BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Một chắc ta lại với mình

LÊ MINH QUỐC: Một chắc ta lại với mình

  

motchactalaivoiminh-antg

 

Từng nghe kể chuyện “Già chơi trống bỏi”, vui thôi, cam đoan không bịa và cũng không “đụng hàng”.

 

Rằng, ngày nọ có ông lão đã già khú đế, sau khi con cháu tranh giành tài sản, bán sạch ruộng vườn và cho ít tiền dưỡng già. Số tiền ấy nhiều thì nhiều đấy nhưng chẳng thiết gì khi lão đã gần đất xa trời. Biết lão rủng rẻng có xu, túi đầy xèng, mấy tay trai trẻ hư hỏng bèn láu cá dụ khị, dẫn lão lên thị thành “uống bia gác tay”, tức là có chanh cốm chíp hoi cận kề vuốt vuốt ve ve, vỗ về mơn trớn, nếu say quá cứ việc ngã nghiêng, ngã ngớn vào lòng người đẹp. Sờ soạng à? Cứ việc. Không, xoàng lắm. Trần tục lắm. Phải đàn ca hát xướng, thơ tửu giao duyên mới xứng đôi tài tử giai nhân, thí dụ cô em cất tiếng:

Thiếp hỏi chàng, trong một trăm thứ dầu, dầu chi là dầu không thắp?

 

Một nghìn thứ bắp, bắp chi là bắp không rang?

 

Một vạn thứ than, than chi là than không quạt?

 

Một triệu thứ bạc, bạc chi là bạc không tiêu?

 

Trai nam nhi, chàng nói được, tấm lụa điều thiếp xin trao

 

Hay quá, da diết quá, chẳng lẽ chỉ ngóng cổ cò mà nghe, rồi tắc tị, lúng ba lúng búng như ngậm hột thị? Không, dù gì mình cũng… đáng tuổi cha tuổi chú chúng nó, lẽ nào ngậm tăm? Chỉ xệ mặt. Thôi thì, dù say mềm nhưng lão cũng gân cổ lên mà rằng:

 

Nàng hỏi thì chàng cũng thưa, trong một trăm thứ dầu, mưa gió giãi dầu là dầu không thắp

 

Một nghìn thứ bắp, bắp mồm bắp mép là bắp không rang

 

Một vạn thứ than, than thở thở than là than không quạt

 

Một triệu thứ bạc, bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu

 

Trai nam nhi chàng đây đã nói được, tấm lụa điều trao ngay 

 

Tri kỷ thiệt. Tri âm thiệt. Cần gì tấm lụa điều/ lụa đào, thiếp trao luôn tấm thân cho chàng đây nè. Vì rằng, theo “đúng quy trình” đã A ắt tới Z. Chơi trống bỏi à? Thiếp có trống thì chàng có dùi. Những tưởng lúc ấy, lão sẽ hùng dũng hiên ngang vác dùi ra như tướng quân phất cờ xông trận, những muốn thắng một trận lẫm liệt oai phong nhưng hỡi ôi, nào ngờ vào phút 89 ấy mới hay dùi đã nhũn, đã mềm chỉ nằm xụi lơ, đã ngay đơ cán cuốc. Vậy phải làm sao? Thì phải như thế này, hễ mắng dứt câu: “Hư nè”, lão lại vung tay đánh cái bốp vào dùi: “Lúc mày đòi, tao không có. Hư nè! Lúc tao có, mày lại không đòi. Hư nè!”. Ối dào, dùi đã nhũn cứ nhũn, đúng là thứ “của nợ”. Chẳng nên cơm cháo, trò trống gì sất. Bực quá, lão bèn ôm mặt khóc hu hu tức tưởi. Tình huống éo le bi hài này, nói cách khác chính là “trên bảo dưới không nghe”.

 

Này, bạn mình ơi, nói nhỏ nghe chơi, lúc ấy lão ta ước ao gì nhỉ? Ước rằng, phải chi được như cái thời còn xuân xanh tung tăng tung tẩy, “mười bảy bẻ gẫy sừng trâu” thì đâu đến nỗi phải dở khóc dở cười. Ấy thế, đời không như là mơ. Mà thôi, chuyện ai nấy lo. Đèn nhà ai nấy sáng. Cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh. Mình lái sang chuyện chữ nghĩa cho thiện lành, thí dụ một khi cái dùi đã nhũn, đã mềm bất kỳ ai rơi vào tình huống cà lăm, cà rịch cà tang này cũng nghĩ đến một hai từ khác. Đố bạn mình, đó là từ gì? Dễ ẹt, ta hãy đọc lại bài thơ của Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương:

 

Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

 

Bảy nổi ba chìm với nước non.

 

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,

 

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

 

Tìm thấy chửa? Rồi à. Có điều từ “rắn nát” lại không có trong tự điển, suy ra phải là “rắn, nát”. “Dầu tay kẻ nặn” ấy, có nắn rắn lại hoặc nát/ rời rạc ra đi nữa thì em vẫn “giữ tấm lòng son”, không mảy may thay đổi. Vậy, rắn trái nghĩa với nát. Khảo sát Việt Nam tự điển (1931) ta không thấy rắn hiểu theo nghĩa này, đơn giản, thời đó, phát âm của người miền Bắc còn lẫn lộn R và D: “Dắn: Cứng, trái với nát: Đất dắn trồng cây ngẳng nghiu”. Thử hỏi,  đang nhũn đó, đang mền nhũn/ mềm lũn/ mềm lụn/ mền rũn, mềm rục, mềm rủm, mềm xàu/ mềm xụm, mềm xủm, mềm oặt èo, mềm quặt quẹo đó, ai lại không nghĩ đến rắn/ cứng? Nếu được thế, chỉ cần vung một dùi một phát là thủng trống như chơi. Thích lắm. Oanh liệt lắm.

 

Tùy ngữ cảnh, trái nghĩa với cứng còn là mềm, thí dụ, “Chân cứng đá mềm”, “Thi ra mới biết béo gầy/ Đến khi gió cả biết cây cứng mềm”. Lại có lúc mềm cũng trái nghĩa với rắn: “Mềm nắn rắn buông”. Mà rắn lại đồng âm với rắn, một trong những món khoái khẩu của đệ tử Chí Phèo bét nhè rượu chè lè nhè bia bọt.

 

Dù hiểu là cứng/ rắn nhưng có lúc, nếu cần thì người ta lại dùng từ chắc. Chắc có nhiều cấp độ khác nhau như chắc nịch, chắc nụi/ chắc nùi nụi, chắc cụi, chắc mẻm/ chắc mẩm, chắc hẳn, chắc khừ, chắc cú, chắc cứng… Và có sự so sánh thế nào? Ta hãy liệt kê cho thêm vui thêm nhộn, rằng: “Chắc như cua gạch”, “Chắc như bắt cua bỏ giỏ”, “Chắc như gạch”, “Chắc như đinh đóng cột”, “Chắc như nêm”, “Chắc như gạo bỏ hũ”… Đôi khi cũng là chắc nhưng lại có cách nói mỉa như “Chắc như đinh đóng gỗ tạp”, “Chắc như tên bắn đụn rạ”, “Chắc như cơm nắm”… tức không chắc. Mà, chắc tùy ngữ cảnh còn có từ trái nghĩa là lép:

 

Vịt chê lúa lép không ăn

 

Chuột chê nhà trống ra nằm bụi tre

 

Lép là rỗng ruột, không có gì trong ruột, nếu có cũng ít ỏi, không chắc; ngược với chắc là mẩy, không lép, có nhiều nạc bên trong. Thế nhưng “chắc lép” còn là từ dùng để sự tính toán hơn thiệt, so đo quá thể trong quan hệ với người khác. Tính thì tính thế nhưng oái ăm thiệt vì có lúc “Chắc quá hóa lép”, “Chắc lắm lép nhiều”, chẳng khác gì “Tính già hóa non”. Ngoài hàm nghĩa này, chắc lép lại tỏ ý ngờ vực, không tin là do lẫn lộn vừa chắc, vừa lép, không ra hẳn bề nào: “Việc chắc lép quá, biết đâu mà tin” (Việt Nam tự điển, 1970).

 

Ừ, lép trái nghĩa với chắc nhưng còn tùy trường hợp nữa, tỷ như một người hỏi: “Bữa ăn hôm nay, bạn đãi đằng món cua à? Ngon quá, cua có chắc không?”. Có phải do còn nghi ngờ nên mới hỏi lại cho chắc ăn, chắc chắn? Không, cua chắc là cua mập, người ta bắt lúc tối trời nên nhiều thịt, nặng con, cắn một phát ngập cả chân răng, sướng mê tơi, chứ không lép. Ủa, dùng từ lép à? Không đâu, phải dùng từ óp, dù ai cũng hiểu óp là lép, không chắc. Cua óp là cua mà thịt đã ít lại mềm, nhiều nước, ăn không ngon, khác một trời một vực với cua chắc. Rõ ràng, tùy theo sự vật, với từ chắc có những từ trái nghĩa khác nhau, xin nêu thêm thí dụ nữa như gỗ xốp, đất xốp chẳng hạn.

 

À, nói thế nghe chắc cú. Bạn khen đấy à? Xin cảm ơn, còn nếu chưa ưng ý lắm, cứ góp ý bổ sung thêm, đang trò chuyện thân mật về chữ nghĩa thì đố ai có thể giải thích đầy đủ, chỉn chu, đâu ra đó đạt đến tầm cỡ “chuẩn cơm mẹ nấu”. Nếu có thêm ý kiến tranh luận ắt vui. Ắt nhộn. Nghĩ thế, bèn mạnh dạn rủ rỉ thầm thỉ mà rằng:

 

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông

 

Con bế, con bồng, con dắt, con mang

 

Bò đen húc lộn bò vàng

 

Hai con húc chắc đâm quàng xuống sông

 

Thằng bé đi về bảo ông:

 

Bò đen ta đã xuống sông mất rồi

 

Này bạn mình ơi, đọc lại lần nữa đi, cuối câu: “Hai con húc chắc đâm quàng xuống sông”, ta ngờ ngợ chắc thiếu dấu hỏi (?) để trở thành câu nghi vấn? Hoặc là thiếu dấu chấm than (!) để trở thành câu khẳng định? Vậy, phải hiểu theo nghĩa nào mới đúng? Với từ chắc tùy ngữ cảnh, ta còn hiểu là nhằm chỉ sự vững vàng, cứng cáp hoặc sẽ diễn ra đúng y bong, y chóc có thể tin được, chắc chắn không trật chút tẹo tèo teo... Thế nhưng, tiếng Việt thiệt cắc cớ khi từ chắc xuất hiện lù lù ra đó lại chỉ điều gì đó… chưa chắc, vẫn còn đang nghi vấn, hồ nghi kiểu như cách nói: “Đúng dịp Tết này, bông mai nhà mình chắc nở” - đây là câu nghi vấn (vậy mà, đảo ngược thành “nở chắc” lại là câu khẳng định); hoặc Truyện Kiều có câu: Nữa khi muôn một thế nào/ Buôn hùm bán sói chắc gì lưng đâu”. Chắc gì ở đây là chưa chắc đã có chỗ dựa/ chỗ tựa lưng đáng tin cậy như “chung lưng đấu cật”, đừng có mơ. Lại còn: “Chắc đâu đã hẳn hơn đâu/ Cầu tre vững nhịp hơn cầu thượng gia”.

 

Chắc còn đi chung với nhiều từ khác để tạo ra hàm lượng thông tin khác. Với nhiều người khi ngồi trước tô phở lại nhớ đến câu: “Điểm tâm phở, ngon ơ và chắc dạ” (Tú Mỡ). Chắc dạ là no bụng, no lâu, còn có câu: “Ăn lấy chắc, mặc lấy bền” là vậy; nhưng nếu trong hoàn cảnh nào đó như có người tâm sự: “Vừa rồi nhận được tin, tôi chắc dạ”, chắc dạ lại là chắc lòng, vững lòng, không còn phải lo lắng đăm chiêu, suy nghĩ lăn tăn gì nữa.Anh thương em chắc dạ bền lòng/ Lỡ duyên chịu lỡ, đóng cửa phòng đợi anh”, chắc dạ này là hiểu theo nghĩa thủy chung, không đứng núi này trông núi nọ, vẫn bền lòng chờ đợi dù va phải sóng gió.

 

Trở lại với câu ca dao: “Hai con húc chắc đâm quàng xuống sông” thì chắc này nghĩa thế nào? Xin thưa, “húc chắc” đơn giản chỉ là… húc nhau. Chắc nghĩa là nhau, ta có thể tra cứu thêm Từ điển tiếng Nghệ (NXB Nghệ An - 1998, tr. 57) có ghi nhận: cãi chắc, vật chắc. Hoặc ở Quảng Bình, có câu ca dao: “Thương chắc theo chắc một đời/ Đầu non cũng tới cuối trời cũng đi”. Thế thì, một khi đọc bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên từng đưa vào sách giáo khoa có câu: Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni/ Dân chúng cầm tay lắc lắc:/ “Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc”. Câu cuối, ta hiểu: “Độc lập nhớ rẽ về chơi với nhau”.

 

Ngoài ra, chắc còn hiểu theo nghĩa nào khác mà nay đã mất dấu vết?

 

Theo nhà văn hóa Phan Khôi, “Chữ chắc chỉ về số một như trong câu nói: Tôi đi có một chắc, và trong những câu tục (ngữ): “Muốn cho chắc, giắt cho người” (cũng có câu nói: Muốn cho mình, rinh cho người); “Số chẳng giàu dám đâu tay chắc”. Những chữ chắc ấy nghĩa cũng như chữ mình” (Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1917-1924, NXB Tri Thức - 2019, tr.248). Khi biên soạn Đại Nam quấc âm tự vị (1895), Huình Tịnh Paulus Của ở xa tít trong Nam còn ghi nhận thêm câu: “Muốn cho chắc, đắt cho người” và cũng giải thích: “Muốn cho được việc mình, phải bào chuốt cho kẻ khác”. Ở miền Trung cũng có câu na ná: “Muốn cho chắc mà nhắc cho người”. Chứng tỏ, bấy giờ chắc hiểu theo nghĩa mình/ riêng mình đã là từ toàn dân. Thú vị là thi sĩ Hàn Mặc Tử mãi đến thập niên 1930 còn đưa từ chắc theo nghĩa này vào bài thơ tặng Trọng Quỳ - một người sau này trở thành nhà từ điển nổi tiếng Thanh Nghị:

 

Một chắc ta lại với mình

 

Có ai vô đó mà mình hổ ngươi

 

Ơ hay, câu thơ này, hay cha chả là hay, thiệt thần sầu quỷ khốc. Ủa, ủa cơn cớ gì mà bạn mình đột ngột hào hứng hét toáng lên thế? Thì đó, ta hãy trở lại với cái vụ ông lão cầm cái dùi đã nhũn ra đánh trống, nghĩ rằng, lúc bẽ bàng ấy, tréo ngoe ấy, mất mặt bầu cua ấy, tẽn tò ấy, lão ta bèn tự an ủi bằng cách vận dụng câu thơ: “Có ai vô đó mà mình hổ ngươi” chăng? Chỉ có chàng với thiếp, chỉ có dùi với trống, nào có ai biết đâu mà mắc cỡ, hổ thẹn, xấu hổ. Tóm lại là gì? “Già chơi trống bỏi” có lúc sụp hố gà dễ như bỡn, nói như dân mê cải lương ở Nam Bộ là “bể dĩa” trên sân khấu. Lão ấy may quá, lúc ấy trong phòng the, chứ diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, đủ đầy bá quan văn võ thì chẳng lẽ lấy mo cau che mặt?

 

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG cuối tháng - số 239 tháng 7.2021)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com