Tập tạp bút Răng mà thương mà nhớ của LÊ CÔNG SƠN

 

RANG-MA-THUOG-NHA-NHO-LE-CONG-SON-1-R

RANG-MA-THUOG-NHA-NHO-LE-CONG-SON-2R

 

LỜI TỰA

Trong những người viết báo trẻ hiện nay, tôi đã nhìn thấy ở đồng nghiệp Lê Công Sơn tố chất của một người luôn nỗ lực “vượt lên chính mình”. Anh từng bước tiếp cận với nhiều mảng đề tài gai góc về văn hóa, văn nghệ. Và đã có những bài viết công phu, cố gắng chuyển tải thông tin mới học thuật mà anh chịu khó ghi chép, cảm nhận, phản ánh với tư cách một nhà báo. Âu cũng là một tín hiệu đáng mừng, khi Lê Công Sơn - một nhà báo vẫn còn giữ được tư duy ngày đang mất dần: “Đi và viết”.

Với Lê Công Sơn, trong quá trình tác nghiệp ấy, sau khi thể hiện qua nhiều, rất nhiều bài báo mang hơi thở thời sự, anh còn viết cho riêng mình. Đó là những cảm xúc bất chợt ùa về như gió gọi mùa sang, từ sâu thẳm tâm hồn anh đã bật lên những giai điệu mới. Nói cách khác, anh thủ thỉ với chính anh qua thơ, văn. Những câu thơ đôi lúc trầm lắng đến nao lòng:

Thèm về quê. Đã về quê

Ngồi nghe tiếng quẫy cá trê, ao nhà

Âm thanh thân thiết ấy, sao lại là một ám ảnh không nguôi? Phải chăng cũng là một hoài niệm về ký ức tươi đẹp đã xa xăm, đã mất? Trong thơ anh, có nhiều âm thanh vọng lên, có lúc là tiếng ru chứa chan tình phụ tử:

Ầu ơ… tiếng ru nôi

Đưa con vào giấc ngủ

Ví dầu cầu ván cũ

Trang vở Mây đầu đời…

Thơ, chính là lúc phản chiếu tâm trạng của chính mình. Có thể là lúc:

Đưa tay vuốt vội mái đầu

Nhặt thời gian… sợi tóc sâu, giật mình

Ai lại không từng trải qua tâm trạng thản thốt này? Đó là một trong những câu thơ hay của anh. Mà không chỉ có thơ, trong tập tản văn Răng mà thương mà nhớ… còn có những áng văn xuôi, ngắn ngắn, gẫy gọn những cảm xúc bất chợt. Khi đọc, có lúc ta bùi ngùi, cảm động nhưng lại cũng có khi phải tủm tỉm cười. Sao lại không cười, khi anh chàng nọ được “tự do” vì vợ ốm nghén phải về quê cả tháng.

Ừ, sướng nhất là không bị vợ cằn nhằn nữa. Cô ấy cằn nhằn những gì? “Khuya đi làm về mệt mỏi cũng phải “lết” vào buồng tắm kẻo không hôi hám vợ sẽ cho... ngủ đất. Mệt mỏi nhất là vụ... nghiến răng và ngáy…”. Lúc ấy, “Theo quy ước, mỗi lần tôi nghiến răng hoặc ngáy, vợ lại nhỏm người dậy... bóp mũi để tôi biết. Nửa đêm đang mệt, tư dưng nghe có ai bóp lỗ mũi đến ngộp thở, nhiều lần tôi toát mồ hôi hột. Giật mình mở mắt ra thấy ánh mặt nghiêm khắc của vợ, biết “lỗi”, tôi nín thin thít”.

Vậy, thời gian vợ vắng nhà, khỏe re chứ gì? Đã thế lại được tha hồ nhậu nhẹt. Lê Công Sơn kể tiếp: “Đang say sưa men chiến thắng ở quán thịt rừng trong tiếng cụng ly dô dô tán thưởng của bạn bè, tự dưng máy điện thoại đổ chuông hiện lên chữ... “bà xã yêu”, buộc tôi phải phi vào... toilet ngay: “Anh đang ở đâu vậy?, Làm gì mà tui gọi đổ chuông hoài anh không nhấc máy?”.“Em thì lúc nào cũng rần rần hà. Anh đang ngủ chứ làm gì đâu, tại máy điện thoại anh để trong hộc bàn nên vậy chứ gần sáng rồi, đi đâu...” - tôi ngập ngừng. Bỗng, tiếng vợ nhẹ nhàng như tha thiết trong điện thoại: “Anh đang nhậu phải không, mau mau lấy xe về nhà mình đi, tui nhớ anh quá nên tui ở quê phải vào nằm chờ anh về nghe ngáy, nghe nghiến... bóp mũi mới ngủ được nè?”.

Câu kết thâm trầm và ý vị quá đi thôi. Lê Công Sơn đã biết khai thác thế mạnh của sự duyên dáng ấy ở nhiều đoản văn khác, khiến bạn đọc ưng ý và cười một phát, há cũng là cái thú của Răng mà thương mà nhớ.

Sau tập sách đầu tay này, với những gì đã đọc, tôi nghĩ rằng, sẽ còn có thêm nữa những trang viết mới của Lê Công Sơn. Sao lại không? Hãy nghe anh tâm tình:

Chân trời ở phía bên tê,

Lang thang một cõi đi về…xa xăm

Ấy là lúc cảm hứng lại ùa đến. Chúc mừng Lê Công Sơn đã có những bước “đi-về” đầy ấn tượng trong tập sách này.

LÊ MINH QUỐC

(VII.2018)

(nguồn: Tập sách Răng mà thương mà nhớ của LÊ CÔNG SƠN- NXB Hội Nhà văn).

Chia sẻ liên kết này...

Add comment