THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: TẶNG QUÀ - “CỦA CHO KHÔNG BẰNG CÁCH CHO”

LÊ MINH QUỐC: TẶNG QUÀ - “CỦA CHO KHÔNG BẰNG CÁCH CHO”

 

LEMINHQUOC-TANG-QUA-CUA-CHO-KHONG-BANG-CACH-CHO

 


Ngoài phố, những ngày cuối tuần thường nhộn nhịp hẳn lên. Các cửa hàng mua sắm tấp nập đã kẻ ra người vào. Ai nấy đều bận rộn, vừa cầm lên tay cái này, chưa kịp xem đã vội bỏ xuống vớ lấy thứ khác. Khó có thể ưng ý, hài lòng vì các mặt hàng phong phú, đa dạng nên tha hồ chọn lựa. Chọn cho mình thì dễ rồi. Chọn mua để tặng người khác mới là khó.

Ai cũng thừa nhận, trao tặng quà cho nhau là lẽ thường tình trong “đối nhân xử thế”. Người ta từng giúp mình việc này, việc kia; có lúc cất nhắc ưu ái; có khi nâng đỡ này nọ thì ơn ấy há nào dám quên. Vậy, “thay lời muốn nói” vào dịp tết nhất, sinh nhật, tân gia, đám cưới, thôi nôi… là hợp lý nhất.

Tặng cho người ta món quà gì, chuyện này, tưởng chừng như đơn giản, chỉ cần bỏ đồng tiền ra là xong. Thế nhưng đôi lúc cũng thấy khó. Khó vì mình chọn thứ này nhưng người vợ/ chồng lại chọn thứ khác. Nếu không có sự dung hòa, dù quà chưa trao đến tay người nhận mà nội bộ đã lục đục.

Chưa hết, nếu chọn mua cho chính mình thì quá dễ, có mắc mỏ một chút cũng chẳng sao, ngược lại giá có “bèo” quá cũng chẳng sợ ai cười. Còn đây, mua quà tặng cho người khác nhằm gắn kết lâu dài mối quan hệ tình thân, đối tác làm ăn… thì trời ạ, chỉ có thể gói gọn trong một câu: “Cực kỳ khó”. Khó vì muốn chọn thứ này, nhưng sờ tay vào túi lại ngại, thấy tiếc tiền. Muốn mua thứ kia, nhưng rồi lại nghĩ, chẳng lẽ tặng quà “tầm thường” thế này ư?

Với suy nghĩ “trầm trọng” ấy, vợ chồng tôi tay cầm tay, nhịp nhàng bước chân vào siêu thị. Sau khi lựa chọn chán chê, tôi gợi ý: “Có lần đến nhà riêng mừng sinh nhật của sếp, anh thấy chẳng thiếu thứ gì. Chi bằng mình mua chọn cặp rượu ngoại em nhá?”. Cô vợ tròn mắt kinh ngạc ngạc: “Anh nói đùa hay nói giỡn? Anh không biết đã xẩy ra biết bao nhiêu vụ ngộ độc vì rượu rồi à? Ai dám chắc đây rượu thật? Ngộ nhỡ vì rượu này mà sếp ngộ độc, qua năm anh chỉ có nước cuốn gói khỏi công ty!”. Nghe câu nói “rông” ấy, tôi xụ mặt mà không dám cãi.

Cãi thế nào được? Nàng nói đúng lắm. Tặng quà không khéo, không tinh tế, có lúc mình lại bị mắng cho. Tôi nhớ đến cụ Yên Đỗ lúc mắt đã “làng” đã mờ, không còn nhìn thấy rõ do tuổi già, thế mà có người lại tặng chậu hoa. Thử hỏi làm sao nhìn, ngắm sắc đẹp của hoa ấy? Tặng thế là chơi xỏ nhau quá chứ còn gì nữa? Vì thế, cụ cười mỉa: “Tết đến người cho một chậu trà/ Đương say ta chẳng biết rằng hoa/ Da mồi tóc bạc, ta già nhỉ/ Áo tía đai vàng, bác đấy a!/ Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá/ Gió to, lại sợ nó rơi già/ Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi/ Chẳng thấy mùi hương, một tiếng khà”. Sự tế nhị, tinh tế của việc tặng quà còn là tùy sở thích, mỹ cảm của đối tượng nữa.

Suy nghĩ một lát, cô vợ tôi reo lên: “À, em nghĩ ra rồi. Mua luôn một hộp caravat gồm 10 cái, gói lại cẩn thận trông sang trọng lắm! Vậy ổn rồi phải không anh?”. Thế mà ổn à? Cáu quá, tôi gắt: “Biết đâu sếp tự ái, vì chẳng lẽ lâu nay đứng đầu công ty không có cái caravat nào ra hồn à? Đúng là em không nhìn xa trông rộng”. Lập tức cô vợ  cãi: “Ai không nhìn xa trong rộng? Ý anh nói là em thiển cận chứ gì?”.

Mà đã xong đâu. Tặng quà cho sếp nhưng chẳng lẽ không bày tỏ “tình thương mến thương” với cô trưởng phòng là người phụ trách trực tiếp? Tất nhiên cũng phải có. Nhưng biết chọn quà gì đây? Chẳng hạn, áo quần ai ai cũng có, mua tặng thì bình thường quá. Mua tặng sợi dây chuyền thì ngại giá cao, mất béng nửa tháng lương. Mua bình hoa chính hiệu Bát Tràng từ Hà Nội chuyển vào, lại ngại người nhận không ưng ý.

Loay hoay cả buổi, tôi thấy oải quá nên đề xuất ý kiến: “Em à, hay mình mua tặng lọ nước hoa?”. Cô vợ bĩu môi: “Loại nước hoa nào? Anh không biết phụ nữ nào cũng có “gu” riêng khi xài nước hoa à? Em đâu biết chị ấy thích loại nào?”. Rắc rối quá đi mất. Đã thế, còn phải tặng cả cô phó phòng nữa chứ. Chẳng lẽ “bên trọng bên khinh”? Mà phải là quà khác nhau, chứ giống nhau thì hóa ra mình “đánh đồng” vai vế cả hai à?

Tặng quà cho đồng nghiệp đã đành, còn với các đối tác làm ăn thì sao? Sau khi ký xong hợp đồng, người ta có nhã ý tặng cho món quà, chẳng lẽ mình chỉ thốt ra hai tiếng “cám ơn” gọn lỏn? Ngay cả làng xóm làng giềng với nhau cũng vậy thôi. Vợ chồng nhà hàng bên cạnh, có người thân ở quê lên tặng nhiều trái cây ngon, họ đem sang biếu một cặp dưa hấu tươi roi rói. Mình nhận xong rồi im luôn, chỉ gật đầu cười trừ? Coi sao đặng. Phải “Có qua có lại mới toại lòng nhau” chứ.

Đôi khi không tiếc tiền, nhưng lựa chọn mua quà gì không khéo người ta lại hiểu nhầm thì khốn. Sở dĩ nói thế, vì anh bạn tôi đã từng va vào một tình huống dở khóc dở cười, kêu trời không thấu. Vào dịp Ngày Nhà giáo, anh tranh thủ mua tặng quà cho cô giáo của cậu nhóc. Trên đường đi làm về, thấy bên đường bày bán nhiều giỏ quà, trang trí rất “bắt mắt”. Quà thế này mới là quà chứ. Nhìn qua giấy kiếng trắng, anh thấy có 2 chai rượu vang, mấy hộp thiếc dựng bánh, kẹo, trà lại có thêm cả mấy phong chocolate… bày biện trang nhã. Tiện thể, anh dừng xe mua và ghé nhà cô giáo tặng luôn.

Tất nhiên, người nhận hài lòng và cám ơn anh rối rít.

Qua ngày sau, ai ngờ cô giáo đích thân đến nhà, điều ngạc nhiên là trên tay cô cầm theo giỏ quà của anh. Chuyện gì đây? Anh hoảng hồn, nhìn thấy trong hộp thiếc vuông vắn đựng bánh lại nằm chình ình mấy cục đá xanh! Oan này, ai thấu hở trời? Trời cao thăm thẳm nên chẳng rõ có ý kiến gì không, chứ sau đó, anh bị vợ mắng té tát vì cái tội “gặp đâu xâu đó”, không chu đáo, cẩn thận lúc mua quà. Sau sự cố “động trời”, từ đó anh “cạch” đến già khi mua quà gói sẵn mà tự tay mình lựa chọn cho “chắc ăn”.

Dù muốn dù không, chuyện bỏ tiền ra mua quà tặng cũng “chen ngang” vào trong kế hoạch chi tiêu của gia đình. Khó có thể viện cớ xác đáng thuộc tầm cỡ… vĩ mô như kinh tế toàn cầu đang suy thoái mà né tránh. Có lẽ cách tốt nhất vẫn là tùy vào túi tiền của mình. Đừng nghĩ, phải tặng quà đắc giá mới thể hiện được tấm lòng. Đại văn hào Shakespeare hoàn toàn có lý khi cho rằng: “Quà cáp hậu hĩ cũng trở thành tồi tàn khi người biếu tỏ ra không tử tế”. Vâng, điều quan trọng hơn là “của cho không bằng cách cho”. Thôi thì, hãy cứ xem như mọi việc nhẹ nhàng thôi, đừng “quan trọng hóa” vấn đề cho mệt đầu.


L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 483 ngày 12.8.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com