BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Lời tựa TRẢNG BÀNG PHƯƠNG CHÍ của VƯƠNG CÔNG ĐỨC

LÊ MINH QUỐC: Lời tựa TRẢNG BÀNG PHƯƠNG CHÍ của VƯƠNG CÔNG ĐỨC


Có những số phận lạ lùng, ngay từ khi cất tiếng oe oe chào đời, cuống rún của họ đã đời đời yêu dấu tại mảnh đất quê nhà. Từ đó, họ vác cây thập tự giá lặng lẽ, nhẫn nại đi qua trần gian này với niềm tin ca ngợi và tìm về cội nguồn của Đất Mẹ đã từng ngày nuôi mình khôn lớn.


trangbang-phuongchiR


Tình yêu ấy thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng chung quy, có lúc họ trầm ngầm ngồi trước án sách; hoặc bên bàn phím vi tính mà ngẫm nghĩ: “Ôi! Công việc trước thuật, người xưa vẫn phàn nàn là khó. Huống chi sau khi sách vở đã tan mất đi rồi, mà muốn hiểu suốt cả đời xưa đời nay, phân biệt những việc này việc khác, góp những văn còn sót của nghìn xưa, để làm thành sách thường đọc của một đời, như thế thì dù bậc học rộng, tay tài giỏi, còn lấy làm khó, huống sức học tầm thường như tôi, đâu dám dự bàn. Nay tạm góp nhặt những điều mắt thấy tai nghe để giúp vào chỗ thiếu sót. Tuy vậy, khảo xét dấu tích đời xưa, mà không dám nói thêm lên, phân tách mọi việc bằng lý để tìm ra lẽ phải, có chỗ tường tận mà không đến nỗi rườm, có chỗ sơ lược mà nắm được cốt yếu, khiến cho công nghiệp chế tác của các đời rõ rệt, đủ làm bằng chứng, đều ở trong sách này cả. Mong đạt đến nhà vua và được coi tới, để thấy rõ những pháp thức ngày xưa ngõ hầu có thể giúp ích cho việc lập chính được một phần nào”.

Tâm thức của nhà bác học Phan Huy Chú (1782-1840), có thể chọn làm suy nghĩ tiêu biểu nhất khi viết về chuyện xưa tích cũ. Không những thế, lịch sử là một sự tiếp nối bất tận, một dòng chảy không đứt đoạn, có “ôn cố” mới “tri tân”. Không chỉ ôn chuyện xưa mà còn hướng đến tương lai lâu dài hơn trong bối cảnh hội nhập chung của đất nước, thậm chí còn vươn xa ra thế giới bên ngoài. Làm được điều này cũng không ngoài mục đích “có thể giúp ích cho việc lập chính được một phần nào”. Các bậc tiền nhân đáng kính đã từng nhọc công viết loại sách này như Địa dư chí (Nguyễn Trãi), Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), Phương Đình địa dư chí (Nguyễn Văn Siêu), Hoàng Việt địa dư chí (Phan Huy Chú)…; trong tư liệu Hán Nôm cũng có nhiều sách về địa phương chí khác nữa. Những tập sách khảo cứu về những vùng đất, địa danh, nhân vật, thổ sản… trải qua thăng trầm lịch sử là nguồn tài liệu quý báu dành cho đời sau; và đời sau, lại tiếp tục viết tiếp trang sử ấy.

Tập sách Trảng Bàng phương chí của nhà nghiên cứu Vương Công Đức, dày cả ngàn trang, viết về lịch sử - văn hóa vùng đất và con người Nam Tây Ninh. Cho đến thời điểm này, chưa có một quyển sách biên khảo nào về Trảng Bàng đầy đủ các chứng cứ, tư liệu từ sách vở đến khảo sát điền dã bằng tập sách này. Đây là một khẳng định chắc chắn. Nói điều này, để thấy rằng, chỉ có thể bằng tình yêu nơi mình chôn nhau cắt rún, bất vụ lợi thì người ta mới có thể dành nhiều thời gian và tâm lực đến thế.

Viết sử một địa phương, tất nhiên không thể tách rời mọi biến cố, sự kiện, thay đổi của lịch sử đất nước mà từ góc độ của địa phương ấy, người ta phải nhìn thấy được diện mạo chung; ngược lại, trong bối cảnh chung, địa phương đã đóng góp cụ thể như thế nào, phụ thuộc vào  vai trò của địa phương chí.

Lâu nay, sử sách đã ghi chép về cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi - con nuôi Lê Văn Duyệt, nay ông Đức cung cấp thêm thông tin bất ngờ là sau khi thua trận, đám tàn binh của Khôi đã chạy về Quảng Hóa “nổi giận đốt miếu Ông Cả Đặng Thế Trước”. Tại sao họ làm như vậy? Điều này có thể giải thích gì về nghi thức sau khi thua trận ngày xưa? Trong quá trình viết, ông Đức may mắn tìm được hồi ký của nhiều người xưa đã ghi trung thực những điều mắt thấy tai nghe, nhờ vậy, đã cung cấp cho chúng ta nhiều chi tiết mà chính sử không ghi. Vụ tàn quân Lê Văn Khôi, quân triều đình nhà Nguyễn tiễu trừ, tàn sát và chôn tập thể ở đâu? Theo khảo sát điền dã của ông, đó chính là khu vực gần cầu Trường Chửa. Hậu duệ Ông Cả Đặng Thế Trước kể lại: “Hồi xưa nó cao và lớn lắm. Trời mưa trẻ nít hay ngồi trên cao tuột xuống chơi, kêu là đánh bàn tuột. Theo thời gian, bị mưa gió nên nó nhỏ và thấp lại dần”. Nhờ những hồi ký chân thực này, ta có cảm giác như được quay về và sống lại với quá khứ xa xưa.

Nói cách khác, Quang Hóa là vùng đất phên giậu của Gia Định, về hướng tây bắc, ngó sang Kampuchia nên nó có một vị trí đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt đã nhìn ra vai trò của nó khi cho xây dựng cơ sở khai thác gỗ, đóng chiến thuyền, thu lấy các sản vật quý. Những điều này, trước đây chưa thấy ai nói đến. Rồi con đường từ Gia Định đi qua Quang Hóa sang Kampuchia, có phải là con đi sứ thời trước không? Ông Đức đã mạnh dạn khẳng định.

Thêm một điều cần nhấn mạnh, tác giả có một cái nhìn mới về vai trò của vua Tự Đức. Với tài liệu tham khảo từ Lịch sử cuộc viễn chinh Nam kỳ năm 1861 của Leopold Pallu, ông xác tín “vua Tự Đức là người đứng đầu Hịch Văn Thân kêu gọi dân chúng và quân lính nổi dậy chống Pháp trong những ngày đầu tiên Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông”. Không dừng lại đó, ông mạnh dạn nêu ra: “Đồng thời Trương Định cũng là người bí mật nhận chỉ thị của vua Tự Đức. Điều này phù hợp với việc vua Tự Đức đã gả một người con gái họ của thái hậu Từ Dũ ở Gò Công tên là Trần Thị Sanh, nguyên là vợ của điền chủ Dương Tấn Bổn mất sớm để về làm vợ thứ của Trương Định ngõ hầu giúp ông làm cầu nối với nhà vua trong sự nghiệp chông Pháp”. Nếu triển khai các chi tiết này sâu hơn có lẽ, tập sách này sẽ có thêm những nhận định phong phú hơn về cuộc khởi nghĩa Trương Định và vai trò của vua Tự Đức.

Thiết nghĩ sở dĩ vua Tự Đức quyết liệt như thế một phần còn do một yếu tố khác mà trong tập sách L'Empire d'Annam của Capitaine Ch.Gosselin nêu rõ: “Thân mẫu của người vốn sinh trưởng tại Gò Công; nội tổ mẫu của người, tức thân mẫu đức Thiệu Trị lại chào đời ở Thủ Đức, sát ngưỡng cửa thành Sài Gòn. Danh dự người là Hoàng đế bắt buộc ngài phải giữ gìn sao cho đất có phần mộ tổ tiên còn dính lại quê hương đất Tổ” (Vương Hồng Sển dịch, tập san Sử địa - 1966). Từ các thông tin này, ông Đức đã mạnh dạn khẳng định Trảng Bàng là một trung trung tâm lớn chống Pháp là điều hoàn toàn có cơ sở. Mà thú vị, cũng từ đó, đã hé mở cho chúng ta thấy nhiều nhân vật có tầm vóc cả nước, đã vượt khỏi sử địa phương mà mà lâu nay sử sách chưa chép nhiều công nghiệp của họ như lãnh binh Đặng Văn Tòng, tri huyện Đặng văn Duy, hương sư Trịnh Văn Đống…

Bên cạnh đó, ta lại tiếp cận với các thông tin về lược sử ra đời của các xã như An Hòa, Gia Bình, Đôn Thuận v.v… Ở đây, ông Đức đã bác bỏ khẳng định của người đi trước khi cho rằng “làng Bình Tịnh là làng cổ nhất của xứ Tây Ninh”. Vậy làng nào? Cứ đọc, ta sẽ tìm thấy. Có thể nói, từ di tích, cổ tích đến nhân vật tiêu biểu của Trảng Bàng Tây Ninh đều không lọt khỏi “tầm ngắm” của người đã yêu một vùng đất đến chân tơ kẽ tóc.

Đọc Trảng Bàng phương chí, chúng ta đồng tình khi tác giả đưa ra những luận điểm nhằm chứng minh rằng, từ trước thế kỷ XVIII đã có những cuộc di dân của người Việt đến định cư tại các triền sông Quang Hóa (sau đổi Vàm Cỏ Đông), sông Tân Bình (sau đổi sông Sài Gòn). Không những thế, từ cột mốc này, ông ngược về quá khứ tìm đến sự tồn tại của các cư dân khác đã đến trước. Điều thú vị, không chỉ khảo sát từ chứng tích các bia đá tại còn sót lại, ông Đức còn nhìn nhận từ địa danh. Thử hỏi, địa danh Lò Mo tại xã An Hòa có nghĩa là gì? Chưa vội giải thích, ông cung cấp cho người đọc biết tại huyện Đức Huệ, sát biên giới Kampuchia còn có cả Tho Mo. Có phải là sự biến âm không? Ngoài di tích Bầu Ao, ông phát hiện thêm Bàu Đế. Cả hai có liên quan gì? Rồi Bàu Cheo, Rổng Tượng, Vũng Dinh… rất đỗi lạ lẫm nữa. Trong công cuộc khẩn hoang miền Nam, không thể thiếu một dụng cụ là “phảng”. “Phảng” là tên gọi của người Khmer hay của lưu dân từ miền Trung, miền Bắc đem vào? Những chi tiết thú vị này bàng bạc trong Trảng Bàng phương chí, gợi mở cho người đọc nhiều suy nghĩ lý thú, có thể còn tạo ra tranh luận.

Thật cảm động, khi biết tác giả đã mày mò, ghi chép, tra hỏi và giải thích nhiều địa danh gốc Nôm tại Trảng Bàng. Ông phân loại các tên gọi như sau: bàu, trảng, cây, giồng, suối, vàm, xóm, gò, bến, cầu… đã có tên gọi theo sau. Những chương viết về phong tục, lễ hội, tập quán ở Tây Ninh cũng là một đóng góp lớn. Qua đó, dù tương đồng trong nghi lễ thờ cúng của người Việt nói chung, tác giả đã hé mở cho thấy sự dị biệt người Việt ở phương Nam, cụ thể tại vùng đất Trảng Bàng Tây Ninh: “Việc cúng Việc lề trong gia tộc có đức tin tôn giáo sâu đậm thì thường áp dụng nhiều nghi thức tôn giáo vào nghi thức việc cúng lề. Ví dụ như gia tộc Dương Tấn ở xã Gia Bình vốn được tồ chức hàng năm trong gia đình người theo đạo Cao Đài. Lần hối gia chủ từng bước áp dụng nghi thức của đạo Cao Đài trong nghi thức cúng việc lề như để đội Đồng nhi tụng kinh cầu siêu, kinh cầu an, tiệc ăn uống và đồ cúng cũng từ mặn chuyển sang đồ chay; lễ vật cúng mặn ngày trước như các lóc, thịt heo quay… bây giờ được làm bằng đồ chay nắn theo hình đồ mặn. Tuy vậy, nghi thức Việc cúng lề bằng các vận dụng sản xuất xưa vẫn giữ nguyên, không thay đổi”. Hoặc khác biệt với miền Trung, miền Bắc, ở trong Nam còn có cả miếu thờ Ông Tà, chẳng hạn, miếu thờ Ông Tà ở ấp Chánh, Gia Bình mà tác giả đã khảo sát v.v…

Hầu hết những người viết địa phương chí, ít nhiều neo giữ lại trong tâm khảm của họ sự hoài cổ. Vì lẽ đó, họ không thể không đau đớn lẫn bùi ngùi, đôi lúc thở dài nảo ruột khi chứng kiến các chứng tích làm nên nét văn hóa một vùng miền đã tàn tạ thay đổi theo thời gian, nhất là sự vô tâm của thế hệ đi sau. Thời trước, “Trong lòng một đất nước đã mất quyền độc lập, song những ngôi đình thần trong các ngôi làng vẫn tốn tại và tiếp tục trở thành nơi gìn giữ những di sản văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của người Việt Nam”. Bây giờ đã thế nào, mà riêng gì đình làng miếu mạo, còn các di tích văn hóa khác nữa, số phận ra sao? Tác giả đã gửi gắm vào những trang viết đó một tấc lòng thành. Tôi tin bạn đọc, nhất những ai gắn bó với Trảng Bàng Tây Ninh sẽ “đồng thanh tương ứng”.

Với loại sách này, khi bắt tay vào thực hiện, bất kỳ nhà nghiên cứu nào cũng biết phải thao tác những gì, chuẩn bị tài liệu thế nào, không gì phải dài dòng thêm. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, dù đã có mọi thứ nhưng cũng không thể thành công nếu người viết không thật sự nặng lòng, nặng nợ và gắn bó máu thịt với vùng đất đó.

Đọc Trảng Bàn phương chí, tôi sực nhớ nhà văn Bình Nguyên Nguyên Lộc có tập truyện ngắn Cuống rún chưa lìa. Ô hay, nhân vật của nhà văn đất phương Nam đã tái hiện bằng xương thịt qua tác giả Trảng Bàng phương chí đây sao? Nhân vật ấy, "thèm khát quê hương như là thèm một món cá nướng chấm mắm nêm, thèm hương bưởi, thèm tiếng chuông chùa ..."; “"ghiền hửi mùi đất xông lên sau mấy trận mưa đầu mùa”; "Cây cỏ, núi sông vẫn có linh hồn. Nhưng ta chỉ nắm tay được với linh hồn cảnh vật qua trung gian của một linh hồn khác thôi, linh hồn người...”, “Rồi ngày kia sẽ nghe rằng đất có hồn và hồn người rất gần gũi với hồn đất”. Tác giả Trảng Bàng phương chí xứng đáng được xếp chung, đứng cạnh với mẫu người của Cuống rún chưa lìa vậy. Hơn cả thế, Trảng Bàng phương chí, còn là một cách tích cực, đáng quý mà tác giả đã thể hiện tình yêu ruột rà ấy.

Lòng nôn nao yêu lấy quê nhà biết bao chừng…

 

LÊ MINH QUỐC
Đầu xuân 2014

(nguồn: Tập sách Trảng Bàng phương chí - NXB Tri Thức, 2014 của Vương Công Đức)

 

Thông tin liên quan đến nhà nghiên cứu Vương Công Đức:

Lê Minh Quốc: Lời tựa tập sách Lược sử tộc Dương và lịch sử hình thành làng Gia Bình, Trảng Bàng (Tây Ninh) của Dương Công Đức

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com