BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Tiên sư anh đánh máy

LÊ MINH QUỐC: Tiên sư anh đánh máy

 

tinesuanhdang-may-anttg-1

Kết thúc truyện ngắn Đôi mắt, nhà văn Nam Cao hạ bút: “Tài thật, tài thật. Tiên sư anh Tào Tháo”. Thời buổi này, vai trò của anh Tào Tháo đã bị cạnh trạnh tranh khốc liệt, thậm chí có nguy cơ mờ nhạt trước nhân vật tài ba lỗi lạc vừa xuất hiện: “Tiên sư thằng đánh máy”. Tại làm sao dẫn đến sự tróe ngoe này, ta sẽ bàn sau, chỉ xin hỏi, từ bao giờ người Việt biết đến nghề này? Đánh máy ở đây là nói tắt của đánh máy chữ. Tôi có tìm thấy bài Thơ thày đánh máy chữ đăng trên Đông cổ tùng báo số ra ngày 28.3.1907. Có lẽ, đây là bài thơ đầu tiên viết về nghề này chăng?

Tích tắc, tích tắc, sớm lại trưa,

Máy chữ nay thày đánh như lưa.

Hai chục đồng lương thừa bảnh chọe,

Ở nhà u nó liệu muối dưa.

Xe máy, đồng hồ, giày với gậy,

Cơm tây, nhà séc thực say sưa.

Chữ nghĩa cần cho còn phải học,

Dăm tiếng Lang Sa tích tắc thừa.

Lưa là thừa ra, dư ra ý muốn nói đánh máy đã thông thạo, đâu ra đó, mười ngón tay như múa trên bàn phím chứ không còn tập tễnh “mổ cò”. Từ “lưa” này, ta còn gặp trong câu ca dao: “Cây đa bến cộ còn lưa/ Con đò đã thác năm xưa tê rồi”. Theo cụ Nguyễn Hiến Lê, về từ lưa: “Mấy nghĩa của bộ Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức: còn nữa, còn thừa, còn dư, đem áp dụng với câu kể trên: “Cây đa bến cộ còn lưa”, tôi e vẫn còn chưa ổn. Lưa còn có nghĩa là còn lại chăng?” (Tác phẩm đăng báo - Bên lề con chữ, NXB TH. TP.HCM - 2021, tr. 477).

Cụ Lê phân vân là có lý của cụ, hơn nữa vốn là nhà nghiên cứu cẩn trọng chữ nghĩa nhưng thiết nghĩ, trường hợp này lại thừa chăng? Vì rằng, với câu ca dao này, ta hiểu là nhấn mạnh, khẳng định cây đa bến cũ vẫn còn sờ sờ, rõ ràng ra đó nhưng con đò đã thác/ đã mất từ năm tể năm tê, năm xưa năm xửa - nhằm làm nổi bật hai vế trái ngược nhau. Hiểu ra, câu này cũng là tâm thế như câu thơ của Thôi Hộ mà cụ Nguyễn Du đã dịch: “Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” - tức cảnh cũ vẫn còn như xưa, còn đó nhưng người xưa đã vắng bóng. Xét ra cách nói của câu ca dao Việt Nam vẫn là thuộc hạng thượng thừa, dù không nhắc đến người nhưng lại có đấy, bởi con đò là cách nói ám chỉ về người lái đò, chèo đò đó thôi.

Trở lại với bài thơ trên, “nhà séc”, hiểu nôm na có liên quan đến nhà băng/ ngân hàng (banque), vì chèque cũng là từ vây mượn tiếng Lang Sa/ Pháp - ngân phiếu do chủ tài khoản viết cho người nào đó đến ngân hàng lãnh tiền. Thế thì, “nhà séc” là cách nói của người Việt thuở ấy.

Sực nhớ, ngay sau năm 1975 ngạc nhiên ghê, tại nhà tôi có cái máy đánh chữ từ thời tám hoánh, nói như cách nói của người Quảng Nam là “từ thời Bảo Đại còn cởi truồng tắm mưa”, tức đã có từ thời xa lắc xa lơ, vậy mà bấy giờ phải đăng ký với ủy ban nhân dân phường. Tức là nhà nào có máy đánh chữ thì phường biết tỏng, nếu không có giấy chứng nhận là sở hữu vật dụng trái quy định nhà nước. Sau đó, khoảng thập niên 1980, thời tôi vào đại học và cư ngụ tại Sài Gòn, mỗi lần đi ngang đường Lý Thái Tổ (Q.10) đã thấy nhiều nhà sống bằng nghề đánh máy chữ thuê. Rồi khi máy tính mới ra đời, họ chuyển sang nghề gõ bàn phím. Nay, đã khác. Đã đến cái thời, người ta có cảm giác gõ bàn phím lại cảm thấy dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng hơn viết tay gấp nhiều lần. Kể ra cũng thú vị, nếu được nhìn tuồng chữ viết tay của các nhà văn. Nét chữ nết người. Mỗi người mỗi nét. Không ai giống ai. Nó đem lại cho ta cảm giác khác, thân mật, gần gũi hơn nếu so với văn bản thực hiện bằng máy vi tính.

Qua bài thơ trên, ta thấy đánh máy là nghề nhàn nhã, thu nhập ổn định nhưng rồi gần đây phổ biến tình huống thiệt éo le: Có quan chức một khi nhắm mắt ký văn bản nào đó, không thèm đọc nội dung, do ký bừa nên “bút sa gà chết”. Thế nhưng, sau đó “gà” không chết vẫn cứ… gáy ó ò o là sao? Là cứ đổ béng cái lỗi sai sót đó bằng cách “trăm dâu đổ đầu tằm” là xong tất, là phủi sạch trách nhiệm lại còn kèm theo câu quát mắng rất oai vệ: “Tiên sư thằng đánh máy” - dù đánh máy hiện nay hoàn toàn khác trước tức gõ phím “nhập liệu” trên máy vi tính.

Trong trường hợp này, thân phận “thằng đánh máy” còn gọi là “bia đỡ đạn”. Bia này không liên quan gì đến bia hơi, bia chai, bia bọt lai rai - loại nước có độ cồn nhẹ nhưng uống nhiều có thể ngất ngư, say quắc cần câu; cũng không phải tấm bia là tấm đá lớn có khắc chữ; bia này đích thị là chỗ đích để người tập trung bắn vào đó, nghĩa bóng là người hứng chịu súng đạn, chết thay cho người khác. Cái văn bản gà mờ đó, lúc dư luận “ném đá” ào ào thì “thằng đánh máy” phải chường mặt ra chịu trận, phải làm bia đỡ đạn là vì nhiệm vụ chung, vâng theo lời sếp nếu không muốn về nhà đuổi gà cho vợ.

Thế nhưng cũng có trường hợp làm bia đỡ đạn để nhận tiền nuôi vợ con - trong Chuyện cũ Hà Nội, nhà văn Tô Hoài kể lúc nhà đoan bắt rượu lậu tại nhà ông lý hào: “Có gì thì chú Bếp cứ đứng ra nhận nhà chú nấu rượu rồi chú vào ngồi nhà pha… Tù mấy ngày, mấy tháng đã có giá hẳn hoi. Có người ngồi tù thuê đến mười tám, hai mươi tháng. Chủ rượu ở nhà phải nuôi vợ con, lại phải đóng thuế thân cho người tù đến hai năm (SĐD, NXB Kim Đồng - 2010, tr. 22). Xin giải thích, lý hào tức là người đã bỏ tiền ra mua chức lý trưởng; nhà đoan là phát âm từ douane tức cơ quan thu thuế, bắt thuế thuộc sở thương chính tại nước Nam ta thời mồ ma thực dân Pháp. Đến đây, ta nhớ thành ngữ xưa: “Ghét như ghét tào cáo/ tàu cáu”, vậy tàu cáu là gì? Đọc theo giọng Triều Châu là “tùa cúa” tức đại cẩu, con chó lớn và nó trở thành tiếng lóng rủa, mắng… bọn nhân viên nhà đoan!

Nếu đánh máy, nhập liệu văn bản là cái nghề ngồi yên một chỗ, sử dụng ngón tay, bàn tay nhanh nhẹn, thành thạo, kể ra cũng sướng đấy chớ, mưa không ướt tóc, nắng không đến đầu. Ngược lại có người phải “Chạy có cờ” may ra mới có miếng ăn. Với từ chạy, gần đây có bài vè nghe du dương ra phết: “Nói có người nghe/ Đe có người sợ/ Vợ có người chăm/ Nằm có người bóp/ Họp có người ghi/ Chi có người bù/ Tù có người chạy”. Phải thừa nhận rằng, mỗi thời quan niệm của thiên hạ về sự “thành đạt”, sung sướng, hài lòng có khác.

Thời nay, hạng người nào có thể được thế? Khoan trả lời câu hỏi này, ta hãy bàn đến “chạy”. Ai cũng biết một khi “củi đã vào lò” thì chuyện “đếm lịch/ gỡ lịch”, “chăn kiến” với cảm giác “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” là điều khó tránh khỏi. Mà một khi đã vào “nhà đá/ nhà pha” vẫn có thể thoát thân nếu “có người chạy” chăng? Thế thì “chạy” ở đây hàm nghĩa cần có người ở ngoài chạy chọt, đút lót đầu này đầu kia hòng tháo gỡ tội cho mình. Nói cách khác đó là hành động “chạy tội”. Nhà thơ Nguyễn Khoa Vy có câu thơ: “Chạy chữa chai chân chẳng chịu chừa/ Chín chiều chua chát chán chê chưa?”. Áp dụng vào ngữ cảnh trên, “chạy chữa” cũng được hiểu như “chạy chọt”; tuy rằng, ai cũng biết “chạy chữa” là xoay sở, tìm thầy thuốc, bác sĩ trị bệnh. Nhưng chạy tội không chỉ có thế, ví như nhà báo tường thuật: “Ra tòa, X đã đổ vấy khuyết điểm cho Y nhằm chạy tội”, tức X không nhận tội, tìm cách tránh né, chối tội.

Ối dào, cả hàng chục hàng kiểu chạy. Phong phú quá đi mất. Đáng lưu ý nhất vẫn là chạy quyền, chạy chức. Có chức ắt có quyền/ quyền lực phải đến cỡ “Nói có người nghe/ Đe có người sợ…” thì mới bảnh. Rõ ràng “có chức” oách lắm. Nhưng rồi, trong tiếng Việt một khi sử dụng cách nói lái cụm từ này còn chính là sự giễu cợt, mỉa mai, châm biếm, tỏ thái độ phản ứng lại kẻ bất tài không xứng đáng đảm nhận cái chức ấy bởi chỉ nhờ “chạy”! Chạy thì phải nhanh. Có nhiều cách so sánh, ta thử liệt kê xem sao, chẳng hạn, chạy vắt chân lên cổ, chạy bán sống bán chết, chạy có cờ, chạy cong đuôi, chạy nháo chạy nhào, chạy như bay, chạy như ngựa, chạy long tóc gáy, chạy như ma đuổi, chạy trối chết… Thử hỏi, tại sao lại gọi “Chạy có cờ”? Theo Việt Nam từ điển (1970) của Lê Văn Đức: “Chạy nhanh đến tóc đứng lên như bắp hay mía có cờ”. Cách giải thích này đơn giản quá chăng?

Khi khảo sát về thành ngữ, tôi nhận ra rằng, hầu hết các cụm từ có tính khái quát, phổ biến ấy thường gắn với một quan niệm sống, phong tục, tập quán, thói quen thời đó; không những thế, cách nói ấy còn bắt nguồn quy định nghiêm ngặt của nhà nước nữa.

“Chạy có cờ” là một thí dụ.

Đọc Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ của Quốc sử quán triều Nguyễn (Bản dịch Viện Sử học - NXB Thuận Hóa - 1993), ta biết rằng, từ năm Minh Mạng thứ 7 về lính chạy trạm - chuyển công văn nhà nước, nhà vua “Ban Chỉ rằng: chuẩn cho làm 2 bức cờ vuông dài bằng thứ nỉ màu đỏ, trong thêu 2 chữ “Kinh trạm”; 2 bức cờ đuôi nheo, trong thêu 4 chữ “Mã thượng phi đệ” và phát cho 6 thanh đoản, dao”.

Không những thế, năm Minh Mạng thứ 14 lại thêm lệ “cắm lông gà lên ngọn cờ”. Khi người chạy trạm đến trạm nào thì lập tức phu trạm đó phải nhận lấy ống trạm rồi chạy tiếp, không ai có quyền cản trở người đang thi hành công vụ. Sử sách chép rành rành “cắm lông gà lên ngọn cờ”, thế nhưng tại sao thành ngữ có câu “Chạy như cờ lông công” cũng nhằm chỉ lính chạy trạm ngày xưa? Do đâu từ “lông gà” thành “lông công”?  

Trở lại với câu “Tiên sư anh Tào Tháo” của nhà văn Nam Cao, ta thấy với từ tào này, trong tiếng Việt còn có “tào lao” là phù phiếm, không trúng trật vào đâu, linh tinh, không đáng tin cậy, chỉ mua vui; cũng có nghĩa là không tài cán gì, chẳng làm nên tích sự gì. Còn có cụm từ “tào lao xích đế/ tào lao thiên đế” là nhấn mạnh, hàm nghĩa chuyện đó/ người đó tào lao đến mức… hết thuốc chữa! Còn anh Tào Tháo, trong tâm thức người Việt, dù vẫn nhớ đến câu: “Đa nghi như Tào Tháo”, thế nhưng Tào Tháo còn đi vào câu cửa miệng ngụ ý hài hước, nói xa nói gần theo phép thanh nhã, lịch sự về chuyện đại tiện: “Tào tháo rượt/ rược”.

Vậy, nó xuất hiện trong khoảng thời gian nào?

Theo nhà nghiên cứu  Bùi Thanh Kiên: “Thành ngữ này xuất hiện ở Nam Bộ sau đợt di cư của đồng bào miền Bắc vào Nam năm 1954. Trước đó, người Nam bộ thường dùng từ chột bụng, đau bụng, đi tiêu nhiều lần. Nghe người Bắc dùng chữ “tháo dạ” chỉ hiện tượng nói trên, người Nam mới dùng thành ngữ “Tào Tháo rược”. Nếu thấy bụng đau râm râm, bắt đầu sôi bụng lụp bụp thì họ nói là Tào Tháo động binh” (Phương ngữ Ngữ Nam Bộ - NXB Hội Nhà văn - 2015, tr.1290). Cách giải thích này xét ra hợp lý. Từ tháo dạ rất quen thuộc, chẳng hạn “Tháo dạ đổ vạ cho chè/ Tháo dạ đổ vạ cho rươi/ Tháo dạ đổ vạ cho dưa” - ngụ ý làm việc gì đó không nên cơm cháo, chẳng đâu vào đâu lại đổ lỗi vì hoàn cảnh khách quan, tại người khác chứ không phải do mình bất tài vô tướng. Tháo ở đây là mở ra, làm cho rời ra, gỡ ra, (chất bài tiết) tuôn ra ngoài cơ thể.

Tóm lại, tội nghiệp cho anh chàng Tào Tháo quá chừng. Lừng lẫy, lừng danh, cuồn cuộn ở đâu không biết nhưng do cái tên trùng với tháo/ tháo dạ nên ở nước Nam này mới rơi vào cách gọi mới thiệt tức cười. Đã thế, nay lại còn bị “thằng đánh máy” cạnh tranh luôn cái sự nổi tiếng nữa. Nếu đội mồ sống dậy ắt Tào Tháo sẽ ngoác mồm ra mà rằng: “Tiên sư thằng đánh máy”.

Éo le thiệt.

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - số 161 tháng 6.2021)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com