Tập sách Dĩ bất biến ứng vạn biến của nhà nghiên cứu LÊ HƯNG VKD

 

di-bat-bien-ung-van-bien

 

TỰA

1.

Văn chương chữ nghĩa, tự bản thân nó đã ẩn chứa những gì đó thật bí ẩn, nếu xét theo mối quan hệ giữa những người cùng nghề với nhau. Có những con người, những trang văn của họ mà mình đã đọc, đã nghe danh tiếng từ thời thơ bé, từ lúc chưa vỡ trí khôn thế nhưng sau này, mình lại có cơ duyên được gặp gỡ, trò chuyện như đôi bạn vong niên dù tuổi tác có khoảng cách. Vì rằng, cả hai cùng có “mẫu số chung” vẫn là niềm yêu thích về chữ nghĩa. Thậm chí, mình còn giữ lại được những gì họ đã viết, đã in mà chưa chắc họ còn giữ hoặc nhớ đến. Ấy, cái duyên tri âm của những người “cùng hội cùng thuyền”.

Há chẳng phải là điều kỳ diệu giữa tâm hồn đồng điệu đấy sao?

2.

Với tôi, trong số những người đáng quý ấy còn có “ông bạn già” vui tính, thấu hiểu lẽ đời là nhà thơ, nhà giáo, lương y Lê Hưng VKD.

Thật bất ngờ khi tìm đọc lại sách báo đã sưu tập xưa nay, tôi đã tìm “gặp lại” ông từ thời tôi mới lên năm:  Tuần báo Văn Đàn (số 28 “tuần lễ từ ngày 16 đến ngày 23.5.1963”) phát hành tại Sài Gòn đã dành 2 trang để ông trình bày quan điểm về sáng tác thơ với tựa bài Lời thi sĩ. Bên cạnh đó, còn in bài thơ Tuổi đá (1955) và bài Bằng tiếng nói (1963). Tất cả điều này cho thấy, ngay từ thời đó, ông đã là một tên tuổi trên văn đàn, xuất hiện cùng thế hệ trang lứa như Kim Tuấn, Tùng Linh, Lê Tất Điều… Qua bài viết trên, tôi biết, ông bước vào “trường văn trận bút” từ năm 1951 với “sân chơi” là tờ báo Thiếu Nhi, Tuổi thơ tại Hà Nội.

Nhìn tấm hình ông hồi trẻ, lạ thay, tôi thấy vẫn không khác gì hiện nay, tức là lớp sóng thời gian không tác động nhiều đến gương mặt thư sinh ấy. Một thư sinh mà báo Văn Đàn giới thiệu: “Thanh Trung tên thật là Lê Trung Hưng, quê ở làng Phượng Lâu, tỉnh Hưng Yên (Bắc Phần). Hiện là công chức tòng sự tại Ty Học vụ tỉnh Bình Dương, với ngành chuyên môn: Giáo dục cộng đồng”.

Từ đó đến nay, nhà thơ Thanh Trung vẫn bền lòng, thủy chung với nghề và nghiệp của mình. Có điều bút danh của ông có thay đổi: Thanh Trung đã trở thành Lê Hưng VKD. Ngay cả bút danh này, nếu biết, ta lại càng rõ hơn nữa tâm hồn sâu kín của ông khi đã gắn liền với mẫu tự VKD.

3.

Xét ra, thế hệ nhà thơ thời của ông, hầu hết chỉ sáng tác thơ nhưng ông lại khác. Khác ở chỗ, ngoài thơ, ông đã bước qua một lãnh vực khác: nghiên cứu về Kinh dịch, làm thuốc (đã được Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông của Bộ Y tế năm 2013; tìm về thuật tử vi phương Đông mà ông gọi là “Linh khu thời mệnh lý”. Ông quan niệm theo mục đích “văn hóa tam lịch”, đó là thế giới quan “hiểu biết về lẽ biến hóa của vạn vật”; nhân sinh quan “tìm cách giải quyết tốt các xáo trộn xảy ra” nhằm đạt đến mục đích tích cực “điều chỉnh tốt các quan hệ giao tiếp thường ngày” để biết mình, hiểu người, hài hòa trong cuộc sống.

Sự “lấn sân” này không dễ dàng, vì nó khác với tư duy của nhà thơ. Thề nhưng ông vẫn thành công. Nguyên cớ do gì? Chắc chắn phải khởi đầu từ học hỏi, đam mê, yêu thích bộ môn này. Vẫn chưa đủ. Tôi vẫn nghĩ đến một lý do nội tại khác, chính là gốc gác từ gia tộc, gia đình.

Theo ông cho biết: “Tỉnh Hưng Yên được thành lập vào đời vua Minh Mệnh (1820-1840) vương triều họ Nguyễn. Thời bấy giờ ở thôn Phượng Lâu (nay thuộc xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) có gia đình nghèo họ LÃ làm nông, nhà lại đông con... trong đó có cậu bé LÃ CƠ; bà mẹ cậu CƠ là con gái của ông họ LÊ giàu có, làm nghề thuốc y học cổ truyền, nhưng lại không con trai nối nghiệp tông đuờng. Cụ thầy thuốc họ Lê xin bên thông gia họ LÃ cho phép cậu trai LÃ CƠ (là cháu ngoại) về làm "con trai" gia đình nhà mình, và chính thức đặt tên: LÊ LÃ CƠ rồi nuôi cho ăn học "nho - y - lý - số" thật đầy đủ như con trai các nhà giàu có khác trong tỉnh Hưng Yên (tức Phố Hiến nổi tiếng xứ Bắc, thời vua Lê chúa Trịnh: "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến"). Tính đến thời điểm ngày giỗ lần thứ 123 (1894-2017) cụ tổ LÊ LÃ CƠ thì dòng Lê Lã có 4 chi”.

Nhà thơ Lê Hưng VKD thuộc chi 1, con trai trưởng của cụ giáo Lê Quang Khải, bút danh Thiên Lương. Thời Pháp thuộc, khoảng năm 1929 cụ Khải vào đất cao su Chánh Lưu tỉnh Thủ Dầu Một thời Pháp thuộc - nay là phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Vậy, xét ra ông Lê Hưng VKD đã là người Bình Dương - một vùng đất mà ngày xa xưa các tao nhân mặc khách đã thành lập "Bình Dương thi xã". Nhắc lại chi tiết để thấy rằng, sở dĩ nhà thà thơ Lê Hưng VKD có khả năng “tác chiến” và am tường trên nhiều lãnh vực không phải ngẫu nhiên mà đã từ cội nguồn/ nếp nhà vốn có.

Và, hạnh phúc thay, hiện nay các con của ông cũng nối theo nghiệp nhà.

4.

Khi được đọc tập sách nghiên cứu Dĩ bất biến - ứng vạn biến (Giải mã Tam Tài quẻ Dịch) là tác phẩm mới nhất của ông, tôi càng vui vì dẫu bước qua độ tuổi “cổ lai hy” (xưa nay hiếm) nhưng bút pháp vẫn còn tươi lắm, kể cả đôi lúc dí dỏm trong sự nghiêm nghị. Nhìn chung, ấn phẩm này là nối tiếp, xuyên suốt với những gì mà ông đã dày công nghiên cứu và đã công bố như Nghiệm lý phong hòa thủy tú, Tâm Thiền lẽ Dịch xôn xao, Nghiệm lý hệ điều hành Âm Dương, Nhiếp sinh - Linh khu thời mệnh lý v.v… Bước vào lãnh vực này, thật thú vị và bội phần tao nhã là thỉnh thoảng ông lại vận dụng vào thơ:


Tôi vẫn nghĩ linh khu nguồn sáng tạo


Với uyên duyên thấu cảm chuyện vô thuờng


Nguồn dịch lý là thước vàng khải đạo:


Cuộc sống này diễm lệ nghĩa Âm Duơng!

Với tác phẩm nghiên cứu về Kinh dịch được viết bằng tâm hồn nhà thơ, âu cũng một thế mạnh của nhà giáo, thầy thuốc, nhà nghiên cứu Lê Hưng VKD. Và, một khi đã nói đến thơ, cho phép tôi trích lại đoạn mở đầu của bài thơ Tuổi đá:

Vàng lụa hề trăng khai tuổi hoa

Tin xuân hề thảo nét sơn hà

Vọng xuân hề đón chờ yêu nữ

Vũ hội hề xiêm nhạc thướt tha…

Tôi tin rằng, không ai có thể biết bài thơ này, nhà thơ Lê Hưng VKD viết năm 1955, năm đó ông… mới vừa 16 xuân xanh. Thật bất ngờ đỗi. Chắc chắn khi đã đọc Dĩ bất biến - ứng vạn biến (Giải mã Tam Tài quẻ Dịch) chúng ta còn gặp nhiều bất ngờ khác nữa. Vì lẽ đó, xin được trân trọng giới thiệu bạn đọc xa gần trong niềm hân hoan chung vui cùng nhà thơ đã gắn bó, se duyên cùng Nàng Thơ VKD trọn vẹn một đời…

LÊ MINH QUỐC

(1.1.2022)

(nguồn: Tập sách Dĩ bất biến ứng vạn biến, NXB TH TP.HCM-2022)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment