BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Lời giới thiệu tập tạp bút NỤ CƯỜI TRÊN LÁ của HỒ NGỌC DINH

LÊ MINH QUỐC: Lời giới thiệu tập tạp bút NỤ CƯỜI TRÊN LÁ của HỒ NGỌC DINH

 

nucuoitren-l-c-a-ho-ngoc-dinh(nguồn: Báo PN TP.HCM ngày 20.6.2018)

 

“Văn là người”, câu này hoàn toàn chính xác với trường hợp của cây bút Hồ Ngọc Dinh. Trong đời sống, với tư cách đồng nghiệp, tôi quan sát và nhận ra, anh chỉ nghiêm túc, chỉnh chu trong công việc; ngoài ra, bất kỳ lúc nào cũng thấy anh tếu táo, đùa vui. Gặp anh, cảm thấy yên tâm và nhẹ lòng. Con người ấy, cái tính cách ấy dường như tỏa ra năng lượng tích cực khiến người khác tin cậy và chia sẻ tâm tình.

Trong những năm gần đây, Hồ Ngọc Dinh bỗng dưng “nổi tiếng” bởi tiếng lành đồn xa về khả năng trồng cây, gieo hạt. Anh tự sự: “Mỗi sáng sớm, tôi mò lên vườn tưới cây; mỗi cuối tuần, tôi ở trên vườn gieo hạt, giâm cành, trồng cây, khi mệt thì ngồi uống trà khổ qua rừng tự làm, ngắm chồi non lá biếc và nghĩ ngợi. Và tôi viết, trên nhật ký của điện thoại, những chuyện vui vui hằng ngày”.

Các mẩu chuyện của anh có gì vui khiến anh lấy tựa NỤ CƯỜI TRÊN LÁ - Vui trong từng giây sống?

Có niềm vui của người này, nhưng chắc gì người khác đã đồng cảm?  Nghe câu “lý sự” này, từ mẫu chuyện đối thoại thuộc hàng kinh điển của Trang Tử và Huệ Tử, Hồ Ngọc Dinh cau mặt: “Thôi, thôi, thôi! Hai ông làm tui điên cái đầu rồi nè. Yên cho tui hút thuốc cái coi”. Thế thì, cái vui ở đây rất riêng, chỉ tác giả cảm thấy vui nên ghi chép lại.  

Nếu thế, có gì đáng nói?

May thay, chọn lối viết ba trợn ba trạo, nửa đùa nửa thật và phảng phất kiểu nói trạng ở một vùng quê Quảng Trị - nơi chôn nhau cắt rốn, anh đã buộc người đọc thỉnh thoảng phải cười. Cười tủm tỉm một cách ý vị như thể khi ta ăn nước mắm ngon lại có thêm chút cay cay của ớt. Thế mới là sự đậm đà, càng khoái khẩu. Cũng tỷ như khi đọc những câu thơ léo lắt, lộn lạo mà có duyên ra phết: “Trồng cây ắt phải trầy công/ Có rau có sả lại trông... dĩa cầy/ Trông cầy lại ngắm cây trồng/ Công trầy trật tưới nhưng lòng vui thay!”.

Rồi làm sao có thể nín cười với tình huống thiệt tàm xàm, cà rỡn, rằng lần nọ anh vào quán nhậu cùng bồ tèo chiến hữu. Lúc người bạn: “Muốn ăn mướp xào lòng gà, ông kêu “lòng gà xào với cái trái...”; rồi tả thêm: “Cái trái này tên là gì nè? À, con gái, già tí nữa thì cái ngực nó xệ ra, mình gọi là... là...”. Bà chủ quán tức quá: "Mướp thì nói mẹ cho gồi". Cần ăn mấy lát dưa leo, ông cũng phải game show: "Xắt giùm tui mấy lát...lát…", rồi tiếp: "Cái trái gì tên ngộ lắm, mà nhớ không ra, bực cả mình. Đại loại khi nam nữ gặp nhau nơi tối vắng thì người ta thường...". Bà chủ lại bực: "Dưa leo nói mẹ cho gồi".

Mà “nói mẹ cho gồi” thì còn gì văn phong và cách kể chuyện của Hồ Ngọc Dinh nữa?
 

Cái hay của các mẩu tản văn nho nhỏ, ngắn ngắn này, vẫn là cách viết/nói gần như nhằm đạt đến sự lắt léo chữ nghĩa để gây cười. Này, thử đọc: “Hôm rồi, tôi hỏi cô Trinh (chung cơ quan) có chồng chưa, cổ nói “dạ rồi”. Trời ơi, có chồng rồi mà còn Mộng Trinh, Nguyên Trinh gì nữa, ra Tư pháp phường làm thủ tục đổi tên đi bà. Cổ cười cười. Hôm sau hỏi đã ra phường chưa, cổ nói “dạ rồi”; hỏi đổi tên chưa, cổ nói “dạ có đổi, nhưng mờ không đổi tên, chỉ đổi chữ lót”. Là sao? “Dạ, đổi chữ Mộng thành chữ Mất”. Thế tốt quá!”.

Do chọn cách ghi nhật ký, ghi lại cảm xúc có thật đang diễn ra trong thời điểm ấy, tác giả khó có thể giấu được những gì vừa thoáng qua. Nhờ thế, trang viết mới “thật”, nếu đã qua “biên tập” thì còn gì sự tươi non, mơn mỡn vừa ùa đến? Vì lẽ đó, có lần sau khi liệt kê những đam mê ngắn hạn, Hồ Ngọc Dinh thú thật: “Duy có một niềm, nó theo tôi từ năm 7 tuổi đến giờ, chưa bao giờ ngơi nghỉ, lơ là hay vơi cạn. Ấy là mê gái. Hễ thấy em nào nét mặt thanh tú, đùi căng, mông nở là y như rằng phải dòm cái đã. Bốn chục năm rồi. Có lần chạy xe, thấy một em bưng cà phê qua đường, dáng đi uyển chuyển, chạy qua rồi vẫn ngoái cổ nhìn lui, bị thằng ba gác từ hẻm băng ra, tông trầy mặt. Mà vẫn không chừa”.

Chừa làm sao được?

Ngày xưa, Tú Xương cũng từng tự trào về ba thứ lăng nhăng “nó hại ta”, cuối cùng ông gật gù: “Có chăng chừa rượu với chừa trà”. Đàn ông đàn ang nào cũng thế chăng? Biết thế, mới thấy oái oăm cho cái sự đời mà anh đã diễn tả bằng thơ. “Ngày em lên xe bông/ Lòng tôi buồn thấy mẹ/  Lôi đám củ ra trồng/ Chả rõ hành hay hẹ”. Từ chuyện này, Hồ Ngọc Dinh “đá giò lái” qua: “Ngày em ly hôn chồng/ Quái sao mà nhanh thế/ Thằng chả chân đầy lông/ Nhìn manly quá thể?”. Nghe câu hỏi thống thiết này, cô gái trả lời ra làm sao? Thật đột ngột và bất ngờ: “Gạt lệ ứa hai dòng/ Tựa vai tôi nghèn nghẹn:/ "Cái mớ củ anh trồng/ Chính danh là củ nén". Bài thơ này dừng ở đây là trọn một tứ thơ ba lơn, cần gì phải dài dòng thêm?

Với tập sách này, thoạt đầu, đọc đến đâu có lúc ta bật cười đến đó. Tưởng rằng chỉ mua vui. Chẳng phải đâu. Hóa ra, thấp thoáng đâu đó vẫn còn là một tình cảm nặng nợ với quê nhà Quảng Trị của anh. Dấu vết ấy, đã từng đậm nét trong tập thơ Eng về Quảng Trị đi eng đã khiến bao bao người yêu mến và xúc động. Bây giờ, Hồ Ngọc Dinh còn thể hiện nỗi nhớ quê xa xăm ấy qua cách viết, từ các con chữ, chơi chữ. Một trong những bài thơ hay, gợi lên nhịp đi đồng dao, tôi tin nhiều người đồng cảm, nhất là ở đoạn này: “Kìa con kiến cỏ/ Cắn cái quần què/ Quần không kịp kéo/ Kiến cắn cong que”.

Ai đời, nhân ngày Tết, anh chơi luôn toàn “t”, thế mới quái: “Tết tới, tuổi tăng, tiền túi tận/ Tình tiêu tan, thơ thẩn thiệt thất thần/ Thời tiết tệ, tạo tổn thương thân thể/ Thầy thuốc thăm, tàn tạ tuổi thanh tân/ Ta trống túi trong tháng trầy tuổi trật/ Tình ta trôi thất thểu tựa trăng trời/ Thân tàn tạ, ta tiếc thời trai trẻ/ Trút tâm tình trong trạng thái tả tơi...”.

Đó chính là cái duyên rất ư tưng tửng của Hồ Ngọc Dinh. Nói như kiểu bác Ba Phi của Nam bộ: “Nói dzậy mà hổng phải dzậy”. Anh viết dễ như chơi, như không hề có một sự nhọc công nào? Nhờ đâu và tại sao? Đơn giản chỉ vì với anh “văn là người”. Tự bản thân anh đã là thế ắt cách viết phải thế. Viết chơi thôi mà. Ừ, chơi thôi, tài năng như ông Cao Bá Quát còn phải bảo: “Văn chương là trò chơi con trẻ”. Chơi thôi. Mà đã chơi là phải vui, có thế mới đạt đến Vui trong từng giây sống. Phải không bạn mình ơi?

LÊ MINH QUỐC
(V.2018)

(nguồn: Tập tạp bút Nụ cười trên lá - Vui trong từng giây sống - NXB Thanh Niên, 2018 của Hồ Ngọc Dinh).

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com