BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Cái cầu cũng còn cần cái cột

LÊ MINH QUỐC: Cái cầu cũng còn cần cái cột


cai-cau-cung-can-con-cai-cot

Ngẫm nghĩ mãi cũng cảm thấy khó có thể giải thích câu này. Câu gì? Cô Hai vừa hỏi đấy à? Nếu biết trả lời giúp thì tuyệt quá. Rằng, tự dưng trong đầu lại nhớ đến câu ca dao xao xuyến pha lẫn một chút gì đó bùi ngùi: “Còn duyên kẻ đón người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa một mình”. Thế nào là “hết duyên”? Là khi ấy người nữ không còn son trẻ? Đã tay bồng tay bế, đã xế bóng về chiều? Duyên này - Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích: “Vẻ đẹp, nét đẹp thầm kín, dễ ưa tạo nên sức hấp dẫn tự nhiên”; hay hiểu theo nghĩa: “Sự hài hòa về tình cảm của đôi lứa nên vợ nên chồng, do trời định trước”? Có phải kết hợp của hai nghĩa này, mới có thể hiểu rõ “hết duyên” chăng?

Rắc rối quá đi thôi. Thôi thì, chi bằng ta bàn qua từ “còn duyên” chăng? Đúng lắm. Vậy, một trong những biểu hiện của khoảng thời gian đó là gì? Là trao duyên tỏ tình, chứ còn gì nữa. Trao duyên có nhiều cách trao duyên. Cũng có thể là cách mượn giai điệu âm nhạc “thay lời muốn nói”. Dám nói rằng, nghệ thuật ấy nếu nhìn từ ca dao, có những câu khi đọc bằng mắt, ta thấy bình thường nhưng rồi, một khi được thăng hoa từ giai điệu lại khác hẳn. Khác ở đây, không chỉ do sự hỗ trợ của âm nhạc, mà điều đáng nói là nhờ sự luyến láy khiến người nghe cảm nhận nội dung rõ nét hơn, sinh động hơn. Tài năng của người nhạc sĩ còn thể hiện ở đó, bởi vì rằng, dù là một nội dung nhưng do cảm nhận khác nhau nên dẫn đến sự luyến láy cũng khác nhau. Thí dụ:

Yêu nhau cởi áo cho nhau

Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay

Và ta còn biết thêm, không chỉ cởi áo mà còn có cả cởi nhẫn, cởi nón. Với văn bản đọc bằng mắt, ta dễ dàng nhận ra cách nói này thẳng thừng, “có sao nói dzậy người ơi”, nói huỵch toẹt, thẳng thừng, rõ ràng, mạch lạc. Nếu quả thật như thế, cô gái này đánh đòn lắm, vì dám nói những điều “cấm kỵ” như “cởi áo” mà chẳng hề sượng sùng, ngượng ngùng gì cả mà lại nói với cha với mẹ nữa chứ. Nói năng sỗ sàng như thế, thử hỏi, đây có phải là cô gái đoan trang dậy thì mới lớn hay đã ít nhiều có kinh nghiệm “tình trường”?

Không, tôi tin bất kỳ ai cũng nghĩ đây là câu nói thật thà, tuy có một chút “láu cá” là đổ lỗi tại “qua cầu gió bay”, tình huống này và “cởi nón” còn có thể chấp nhận, chứ “cởi nhẫn” thì không thể vì lý do nêu trên. Sự giấu đầu hở đuôi này cho thấy cô gái trong câu dao còn ngây thơ lắm. Do đó, cách thưa chuyện của cô với cha mẹ (hoặc tâm tình với người yêu) phải khác, chứ không thể sỗ sàng như vừa nêu trên. Chỉ có thể là sự ấp a ấp úng kéo dài nhằm thể hiện rụt rè, e dè, sợ sệt trước khi đổ lỗi cho vì/ tại/ bởi…

Do hiểu như thế, nên khi hát lên/ ký âm bài dân ca này đã có dị biệt ở chỗ luyến láy tùy theo cảm nhận của người nhạc sĩ. Đến nay, ít nhất có 2 văn bản về bài dân ca Qua cầu gió bay nhưng ta lại thấy luyến láy khác nhau: “Yêu nhau cởi áo ới a cho nhau/ Về nhà dối rằng cha dối mẹ ơ ơ ơ này a ối a qua cầu này a ối a qua cầu, tình tình tình gió bay, tình tình tình gió bay” (Dân ca Việt Nam - NXB Văn Hóa - 1978); với nhạc sĩ Phạm Duy lại là: “Yêu nhau cởi áo ối a cho nhau/ Về nhà dối rằng cha dối mẹ a à a á a… Rằng a ối a qua cầu. Rằng a ối a qua cầu. Tình tình tình gió… bay. Tình tình tình gió… bay” (Tuyển tập dân ca Việt Nam và quốc tế - 1966).

Sự luyến láy ơ a ối a, tình tình tình gió… ngân vang, kéo dài là thể hiện nội dung bối rối của tâm trạng cô gái khiến người nghe cảm tình cho sự nói dối ấp a ấp úng ấy. Trong khi đó ở văn bản đọc bằng mắt, ta không thể nhận ra rõ ràng như nghe qua giọng hát. Âu đây cũng là một trong những thế mạnh của âm nhạc, khi người nhạc sĩ sử dụng thủ pháp luyến láy để rồi cùng văn bản nhưng người tiếp nhận có nhiều lối cảm nhận khác nhau và thấu rõ nội dung hơn. Đúng không? Đúng lắm ạ. À, này cô Hai, bỗng dưng lúc này, tôi lại nhớ đến ông Hàn Mặc Tử lúc rơi vào tâm trạng: “Ấp úng không ra được nửa lời/ Tình thu bi thiết lắm thu ơi”. Lúc ấy, phải chi nỗi niềm tâm sự ấp úng ấy được hát lên thành lời, có phải thi sĩ Đau thương sẽ thổ lộ dễ dàng hơn chăng?

Nếu cô gái trong bài dân ca lúc qua cầu cực kỳ thong dong duyên dáng, trao duyên gửi tình dịu vợi bay bướm thì trường hợp này lại khác hẳn, dù cũng đi qua cầu: “Chú bán dầu qua cầu mà té”. Té cái oạch, chưa kịp đúng lên, Đã thế, trong hoạt cảnh đó, còn rộn lên âm thanh chọc quê nữa chứ: “Con le le đánh trống thổi kèn/ Con bìm bịp thổi tò tí te, tò te”. Nhộn quá. Rôm rã quá. Nghe lại bài đồng dao Bắc kim thang, vui tai há cô Hai mình ơi, vậy, ta song ca lần nữa nhá?  “Bắc kim thang cà lang bí rợ/ Cột qua kèo là kèo qua cột…”. Ủa, ủa, sao cô Hai lại cười nắc nẻ thế kia, vì nghe nhắc đến từ cột chăng? Nếu thế, Ai cũng thừa biết cái cột là “Trụ cao bằng cây, tre, gạch xây, xi măng cốt sắt để chống đỡ cái sườn nhà hoặc để máng, treo vật gì”, Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức giải thích. Cột đóng vai trò như câu ca dao phản ánh:

Có cây mới có dây leo

Có cột có kèo mới có đòn tay 

Thông thường, một cái nhà có bề thế, hoành tráng, vững chãi hay không, trước hết, phải quan sát từ cột nhà, có anh chàng nọ nói rằng:

Nhà anh cột sắt kèo đồng

Nhà em cột sậy chạm rồng tứ linh

Chạm rồng từ linh là long, lân, quy, phụng dành cho cung vàng điện ngọc chứ nào phải đùa, khen thế là nhất nhưng nhìn kỹ lại kìa, “cột sậy” thì chạm vào đâu? Tiếng cười của người Việt, đôi lúc cứ nói như giỡn chơi mà ngoài mặt cứ tỉnh bơ, tỉnh rụi như không. Bình luận thế này, biết đâu có người không ưng ý bèn bảo: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Ừ, dựa cột đặng lắng nghe điều gì mà mình chưa thấu đáo cũng là lẽ thường tình. Thế nhưng nghe câu này ắt nổi đóa ngay: “Sống thế à? Làm thế à? Có ngày dựa cột là cái chắc”. Dựa cột trong ngữ cảnh này lại là ra pháp trường, kết thúc cuộc đời.

Cột có nhiều loại, có câu cửa miệng: “Khôn làm cột cái, dại làm cột con”. Từ cái và con đã cho biết loại cột to nhất và loại cột bé hơn, nhỏ hơn. Thế thì, cái có nghĩa là to, lớn, chính, quan trọng nhất. “Em về nuôi cái cùng con/ Anh đi trẩy hội nước non Cao Bằng”, người chồng dặn dò vợ quay về nhà lo chăm sóc, nuôi dạy các con của mình? Có thể lắm, chẳng hạn ta thường nghe câu hỏi như: “Dạo này, con cái bạn học hành thế nào?” là hiểu theo nghĩa này. Nghe cũng hợp lý nhưng thật ra, “cái” trong câu ca dao trên  lại có nghĩa là mẹ - một từ Việt cổ mà dấu vết vẫn còn trong lời ăn tiếng nói “Con dại cái mang”. Người chồng dặn vợ không những lo cho con thơ mà còn phải nuôi nấng mẹ già nữa, hiểu như vậy, mới thấy nhiệm vụ của người vợ nặng nề xiết bao.

Từ cái có nhiều nghĩa nhưng một khi nói đến cái gì to lớn hơn vật cùng loại, cốt thiết hơn, người ta dùng từ cái như sông cái, rễ cái, cột cái… Xét trong chừng mực nào đó, ta thấy cả cũng đóng vai trò như cái, chứ gì? Nói như thế vì cả cũng có nghĩa như cái: “To, lớn: Nước cả, ruộng cả; Lớn hơn, trọng hơn: Kẻ cả, kẻ cả, con cả, ”, Việt Nam tự điển (1931) giải thích. Người Việt có các câu liên quan tới từ cả như: “Ông cả nằm trên sập vàng, cả ăn cả mặc, lại càng cả lo/ Ông bếp nằm trong xó tro, ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm”. Rõ ràng, cả cũng có nghĩa như cái là to, lớn: “Cả thuyền to sóng”, “Cả tiếng dài hơi”, “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, “Chẳng tham ruộng cả ao liền/ Tham về cái bút cái nghiên anh đồ” v.v... Hiểu cả theo nghĩa như vừa nêu nhưng ta không thể đổi qua cái. Sự lắt léo của tiếng Việt còn là chỗ đó.

Đã thế, dù cùng chỉ vị trí đứng đầu trong gia đình, dòng tộc, ta có các từ như ông cả, bác cả, con cả, anh cả… nhưng trong Nam lại dùng từ “Hai”, thí dụ người con trai trưởng trong nhà lại gọi “anh Hai”, chứ không gọi “anh cả”. Với cách gọi này, ta thấy tính theo số thứ tự đã có sự khác nhau. Khi đọc hồi ký của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, ta biết lúc ông thi đậu: “Người mừng nhất là bác Ba tôi - cụ Phương Sơn ở Long Xuyên”, ta xem gia phả của ông thì biết “bác Ba” là người sinh thứ 3, chứ không phải người thứ 4 như cách tính, cách nói trong Nam. Tại sao lại bắt đầu Hai, chứ không phải cả? Đến nay vẫn chưa ai có thể giải thích rõ ràng và thuyết phục, cũng như tại sao lại gọi “anh Hai Nam Bộ”, “cô Ba Sài Gòn”, “bỏ đi Tám”, “hết sẩy con bà Bảy, “ăn khín bà Chín bẻ răng” v.v…?

Với cách sử dụng từ cả, ta có thể đoán biết câu này ra đời từ cách nói của người miền Bắc: “Vợ cả vợ hai cả hai đều là vợ cả”. Cả/ vợ cả, ta hiểu là vợ lớn, vợ hai lại là vợ bé. Vậy, câu này thì người Nam cũng hiểu là: “Vợ lớn, vợ bé, lớn bé cũng đều vợ lớn”. Với từ cả/ vợ cả ở cuối câu “… đều là vợ cả” thì cả trong ngữ cảnh này là “Bao trùm lên hết, không sót, không khuyết” Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích, là hàm ý nhấn mạnh, khẳng định một cách chắc chắn. Vậy, vợ cả lẫn vợ hai đều là vợ, chứ không phân biệt vợ cả, vợ hai. Thế nhưng cũng có thể hiểu, cả hai vợ này cũng được xếp ở vị trí vợ cả. Trong khi đó, với câu “…cũng đều vợ lớn”, ta chỉ có thể hiểu theo một nghĩa là cả vợ lớn lẫn vợ bé đều là vợ lớn, không phân biệt vợ lớn, vợ bé. Rõ ràng, trong hai câu cùng nghĩa này, từ cả đóng vai trò đa dạng hơn.

Mà, cả không chỉ có thế. Chẳng hạn, ta hãy xét câu nói này: “Mua món X đó, bạn mặc cả thế nào rồi?” hoặc: “Bạn mua món X đó, giá cả ra sao?”. Có lẽ ai cũng hiểu “mặc cả” là trả giá bớt xuống cho rẻ hơn, tỷ dụ như lúc Thúy Kiều bán mình chuộc cha, bọn buôn người: “Cò kè bớt một thêm hai” là chúng đang mặc cả, cuối cùng đôi bên “chốt hạ”: “Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”. Ngã giá là được giá, thỏa thuận về giá mà người mua lẫn kẻ bán đều đồng thuận; còn giá cả là giá mua bán cao thấp của hàng hóa nói chung.

Vậy, cả trong mặc cả, giá cả nghĩa là gì?

Nếu tra cứu nhiều từ điển hiện nay ắt ta không rõ nghĩa, sẽ ngắc ngứ. May thay, Từ điển Việt-Pháp-Hoa (1937) của Gustave Hue, Từ điển Việt - Pháp của J.F.M Génibrel (1808) cho biết cả còn có nghĩa là prix (giá), valeur: Giá trị (của cái gì), có các từ liên quan đến cả như đóng cả, giữ cả, giá cả. Như vậy, cả trong mặc cả là trả giá. Thế nhưng thời trước, người ta không nói “mặc cả”, chỉ nói “mà cả”, dấu vết này, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) ghi nhận: “Mà cả: Đánh giá, trả giá: Mua mà cả, trả thêm bớt”. Không chỉ trong Nam, ngoài Bắc cũng vậy: “Mà cả: Châm chước thêm bớt để định giá: Bán giá nhất định không mà cả”, Việt Nam từ điển (1931). Từ vài trường hợp vừa nêu, ta thấy có những từ đôi vốn đồng nghĩa, nhưng dần dà đời sau lại quên nghĩa của từ sau, thí dụ chùa chiền, chợ búa, heo cúi, chó má, gà qué…

Thú vị tiếng Việt nhà mình quá, phải không cô Hai? Mà, phải đã “nói đi thì cũng phải nói lại”. Nói lại một cách khiêm tốn rằng, cách dẫn chuyện của tôi đây cũng thú vị, có duyên quá đi chứ? Ai đời, “mở bài” là cầu: “Qua cầu gió bay”; vào “thân bài” là cái, cả, cột: “Cột qua kèo là kèo qua cột” - rồi “kết luận”còn tự khen lấy mình bằng tứ tuyệt toàn âm “cờ” rằng, thì, mà, là: 

Cứng cựa cười cợt cùng cắc cớ

Cắm cọc cột cái có cả cầu

Cái cầu cũng còn cần cái cột

Cứng cáp cao cao cột cả cầu…

Há chẳng phải bút lực ấy vẫn còn duyên đấy chứ? Tất nhiên.

L.M.Q

(nguồn:Báo ANTG giữa tháng - số 171 tháng 4.2022)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com