BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: La bàn nghề báo của tôi

LƯU ĐÌNH TRIỀU: La bàn nghề báo của tôi

325477672_577919497488031_3951821966861425149_n

Sau thời khắc giao thừa, nhiều nhà vẫn còn tập tục cử người chọn hướng tốt xuất hành, rồi quay về xông đất lấy may cả năm. Với các cơ quan, doanh nghiệp, việc chọn hướng cho năm mới lại rất thực tế là bàn thảo tính toán, vạch kế hoạch năm. Với những người làm báo thì sao nhỉ?
Viết báo luôn gắn với thời sự. Trong năm mới có việc gì, hiện tượng gì nổi bật, dư luận quan tâm thì sẽ bám vào “cày sâu cuốc bẩm”. Do vậy chỉ có thể định hướng theo vài vấn đề, sự kiện quan trọng còn lại thì vẫn chờ đợi điều gì sẽ xảy ra. Có chăng là cần một định hướng chung khái quát, năm này qua năm khác, cần thì cập nhật theo dòng thời sự. Tôi thích gọi định hướng chung đó bằng cái tên La bàn nghề báo.
Nhớ gần 5 năm ở Lớp đại học báo chí khóa 3 Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), chúng tôi được học rất kỹ phần lý luận. Trong đó nhiều thầy cô đã nhắc đi nhắc lại lời dạy của nhà báo Hồ Chí Minh: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Tôi rất tâm đắc với lời dạy này qua cách khái quát, ngắn gọn: Ai? – Người đọc. Làm gì ? – Đáp ứng thông tin. Viết như thế nào? – Súc tích, dễ hiểu. Thế nhưng, những lần đi thực tập, thực tế viết tin bài  sau đó, ngẫm lại, tôi chỉ nặng phần lo toan viết như thế nào. Theo đúng lời dạy khi lên lớp, viết xong, tôi thường đọc lại bản thảo đôi ba lần. Đọc lại tôi chẳng chú tâm nhiều đến chuyện nội dung bài viết có đáp ứng được nhu cầu của người đọc chăng mà chỉ lo chỉnh sửa câu chữ sao cho mượt mà, truyền cảm.
Ra trường, chính thức làm phóng viên, tôi được các anh chị đi trước khuyên bảo, kềm cặp, góp ý cụ thể khi viết. Nhờ vậy lời dạy của nhà báo Hồ Chí Minh ngày càng mở ra trong tôi. Đi vào từng lĩnh vực, vấn đề, sự kiện cụ thể, Ai cho mỗi bài viết không chỉ hướng tới công chúng một cách chung chung, mà tôi phải xác định rõ người đọc. Xác định ta đang viết cho Ai, là đã có định hướng trả lời hai câu hỏi tiếp: viết để làm gì, viết như thế nào. Chẳng hạn những người lao động nghèo khó hẳn không phải là Ai cho những bài viết về thị trường chứng khoán. Còn làm gì thì sự đáp ứng, chia sẽ thông tin không chỉ dừng ở chỗ để biết. Mỗi bài viết đều có cái đích của nó. Đó có thể là nhằm tác động cổ vũ cái mới, hướng tới sự tốt đẹp hoặc phản bác cái xấu, cái tiêu cực...
Những năm đầu làm phóng viên, tôi hay viết nhân vật người tốt việc tốt. Âu cũng là chia sẻ cái cảm xúc của mình với bạn đọc trước một con người, một hành vi sống đẹp. Theo thời gian, hai yêu cầu Viết cho ai? Viết để làm gi? đã thấm đậm vào chuyện tác nghiệp. Đỉnh điểm của việc nhận thức này, với tôi là chuyến đi 20 ngày ra Trường Sa ngay trong mùa giông bão 1994.
Trước khi xuống tàu tiếp tế ra đảo, tôi quay quắt suy nghĩ viết để làm gì? Nhiều người ở Thành phố đã nghe nói về Trường Sa, pháo đài canh gác từ hướng biển, cách Cam Ranh gần 500 km. Nhưng về cuộc sống, chiến đấu của người lính trên đảo thì quá ít thông tin đề cập. Chính vì thế, những ngày đêm trên đảo, tôi nỗ lực tìm hiểu nắm bắt thưc tế, ghi nhận những chi tiết sinh động chứng minh cho nhịp sống gian khó nơi Trường Sa. Như chuyện bữa ăn mùa giông bão, chỉ 1 chén nước mắm pha từ các viên mắm cô cùng dĩa thịt hộp nát nhừ và tô canh lèo tèo vài cọng rau muống. Vào mùa khô, mỗi người lính chỉ có thể tắm một lần/ tuần vì tiêu chuẩn chỉ có 8 đến-10 lít nước/ngày. Rồi chuyện lính cố xin bằng được quần áo của các nữ văn công ra đảo biểu diễn, để chia nhau ấp ủ trong hòm xiểng hay đặt dưới gối, để giữ lấy một mùi hương.Vì mẹ, vợ, người yêu ...đều mù mịt nơi xa và trên đảo chỉ đàn ông cùng đàn ông. Còn trong đêm tối, người lính đứng gác, phải phát hiện được tiếng lạo xạo của vích bò vào đảo, nếu không sẽ bị phạt, vì vích lọt được thì người cũng có thể lọt...
Cũng từ những gì mắt thấy tai nghe trên đảo, tôi bổ sung thêm câu trả lời cho viết để làm gì? Đó là viết sao cho đảo và bờ bớt cách xa…. Ước muốn của tôi đã thành sự thật. Sau loạt bài về Trường Sa – quần đảo bão tố, nhiều bạn trẻ ở các trường, nhiều đoàn viên thanh niên ở các Câu lạc bộ, quận huyện đoàn đã có nhiều hoạt động hướng về Trường Sa. Các bạn tổ chức xem phim tư liệu về Trường Sa, viết thư cho lính, đóng góp những thùng quà gửi các anh.v.v..
Sau này, tại những lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, tôi cũng thường hay trao đổi với các đồng nghiệp trẻ về lời dạy Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Ngay trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, theo tôi cái La bàn định hướng trên vẫn còn sức sống. Điều quan trọng là vận dụng và thể hiện nó sao cho phù hợp ở thời nay. Nhớ trong lúc trao đổi sau bài giảng tại một Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí nâng cao của Hội nhà báo TPHCM, chúng tôi đã có sự đối chiếu, nhấn mạnh về việc sử dụng La bàn này. Có học viên cho rằng hiện nay, các tờ báo, đặc biệt là báo điện tử rất chú ý đến những xu hướng, vấn đề được độc giả ưa thích như chuyện vụ án, tình-tiền, vật giá. Một phóng viên báo điện tử lại có bổ sung lạ cho chuyện làm gì, đó là để... kiếm view. Vì view cao thì được tăng nhuận bút. Còn theo nhận định của một bạn nữ, trong thời 4.0, Viết như thế nào lại là điều quan trọng.
Đặc biệt ở cái tít, càng độc đáo, lạ, truyền cảm, hấp dẫn thì càng thu hút người đọc chọn tin, bài đó để xem. Đã xuất hiện ngày càng nhiều những cái tít thái quá, dùng câu chữ giật gân, thâm chí cả dung tục “phá hoại” sự trong sáng của tiếng Việt như Xác cô gái lõa thể trong bao tải: Bông hồng ma quỷ trên vai”, “3 người mẫu “gây bão” vì làm chuyện kỳ cục trong ô tô”, Ghen tuông, vợ dùng dao cắt “của quý” của chồng ném xuống kênh... Lớp học nhao nhao, những ý kiến trái ngược nhau: “Tít ghê quá, rẻ tiền quá; Tít vậy mới dễ thu hút bạn đọc, dễ bán báo chứ” v.v… Chúng tôi chốt lại: Tít tựa là cửa vào của bài báo. Tít hay và lạ sẽ cuốn hút độc giả. Nhưng không vì lẽ đó mà áp dụng các cách “giật tít” câu khách rẻ tiền.
Mới đây tôi ngồi điểm lại tít của một số báo Xuân 2022. Vẫn có những tựa bài nghiêm túc, hơi công thức, khá khô khan: Gặp gỡ ngày đầu xuân: Các điển hình trong lao động sáng tạo; Thích ứng an toàn, linh hoạt, tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép… Đồng thời cũng có nhiều tít sinh động, dễ gây chú ý với người đọc: Khi 'ông lớn' bắt tay làm nông nghiệp công nghệ cao ; Điện ảnh Việt bùng nổ trong năm Hổ?; Người Việt sẽ.... già trước khi giàu…
Vâng, từ lâu báo Xuân thường là số báo đặc biệt, vừa có bài đúc kết thực tiễn ở một vài lĩnh vực, vừa có bài dự báo cho vấn đề phát triển trong năm mới và không thể thiếu những bài viết “dạt dào xuân” tươi vui. Tùy theo loại bài mà sẽ có những tít tựa phù hợp. Nhưng dù loại bài thế nào chăng nữa, tôi vẫn mong tác giả sẽ không quên định hướng trước khi viết như lời dạy của nhà báo Hồ Chí Minh. Muốn thế, theo tôi người viết phải ngồi vào ghế người đọc, để hiểu hơn họ mong đợi gì từ bài viết. Đặc biệt là viết như thế nào để ngày Tết đến rồi đó mà người đọc vẫn lưu nhớ và thậm chí nhắc lại bài viết bên chén trà, ly rượu ngày Xuân.
L.Đ.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com