Võ Thị Như Mai: Về tập thơ CẢ NHỮNG NGÀY ĐÃ QUÊN của Trần Thị Thùy Vy

Võ Thị Như Mai và Trần Thị Thùy Vy

d8b061f7-5292-48ca-9455-74bdb1665a5c

NGƯỜI ĐÀN BÀ TRUNG NIÊN RỰC RỠ, SỐNG ĐỂ YÊU, YÊU ĐỂ SỐNG HẾT MÌNH

Bài cảm nhận của Võ Thị Như Mai về tập thơ CẢ NHỮNG NGÀY ĐÃ QUÊN,NXB HVN, 2024 của Trần Thị Thùy Vy

Tôi thức dậy lúc nửa đêm để bắt đầu ngồi xuống viết những dòng đầu tiên của bài cảm nhận để Trần Thị Thùy Vy đưa vào phía sau tập thơ. Ngay trong lúc này, chị Hoa Mai cũng thức dậy và viết bài giới thiệu, tôi mỉm cười thú vị bởi sự kết nối rất chi là tuyệt vời về không gian và thời gian giữa hai người phụ nữ tên Mai với CẢ NHỮNG NGÀY ĐÃ QUÊN. Giữa tôi và Trần Thị Thùy Vy không chỉ là tình bạn mà còn là sự đồng điệu sâu sắc về tâm hồn, về thi ca và cuộc sống. Chúng tôi có một sự kết nối khó diễn tả thành lời, bởi mỗi khi trao đổi về thơ, từng câu từng chữ như hòa quyện với những suy tư của nhau.

Chúng tôi đều là giáo viên tiểu học, đều nhìn cuộc sống với một lăng kính nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Chúng tôi thấu hiểu giá trị của những điều giản dị, từ một buổi hoàng hôn rực rỡ cho đến từng nhịp thở của thiên nhiên xung quanh. Tôi hình dung rằng, nếu có dịp, chỉ cần lặng ngồi bên nhau chúng tôi vẫn có thể cảm nhận được suy nghĩ của đối phương, như thể những ý tưởng đã được chia sẻ từ trước. Thơ ca không chỉ là sự giải thoát hay biểu đạt cảm xúc, mà với Vy và tôi, đó còn là cách để cảm nhận chiều sâu tâm hồn.

Qua những vần thơ của Vy, tôi hiểu rõ hơn về bạn, về những điều mà cả hai chúng tôi đã trải qua trong quá trình trưởng thành. Mỗi khi đọc thơ của Vy, tôi như thấy mình trong đó, nhận ra những tương đồng trong cách chúng tôi yêu thương, nhớ nhung, và đối mặt với cuộc sống. Chính nhờ sự thấu hiểu này, tình bạn giữa tôi và Vy trở nên bền chặt cho đến thời điểm này. Chúng tôi không chỉ là những người bạn chia sẻ cùng nhau những khoảnh khắc trong cuộc sống mà còn là những tri kỷ, cùng nhau trải nghiệm và cảm nhận cuộc đời qua từng câu chữ và giai điệu của thơ ca.

Năm mươi bài thơ gồm lục bát, thơ ngắn, thơ tự do, thơ năm chữ, bảy chữ được xếp gọn gàng, đan xen và dễ chịu. Năm mươi bài chất chứa nhiều thông điệp khác nhau về tình yêu nỗi nhớ, thiên nhiên, thời gian, sự tồn tại, niềm vui nỗi buồn, gia đình cuộc sống, niềm hi vọng, những giấc mơ. Ban đầu tôi đã nghĩ thế vì thơ tôi cũng xoay quanh những chủ đề này. Chúng tôi sống đơn giản và tìm thấy niềm vui hàng ngày qua những kết nối với con cái, người thân, bạn bè và thi ca.

Chính vì tâm hồn nhẹ nhàng nên chuyện viết lách chúng tôi cũng chỉ xoay quanh những điểm xuyến của đời thường chứ không đi quá sâu vào sự phức tạp đa nghĩa nhiều tầng nhiều lớp của cuộc sống vốn chứa đựng quá nhiều điều để suy ngẫm. Ngôn ngữ trong thơ của Trần Thị Thùy Vy là sự kết hợp hài hòa giữa lãng mạn và hiện thực mang đậm tính cá nhân và đầy tâm trạng. Cô sử dụng những từ quen thuộc gắn liền với những điều bình dị trong cuộc sống và đôi khi khéo léo chen vào ngôn ngữ tượng trưng tạo nên chút huyền ảo cho tác phẩm.

Phong cách của Vy mềm mại, giàu cảm xúc và thường chuyển từ sự chiêm nghiệm tĩnh lặng sang nỗi nhớ nhung và hoài niệm. Tập thơ có một dòng chảy thống nhất về chủ đề, đi từ sự tự sự, hoài niệm cá nhân đến những suy tư rộng lớn về hiện sinh. Các bài thơ liên kết chặt chẽ thông qua thời gian, thiên nhiên và ký ức. Bố cục của tập thơ như một chuỗi suy tư liên tiếp, mỗi bài thơ lại làm nền cho bài tiếp theo, tạo thành một tổng thể gắn kết. Chẳng hạn, các bài TRẢ, GIẤC LÊN MEN, SỚM NAY đều khai thác những cung bậc khác nhau của nỗi nhớ, dẫn dắt đến những khám phá về thời gian và sự mất mát trong CÁNH BUỒM DONG MÃI NGOÀI KHƠI. Hoa trái, biển xanh, mùa màng, mặt đất và bầu trời đều là những hình ảnh thiên nhiên cùng các biểu tượng phong phú cho tự do, sự bao la, tính phổ quát và vĩnh cửu cùng với những trải nghiệm cá nhân. MÁI ĐÊM, BÊN DÒNG SÔNG, GIẤC MƠ XANH, BUỔI SỚM MAI là những ví dụ điển hình của âm điệu nhịp điệu nhẹ nhàng, trữ tình phản ánh sự thân mật và yên ả.

Tôi nghĩ rằng, thơ Vy có sự sáng tạo và có tính độc đáo riêng khi ta đọc tổng thể toàn tập thơ do cô biết cách kết hợp giữa sự đơn giản và chiều sâu triết lý, biết cách biến những điều bình dị thành những khoảnh khắc suy tư. Việc lồng ghép các biểu tượng văn hóa như sắc Việt, tâm sen, hương sen, áo dài, tiếng mẹ, dòng sông, mùa xuân thể hiện sự thanh cao, thuần khiết, vẻ đẹp truyền thống của tâm hồn Việt, văn hóa Việt. Những bài thơ trong tập này có vẻ như gắn liền với ký ức cá nhân và văn hóa của tác giả. Khung cảnh làng quê, thiên nhiên và truyền thống cho thấy các bài thơ có thể chịu ảnh hưởng từ trải nghiệm của chính Vy trong lòng quê hương Quảng Nam.

Tập thơ này cũng gợi mở về những chuyển biến lịch sử và văn hóa mà Vy từng chứng kiến. Trong bối cảnh rộng hơn, thơ của Vy tương tác với những chủ đề phổ biến của thơ hiện đại Việt Nam, như hoài niệm về cuộc sống làng quê và suy tư về sự thay đổi trong quá trình hiện đại hóa. Thơ của cô cũng có điểm tương đồng với các nhà thơ lãng mạn, đặc biệt là trong cách cô suy ngẫm về tình yêu, thời gian và sự tồn tại cũng như vẻ đẹp của ký ức.

Tình mẫu tử trong cuộc sống của Trần Thị Thùy Vy là đặc trưng cho nét truyền thống của người Việt nơi tình yêu và sự quan tâm hòa quyện. Dù các con đã tốt nghiệp đại học và bắt đầu bước vào đời, cô vẫn luôn dõi theo từng bước đi của chúng như một người bạn đồng hành kiên nhẫn. Mỗi thành công, mỗi thử thách đều được cô đón nhận bằng trái tim tràn đầy tự hào. Cô chăm chút cho từng chi tiết nhỏ, từ những bữa ăn dinh dưỡng đến những lời khuyên ân cần, luôn mong muốn mang đến cho con những gì tốt đẹp nhất. Cái nhìn âu yếm và nụ cười ấm áp của Vy như ánh đèn dẫn lối cho các con, giúp chúng vững bước trên con đường đời. Mỗi giây phút bên con là một kho báu, một kỷ niệm đáng trân trọng mà cô luôn gìn giữ.

Trong tình mẫu tử, không chỉ có niềm vui mà còn cả nỗi lo âu, nhưng tình yêu thương của cô khiến mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn. Cô là chỗ dựa vững chắc, là bến đỗ bình yên, nơi các con có thể trở về và tìm thấy sự an lành. Tình mẫu tử và tình yêu luôn chảy tràn như một dòng suối bất tận.Trong thơ Trần Thị Thùy Vy, vai trò của người phụ nữ được thể hiện đa dạng và sâu sắc. Thơ của cô thường khắc họa hình ảnh người phụ nữ không chỉ trong vai trò truyền thống mà còn trong những khía cạnh hiện đại, thể hiện sức mạnh, sự tự do và bản sắc cá nhân.

“Người đàn bà ẵm bồng cánh buồm vừa mọc/ tiếng khóc của nụ chồi đỏ hỏn/ của ánh trời dâng sóng ...../ Người đàn bà chèo cạn đêm nay/  ôm hòn máu đời mình/ mặc trầm/ lời ru.”; “Người đàn bà len qua giông tố/ Vất vưởng giữa sa mạc/ Cằn cỗi giữa hoang tàn/ Đồng hành cùng bóng đêm”. “Người đàn bà ngủ quên/ đánh rơi giấc mơ/ những câu thơ du mục/ chơi vơi/ chập chùng” ; “Người đàn bà thấy mình nhỏ bé/ như sinh linh lạc loài/ mơ hoang/ đi hoang.

ĐÁNH CƯỢC VỚI THỜI GIAN là khi người đàn bà làm thơ chôn giấu những yếu mềm vào quá khứ để đối diện với thời gian vô hình, này sợi tóc, kia là phiến đêm, cô giữ lại yêu thương, bình yên và cả những mảnh ghép của quá khứ trong từng khoảnh khắc đời thường. KHI TẤT CẢ TRONG LÒNG BÀN TAY là khi trải nghiệm vừa đủ chín muồi, là đoàn tàu chở đầy hạnh phúc, là cánh đồng bao la của tuổi thơ, là núi đồi bạt ngàn bao la đầy tiếc nuối nhưng cũng có thể rất nhỏ bé vừa vặn trong lòng bàn tay, gần gũi mà huyễn hoặc. Những giá trị tinh thần lớn lao đều có thể được thâu tóm trong một cái nhìn, một cái chạm khẽ.

Sự bất ổn của đại dương trong MẮT BIỂN cũng chính là sự bất an trong lòng người phụ nữ yêu đắm say nhưng đầy nỗi niềm. NGƯỜI ĐÀN BÀ LÀM THƠ không chỉ sáng tác qua sách vở hay lý thuyết văn chương mà bằng chính cuộc sống của cô, bằng vét chai sần, bằng màu thời gian cùng những trải nghiệm trực tiếp hiện thực khắc nghiệt mà cô đã đi qua, từng vết chai, từng rạn vỡ ấy chính là nguồn chất liệu, là động lực để thơ nảy mầm từ quá khứ, ươm hi vọng cho tương lai.

Sau cùng là KHÔNG ĐỀ mang nét phá cách với ngôn ngữ đầy sức gợi, con thằn lằn tặc lưỡi, sự tồn tại vô định, lời nhắc nhở về bản chất mong manh của cuộc sống nơi con người luôn phải đối mặt với những diễn biến không thể kiểm soát. Sau tất cả là NƠI CON TÌM VỀ với những hoài niệm ấm áp của tuổi thơ, của những chi tiết yêu thương như lời ru của mẹ, mùa xuân qua, mùa thu trở lại, mâm giỗ đầy ắp những câu chuyện, cái mộc mạc của quê hương, tiếng trẻ ê a bi bô, mái tóc mẹ bạc màu, ô cửa ngọt ngào là điểm tựa bình an sau giông bão.

CẢ NHỮNG NGÀY ĐÃ QUÊN là tựa đề đầy ấn tượng, nó gợi cho ta cảm giác khắc khoải, mông lung, trăn trở giữa ký ức và thời gian. Kỷ niệm có thể phai mờ nhưng vẫn còn đọng lại trong tâm hồn, những ngày đã quên như những mảnh ghép của quá khứ, nhưng những người đã đi qua đời mình, dừng lại đâu đó gây sầu thương luyến ngay khoảnh khắc quý giá nhất khiến ta luôn muốn níu giữ. Và kể cả những ngày đã quên, người đàn bà trung niên Thùy Vy, nàng thơ xứ Quảng, vẫn luôn rực rỡ bởi nàng sống là để yêu và yêu là để sống hết mình.

Perth 22/9/2024

Võ Thị Như Mai

(Thạc sĩ văn học, giáo viên tại Tây Úc)

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com