VŨ TRỌNG PHỤNG VIẾT VỀ KÝ CON

183340902_10222708731445774_7597890606934993527_n

 

VŨ TRỌNG PHỤNG VIẾT VỀ KÝ CON

[......]

Người mà xã hội này gọi là Ký Con không phải chỉ có một tên ấy mà thôi.

Cái tên lúc làm thầy ký của Ký Con là Đoàn Trần Nghiệp. Đối với Việt Nam Quốc dân đảng, còn một tên hiệu: Hợp Sơn. Công chúng Tây gọi Ký Con là Le Petit Secrétaire, và nhà văn hào Louis Roubaud (3) lại nâng Ký Con lên cái chức là đồng nghiệp với ông Arnoux, giám đốc sở Liêm phóng. Cái vinh dự ấy còn in lại cho hậu thế bằng cuốn sách phóng sự: "Việt Nam, tấn bi kịch ở Đông Dương".

Khi tôi biết thầy ký Nghiệp thì tôi còn có thể khinh bỉ anh ta, mà xã hội cũng chưa dám đoán trước rằng người như thế mà sau lại làm Chưởng ban Ám sát của Việt Nam Quốc dân đảng.

Lúc ấy vào năm 1927. Tôi mới 16 tuổi mà Nghiệp cũng chỉ hơn tôi độ một vài tuổi thôi. Nghiệp ở buồng kế toán, còn tôi, tôi giữ cái chức coi kho ở hiệu Gô Đa, hai chúng tôi đã là bạn đồng sở.

Vào thời ấy, anh ta bị cả sở cho là đụt, là đần. Đoàn Trần Nghiệp vốn nhà nghèo nên không bao giờ có quần áo sang. Vì hiệu Gô Đa thời ấy có lắm nhân viên giúp việc toàn là con những ông Chánh, ông Bá ở các thôn quê nên bọn này phần nhiều diện sang, vì họ đi làm một chân bán hàng mỗi tháng lương được độ mười đồng chỉ cốt để về làng khoe cái danh giá đi làm việc tây và để hỏi vợ cho dễ. Ký Con đã bị khinh chỉ bởi chàng không có y phục như mọi người.

Ra đến bãi đá bóng, Ký Con lại được dịp để xấu hổ nữa. Vì rằng cái anh chàng mà bộ giò to như hai cái ống sậy ấy lê quả bóng không nổi, và mỗi khi bị một thằng bạn vũ phu chèn một cái thì tức khắc ngã lăn chiêng ngay.

Riêng tôi, tôi cho rằng một người như thế thì rồi sau này hiệu Gô Đa đến trích một số tiền hai chục đồng ra làm món “tuất quả” cho vợ con anh ta mà thôi chứ quái gì!

Một hôm, qua buồng kế toán, tôi thấy Ký Con bị mụ đầm đứng đầu buồng ấy gọi là đồ ngu dại. Theo lời quý hóa ấy lại thấy những tiếng đại khái: giống An Nam, một giống nhơ bẩn, thông minh như con lợn, chỉ biết lười biếng với ăn cắp là giỏi, vân vân…

Tháng sau, tôi được đọc báo Con Vẹt. Báo do chính Ký Con viết bằng bút mực, trong đó có những bài hài đàm có tính cách trào phúng như một vài tờ báo cười cợt ngày nay. Báo công kích một cách xa xôi những nhân viên có thế lực trong sở. Đại khái ông Phăng-xoa được gọi là người anh hùng có tài ngoại giao và biết mỹ thuật ôm gấu váy các bà đầm, một ông ký khác ngực nhiều huy chương chỉ bởi hay đến nhà riêng của ông sếp để tắm một lũ chó con chó cái cho vợ ông sếp, vân vân.

Từ hôm ấy tôi không coi thường Ký Con.

Khi tôi bỏ việc thì Ký Con vừa đúng được một kỳ ăn lên.

Hơn hai năm sau, khi Việt Nam Quốc dân đảng bị vỡ lung tung thì các báo hàng ngày tung tin Hiệp Sơn Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con bị tình nghi giết thám tử Kính trong vườn Bách Thảo, bị tình nghi có dúng tay vào vụ cướp một chuyến xe hơi đường Sơn Tây, bị tình nghi thủ xướng vụ ném bom không nổ vào nhà Hỏa Lò, bị tình nghi giết viên chức sở Công chính tên là Bình để cướp túi bạc, bị sở Liêm phóng truy nã rất gắt.

Ít lâu sau đó, các báo hàng ngày đăng tin xử tử những đảng viên cách mệnh, có in ảnh rất nhiều người và ảnh Ký Con.

Rồi thì... sự thay đổi giọng điệu của mấy tờ báo tây ở đây, trước kia vẫn mạt sát dân Nam, nhưng giờ lại hô hào ngay chủ nghĩa hợp tác. Rồi thì... cuộc điều tra về những mầm phiến loạn của báo Petit Parisien. Rồi sau cùng đến cuốn sách Việt Nam của Louis Roubaud ra đời.

Nhờ cuốn sách này, tôi đã hầu như được trông thấy Ký Con hai tay bị xích giữ liền như một đứng cạnh quan giám đốc sở Liêm phóng Arnoux, đưa đôi mắt long lanh sáng quắc, vui cười trả lời những câu hỏi của nhà báo Louis Roubaud. Tay bị xích, Ký Con mỗi lúc muốn làm điệu bộ lại phải giơ cả hai cánh tay lên cử chỉ như một quân đao phủ vậy. Đại khái:

Lúc hành động, ông dám tin sẽ có kết quả tốt à?

Không!

Nếu không, sao lại cứ làm liều?

Cứ làm, đó là châm ngôn của tôi. Nếu phải được tin sẽ có kết quả tốt cho mình mới làm thì còn ai làm được việc gì ở đời này nữa. Tôi làm để cho người Pháp sau này đừng khinh bỉ dân Việt Nam nữa, đừng cho chúng tôi là những kẻ ngu, v.v.

Thì ra một thầy ký đã cúi đầu trước lời mắng trùm lấp cả một dân tộc của mụ đầm nhẹ dạ, thì sau ba năm, đã nói thế với một phái viên của một tờ báo lớn bên Tây, trước mặt ông chánh mật thám. Chỉ trong ba năm, một đứa trẻ con đã hết là một đứa trẻ con.

Cuộc đời của Ký Con mở đầu bằng nghề cạo giấy. Cuộc đời ấy đã lấy cái máy chém để hạ màn...

[........]

Nguồn: Tân Thiếu Niên, H., s. 3 (9 Fevrier 1935)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment