THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Ngày Xuân, hát đồng dao ru con

LÊ MINH QUỐC: Ngày Xuân, hát đồng dao ru con

ngay-xuan-hat-dong-dao-ru-con-1RR

 

1.

Thiệt lạ lùng cho trí nhớ của con người ta, có những điều tưởng đã quên từ xa lắc xa lơ nhưng rồi một ngày kia họ lại nhớ. Nhớ mài mại. Nhớ y chang. Rồi như một lẽ tự nhiên, họ lại cất lên câu chữ đã đi về trong trí nhớ, vang vọng từ trong tiềm thức. “Nhớ điều gì thế?”. Câu hỏi này đã đến với tôi trong những ngày Xuân nắng ấm chói chang, lúc tôi nhớ về Đà Nẵng của năm tháng ấu thơ. Nhớ về ngày còn nằm nôi đã được nghe mẹ, bà ngoại, các dì cất lên tiếng ru trải dài theo năm tháng.

Tiếng ru trong đêm hôm khuya khoắt. Tiếng ru trong trưa hè đã hằn vết dấu yêu từ thơ Huy Cận: “Một buổi trưa không biết ở thời nào/ Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao/ Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ/ Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự”, lúc ấy tôi đã nghe. Bạn cũng đã từng nghe. Nghe lúc ấy, đã lâu lắm rồi, đã chìm sâu theo gió bụi thời gian nhưng tại sao bây giờ lại nhớ?

Với tôi, nay nhớ lại chỉ vì một lẽ thiêng liêng và thánh thiện: Vừa có con. Con cái ra đời là một sự tiếp nối hình bóng của chính mình, chứ không là gì khác. Không có điều nào kỳ diệu hơn khi cây đã cằn cỗi mà từ đó, lại trổ ra một hạt mầm bé bỏng. Để rồi tiếp tục theo ngày tháng lại rợp xanh bóng mát. Sự sống mãi mãi sinh sôi, trường tồn trong cõi trời đất. Lẽ tự nhiên ấy chính là suối nguồn tạo nên mùa Xuân cho mọi người, có phải thế không?

Tôi tin là thế. Bạn tin là thế. Ai lại không tin vào điều mà Goethe - một thi hào Đức đã cả quyết: “Mọi lý thuyết đều màu xám/ Và cây đời vĩnh viễn xanh tươi”. Vâng, nước Việt non sông gấm vóc cũng cất lên tiếng tơ đồng giao hòa qua câu thơ Truyện Kiều: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Sự tiếp nối từ mầm sống bé bỏng ấy, nói cách khác chính là “cây đời vĩnh viễn xanh tươi”, chính là “tan sương đầu ngõ” để bước đến mùa Xuân bất tận…

Và trong niềm vui ấy, những người làm cha làm mẹ lại nhớ đến những câu hát ru, mình đã từng nghe thời thơ bé. Để rồi bây giờ, từ tiềm thức vọng lên để hát ru con. Thì ra, mạch nước ngầm của tình tự dân tộc không bao giờ mất đi. Mãi mãi là một sự tiếp nối.

 

2.

Trong ngày tháng này, tôi đã nhớ đến những gì?

Tôi đã nhớ đến bài đồng giao thường bắt đầu bằng những câu ngộ nghĩnh: Nu na nu nống, Bông bống bang bang, Nựng nà nựng nịu, Nựng nựng nà na, Ông giẳng ông giăng, Ông nỉnh ông ninh... Tiếng reo vui tuổi thơ đã ùa về từ những âm điệu dễ nhớ, câu chữ ngộ nghĩnh theo nhịp đưa nôi. Từ chỗ nhớ lại những bài đồng dao đó, và nay, tôi đã viết thêm. Tại sao thế? Vì từ sự trải nghiệm, không riêng gì tôi mà nhiều bậc phụ huynh khác cũng có thêm cách nhìn khác. Khác ở đây xin hiểu theo nghĩa là nó phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng của chính mình. Do “hợp cảnh hợp tình” nên tôi đã đọc đi đọc lại và tìm thấy ở đó một niềm vui mới.

Mà cũng phải nói thật, mãi đến lúc sắp bước qua dốc “ngũ thập”, tôi mới biết thế nào là “nghệ thuật làm cha mẹ”. Biết trong sự lúng túng, vụng về vậy nên những gì người đi trước hướng dẫn là vợ chồng tôi răm rắp làm theo. Chẳng hạn, mỗi sáng phải ẳm bồng bé ra sân phơi nắng. Nắng ban mai tốt cho da của bé, tại sao không làm theo nhỉ? Có điều, lúc ấy bé còn đỏ hỏn, chưa đầy tháng, còn bé xíu, tôi nào dám bồng vì sợ lọt khỏi vòng tay, chỉ lò dò đi sau lưng vợ đang ẵm để rồi trong cảm hứng tuyệt vời, mới mẻ ấy đã bật ra những câu đồng dao mới:

Bế em ra sân

Ngoài hiên nắng sớm

Vòng tay mẹ ấm

Em nhìn trời xanh

Chim chóc hót vang:

Ối dào cô nàng

Sắp đầy tháng nhé

Khóc đòi mẹ bế

Háu sữa măm măm

Bống bống bang bang

Bang bang bống bống

Tâm trạng này, biết đâu các bỉm sữa cùng hoàn cảnh, sẽ thích chăng? Nghĩ thế, tôi nghĩ rằng phải có thêm những câu hát mới mà đồng dao Việt Nam chưa đề cập đến.  A, chẳng hạn hình ảnh người cha ngồi giặt tã cho con thì sao nhỉ? Đành rằng, thời buổi này chẳng ai còn sử dụng tã, đã thay thế bằng bỉm. Nhưng tôi vẫn thích sử dụng tã, bởi lẽ nó gắn liền với thế hệ của ông bà, cha mẹ đã từng lo toan chu đáo cho mình từ ngày xửa ngày xưa. Làm sao có thể quên? Một buổi sáng, nhiều buổi sáng hành động đó lặp đi lặp lại nhiều lần, để rồi chín muồi cảm xúc:

Mỗi ngày mớm sữa, mẹ ôm

Có ba giặt lấy lụa thơm mỗi ngày

Nhẹ tay, vò nhẹ, nhẹ taY

Bao nhiêu yêu dấu đong đầy ước mơ

Ba ngồi giặt tã, đọc thơ

Có bầy chim hót vu vơ hiên nhà

Nếu không làm cha, làm sao có được giây phút diệu kỳ đó?
 

Rồi một trong những gian nan, khó khăn nhất vào mỗi sáng vẫn là tắm cho bé. Khi bé mới từ bệnh viện đưa về, hầu hết các bỉm sữa đều thuê các hộ lý công việc lạ lẫm này. Nhưng rồi, từ tình yêu thương dần dà đã khiến các bậc làm cha làm mẹ sẽ gánh lấy; và họ đã làm một cách thông thạo, đâu ra đó. Những lúc ấy, tôi chỉ ngồi xớ rớ, chầu rìa hễ vợ nhờ cậy gì là thực hiện theo ngay, nào dám chễnh mãng phút giây. Trong lúc quan sát, hỡi các đấng mày râu, bạn đã thấy những gì?

Lần đầu tập tắm cho con

Khác gì vượt núi trèo non nhọc nhằn

Duỗi, choài, quẫy, đạp… lằng nhằng

Làm sao giữ được thằng bằng đây ta?

Đã thế, còn óa òa oa

Ứ thèm hợp tác, mẹ ba rối bời

Sấp, ngửa, cựa, quậy… ngược xuôi

Hết bồng tới, lại ẵm lui, dỗ dành

Thế đấy, ai dám bảo là công việc dễ dàng? Lại nữa, hoàn toàn mới mẻ với các bỉm sữa còn là rơ lưỡi cho bé. Ối dào, dụ bé há miệng ra đã khó mà khi rơ lưỡi làm thế nào để bé không khóc lại cực kỳ khó nốt. Biết thân biết phận luôn lóng ngóng tay chân, hậu đậu, vụng về tôi đành “nhường” công việc này cho vợ. Và tất nhiên, khi quan sát tôi đã có cảm hứng để sáng tác nhịp đồng dao. Đọc cho con nghe trong lúc ấy, như một sự dỗ dành:

Há miệng ra con nhé

Ngón út rơ dịu dàng

Con hãy ngoan theo mẹ

Lưỡi sạch sữa càng ngon

Sữa ngon mau mạnh khỏe

Bông hoa đã nở hé

Nào! Bé há miệng ngay

Ba khoái chí vỗ tay

Tặng điểm 10 cho bé

Bài đồng dao, có thể dừng lại ở đây, nhưng rồi, tôi “láu cá”  thêm hai câu nữa như một  cách… nịnh vợ:

Bé tủm tỉm mỉm cười

Trao điểm 10 cho mẹ

Thử hỏi, cô vợ nào lại không khoái? Mà đã vợ khoái ắt… mình vui. Sự tình đôi khi cũng chỉ đơn giản, nhẹ nhàng thế thôi.

 

3.

Ai cũng thừa biết rằng, một năm có bốn mùa. Nhưng rồi, khi có con, tôi lại nghĩ, từng ngày chăm sóc con thì ngày nào cũng đều Xuân. Bởi lẽ, dù hài nhi chưa biết lật, biết nói, chỉ mới oe oe nhưng sự có mặt của thiên thần bé bỏng ấy đã tạo cho người ta một niềm vui sống. Vui với sự mới lạ từng ngày qua sự lớn dần của bé. Có đôi khi, ta nghĩ bé… siêu nịnh. Nịnh ba mẹ cực siêu. Ơ hay, sao lại biết? Thì đây nè:

Em nịnh bằng ngước mắt lên

Mẹ ba ve vuốt gọi tên ới ời

Hít hà kẹo ngọt nằm nôi

Dậy men hạnh phúc tinh khôi diệu kỳ

Sự tinh khôi lạ lùng ấy, chỉ có thể đến từ con trẻ, từ đứa con do chính mình đã tạo dựng nên hình hài. Rồi mỗi ngày, lúc ẵm bồng con nghe tiếng chim chóc líu lo, tôi lại nghĩ đến:

Se sẻ ríu rít gọi mời:

Bé ơi dậy ngắm nắng trời nõn xanh

Nhanh nhanh là nhanh nhanh

Trình ba, thưa mẹ đồng hành du Xuân

Mùa Xuân đã đến mỗi ngày, nào phải đợi đâu xa. Với tôi, đó cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ và đồng dao ru con. Và ước nguyện tươi mất nhất trong mùa Xuân này vẫn là câu ru gửi gắm:

Em nay bé nhỏ

Tươi tắn búp hoa

Nu nống nu na

Tre già măng mọc

Chuyên cần học tập

Ăn vóc học hay

Mai này vươn vai

Ước mơ Thánh Gióng

Chắc hẳn, trong niềm vui ấy, mai sau con mình sẽ nhớ lại để ru con. Một sự tiếp nối trong cõi nhân duyên trời đất. Và “cây đời mãi mãi xanh tươi”. Mãi mãi là mùa Xuân bất tận.

L.M.Q

(nguồn: Báo Công an Đà Nẵng XUÂN 2019)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com