải lúc cực kỳ hoang mang, bối rối, tưởng chừng như không biết cầu cứu vào ai, lập tức ta sẽ gặp ngay người mà ta đang cần đến. Họ xuất hiện đúng lúc. Tất cả như có sự sắp xếp trước.

Lại nữa, trước đó, hôm ấy, vào lúc tờ mờ sáng, đang ngủ ngon đột nhiên bé nhóc khóc thét lên, tiêu chảy, hâm hấp sốt. Vợ tôi bồng ẵm dậy. Vệ sinh cho bé. Làm mát hạ sốt. Sau đó, như mọi ngày,

tôi chủ quan vẫn ẵm bồng con ra phố, đi ăn sáng; lúc trở về, trên đường về, trời ơi, bé chuyển sốt nặng. Môi tím tái. Môi lắp bắp. Một trường hợp xảy ra lần đầu tiên chứng kiến trong đời, từ con mình. Tôi thật sự hoảng sợ. Không biết phải xử lý thế nào cả. Nếu đi chậm một chút, đã khác. Nếu đi nhanh một chút, đã khác. Kỳ lạ thay, ngay lúc đó, vào thời điểm của giây phút 89 có tính cách quyết định ấy, bàn chân của y bỗng khựng lại như có ai níu kéo. Tôi dừng lại ngay trước cửa một căn nhà. Căn nhà này ít khi mở cửa, thế mà lúc ấy lại mở, họ nhìn thấy và vội vàng kéo hai cha con vào nhà. Một bàn tay chìa ra, trong đời tôi không thể nào quên. Lập tức, họ huy động mọi người cùng tìm cách sơ cứu, cho thuốc hạ sốt, lấy nước ấm lau mát hạ nhiệt… Lại cẩn thận ghi lại tình trạng của bé, ngay lúc vợ chồng tôi đưa con vào bệnh viện.  Nếu thời điểm ấy, tôi đi nhanh hơn; hoặc đi chậm hơn thì sao? Nếu người trong nhà ấy không có tấm lòng san sẻ, không hiểu biết về y học thì đã có chuyện gì? Chỉ cần một từ “nếu” ấy xảy ra, mọi việc sẽ thế nào?

Trong đời,  một khi giấu suy nghĩ trong đầu, điều gì con người ta cũng dám nghĩ đến nhưng với con thì không bao giờ. Không bao giờ dám nghĩ đến. Tôi cũng thế thôi. Chỉ nghĩ lúc đó, lúc ấy chính là phép lạ. Phép lạ có thật ở trong đời đấy chứ? Có thật mà đôi lúc nghĩ mãi cũng lấy làm lạ.

Bấy giờ, lúc đang có bầu bé nhóc đã mấy tháng rồi. Bụng của nàng đã nhú to. Chỉ chờ ngày khai sinh nở nhụy. Theo quy định trước đó, phải “đến hẹn lại lên” với siêu âm định kỳ. Trời đất ơi, siều âm lần đó, nhìn kết quả và nghe bác sĩ tư vấn, nàng đã khóc, còn tôi lòng rối như tơ vò. Cả hai người đều cảm giác như từ giây phút ấy, có bàn tay vô hình siết chặt lấy cổ mình. Nghẹt thở. Không thể thở nổi. Bình tĩnh đi. Mọi việc đâu còn có đó. Sở dĩ có suy nghĩ này, vì tôi hằng tâm niệm một khi cánh cửa này khép lại ắt sẽ có cánh cửa khác mở ra. Mà chắc gì cánh cửa này đã khép? Nghĩ thế, tôi đưa vợ đi siêu âm nơi khác. “Biết đâu sẽ có kết quả khác?”. Câu nói này, lúc bấy giờ là niềm hy vọng, câu “thần chú” giúp chúng tôi tin tưởng vào phép màu sẽ xẩy ra.

Phép màu đã xẩy ra?

 

Không, vẫn tương tự kết quả trước đó. Cảm giác đang đứng nhưng đột ngột đất lún, sụp hẳn xuống chính là tâm trạng của chúng tôi. Lần này, bác sĩ cũng tư vấn như trước. Nghĩa là họ đặt ra tình huống mà mình phải lựa chọn. Trong đời của những ai sắp làm cha làm mẹ, tôi nghĩ đó vẫn là quyết định khó khăn nhất. Một quyết định khiến họ mất ăn mất ngủ. Tuyệt vọng. Não nề. Không thể cầu cứu ai khác, ngoài chính họ. Muốn có quyết định dứt khoát cuối cùng là phải chọc thử nước ối của bà bầu. “Mà dù có thử đi nữa, nếu khôn ngoan cũng phải lựa chọn như thế, như thế” - bác sĩ nói chắc như đinh đóng cột. Vợ chồng tôi tan nát cõi lòng. Chao đảo tâm can. Trời đất quay cuồng.

 

Không còn cách nào khác, sáng ngày hôm đó, vợ chồng tôi thức dậy sớm. Mới rạng sáng đã có mặt tại bệnh viện cùng “thập loại chúng sinh” xếp hàng rồng rắn, nào nộp đơn, nào nhẫn nại chờ. Mãi hơn 8 giờ mới tới lượt tôi đóng tiền sau khi đã nghe tư vấn, ngay vừa đưa tiền vào ô cửa thu ngân bỗng nghe chuông điện thoại reng lên. Ai gọi vào lúc này? Trên màn hình, không hiện tên người gọi. Như một thói quen cố hữu, tôi bước ra ngoài áp tai nghe. Thì ra, đó là một bác sĩ T mà tôi không quen biết, đại khái, anh có nghe bác sĩ P mà tôi nhờ cậy có nói với anh về trường hợp của vợ tôi, anh có nhã ý muốn tự tay siêu âm lần nữa để biết chính xác kết quả.

 

Kỳ lạ chưa? Sao cú điện thoại lại đến vào ngay khoảnh khắc này?

 

Không chần chừ, chiều hôm đó, chúng tôi đến bệnh viện anh mà vừa nhận công tác sau nhiều năm tu nghiệp tại Pháp. Lúc vợ vào siêu âm, tôi ngồi niệm Phật. Tôi nhờ đến hồi còn bé xíu, trước khi đi ngủ, bà ngoại tôi luôn bảo khấn: “Nam mô a di da Phật”. Thời gian trôi qua chậm chạm như nhịp đập trái tim đang cựa quậy mệt mỏi trong lồng ngực.


Kết quả thế nào?


Ôi vẫn vậy thôi. Nhưng vẻ mặt điềm tĩnh của anh khiến chúng tôi như còn có chỗ nương tựa. Không vòng vo rào trước đón sau, anh thẳng thắn: Theo kinh nghiệm của tôi, thai nhi sẽ phát triển bình thường, dấu vết đó vẫn còn đang trong giai đoạn thành hình, nên sẽ còn thay đổi. Nếu không, ngay khi bé chào đời thôi vẫn có giải pháp tối đẹp”. Chúng tôi như vỡ òa nhưng do không biết gì về y học nên trong vẫn còn nghi hoặc âu lo. Vì thê, dù mừng, vợ chồng tôi cũng muốn xác định thêm lần nữa.


Nhưng biết hỏi ai bây giờ?


Rồi qua ngày hôm sau, vào quán nọ mua thức ăn về nhà, tình cờ tôi gặp đồng nghiệp D.Q - có vai vế trong tờ báo nọ, anh đi chung với vài người bạn cùng cơ quan. Mọi người hỏi thăm và tôi cũng thành thật “trút bầu tâm sự” đang lấn cấn ngày đêm. Ngay lúc đó, ngồi cùng bàn, cô nọ sốt sắng bảo: “Em có quen bác sĩ này, số điện thoài đây nè. Anh cứ a lô. Đừng ngại”. Tất nhiên, tôi không ngại và có một cuộc hẹn đến phòng khám của anh.


Kỳ lạ chưa? Vừa gặp mặt tôi, anh đã vồn vã như thân thiết tự bao giờ, đã thế, anh còn kể về tôi vanh vách. Sao hay thế nhỉ? Anh nói, đại khái thời trung học anh mê Khăn quàng đỏ; thời sinh viên đã đọc Mực Tím, Tuổi Trẻ, Kiến thức ngày nay… qua đó, đã đọc thơ, truyện ngắn, tùy bút của  tôi đã in và lấy làm thích lắm. Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình. Nay, dù mới gặp nhưng thật ra đã quen biết từ… mấy chục năm trước. Vậy là, với cương phó trưởng khoa của một bệnh viên lớn, anh tận tình, rất tận tình tư vấn, thao tác nghiệp vụ chuyên môn. Đáng mừng nhất là từ anh vẫn có suy nghĩ như bác sĩ T đã cho biết. Không dừng lại đó, anh còn chủ động lo toan sắp xếp thủ tục, phòng ốc cho ngày bà bầu nhà tôi “khai hoa nở nhụy”.

Thế đấy, có những người dù không thân thiết, thậm chí không quen biết trước nhưng khi vào lúc cần thiết nhất, bức bách nhất, họ lại xuất hiện giúp đỡ. Lý giải thế nào? Có phải như ông bà nói: “Ở hiền gặp lành”? Hay vì cơ duyên gì khác? Tôi không thể biết chắc chắn nhưng tôi biết rằng, những mẩu chuyện nhỏ này, tình huống nảy, hầu như những ai làm làm cha làm mẹ cũng đã từng trải qua, đã từng gặp.


Với tôi, mãi mãi còn hằn vết yêu thương sâu đậm trong ký ức. Dễ nhớ nhưng khó quên. Làm sao có thể quên đi lòng tốt của ai đó đã dành cho mình? Có thể việc làm này, họ không còn nhớ nhưng rồi mãi mãi nó là một thứ ánh sáng của tình người. Và mình tự nhủ rằng, sau này, mình cũng sẽ thực hiện như thế, nếu người khác cũng rơi vào trường hợp tương tự như mình. Một khi đã nhận lòng tốt của ai, ta phải trả lại khi gặp lúc cần thiết, tức là hạt mầm nhân ái lại có cơ hội gieo thêm một lần nữa, nhiều lần nữa trong cõi trần gian này. Có như thế, con người ta mới nương vào nhau để vượt qua nỗi tuyệt vọng.


Trong tác phẩm Câu chuyện dòng sông, nhà văn Hermann Hesse (1877-1962) thú nhận: “Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này”, có phải ông đã nhìn thấy vẫn còn có người tốt ở quanh mình? Tôi mạo muội nghĩ là thế, chính là thế để thấy rằng, cuộc đời vẫn đáng yêu lắm. Và, hơn bao giờ hết, một khi những sóng gió đã đi qua, nhớ lại từ ký ức chan chứa tình người, ai ai cũng lại ấm lòng. Và tự tin, bước tới.


L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay - số 1081 ngày 20.8.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com