THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút TIỂU NHỊ: Bẻm mép nhằm… gây cười

TIỂU NHỊ: Bẻm mép nhằm… gây cười

 

bemmepgayvuoii


 

Thành ngữ, tục ngữ có những câu dành cho những ai mồm miệng rộng quá gang tay, cỡ như Mồm mép tép nhảy, Mồm loa mép giải, Mồm năm miệng mười… Những câu này, nào có phải khen đâu. Chê đấy. Vậy nhưng trong nhiều tình huống với lối nói này, lại tạo được hiệu quả gây cười. Thế mới biết, nghệ thuật cười của người Việt thiên hình vạn trạng, lắm vẻ muôn màu, chứ không “đóng khung” cố định. Nếu cười phải tuân thủ theo “bài bản” chỉn chu, quy định đâu ra đó thì còn quái gì là cười, nếu có chỉ cười gượng, cười lấy được, cười xã giao, còn đâu sự khoái trá của lúc há mồm ra cười vì thiệt sự muốn cười, phải cười cho… sướng miệng.

Cái sướng của người ta lúc cười sở dĩ cười hả hê, cười ha hả, cười nôn ruột còn do cái tai nghe thấy sướng; hoặc con mắt đọc đến đâu lại khoan khoái đến đó. Trong vở tuồng Nghêu sò ốc hến, lúc lão thầy bói Ngao, dù con mắt mù câm mù tịt nhưng cũng lò dò theo Trần Ốc đi ăn trộm. Lão bị bắt tại trận, cùm chân, Lý Hà bị đánh cho một trận nên thân. Ấy thế, thiên hạ vẫn cười rần rần, cười không phải vì lão kêu oan: “Có trời, có phật phù hộ can chi/ Vái cùng Huỳnh Đế, Phục Hy/ Châu Công, Khổng Tử chứng tri oan này” - mà chính vì lão mồm loa mép giải, từ tội phạm “dưới cơ” leo lên… “kèo trên” sang chảnh như con cá cảnh.

Nghe cứ như thiệt. Nghe đến đâu, tức cười đến đó. Mồm mép lão ta ra làm sao? Thì đây:

“A! A! Thầy biết rồi. Thằng Trùm Sò mời thằng Lý Hà về uống rượu, rồi bàn bạc với nhau, thấy bắt thầy cùm là thất lý, mới cho người ta mở cùm cho thầy, để thầy đi đàng thầy cho trôi. Thầy dại gì cho bây mở cùm. Tao nằm đây! Tao nằm đây. Con dòi to cỡ cổ tay, tao chưa về… Phen này, Trùm Sò phải hết nhà hết cửa với thầy cho coi! Bay giải thầy lên quan, trước hết phải mua chai rượu làm lễ ra mắt quan, quan huyện nhận chai rượu đó mới đưa vào trong cho bà huyện. Quan mới xử lăng nhăng chi đó, rồi quan nạt quan nộ, quan quát quan tháo, lão trùm sò phải lén ngõ sau mua lại chai rượu của bà huyện, để thưa thưa, bẩm bẩm lần nữa. Vậy là nay khai, mai báo, chai rượu đó cứ luân hồi ngõ trước ngõ sau, làm cho Trùm Sò phải hết nhà! Hết nhà! Hà hà… Bay có khôn ra đây, thầy bày cho! Bay sắm khay trầu cau rượu chừng dăm quan tiền thôi, bay qua thưa với mụ thầy là con vợ tao đấy, nói khó với nó một tiếng, nó qua nó nhận lấy thầy về. Vậy mà chắc chi thầy đã về cho! Em chết rồi em Sò của thầy ơi! Hà hà…”.

Cái cười ở đây, còn kiêm thêm “chức năng” đá giò lái, ám chỉ về đối tượng khác nữa, vì thế hiệu quả càng cao. Thế mới biết, không chỉ “nói bóng nói gió” trong giao tế, người Việt còn vận dụng nó nhằm tạo ra tiếng cười nữa. Mới cao cơ làm sao. Thế nhưng, bẻm mép cũng vừa vừa phải phải thôi, không khéo “gậy ông đâp lưng ông”, thiên hạ cười cho xệ mặt. Mà mình có xệ mặt, lúc đó họ mới… cười! Âu cũng là thủ pháp gây cười độc đáo.

Chẳng hạn, anh chàng nọ có chứng khoác lác, đi tới đâu “nổ” vang trời tới đó, lần kia y kể: “Hôm nọ trận giông lớn “bà chạy”, đến nổi cái giếng nhà tui nó bay sang hàng xóm”. Có đáng tin không? Thằng đày tớ liền mồm mép tép nhảy: “Thiệt đó, bởi cái giếng nhà chủ tui có hàng rào phân cách với nhà bên cạnh, hôm trận giông thổi nó bay trốc sang nhà bên thì coi như cái giếng bay sang đó”. Nghe cũng có lý.

Lần khác, được người ta đãi cho món chuột đồng nướng sả ớt thơm điếc cả mũi, chưa cầm đũa anh ta nhận xét: “Chuột bây lớn cỡ này nhằm nhò chi, bữa hôm rồi nhà tôi đãi khách, con chuột to bằng con bò”. Nghe nóng mũi, chủ nhà đuổi ra khỏi mâm, anh ta liền chống chế: “Không tin hỏi thằng đày tớ tui thì biết”. Thấy hụt miếng ăn ngon, thằng đày tớ bực bèn nói toẹt luôn: “Lão “nổ” cỡ nào tui còn đỡ được, chứ láo như bò thì tôi bó tay”.

Cái cười chính yếu ở đây chính là cụm từ “láo như bò”, là đày tớ ám chỉ vào anh ta. Vậy, cái cười phải ẩn ý, ta phải thấu hiểu bề ẩn thì càng thấy thâm thúy, chứ nào phải hời hợt, dễ dãi như ông Nguyễn Văn Vĩnh nhận xét: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười… Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì”. Chẳng phải đâu. Nghệ thuật cười của người Việt thâm lắm, là nói chung dù kiểu cười nào cũng phải đạt đến trình độ một mũi tên bắn ra nhưng trúng đến hai mục tiêu.

Tỷ như ngày xửa ngày xưa, từ năm 1882, ông Trương Vĩnh Ký có kể chuyện thằng lính lác đi vào xóm, thấy cây cau tơ tốt buồng bèn leo tuốt lên hái, bị chủ nhà phát hiện kêu xuống, hắn ta lẻm mép không thua gì lão thầy bói Ngao: “Ụa! Xuộng thì mỗi ngày xuộng chợ, chứ choa có ăn cắp, ăn trộm chi mô. Vộn là choa đi hầu quan lợn, choa gặp bậu bạn dừng lại nói chuyện, quan lợn đi đâu tuột mật, choa biệt nơi mô mà tìm, choa leo lên cội ni để coi quan lợn đi ngọ mô mà theo. Rứa mần răng nọi choa bẹ cau? Tưởng nọi răng, chứ nọi rựa thì choa phạt một chục hèo”.

Bẻm mép đến thế là cùng, nói xong, hắn ta tụt xuống xung xăng đi luôn.

Nghệ thuật gây cười của bẻm mép là nói phải có lý, nếu không nó sẽ nhạt vì lộ ra cái bịa, lộ ra cái không thật, phải giấu bằng câu nói mà… nghe xong là phì cười ngay. Chẳng hạn, ngày xưa, có thằng nọ làm biếng “thầy chạy”, khi chết xuống âm phủ, Diêm vương ghét hắn ta làm biếng quá cỡ thợ mộc, vô tích sự quá, bèn đầu thai làm con mèo cho rảnh mắt. Hắn năn nỉ: “Xin cho tui làm con mèo mun, đen sì sì nhưng có một dúm trắng trước mũi”. Diêm vương thấy làm lạ, hắn tâu: “Có thế thì mỗi tối lúc tui nằm một chỗ, con chuột không thấy tui, chỉ thấy dúm trắng, nó tưởng là cơm, nó a lại ăn, sẵn đó tôi nhai luôn cho dễ”.

T.N

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười ngày 15.10.2019)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com