TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn LÊ MINH QUỐC: Tôi như con kiến lặng lẽ

LÊ MINH QUỐC: Tôi như con kiến lặng lẽ

Có một chàng trai Đà Nẵng đi bộ đội từ năm 1977, chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Sau 6 năm ở quân ngũ anh mới trở về học đại học tại TPHCM. Hơn 20 năm công tác tại báo Phụ Nữ (hiện là trưởng ban Văn hóa văn nghệ), anh là một nhà báo xông xáo, năng động. Với văn chương, anh là một cây bút sung sức và có cá tính. Vừa làm báo, anh vừa làm thơ, viết sách, là tác giả của 9 tập thơ, 6 truyện dài, 4 tiểu thuyết lịch sử và nhiều đầu sách ở các thể loại khác… Trường ca “Hành trình của con kiến” vừa mới phát hành, là tác phẩm thứ 9 trong “gia tài thơ” của anh. Qua tác phẩm này, anh tự cảm nhận mình như một con kiến lặng lẽ, lầm lũi trong đời sống, trong công việc và ngay cả trong tình yêu. Đó chính là nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc.

PNCN


PV: Ở chương I, “Nghề đi rong” trong trường ca “Hành trình của con kiến”, anh đã dùng đến 299 câu thơ để nói về nghề báo của mình. Tại sao anh chọn nghề báo mà không là một nghề nào khác?

Nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc: Chị đặt câu hỏi như thế khiến tôi chợt nhớ đến cảm giác mỗi khi được hỏi tại sao yêu người này mà không yêu người kia? Nghề báo chọn tôi chứ tôi không chọn nó. Qua đó, tôi đã tìm được niềm vui trong công việc và hoàn toàn mưu sinh với nghề một cách lương thiện.

Bản thân anh là một nhà báo chuyên viết về văn hóa văn nghệ, anh có cho rằng viết về lĩnh vực này thì sẽ nhàn hạ hơn so với viết về những lĩnh vực khác?

- Không lĩnh vực nào dễ dàng hơn lĩnh vực nào. Vấn đề cốt lõi ở đây không phải là công việc cụ thể, mà chính là hoàn thành các công việc ấy như thế nào.

Hơn 20 năm anh công tác tại báo Phụ Nữ, làm việc trong một cơ quan mà phụ nữ chiếm đa số và lãnh đạo cơ quan cũng là nữ… anh cảm thấy dễ chịu hay khó chịu?

- Chẳng ai có thể trả lời chung sống với vợ (hoặc chồng) thì họ cảm thấy dễ chịu hay khó chịu cả. Nếu có trách nhiệm, họ chỉ có thể nói một khi còn chung sống, chưa ly dị thì cả hai còn phải cố gắng. Cố gắng điều gì? Đại khái là “rèn luyện chuyên môn, tu dưỡng đạo đức, hạn chế bồ bịch lăng nhăng….” Để cùng “nuôi dưỡng tình yêu” và “bảo vệ hạnh phúc”. Nói “ngon lành” như vậy, nhưng thú thật đến nay tôi vẫn chẳng hiểu gì về… phụ nữ cả!

Thường thấy anh bình thơ trên đài HTV, chọn thơ cho báo này báo khác. Tại sao người ta hay mời anh hơn người khác?

- Đơn giản là người ta nghĩ tôi là người có lý luận về thơ, đủ sức thẩm định và bình luận về một bài thơ. Những công việc trên (do thời gian phát sóng, do báo lên khuôn) còn đòi hỏi phải đúng giờ, đúng hẹn; mà tôi thì luôn luôn đúng hẹn trong công việc nên khi giao việc cho tôi thì người ta tin tưởng.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Với tôi, khi làm thơ là làm cho chính mình chứ nào ai bắt buộc đâu, nên tôi tôn trọng sáng tác của mọi người. Hễ thơ của bất cứ ai mà tôi thích, bạn đọc thích là tôi chọn. Tất nhiên sự lựa chọn này có chủ quan. Nhưng chắc chắn một điều là tôi không đố kỵ với bất cứ ai. Chính vì thế người ta để yên cho tôi làm, vì ít ra tôi cũng tập họp được nhiều tác giả, nhiều khuynh hướng sáng tác thơ khác nhau, chứ không “bè phái”, “băng nhóm”.

Thơ của anh trải qua các thời kỳ đã có những sự thay đổi như thế nào? Anh có chủ trương làm mới thơ mình theo chiều hướng hiện đại? Quan điểm của anh về tính hiện đại của thơ ca?

- Làm gì có cái gọi là “thơ hiện đại” và “thơ không hiện đại”. Thơ là thơ. Một bài thơ hay, dù ra đời cách đây vài thế kỷ, nếu được viết trong tâm thức không thể không viết, không thể cưỡng nổi cái cảm xúc của nội tâm ùa ra trên trang giấy; và nếu bài thơ đó lay động sâu thẳm tâm hồn người đọc thì sẽ có sức sống vượt thế kỷ. Nếu bài thơ cố tình thể hiện cho ra vẻ “hiện đại” viết trong thế kỷ “hiện đại” này, nhưng nếu không hay thì lập tức nó tắt thở ngay thôi. Điều quan trọng của một nhà thơ, theo tôi, vẫn là cảm xúc của chính anh.

Nhưng đôi khi tôi nghĩ rằng, làm thơ là làm thơ. Chẳng có gì quan trọng cả. Đừng đặt trên vai nó quá nhiều sứ mệnh. Ngay cả Cao Bá Quát, một thiên tài thơ, đã bảo chúng ta rằng “văn chương chỉ là trò chơi con trẻ”. Đơn giản vậy thôi.

Những người phụ nữ từng đi qua cuộc đời anh - họ có cảm giác như thế nào khi bắt gặp hình ảnh của chính họ trong thơ anh?

- Có thể họ nghĩ rằng , tôi là một tình nhân tuyệt vời, nhưng trong hôn nhân lại là gã đàn ông ngớ ngẩn, hậu đậu chăng?

Anh thường tham gia “trình diễn” nấu ăn với các nghệ sĩ nhân các dịp lễ. Trong cuộc sống đời thường, bếp nhà anh có thường đỏ lửa và anh có phải là người nấu ăn giỏi hoặc thích ăn ngon?

-Trong thời gian sống độc thân, tôi đã có nhiều lần cay đắng “Nhiều lần đi chợ / Phải về tay không / Thấy trong bếp lửa / Đỏ rực hoa hồng / Vo gạo nấu cơm / Thấy toàn mây trắng…”.  Vì thế bếp lửa nhà tôi thường xuyên tắt ngúm. Tôi thường “cơm hàng cháo chợ” mỗi ngày, nhưng quán ăn phải là chỗ quen, hợp khẩu vị vì đơn giản tôi là người thích ăn ngon.

Thú thật, tôi sợ nhất là ngày thứ bảy và chủ nhật lúc ngồi trong căn nhà mình với cơm hộp trên tay và mắt lơ đễnh nhìn màng nhện giăng trên trần nhà. Chẳng lẽ không ăn? Nhưng ăn một mình trong sự lặng lẽ quả là ngao ngán.

Đã từng xuất hiện trong chuyên mục “Trò chuyện cuối tuần” của HTV về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, về tình yêu. Hỏi thật, trong thâm tâm, anh ngĩ sao về… phụ nữ về tình yêu?

- Dù đã phát biểu nhiều lần, ở nhiều nơi khác nhau nhưng “quan điểm” của tôi vẫn trước sau như một rằng: Thứ nhất, trên trái đất này không có phụ nữ xấu, chỉ có điều đàn ông chưa nhận ra hết vẻ đẹp của họ đấy thôi. Muốn vậy, người phụ nữ cần phải tự tin về nhan sắc của mình. Sự tự tin ấy còn được bổ sung bởi kiến thức về văn hóa, thời trang, thẩm mỹ…. Thứ hai, trong tình yêu không nên có sự so đo, tính toán. Yêu là yêu chứ không vì một mục đích gì khác. Dù biết thất bại, nhưng một khi đã yêu thì ta cứ yêu. Giọt nước mắt của sự thất bại trong một cuộc tình cũng đẹp như gai nhọn của hoa hồng.

Không chỉ làm thơ, làm báo, anh còn viết chuyện tình các danh nhân, tiểu thuyết lịch sử, kịch bản phim tài liệu, biên soạn chuyện cười dân gian hiện đại… Anh có đa mang quá chăng? Anh có thật sự cảm thấy hứng thú khi viết các thể loại trên hay đơn giản chỉ là viết để… kiếm tiền?

- Dù chưa một lần gặp cụ Nguyễn Hiến Lê, nhưng tôi luôn tự nhận là học trò của cụ. Trong Hồi ký dày trên 500 trang, cụ có viết một câu mà tôi nhớ mãi, đại khái muốn tìm hiểu một vấn đề gì thì tốt nhất ta viết một cuốn sách về vấn đề đó. Ngẫm lại thấy đúng. Khi muốn tìm hiểu về các danh nhân lịch sử VN, tôi đã viết luôn 25 cuốn sách và nay vẫn còn đang tiếp tục viết. Đó là bộ “Kể chuyện danh nhân VN” (NXB Trẻ) đã được Bộ G D & ĐT chọn là sách tham khảo dành cho học sinh trung học.

Tương tự, các vấn đề về lịch sử báo chí VN, giáo dục VN, doanh nghiệp VN… tôi cũng đã hoàn thành các bộ sách. Viết như thế, tôi nghĩ rằng đó là cách tự học tốt nhất. Còn tiền ư? Ai không thích tiền? Tôi cũng vậy. Nhưng nếu chỉ vì tiền thì chắc chắn tôi sẽ không đủ sức để viết một cách bền bỉ như đã viết.

Anh đã có những tình bạn đẹp đẽ, lâu bền nhưng trong tình yêu và hôn nhân anh lại lận đận, trắc trở. Anh có thể lý giải điều đó?

- Có lần tôi đã thử lý giải điều này trong bài thơ “Đứa trẻ trong anh: “Yêu, dù gặp tình cờ cũng đắm say đầu mày cuối mắt / có thể ngất ngư đêm nay nhưng sáng mai quên hết / không kịp nhớ tuổi tên / đứa trẻ trong anh như cây cỏ cô đơn / chiêm ngưỡng mọi xuân hồng hay thu tím / dù mê đắm nhưng chân không bước đến / lắng nghe trái tim đang gõ nhịp tự tình / tâm hồn như lụa mới trắng tinh / chỉ in dấu một bóng hình vừa gặp / anh ngơ ngác mở con mắt / ngắm nhìn / và anh tin lúc ấy có đức tin / tin điều tốt lành, tin điều chân thật / tin trong anh vẹn nguyên một nhan sắc / một gương mặt / vĩnh viễn tốt tươi / mãi mãi từ đây yêu lấy một người / chung sống đến long răng bạc tóc / nhưng chỉ sớm mai thôi / chỉ cần nghe gió hát trên môi / mây trời bay thấp thoáng / bóng hồng khác lại khiến anh choáng váng / săn đuổi theo bằng cảm xúc huy hoàng / như lần đầu tiên / như lần thứ nhất / cũng đắm say đầu mày cuối mắt / đó chính là tính cách của trẻ con / trên trái đất này anh bước lang thang / đêm buông xuống quay về căn phòng nhỏ / từ gương soi bần thần ngơ ngác ngó / râu ria rậm rạp rậm rì / sao trong anh có một thằng trẻ nhỏ / đến bây giờ chưa chịu bước chân đi?”

 

“Đó là một gã đàn ông mạnh mẽ, ngang tàng, nhưng thích bông phèng và dễ bị chìm đắm”, nhà văn Trần Nhã Thụy đã viết về anh như vậy. Đó có phải là nhận xét đúng và đã đủ chưa về Lê Minh Quốc?

- Mỗi con người là một vũ trụ riêng lẻ và bí ẩn. Chính bản thân bạn còn không hiểu được bạn là ai thì ai có thể hiểu được bạn? Trong trường ca có đoạn tôi viết: “tôi chịu đựng tôi đã quá đủ rồi / tôi thất thường tính nết / ngay cả tôi cũng chẳng hiểu tôi là ai / thằng ngốc đó làm sao ai hiểu hết?”

Diễm Chi (thực hiện)

(nguồn: Phụ Nữ Chủ Nhật số 39/ 1.10.2006)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com