BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: VIẾT LỜI TỰA TẬP THƠ HẠNH PHÚC QUANH TA CỦA NGUYỄN THỊ SƠN

LÊ MINH QUỐC: VIẾT LỜI TỰA TẬP THƠ HẠNH PHÚC QUANH TA CỦA NGUYỄN THỊ SƠN

Như nghĩ ngơi. Như thư giản. Rất đỗi nhẹ nhàng

hanhphuc-quanh-ta

 

1.

Nhận bản thảo Thơ & cảm xúc (NXB Văn hóa Văn Nghệ - 2020) của nữ doanh nhân, nhà giáo dục Trần Thị Sơn, mới thoáng nhìn lại tấm hình chân dung của chị, lạ ghê, trong tôi bỗng vọng lên câu thơ của Baudelaire: “Nhớ lại đi, thời gian là con bạc tham lam/ Thắng mọi ván mà chẳng thèm gian giảo”. Thế đấy. Thời gian lướt qua rất nhanh, như một chớp mắt, thoáng đó, cả thẩy chúng ta đang thanh xuân phơi phới đã bước sang thế giới của “Những người muôn năm cũ” (Vũ Đình Liên).

2.

Nói như thế, vì tôi nhớ lại chừng vài chục năm trước khi chị Sơn đang giữ cương vị giám đốc của một công ty lớn, hoạt động kinh tế có hiệu quả trong công cuộc đổi mới, bấy giờ anh em báo chí chúng tôi đã tìm cách tiếp cận, qua trao đổi với chị nhằm có thông tin cung cấp cho bạn đọc. Tôi còn nhớ bấy giờ, chị trò chuyện tự tin, thân mật, quyết đoán và tạo cho người đối thoại sự tin cậy. Chính vì thế, bây giờ, tôi bất ngờ khi được đọc những vần thơ của chị. A, ở chị còn là một tâm hồn của sự nhậy cảm, réo rắc cùng các cung bậc của thơ nữa đấy. Và, tôi đã đọc. Đã tìm thấy những lời tự sự được viết ra như tâm tình mà chị khái quát là Hạnh phúc quanh ta:

Này câu thơ nhè nhẹ

Từ xúc cảm đam mê

Tả tình hay tả cảnh

Làm cuộc sống vui thêm

Vậy đó, với chị, thơ chính là nguồn cảm hứng dào dạt chất men để thêm yêu cuộc đời này. Quả thật là thế. Trải dài trong các vần điệu, câu thơ vẫn là niềm tin yêu về cái đẹp, về thế giới chung quanh với biết bao điều kỳ diệu. Mà này, điều kỳ diệu ấy, ta có thể nhìn thấy, nhìn ra từ đâu? Có lẽ, câu trả lời mãi mãi vẫn là: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”(Mt. 7, 7-12). Tôi nghĩ, chị Trần Thị Sơn đã xác tín điều này, và chị đã thấy từ những điều rất đỗi dung dị, bình thường, ai cũng thấy nhưng không phải ai cũng cảm nhận được:

Tháng chín trời đẹp trong xanh

Hoa hồng đỏ thắm, hoa lan trắng vàng

Hoa nguyệt quế tỏa ngát hương

Yêu ai yêu sự dễ thương của người

Vần thơ mộc mạc, chân chất nhưng nói đúng bản chất của sự việc. Yêu vẫn là yêu cốt cách của người đó, chứ không hình thức từ bên ngoài, với chị đó là sự dễ thương, vẫn là sự giao cảm, đồng cảm cùng nhau và trao thiện cảm cho nhau. Một tâm hồn khoáng đạt. Một suy nghĩ nhẹ nhàng. Trong cõi đời, tất nhiên đường đi của mỗi người chẳng phải lúc nào cũng hoa hồng vẫy chào, cỏ mượt chân êm, còn biết bao hỉ, nộ, ái, ố… nữa. Nhưng điều cần thiết nhất, vẫn là trang bị cho mình cái nhìn biết nhìn thấy cái đẹp bình dị đâu đó, đôi khi không gì to tát, nhỏ bé thôi cũng khiến ta ấm lòng:

Gió vờn những nụ hoa

Gió cuốn bụi bay xa

Làn gió thoang thoảng ấy

Như hơi thở quanh ta

Có ai đã thấy gió, có ai đã bình tâm cảm nhận hơi thở của chính mình? Có đấy. Câu thơ của chị Sơn đã cho thấy sự tĩnh tâm, yên ắng của một tấm lòng có lúc reo vui cảm xúc:

Làn gió nhẹ thổi qua thềm

Đưa ta về với nỗi niềm năm xưa

Hàng cây phượng đỏ dưới mưa

Hùa theo ngọn gió vui đùa cùng ta

Gió chỉ là gió, phượng chỉ là phượng à? Không, chị Sơn đã thấy nó hòa nhập trong suy nghĩ của mình. Hóa ra, con người này bình yên và tự tại lắm. Nếu không, làm sao có thể mở lòng đón nhận:

Gió chạm những nhành cây

Gió mơn man vai gầy

Gió hôn trên má phấn

Lòng già bỗng vui lây

Niềm vui này, trong trẻo biết dường nào. Khi đọc tập thơ của chị, điều khiến tôi thích thú, đồng cảm vẫn là cái nhìn sự vật bình thường nhưng chan chứa yêu thương. Để làm gì? Để có thêm niềm vui sống. Điều này, với người trẻ, có thể chưa nghĩ đến nhưng rồi những ai đã từng sững sờ, giật mình trước câu thơ của Baudelaire nói về thời gian, sẽ thấy cần lắm. Rất cần.

Chẳng hạn, đôi dòng chị viết, “Buổi sáng làm việc ở Viện IBLA để chuẩn bị  cho  Hội  thảo  về  Corporate  Compliance,  một  khái niệm mới đối với doanh nghiệp Việt Nam. Buổi chiều có 2 tiết giải bài kiểm tra cho lớp 12”.  Thởi gian của công việc sít sao. Vậy, làm gì để thư giản? “Về đến nhà mệt nhừ, bước ra sân hít thở. Cây hoa hồng hôm nay nở nhiều hoa, màu đỏ   của hoa hồng làm mình vui, quên hết mệt. Tự dưng lại thơ thẩn”.

Thơ của chị đó. Giây phút của sự thăng hoa. Tìm lại thăng bằng của tâm hồn. Như nghĩ ngơi. Như thư giản. Rất đỗi nhẹ nhàng. Và đôi cũng chị cũng hóm lắm. Tôi thích bài thơ từ hình ảnh con cóc trong đồng dao, chị đã nhìn thấy một hướng khác. Khác ngày xửa ngày xưa: “Con cóc trong hang/ Con cóc nhảy ra/ Con cóc nhảy ra/ Con cóc ngồi đấy/ Con cóc ngồi đấy/ Con cóc nhảy đi”, nay lại là:

Con cóc nhảy ra vườn

Con cóc nhìn trời xanh

Con cóc nhảy vào hang

Bình an và tự tại

Cuộc sống cóc giản đơn

Cũng có sinh có tử

Có hang, có vào - ra

Thú vị lắm. Đôi lúc trong những câu thơ đã viết, chị nhận mình là “Bà già sợ nắng chói”, tôi nghĩ chỉ là một cách nói vui. Già sao được, với tâm hồn tươi trẻ đang quay về với những điều bình dị đến nhẹ nhõm:

Bà giáo già bắt đầu buông bỏ

Thích trồng cây và thích ngắm hoa

Thích được nghỉ ngơi, thăm con cháu

Thích cùng bạn hữu uống trà xanh

Lại còn là lúc:

Bảy mươi, bà già đeo kính lão

Vẫn ngày ngày cặm cụi trên phây

Com-pu-ter ngón tay gõ nhẹ

Viết bài xã luận chọn hình hay.

Tưởng là dễ. Nhưng đến một độ tuổi nào đó, nếu không biết buông bỏ thì liệu có được như thế không? Chị Sơn đã được và đã có. Cái sự có đã hiện hữu lớn nhất của chị trong thời gian này vẫn ngày tháng sống với Hạnh phúc quanh ta:

Bên cửa sổ

chợt nghe tiếng chim hót

Đàn chim sẻ

đùa trên những nhành cây

Lòng thấy vui

mùa xuân vẫn còn đây

Bà giáo già vẫn xanh trong

Vẫn vui vẫn hát cho lòng thảnh thơi …

3.

Trở lại với câu thơ của thi sĩ Baudelaire, tôi nhận ra rằng, thời gian có thể thắng về tuổi tác, hình thức bên ngoài nhưng sự tươi trẻ, lạc quan thì chưa chắc đâu. Vì rằng, tôi nghĩ đến chị Trần Thị Sơn qua tập Thơ & cảm xúc và những ai đã chọn lựa tâm thế sống dù không còn trẻ nhưng, “Vẫn vui vẫn hát cho lòng thảnh thơi”. Tên gọi của lựa chọn này, chính là niềm vui sống.

L.M.Q

(Nguồn: Tập thơ Hạnh phúc quanh ta của Nguyễn Thị Sơn -NXB Văn hóa văn nghệ-2021)

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com