CÙNG BẠN BÈ VĂN NGHỆ ngày 6.1.2016 xem phim CUỘC ĐỜI CỦA YẾN

 

cuoc-doi-cua-Yen-1Đạo diễn ĐINH TUẤN VŨ  (đang phát biểu) cùng nhóm làm phim Cuộc đời của Yến

 

"Cuộc đời của Yến" đã giành được rất nhiều những giải thưởng tại LHP Việt Nam lần thứ 19 như là một minh chứng cho sự nỗ lực của cá nhân đạo diễn cũng như tập thể đoàn phim: Bông Sen Bạc Phim truyện Điện ảnh; Giải thưởng nữ diễn viên chính xuất sắc: Đỗ Thúy Hằng; Giải thưởng Âm nhạc phim truyện Điện Ảnh: Lê Cát Trọng Lý; Giải thưởng quay phim xuất sắc NSƯT Vũ Quốc Tuấn; Giải thưởng Họa sỹ thiết kế xuất sắc NSƯT Dân Nam.

Dựa trên kịch bản “Vàng – Đá” của biên kịch trẻ Hồ Hải Quỳnh, bộ phim là câu chuyện thăng trầm về cuộc đời của Yến – một cô bé nông thôn xinh xắn, hồn nhiên phải về nhà chồng từ lúc 10 tuổi. Kể từ đó, cuộc đời Yến gắn liền với những thăng trầm, biến cố của gia đình nhà chồng. Mở đầu phim, đạo diễn tập trung miêu tả về thời thơ ấu của Yến và Hạnh (chồng của Yến). Với bối cảnh là một làng quê Bắc Bộ những năm giữa thế kỉ trước, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đề cập tới vấn đề tảo hôn khá phố biến của  người Việt thời xưa. Đó là việc hứa hẹn hôn ước, áp đặt con cái theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” để rồi khi cưới về thì cô dâu vẫn ngủ với mẹ chồng, còn chú rể vẫn mãi mê với những trò chơi con nít.

Câu chuyện của Yến phải về nhà chồng khi mới 10 tuổi phần nào giúp khán giả thấy được những quan niệm lạc hậu mà người Việt đã từng trải qua. Ngoài vấn đề tảo hôn, ở phần đầu của phim, đạo diễn cũng đã đề cập tới sự phân biệt đối xử trong xã hội thời xưa – chỉ có con trai mới được học chữ còn con gái thì không… Bên cạnh đó là hình ảnh cuộc sống đời thường bình dị của các gia đình vùng quê Bắc Bộ những năm trước 1945 với nhà tranh, vách đất. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu cho câu chuyện chính của phim mà đạo diễn muốn nhấn mạnh ở nửa sau của phim.

Với bối cảnh 15 năm sau khi Yến về nhà chồng, đất nước đang vào thời kỳ đổi mới với những hợp tác xã sản xuất được thành lập và cô cũng đã có một gia đình hạnh phúc với 3 đứa con, còn Hạnh thì làm thủ quỹ của hợp tác xã. Tưởng chừng hạnh phúc và bình yên sẽ theo Yến trong quãng thời gian còn lại nhưng lại hoàn toàn ngược lại. Đây lại chính là lúc mà cuộc đời của Yến gặp phải những biến cố và thăng trầm nhất. Chồng của Yến – Hạnh đã không may bị những kẻ xấu hãm hại khi anh cố gắng tố giác sự sai trái trong quản lý của một số đối tượng ở hợp tác xã. Cuối cùng, Hạnh bị kỉ luật và phải bồi thường số tiền thâm hụt trong ngân sách. Điều này khiến gia đình Hạnh phải bán hết đồ đạc trong nhà…Trước tình cảnh đó, Hạnh cảm thấy căm phẫn và uất ức, thêm vào đó là những lời dè bỉu của dân làng khiến anh trở nên bi quan và muốn “trốn chạy”. Cuối cùng, anh đã bỏ nhà, gia đình để đi làm kinh tế mới với mong muốn thay đổi. Cũng từ đây, cuộc sống của Yến và các con rẽ sang một hướng khác - cô đơn và buồn tủi.

Một mình với 3 đứa con nhỏ, Yến phải làm mọi việc để nuôi dạy các con. Có những lúc mệt mỏi, kiệt sức, Yến vẫn không kêu than một tiếng vì muốn các con được vui và hy vọng, gia đình sẽ được sớm đoàn tụ, sống hạnh phúc như xưa.Rồi hy vọng đó cứ lớn dần theo thời gian, còn tin tức của chồng thì ngày một ít đi và xa dần. Thậm chí, ngay cả khi người chị gái của mình chạy sang nhà báo tin chồng cô đang sống chung với một người phụ nữ ở vùng kinh tế mới, Yến vẫn không cho đó là sự thật. Cô vẫn luôn tin tưởng về người chồng của mình và van xin người chị đừng để các con biết không chúng sẽ buồn và nghĩ xấu về hình ảnh người cha của chúng.

Yến một mình ở lại với 3 đứa con. Cô luôn cố gắng làm mọi việc để mong chờ ngày chồng trở về đoàn tụ.
Với chi tiết này, đạo diễn muốn khán giả thấy được sự cam chịu, hy sinh mà người phụ nữ Việt phải chịu đựng. Dù sống xa chồng, một mình nuôi các con nhưng Yến vẫn mạnh mẽ, kiên cường đương đầu với những sóng gió, báo táp của cuộc sống. Yến cũng là hình ảnh đại diện cho người phụ nữ Việt Nam truyền thống về đức hy sinh thầm lặng, nhưng có ý chí mạnh mẽ để vượt qua nghịch cảnh, bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Đặc biệt, cuộc gặp gỡ của Yến với chồng mình sau gần 2 năm xa cách tại vùng kinh tế mới lại càng khắc họa rõ hơn về điều này. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, Yến tưởng chừng sẽ có được một cuộc gặp gỡ hoan hỉ của hai vợ chồng sau thời gian dài xa cách. Nhưng mọi chuyện lại thật đau xót khi cô biết rằng, mọi lời đồn về việc chồng mình sống với một người phụ nữ khác tại vùng kinh tế mới hoàn toàn là sự thật. Sững sờ và đau đớn đến tột cùng trước sự thật đó nhưng Yến vẫn bình tĩnh, không một tiếng gào thét, oán giận. Sau khi đã thông báo những tin vui với chồng và khéo léo cho anh biết mình đã biết đọc, biết viết, Yến vội vàng xin phép ra về để lo cho các con.

Cũng chính điều này đã giúp cô giành lại hạnh phúc của mình. Cảm động trước tấm lòng chân tình cùng những vất vả, hy sinh mà vợ phải chịu đựng, Hạnh đã từ bỏ mảnh đất mới để trở lại với tổ ấm của mình, với người vợ hiền thảo một sương hai nắng mà anh có lúc anh đã “lãng quên”.

Có thể nói, với “Cuộc đời của Yến” - đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã chuyển thể khéo léo một câu chuyện dung dị nhưng lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống của người dân nông thôn trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945 lên màn ảnh. Đặc biệt là nhấn mạnh tới thân phận của người phụ nữ truyền thống Việt Nam thời đó. Mộc mạc, giản dị nhưng luôn hết mình vì gia đình cho dù phải chịu nhiều thiệt thòi.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến phần diễn xuất của nữ diễn viên Thúy Hằng (Yến). Thúy Hằng đã thể hiện rất tốt những cung bậc cảm xúc mà Yến phải trải qua, một phụ nữ luôn sống trong tâm trạng giằng xé… Chính diễn viên này cũng chia sẻ: “Khi mới đọc kịch bản tôi cũng cảm thấy đây là một vai diễn khá nặng với mình nhưng cảm thấy thích hình mẫu của Yến nên đã nhận lời. Điều khiến tôi thấy khó nhất khi vào vai Yến chính là việc thể hiện cảm xúc của nhận vật - khi đau đớn nhất cũng phải tỏ ra bình thường và chỉ nó bộc lộ khi Yến ở một mình…”. Ngoài ra, các diễn viên nhí của bộ phim cũng đã thể hiện khá tốt vai diễn của mình. Các em giúp bộ phim thêm sự sinh động và cuốn hút bởi sự vô tư, hồn nhiên nhưng cũng rất tình cảm.

Đạo diễn đã khá chau chuốt cho những khung hình của phim, đặc biệt là những cảnh toàn với hình ảnh cánh đồng lúa xanh mướt được quay từ trên cao hay những cảnh đi sâu vào miêu tả tâm trạng của nhân vật Yến. Còn phần âm nhạc, với phần thể hiện của giọng ca truyền cảm của Lê Cát Trọng Lý bài hát “8 chữ có” đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả.

(nguồn: http://vov.vn/van-hoa/dien-anh/cuoc-doi-cua-yen-phim-dung-di-chua-dung-nhieu-y-nghia-451818.vov)

cuoc-doi-cua-Yen-2

cuoc-doi-cua-Yen-3

cuoc-doi-cua-Yen-4-b

Từ trái: NS Hoàng Dũng, vợ chồng Trương Nam Hương, Đặng Hồng Ân

cuoc-doi-cua-Yen-4-A

Từ trái: Đoàn Thạch Biền, Đoàn Tuấn, Lê Minh Quốc, Trần Đào Hiền Nhân & Vân

Ảnh: Minh Lê chụp lúc 19 g ngày 8.1.2016 tại Rạp Galaxy 116 Nguyễn Du, Q. 1, TP.HCM

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: