Nhân vật lịch sử Tô Hiến Thành đã được sân khấu hóa. Trong ảnh: NSND Thanh Tòng trong vở “Tô Hiến Thành xử án”.(Ảnh: THANH HIỆP)
Bài học nào có thể rút ra từ danh nhân Tô Hiến Thành? Chính sử ghi: Năm 1175, vua Lý Anh Tông đau yếu, lập Long Cán (3 tuổi) làm thái tử và giao cho Tô Hiến Thành được "quyền nhiếp chính sự", thay mặt vua cáng đáng việc nước. "Đại Việt sử ký toàn thư" cho biết ông còn có trách nhiệm "giúp rập thái tử"
Từ lâu nay, tôi vẫn thích câu thơ của Chế Lan Viên: "Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa/ Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường".
Tại sao lại "đủ sức soi đường"? Vậy kinh nghiệm đó là gì, nếu không tìm về lịch sử của cuộc kháng chiến đã làm nên chiến công Điện Biên Phủ, làm sao ta có thể trả lời?
Quay ngược về quá khứ, ta làm sao có thể lý giải được vì sao danh nhân Tô Hiến Thành lại được nhà sử học Phan Huy Chú đánh giá bằng những dòng chói lòa trong sử sách: "Ông là quan đầu triều, nhận trọng trách, hết lòng hết sức, khéo xử trong khi biến cố, dù sóng đánh đập lay chuyển mà cột đá vẫn trơ trơ không dời, cuối cùng khiến cho trên yên dưới thuận, thật không thẹn với phong thể bậc đại thần đời xưa" ("Lịch triều hiến chương loại chí", NXB Khoa học Xã hội - 1992, tr.222).
Rồi khi nhìn về các danh thần, danh tướng đã góp sức tạo dựng và làm vẻ vang triều nhà Lý, nhà sử học Ngô Thì Sĩ ghi nhận: "Ông nào cũng có công lớn để lại, duy có người đủ tài lược, phẩm vọng, hết lòng trung thành, gánh vác công việc rất khó, làm cho vua được yên trên ngôi báu, nước được hưởng phúc thái bình, duy chỉ có một ông Tô Hiến Thành là hơn hết" ("Việt sử tiêu án" - NXB Văn hóa Á châu - 1969, tr.166). Sau này, theo nhà sử học Trần Trọng Kim: "Cho nên người đời sau thường ví ông với Gia Cát Lượng đời Tam Quốc bên Tàu" ("Việt Nam sử lược", NXB Văn học - 2015, tr.109).
Như đã nói ở trên, "Đại Việt sử ký toàn thư" cho biết Tô Hiến Thành có trách nhiệm "giúp rập thái tử". Vậy sau khi nhà vua qua đời, ngôi báu ấy thế nào? Bấy giờ, bà Lê Thái hậu - vợ cả của vua Lý Anh Tông - lại muốn lập con ruột của mình là Long Xưởng nối ngôi.
Theo "kịch bản", Lê Thái hậu tìm mọi cách mua chuộc Tô Hiến Thành để phế Long Cán, lập Long Xưởng, song ông cương quyết cự tuyệt. Phương án này thất bại, bà bèn đem rất nhiều ngọc vàng, lụa gấm, châu báu đút lót cho Lã thị - vợ lẽ của ông - nhằm xoay chuyển tình thế. Thì ra chiêu trò này đã có từ xưa, nay đôi lúc vẫn thế - tức là kẻ hối lộ đã đi "cửa sau", nhờ người đầu ấp tay gối "nhỏ to tâm sự" để lung lạc người chồng.
Trước tình huống oái oăm này, ông Tô Hiến Thành ôn tồn dạy vợ: "Ta là bậc đại thần, chịu mệnh vua ký thác giúp ấu chúa; nay nhận hối lộ mà bỏ người này nhận người kia, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế dưới suối vàng?".
"Thua keo này bày keo khác", Lê Thái hậu bèn triệu ông Tô Hiến Thành vào triều dụ dỗ, hứa hẹn cả trăm điều ngọt nhạt. Trước sau như một, ông trả lời cứng cỏi: "Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, người trung thần nghĩa sĩ đâu lại muốn thế. Huống chi lời nói của tiên đế hãy còn văng vẳng bên tai, bà lại không biết việc của Y Doãn, Hoắc Quang ngày trước hay sao? Tôi không dám vâng lời".
Qua hai cách mua chuộc ông Tô Hiến Thành, ta thấy sử cho biết kẻ xấu đã sử dụng thứ "vũ khí" dễ mê hoặc nhất vẫn là vàng bạc châu báu. Sở dĩ như thế vì ngày xưa làm quan, nếu liêm chính thì rất nghèo, chỉ hưởng bổng lộc do vua cấp. Đọc "Lịch triều hiến chương loại chí" do Phan Huy Chú biên soạn, ta biết ở nước ta vào năm 1067, đời vua Lý Thánh Tông: "Cấp bổng lộc cho các quan Đô hộ phủ sứ mỗi người mỗi năm 50 quan tiền, 100 bó lúa và cá muối mọi thức; cho cai ngục mỗi người 20 quan tiền, 100 bó lúa để nuôi đức liêm" (T.1, tr. 541).
Như vậy, nếu tham lam ắt ông Tô Hiến Thành đã sa bẫy ngay lập tức. Không! Rõ ràng ông là bậc đại trượng phu, rất xứng đáng với câu nói của Mạnh Tử: "Phú quý bất năng dâm/ Bần tiện bất năng di/ Uy vũ bất năng khuất" (Giàu sang không mê hoặc được, nghèo khó không dời đổi được, sức mạnh không khuất phục được).
Có thể nói, một trong những điều tệ hại nhất của chốn quan trường phong kiến Việt Nam vẫn là "Một người làm quan cả họ được nhờ". Ấy là còn do người có quyền thế cất nhắc bà con thân quyến, nâng đỡ người nhà, "gà nhà", kẻ bợ đỡ nịnh nọt vì lợi ích riêng tư cá nhân chứ không vì cái chung của cộng đồng.
Trường hợp Tô Hiến Thành lại khác.
Năm 1171, ông bệnh nặng, hầu hạ ngày đêm là Tham tri chính sự Vũ Tán Đường; riêng Gián nghị đại phu Trần Trung Tá lại thờ ơ, không mấy quan tâm lui tới. Bà Đỗ Thái hậu, mẹ Thái tử Long Cán - tức vua Lý Cao Tông, hỏi Tô Hiến Thành: "Nếu ông có mệnh hệ nào, ai là người kế ông?". Thông thường, ta sẽ nghĩ người được chọn là Vũ Tán Đường, nhưng không, ông chọn Trần Trung Tá. Bà Thái hậu ngạc nhiên: "Tán Đường ngày đêm lo thuốc thang cho ông, sao ông không cất nhắc?". Tô Hiến Thành thẳng thắn: "Nếu bệ hạ hỏi người nào hầu hạ, tôi cử Tán Đường, nếu hỏi người giúp nước thì tôi cử Trung Tá".
Có thể ngày nay, hậu sinh không còn nhớ đến tài cầm quân thao lược, đánh Đông dẹp Bắc của ông Tô Hiến Thành; không còn nhớ đến cương vị, chức tước ông đã đảm nhận và hoàn thành một cách xuất sắc. Nhưng tôi nghĩ những câu chuyện trên về ông, ngày nay hậu thế hoàn toàn có thể học theo, làm theo nếu không muốn hổ thẹn với gương sáng tiền nhân.
Mẩu chuyện trên khiến chúng ta phải suy ngẫm rất nhiều, rằng nếu quan chức của nhà nước ta ngày nay người nào cũng như Tô Hiến Thành thì làm sao có câu dân gian mỉa mai: "Con cháu các cụ cả/ Đố điều đi đâu được"?
Tại sao phải đọc sử/ học sử và yêu sử? Có nhiều cách để trả lời, theo tôi vẫn chính là lúc “ôn cố tri tân”. Từ kinh nghiệm thành công lẫn thất bại của tiền nhân, người đương thời có thể nhìn vào đó để rút ra những bài học cần thiết đặng áp dụng cho thời đại mình đang sống. Ý nghĩa chính là chỗ đó, ở chỗ quá khứ vẫn đồng hành với thời đại, chứ không phải những gì xa xôi, thậm chí xa lạ thì không thể áp dụng vào thực tiễn.
L.M.Q
(nguồn: Báo Người Lao Động ngày 12.9.2022)
Add comment