Mục lục |
---|
LÊ MINH QUỐC: Thăng trầm cải tiến chữ Quốc ngữ |
1. Tìm lối viết 'đáp ứng mọi yêu cầu' |
2. Những đề nghị thay đổi cách viết |
3. Những thay đổi đi về đâu? |
Tất cả các trang |
Từ điển Việt Bồ La xuất bản năm 1651 tại Ý
Tìm lối viết 'đáp ứng mọi yêu cầu'
Nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes
Khi chúng ta ca ngợi, tôn vinh và ghi công xứng đáng vai trò của nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes và các giáo sĩ phương Tây khác trong việc “sáng chế” ra chữ Quốc ngữ, thiết nghĩ, việc làm này đúng nhưng vẫn chưa đủ. Bởi các nhà truyền giáo đáng kính này sẽ không bao giờ hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, nếu không có sự hợp tác của những người bản xứ.
Theo GS Hoàng Tuệ, chính những người bản xứ “vô danh” đã đóng vai trò quan trọng đến mức có giả thuyết là họ đã “trực tiếp tham gia vào việc sáng chế chữ Quốc ngữ” (Hoàng Tuệ - Tuyển tập Ngôn ngữ học - NXB ĐHQG TP.HCM - 2001). Nói thế để thấy rằng, một khi chữ Quốc ngữ ra đời, bản thân nó đã được sự chấp nhận của người bản xứ.
Từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes in tại Rome (Ý) ngày 5.2.1651 có thể xem là cột mốc quan trọng trong việc ra đời của chữ Quốc ngữ - lối chữ viết ghi âm dùng chữ cái Latin thay thế cho chữ Hán, chữ Nôm vốn ghi ý. “Lần đầu tiên tiếng Việt được đem ra học hỏi theo lối văn phạm và so sánh với nhiều ngôn ngữ Á Đông và Tây phương, 23 mẫu tự La ngữ được dùng để phiên âm tiếng Việt, trừ những chữ Z, J, F được thay thế bằng GI, D, PH. Về tử âm, cha Đắc Lộ đã sáng kiến ra hai mẫu tự mới β và Đ. Chữ β đọc giữa chữ B và V. Còn chữ Đ thì hoàn toàn là một sáng kiến mới, còn giữ mãi cho đến ngày nay. Về mẫu âm, cha đã đặt ra những chữ Ă, Â, Ô, Ơ, Ư” (Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - NXB Hiện Tại -1959, tr.287).
Căn cứ vào Đại từ điển tiếng Việt (1999) của Bộ GD-ĐT, Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa VN, nay đã có đến 29 chữ cái, chưa kể Z mà ta đã vay mượn chữ cái Latin để phiên âm tiếng nước ngoài và ghi ký hiệu có tính chất quốc tế được sử dụng trong chữ Quốc ngữ.
Lần cải tiến đầu tiên
Sau Cách mạng Tháng Tám, hàng triệu người đã thoát nạn mù chữ nhờ được dạy chữ Quốc ngữ trong phong trào bình dân học vụ. Chỉ trong vòng ba tháng người học có thể đọc thông, viết thạo (với chữ Hán, chữ Nôm điều này là không thể).
Nhược điểm của chữ Quốc ngữ là gì? Do sự đồng âm trùng trùng điệp điệp trong tiếng Việt, có những từ/chữ dù biểu hiện khác sắc thái, sự vật nhưng từ cách đánh vần, đọc đến chữ viết vẫn y chang nhau. Vì lẽ đó, những người tâm huyết với chữ viết nước nhà luôn canh cánh tìm mọi cách khắc phục nhược điểm trên.
Theo tài liệu của nhà từ điển học Hoàng Phê, nhà nghiên cứu Le Grand de la Liraye, trong quyển Từ điển Việt - Pháp in tại Sài Gòn (1868) cho rằng: “s không phát âm như trong tiếng Pháp mà phát âm như sh trong tiếng Anh, vậy nên dùng sh thay s”, nên dùng k trong mọi trường hợp thay cho c và q; dùng c thay cho ch; d thay cho đ, z thay cho d; j thay cho gi; bỏ h trong gh…
Một sự kiện đầu tiên quan trọng nhằm cải cách chữ Quốc ngữ có quy mô lớn là Hội nghị quốc tế khảo cứu về Viễn Đông lần thứ nhất, họp tại Hà Nội vào cuối năm 1902. Hội nghị này đã cử ra Tiểu ban chữ viết ghi âm, gồm 9 người, chỉ có một người Việt là Tổng đốc Hoàng Trọng Phu. Nhiều đề xuất cải tiến đã làm nổ ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa, cuối cùng các đại biểu chỉ có thể thông qua bản kiến nghị: “Đề nghị Trường Viễn Đông Bác cổ nên dựa vào cơ sở của đề án của tiểu ban mà quy định, để dùng trong công tác khoa học, một lối chữ viết đáp ứng được tất cả mọi yêu cầu”.
Năm 1906, vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ lại được nêu ra tại các cuộc họp ở Hội đồng cải lương học chính của chính phủ Pháp tại Đông Dương. Đứng đầu tiểu ban là nhà giáo Edmond Nordemann. Vài cải tiến đã được thông qua, chẳng hạn như c, k, q nhất luật viết thành k (thí dụ: con cua/con kua; đi qua/đi koa), d, gi viết thành j, x viết thành ç…
Cuối cùng mọi việc thế nào? “Trước sự phản đối kịch liệt của một số người (lại là những người có thần thế), Nha Học chính Đông Dương đã phải hoãn việc thực hành cải cách chữ Quốc ngữ trong các trường học, và giao cho các Ủy ban Cải lương học chính Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ nghiên cứu thêm vấn đề này” (Vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ - Viện Văn học, Ủy ban Khoa học nhà nước - 1961, tr.56).
Lê Minh Quốc
(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 30.11/2017)
Những đề nghị thay đổi cách viết
Nhiều bậc trí thức và giới truyền thông cách đây gần cả trăm năm đã đề xuất thay đổi cách viết chữ Quốc ngữ.
Những ai chơi sách cũ, nếu còn giữ được tập sách dạy vần Lên sáu in năm 1919, sẽ thấy thi sĩ Tản Đà nhận xét: “Chữ Quốc ngữ của ta chưa chu toàn”, do đó, ông đề nghị viết ong, ông, ung, ưng, oc, uc, ức bằng onh, ônh, unh, ưnh, ôc, uch, ưnh... Đã thế, ông còn đề nghị thay ươch bằng ưc (ví dụ: bực cười/bượch cười). Còn vì sao phải thay đổi như thế, không thấy ông giải thích.
Đây cũng chính là năm mà tờ Trung Bắc tân văn đã khơi dậy vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ có tính bền bỉ, nhiều năm liền. Ban đầu, ông Phó Đức Thành than phiền các dấu huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng không có ký hiệu tương ứng trong chữ cái điện báo morse, “khiến sai lầm tên người nọ sang người kia, lắm khi bắt bớ lôi thôi, chờ được vạ thì má đã sưng”. Do đó, các thanh điệu trên thay thế bằng b, d, k, l, q (ví dụ: Tuấn thành Tuand).
Ý kiến này chỉ là viên sỏi ném ao bèo chăng? Không, đây một gợi ý để năm 1925, Lê Mai viết quyển sách Quốc âm tân chế, đại khái dùng r thay cho dấu “á”, x thay cho dấu “râu”, b thay cho dấu “mũ”, thay các thanh điệu bằng x, f, z, v, k; dùng dh thay cho đ (ví dụ: Người đến đây viết là Nguoizzx dhenbv dhayb)...
Chúng ta nghĩ sao nếu chữ 'luật giáo dục' phải viết là 'luật záo zụk', 'nhà nước' là 'n’à nướk'… Nhưng đó là cách viết cải tiến mà PGS-TS Bùi Hiền đề xuất trong một cuốn sách mới xuất bản gần đây. Điều này gây ra nhiều tranh luận không chỉ trong giới chuyên môn mà cả những người đang sử dụng tiếng Việt.
Sự việc này có lẽ chẳng gây nên dư luận ồn ào nếu sau đó nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh không đặt lại vấn đề này. Bấy giờ, ông Vĩnh đang là cây bút quá nổi tiếng nên ý kiến của ông tạo nên sự chú ý đặc biệt. Từ tháng 10.1928 đến 2.1929, ông viết nhiều bài liên tiếp trên Trung Bắc tân văn xoay quanh vấn đề lý do sửa đổi chữ Quốc ngữ bỏ dấu phụ.
Đại khái, theo ông: “Chữ q làm dấu sắc vì cái nét xổ xuống cũng theo một chiều như khi đánh dấu sắc; chữ w làm dấu ngã vì hình dáng của nó cũng nhắc lại cho ta dấu ngã”… Để cổ động cho “chữ Quốc ngữ mới” trong ngót mấy tháng liền, tờ báo này còn sử dụng cách viết cải tiến cho các chuyên mục như Tin thêg gio’ig (Tin thế giới), Docj sachq (Đọc sách), Vâng dêf phuj nu’w (Vấn đề phụ nữ)…
Năm 1929, nhà giáo Dương Tự Nguyên cũng đăng loạt bài trên Văn học tạp chí, nhà văn Nguyễn Triệu Luật, kịch tác gia Vi Huyền Đắc, nhà nghiên cứu Ngô Quang Châu… không chỉ viết báo mà còn ra sách về sự cải tiến chữ Quốc ngữ theo quan điểm của mình. Theo ông Nguyên, dùng aa, ee, oo thay thế cho â, ê, ô… Nhiều học giả đề nghị viết liền các từ kép như bônba, xótxa, tổquốc, cườicười… Dễ dàng nhận ra sự bất cập, chẳng hạn “thịthành”, đọc thị thành hay thịt hành?
Chưa hết, sử gia Trần Trọng Kim lại có chủ trương khác nhiều người. Chữ Quốc ngữ là lối chữ viết ghi âm, thế nhưng ông lại chủ trương cũng sử dụng chữ cái Latin nhưng nhằm để ghi ý. Đồng thanh với ông có thể kể đến nhà văn Nguyễn Triệu Luật. Ví dụ, “minh” là từ Hán Việt có nhiều nghĩa khác nhau, tùy theo nghĩa mà Trần Trọng Kim đề xuất: minhs (sáng), minht (mờ tối), minhth (thề)… hoặc thanh mà viết rthanh hiểu ý là trong, xthanh hiểu ý là xanh, tthanh hiểu ý là tiếng thanh…
“Quái dị” nhất của cải cách, theo hiểu biết của tôi thuộc về Vi Huyền Đắc. Khi biên soạn quyển Việt tự (1929) ông bỏ luôn cả chữ Quốc ngữ, tuy cũng là chữ viết ghi âm nhưng mượn chữ Hán, Nhật để chế ra con chữ thay chữ Latin.
Theo tài liệu của nhà sưu tập sách cũ Hoàng Minh thì khoảng năm 1945, tại Hà Nội, tờ Bình Minh chỉ rặt theo “Quốc ngữ in lối mới”. Nay có đọc thì ta cũng “bù trất”!
Cải cách chữ quốc ngữ sau Quốc khánh 2.9
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuối năm 1946, Ban chuyên môn Bình dân học vụ Trung ương đã soạn thảo văn bản cải cách chữ Quốc ngữ.
Theo Vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ (Viện Văn học, Ủy ban Khoa học Nhà nước - 1961, tr. 62): “Dùng z thay cho d và d thay cho đ; dùng j thay cho gi, f thay cho ph; dùng k thay cho c và q, làm con chữ phụ âm đầu: cũ kỹ, quả quýt, quê quán viết kũ kỹ, kuả kuýt, kuê kuán (trong trường hợp con chữ là phụ âm cuối, thì vẫn dùng c như cũ: ac, ăc). Bỏ h trong gh và ngh…
Tuy nhiên, vấn đề cải cách này chưa kịp đưa ra bàn thảo thì đã nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc. Có một chi tiết cần nhắc lại để thấy rằng vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ vẫn luôn được giới trí thức quan tâm: năm 1948 tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần 2 ở Việt Bắc, một lần nữa vấn đề này được đặt ra nghiêm túc. Ở miền Nam, năm 1950, nhà nghiên cứu Nguyễn Bạt Tụy cho in công trình Çử và vần Việd khwa họk (Chữ và vần Việt khoa học - NV) với mục đích: “Dùng chữ cho đúng với âm mình muốn phát và ghép chữ cho đúng với âm mình muốn ghép”.
Năm 1960, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Nghiên cứu Miến Điện, đại diện cho đoàn đại biểu miền Nam, ông Nguyễn Đình Hòa đã phát biểu tham luận Tiêu chuẩn hóa chính tả Việt Nam tại hội nghị, cũng là vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ.
Lê Minh Quốc
(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 1.12.2017)
Những thay đổi đi về đâu?
Trải qua năm tháng tiếng Việt đã có sự thay đổi, nhưng căn bản chữ Quốc ngữ lại không thay đổi. Không phải ngẫu nhiên sự cải tiến luôn được nêu ra. Tuy nhiên, không phải sự cải tiến nào cũng được đồng thuận.
Không thể không nhắc đến Hội nghị cải tiến chữ Quốc ngữ tại Hà Nội do Ủy ban Khoa học nhà nước, Viện Văn học tổ chức (diễn ra các ngày 21, 28, 30.9.1960 và tổng kết vào ngày 7.10.1960).
Trong 23 tham luận và bản báo cáo Cải tiến chữ Quốc ngữ của Tổ Ngôn ngữ học Viện Văn học, lần đầu tiên nhiều vấn đề chuyên sâu đã được đề cập đến. Có thể tóm tắt, các đại biểu tán thành: “Bỏ h trong gh và ngh; chỉ dùng một con chữ thống nhất cho c, k, q (nhưng nên dùng c hay k thì ý kiến chưa nhất trí; dùng f thay ph; dùng d thay đ; dùng i thay cho y (trừ uy, nhiều người không tán thành bằng wi mà nên tạm viết như cũ; dùng thêm những nhóm phụ âm ghép làm con chữ phụ âm đầu (như bra, cla...) trong những từ dịch âm khi cần thiết” (tr.386).
Tuy nhiên, vấn đề chỉ nêu ra chứ hội nghị chưa kết luận vì còn nhiều lý do, kể cả “Tình hình đất nước ta đang tạm thời bị chia cắt là một trở ngại cho việc cải tiến chữ Quốc ngữ”.
Tại miền Nam vấn đề này cũng được đặt ra, có thể tìm thấy qua các bài viết công phu bàn về sức sống, sự trong sáng tiếng Việt của nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê, Đông Hồ, Nguyễn Bạt Tụy, Bùi Đức Tịnh, Trương Văn Chình… Đặc biệt, nhà thơ Nguyễn Ngu Ý đã khởi xướng ra cách viết khác, chẳng hạn k thay thế kh (ví dụ kó kăn thay cho khó khăn); q thay qu (ví dụ qa là qua, qơ là quơ, qê hương thay quê hương), thay chữ p bằng b ở cuối chữ (ví dụ hiệb thay cho hiệp; đáb thay cho đáp)... Chẳng ai làm theo, ngoại trừ... chính người khởi xướng!
Hầu như ở thời điểm nào cũng có những ý kiến cải cách chữ Quốc ngữ.
Trên Báo Hà Nội Mới số ra ngày 23.9.1995, ông Nguyễn Kim Hoạt đặt vấn đề: “Có nên cải cách chữ Quốc ngữ không?”. Đề nghị cải cách của ông có mấy điểm chính như thay j cho gi và bỏ phụ âm kép gh (ví dụ: ghênh = gênh)”... Đề nghị này không vọng lại tín hiệu đáng kể nào trên mặt báo.
Tại hội nghị Chữ Quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của tiếng Việt (tổ chức ngày 11.4.1996 tại Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM), trong tham luận Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ, Giáo sư Cao Xuân Hạo cho biết: “Có lẽ chữ Quốc ngữ chỉ nên đổi một điểm duy nhất là bỏ h sau ng (chứ không phải sau g)".
Sau đó, trên Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 24.6.1996 có đăng ý kiến “Chừng nào mới đổi mới cách viết chữ Quốc ngữ” của ông Bùi Ngọc Sánh từ Paris gửi về. Đại khái, theo ông: “Chấp nhận chuẩn hóa để c thay k;
k thay kh; q thay qu; z thay d; d thay đ; f thay ph; j thay gi; g thay gh; ng thay ngh; a thay ă; o thay ơ; u thay ư”...
Ý kiến này lập tức có ngay thông tin phản hồi, trao đổi lại. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu học Huyền Viêm cho rằng không phải là mới, mà “còn thêm rối rắm có ích gì đâu?”: “Khoảng 40 năm trước, ngành bưu điện đã tự đổi mới cách viết để dùng trong việc đánh điện tín và còn dùng đến ngày nay, vì chữ trong các bức điện không có dấu. Theo cách đánh điện ấy thì chữ ă thay bằng aw, ê thay bằng ee, ô thay bằng oo, ơ thay bằng ow, ư thay bằng uw, dấu sắc thay bằng chữ s, dấu huyền thay bằng f... Nhưng bưu điện dùng thì cứ dùng, còn dân chẳng ai theo”.
Ý kiến của Cadière, thành viên Hội nghị quốc tế khảo cứu về Viễn Đông lần thứ nhất, họp tại Hà Nội vào cuối năm 1902, nay vẫn còn chưa lỗi thời, khi cho rằng bất kỳ sự cải cách nào cũng xảy ra những vấn đề căn bản như: Không thể từ bỏ khó khăn vốn có của lối chữ viết, mà bất cứ lối chữ viết ghi âm nào cũng không hoàn hảo; không khéo người đang biết chữ Quốc ngữ trở thành mù chữ; cả loạt khí cụ nhà in trở thành vô dụng...
Tán thành ý kiến này, từ những năm 1940, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã khẳng định: “Tiếng hiện thời của các nước đều là đầy những sự vô lý. Nhưng đố ai cải cách nó được. Tiếng vạn quốc ngữ Esperanto và Ido mà người ta đã đặt ra rất hợp lẽ, nhưng vì không có tính cách một dân tộc nào. Nên chung quy, không có một dân tộc nào theo cả” (Danh từ khoa học - NXB Trường Thi - 1959, tr.XVIII).
Nếu muốn cải tiến, xin hãy nhớ đến nguyên tắc đã công bố tại Hội nghị cải tiến chữ Quốc ngữ tại Hà Nội (1960): “Dựa trên cơ sở chữ Quốc ngữ hiện dùng, hết sức tránh những xáo trộn không cần thiết; Cải tiến mạnh bạo nhưng hết sức thận trọng, chắc chắn; Tiến hành từng bước, bước trước chuẩn bị cho bước sau; Yêu cầu làm cho chữ Quốc ngữ hợp lý hơn, đồng thời giản tiện hơn và đủ vần hơn”.
Thiết nghĩ, chữ Quốc ngữ đã trở thành máu thịt thiêng liêng trong tâm trí, đời sống tình cảm của mỗi con dân nước Việt. Từng con chữ không chỉ có xác, mà còn có hồn - hồn của một dân tộc ẩn hiện trong đó. Do đó, dù chữ Quốc ngữ còn chưa thật hoàn thiện, nhưng người ta không thể cải cách, thêm bớt một cách tùy tiện, chủ quan.
Lê Minh Quốc
(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 2.12.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|