HỘI HOẠ Bài viết SUỐI HOA: Vẽ trừu tượng với tôi là một giải thoát

SUỐI HOA: Vẽ trừu tượng với tôi là một giải thoát

 

Nữ họa sĩ Suối Hoa là thứ nữ nhà thơ tiền chiến Huyền Kiêu (1915-1995), tác giả hai bài thơ nổi tiếng “Tình sầu” và “Tương biệt dạ”...  Một buổi sáng mát mẻ và yên tĩnh trong phòng vẽ Suối Hoa. Tiếng nhạc cổ điển thoang thoảng và ngoài vườn những cành lá đu đưa.

 suoi-hoa-va-ban-be-1

Nhà văn Nhật Tuấn, Suối Hoa, Lê Minh Quốc, nhà báo Việt Nga tại nhà Nhật Tuấn (2009)

 

Nhà văn Nhật Tuấn: “Tôi tìm trên tường không thấy bức tranh nào chị vẽ  “giai nhân”. Vậy có phải  cây cọ của chị đứng về phía người nghèo ?

Suối Hoa:

“Không hẳn vậy, đơn giản chỉ vì các cô người mẫu thời trang không gây cho tôi cảm hứng nào, tôi lại không thể vẽ khi không cảm hứng.

“Cảm hứng ? Nó từ đâu tới ?”

“Từ cuộc sống ngổn ngang lo toan,vui buồn,sung sướng và khổ đau, chính nó dã gieo mầm vào sáng tác”

“ Nhưng giả dụ một doanh nhân đặt chị vẽ một bức tranh với số tiền rất lớn

“Nếu không cảm hứng cũng chịu, không vẽ được.Có lần có người hỏi mua  một bức tranh cuả tôi, tiếc thay tôi đã bán ,tôi thử vẽ lại nhưng không được, cái việc chép tranh dẫu là tranh cuả chính mình không hề gây nên một cảm hứng nào, đành phải bỏ …

suoihoa-tranh-1

Sơn dầu của họa sĩ Suối Hoa

“Tôi có anh bạn Việt kiều khoe  mua được một bức tranh cuả một hoạ sĩ trẻ khá nổi tiếng ở trong nước,vài tháng sau trở lại Việt Nam anh phàn nàn có người bên đó cũng mua được một bức y như thế và cũng do chính hoạ sĩ đó vẽ.Như vậy anh bạn hoạ sĩ kia có “phạm luật” không ?

“Chưa có luật nào quy định chuyện đó, nhưng tôi cho rằng tác phẩm hội hoạ thường là "độc bản”, nhân cách nghệ thuật không cho phép “phôtô” thành nhiều bản như thế"

“Vậy cốt lõi vẫn là cảm hứng, phải chăng cảm hứng càng lớn thì nghệ thuật càng cao ?Ví dụ bức tranh “Tan vỡ” chị vẽ năm 1992 sau “sự cố gia đình”: một ngôi nhà đổ nát,một ngưòi đàn bà nằm sõng soài xung quanh  những vệt đỏ tung toé như máu  và bên ngoài cưả sổ một mảnh trăng  nhìn vào như một con mắt lạnh…”

“ Trường hợp này lại khác,lúc đó sự đau khổ dâng cao,con người muốn bùng vỡ,tôi vẽ hối hả,vội vã như một  giải thoát, quả nhiên sau khi vẽ xong, tôi lắng lại, cân bằng để bình thản đón nhận biến cố như một tất yếu của đời sống"

“Những bức tranh đầy kịch tính như thế chị vẽ có nhiều không?

“ Năm 1991 tôi vẽ bức “Barie” . Vào thời bao cấp, tranh chưa bán được, sinh hoạt  rất khó khăn, túng thiếu, tôi vẽ những hàng rào bít kín từ trái sang phải như những phiền muộn lớp lớp cuả đời sống. Tôi sử dụng chuyển động cuả màu và của nét không giống nhau tạo nên cảm giác vùng vẫy, muốn thoát ra khỏi cảnh ngộ. Năm 1992 tôi vẽ bức “Ngôi nhà dang dở” sử dụng bố cục rất táo bạo bằng những khoảng trắng đè xuống khoảng đen. Năm 1993 vẽ “Phận đàn bà” với cô gái ngồi bên con thuyền mắc cạn, trời, mây, nước ngổn ngang,tan tác. Rồi “Những đưá trẻ không nhà” đi lang thang giữa trời mưa, ven đường có một con chim chết…

“Như vậy liệu có thể nói “vẽ nỗi đau” phải chăng là cái tạng của chị ?

“ Không phải, tôi chẳng có cái tạng nào hết,tôi sống  trong đời sống một cách chân thành, say mê, quyết liệt và khi cảm hứng tôi vẽ"

“ Và chị vẽ cái “cảm hứng “ đó?

“Tôi không vẽ “cảm hứng”, tôi vẽ cái hồn cuả những con người, những vật thể tôi nhìn thấy vào khoảnh khắc đó…

“ Phải chăng đó cũng là ý nghiã cuả triển lãm “Khoảnh khắc trong thiên nhiên“ chị đã trưng bày ở Washington DC (Mỹ) năm nào?

“Đúng thế, những bức tranh đó tôi vẽ ngay ở bên ấy và triển lãm ngay sau đó.

 

suoihoa_cheoR

Sơn dầu của họa sĩ Suối Hoa

 

“ Cầm cọ bên xứ người chị có thấy khác khi cầm cọ ở quê nhà?

“ Tôi không thấy khác bởi lẽ tôi vẽ trong một thời gian không dài,sức lực,cảm hứng có sẵn từ nhà,phần lớn lại vẽ mẫu trong phòng.Tuy nhiên nếu ở hẳn bên đó thì chắc là  không vẽ được bởi vì sống bên đó tôi cảm thấy lạc lõng,cô đơn…

“ Vậy nhưng như nhà văn Mỹ Henry Miller đã viết : “Cô đơn là điều kiện thiết yếu để sáng tạo” ?

“ Không, tôi chỉ cần sự cô đơn trong lúc suy nghĩ ,sáng tác thôi,còn trong đời thường vẫn cần có bạn bè, gia đình, làng xóm…không, tôi không sống ngoài đất nước mình được…

“ Nghe nói sống ở Mỹ tốn tiền lắm,vậy mà chị đã từng sống được những…6 tháng, đó là bằng tiền túi  hay có ai tài trợ ?

“Những chuyến đi triển lãm ở nước ngoài tôi đều được mời bởi Trung tâm sáng tác quốc tế và trung tâm bảo tàng. Sau thời gian "được mời" tôi thường ở lại một tháng hoặc có khi tới 6 tháng bằng  "hợp tác" với bạn bè theo phương thức: “Bên A bao ăn ở, sơn, toan, chi phí triển lãm. Bên B vẽ. Khi bán được tranh chia đôi…”

“Những “người bên B “ như chị  trong giới hội hoạ có nhiều không ?

“Tôi không rõ,chắc là không nhiều .”

“Chị có thấy các hoạ sĩ cuả ta, nhất là hoạ sĩ trẻ đang bị dẫn dắt bởi mãi lực cuả thị trường?

“ Tôi không quan tâm tới nhiều người,tôi thích tranh cuả Nguyễn Thân (TP Hồ Chí Minh) Đặng Việt Hoà (Hà Nội)…và tôi thấy họ  chẳng bị dẫn dắt bởi cái gì ngoài ý thích của chính họ.

“ Nhưng họ vẫn là những người bán được nhiều tranh…"

“Sự thực cao giá nhất vẫn là các tiền bối trong trường phái “Mỹ thuật Đông Dương” như Nguyễn Gia Trí,Bùi Xuân Phái v…v…Sotheby là hãng buôn tranh lớn nhất thế giới đã bắt đầu để mắt tới tranh Việt Nam, hãng Christie‘s đã tổ chức bán đấu giá tranh Việt Nam ở Singapore trong đó có tranh cuả Lê Phổ, Suối Hoa… Tranh của Lê Phổ đã bán được tới giá 40 ngàn USD.

“Ở trong thơ,có lúc,có người đã đòi “chôn’" thơ mới, đòi “đổi gác”, ”chuyển giao thế hệ”, thế còn trong hội hoạ? Liệu có xảy ra chuyện đó?

“Theo tôi thì không, mỗi hoạ sĩ là một gương mặt riêng,một thế giới riêng ,song hành với nhau, chẳng ai muốn “chôn” ai và cũng chẳng  ai nghĩ tới “đổi gác” hoặc chuyển giao “thế hệ" cho ai…

 

suoihoa-tranh-3

Sơn dầu của họa sĩ Suối Hoa


“ Vậy nhưng  khi nhắc tới thế hệ “mỹ thuật Đông Dương” người ta có thể nhắc tới hàng loạt những tác phẩm tiêu biểu, chẳng hạn “Hoa huệ” của Tô Ngọc Vân, ”Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh, ”Chiều Tây Bắc “ cuả Phan Kế An, ”Kết nạp Đảng"‘ cuả Nguyễn Sáng, ”Đêm giao thưà” cuả Nguyễn Tư Nghiêm…. Thế còn các hoạ sĩ trẻ hiện nay, liệu ta có thể chọn ra những tác phẩm còn lại với thời gian như thế ?”

“Cái đó xin giành cho các nhà phê bình mỹ thuật…

“ Các nhà phê bình mỹ thuật? Chị có  đọc một số bài viết “phê bình mỹ thuật”  trong đó “mỹ thuật” chẳng thấy đâu, chỉ thấy các “mỹ tự” ?

“ Có, tôi có đọc  vài bài, chỉ thấy rối mù những từ ngữ ‘nội quan” ”ngoại giới’’, "phóng chiếu”…tôi là người trong nghề đôi khi cũng chẳng hiểu họ viết cái gì, nên thôi chẳng  đọc …

“ Tất nhiên tôi không phải là nhà phê bình mỹ thuật, bởi thế chị có thể cho tôi biết những tranh tiêu biểu cuả chị chứ ?

“ Tôi chỉ có thể kể những bức tranh tôi thích. Trước hết tôi phải nói với anh rằng tôi không vẽ con người chung chung, con ngưòi “phạm trù” mà vẽ con người cụ thể đang sống trong khoảnh khắc cụ thể. Lúc đó tôi chìm đắm trong vẻ đẹp bình dị cuả họ và tôi vẽ.Mấy năm trước tôi vẽ “Khoảnh khắc trong thiên nhiên”, ”Những mảnh đời thường”, ”Cuộc sống bình dị”. Những năm trước nữa ,tôi thích “Người miền núi” (1991), “Đi cấy” (1992) rồi tới loạt tranh chèo.Anh thử nhìn những người nữ trong tranh chèo cuả tôi, ai cũng như bất an,xô dạt,nghiêng ngửa, thăng trầm…tôi vẽ “người đó đang biểu diễn trên sân khấu” và tôi cũng vẽ “người đó đang sống trong đời”. Một phóng viên Pháp đã nhận xét hai bức “Sân khấu” (1994), ”Tiếng đàn Trương Chi” (1995) cuả tôi :”Cô ấy đã kết hợp một cách tài tình nghệ thuật cổ truyền cuả người châu Á với nghệ thuật hiện đại cuả châu Âu…”.

“ Thế còn tranh trừu tượng ?

“Có chứ, tôi đã vẽ hàng trăm bức và có những bức tôi thích chứ. Vẽ trừu tượng với tôi là một giải thoát khỏi những bức bối gây nên do giới hạn cuả hình hoạ. Lúc đó đầu óc  buông thả,không dự tính gì, tràn đầy  tinh thần ,tôi như bị cây cọ dẫn dắt nên những nét bâng quơ không định trước, lúc đó có thể nói “tôi không dùng màu mà chính là màu nó…dùng tôi”. Vì thế tranh trừu tượng của tôi thưòng gây bất ngờ,chông chênh, bất ổn…”bắt mắt” người xem đòi họ phải dừng chân ngắm nghiá ,nghĩ ngợi và tưởng tượng.”

 

suoihoa-tranh-4

Sơn dầu của họa sĩ Suối Hoa


“ Nghe nói chị đã đưa tranh trừu tượng thành tranh “nhạc trừu tượng “?

“ Tôi đã vẽ 10 bức theo hướng đó. Và tôi đang nghĩ tới…một loại tranh ” tình yêu trừu tượng”

“ Tình yêu trừu tượng ! Vậy chắc phải thánh thiện kiểu tình yêu Platonic?

“ Chưa biết, phải vẽ đã rồi mới biết nó ra sao ?”

“ Tranh của chị ngoài trong phòng này, còn ở đâu nữa ?”

“ Phần lớn tranh tôi đã được bán đi,có bức hiện nằm ở Bảo tàng Thuỵ Sĩ,Bảo tàng nghệ thuật hiện đại châu Á  Singapore….”

“ Nghệ thuật hiện đại châu Á ? Thế còn ở Mỹ, chị thấy cái “hiện đại” ấy, nó ra sao?

“ Tôi may mắn có dịp vào thăm nhà bảo tàng nổi tiếng Guggenheim ở Newyork.Toàn bộ 6 tâng lầu chỉ trưng bày tác phẩm có một người: hoạ sĩ Robert Rauschenberg, năm đó 70 tuổi,thực ra gọi ông ta là nhà tạo hình thì đúng hơn bởi lẽ ông trưng bày đủ thứ: tranh,tượng,nghệ thuật xếp đặt (installation), điện ảnh v.v... Tóm lại đó là một thứ tổng hợp nhiều thể loại.Có “bức tranh" bằng đồng to bằng cả bức tường chỉ khi người đi qua mới thấy hiện lên (chắc  được các thiết bị điện tử điều khiển) những…chiếc ghế,có cái giống như bể cá luôn sục sôi,cuộn chảy một thứ dung dịch gì đó màu gris xám…Tôi cảm phục về sự đồ sộ, khỏe khoắn,rất Mỹ cuả nhà nghệ sĩ hiện đại này…

 

quoc-ve-suoi-hoa

Họa sĩ Suối Hoa qua cái nhìn của Lê Minh Quốc (2007)

 

“Thăm bảo tàng châu Âu chị đã có ý nghĩ :”Hãy trở thành chính mình, thế còn thăm bảo tàng Mỹ , chị có ý nghĩ gì ?

“Tôi chỉ thấy buồn vì trong tất cả các bảo tàng lớn trên thế giới chưa nơi nào có tranh cuả người Việt Nam.

“ Theo chị tới bao giờ chúng ta sẽ có mặt ở đó ?

“ Làm sao tôi biết được, tôi nhớ có một nhà sưu tầm tranh Malayxia đã từng đi tìm tranh khắp thế giới,khi tới nước ta,ông nhận xét :”Ở Việt Nam có hai thứ đặc sản: một là hội hoạ và hai là… trái Thanh Long. Tranh Việt Nam vừa phong phú,đa dạng lại… quá rẻ; quả Thanh Long vưà đẹp mắt vừa ăn lạ miệng”. Bằng vào nhận xét đó ta có thể tin vào tương lai hội hoạ Việt Nam”

“ Cảm ơn Suối Hoa”


Nhà văn NHẬT TUẤN

(thực hiện 2011)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com