VĂN XUÔI Truyện ngắn LÊ MINH QUỐC: Truyện ngụ ngôn Việt Nam

LÊ MINH QUỐC: Truyện ngụ ngôn Việt Nam

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Truyện ngụ ngôn Việt Nam
1. Bầy vịt và cá rô
2.Quạ và chim đại bàng
3. Người trồng nho và con chim sâu
4. Cọp và Mèo
Tất cả các trang

 

Đây là những kịch bản phim Kể chuyện ngụ ngôn Việt Nam theo đơn đặt hàng của HTV, trước năm 2000. Chao ôi, lúc đó viết  khỏe và hầu như lãnh vực nào tôi cũng thử sức kể cả truyện tranh. Âu cũng là một cách kiếm tiền lương thiện bằng ngòi bút của mình.


ngu-ngon-1

 

Nay post vài kịch bản mà tôi còn giữ được, như kỷ niệm nhỏ của ngày tháng đã qua...

ngungon-2

L.M.Q

II.2013



 

Kịch bản: Bầy vịt và cá rô

Thực hiện: Đài truyền hình TPHCM

Tác giả: Lê Minh Quốc (kể)

 

Ao hồ. Ngoại. Ban ngày


Một ao hồ đã cạn nước. Trong hồ những cây bông sen, bông súng đã héo. Xa xa có những lùm tre, lá cũng vàng úa. Gió thổi những chiếc lá tre về phía ao hồ. Ông mặt trời rọi những tia nắng gắt. Trong hồ có một con cá rô giãy đành đạch. Nó gần như tuyệt vọng.

Bỗng lúc đó có một đàn vịt đi qua. Vịt vừa đi vừa hát bài đồng dao ngộ nghĩnh. Con cá rô rướn người kêu lên:

- Các bạn ơi! Cứu tôi! Cứu tôi!

Đàn vịt không nghe. Chúng vẫn vừa đi lạch bạch, vừa hát vui vẻ. Con cá rô lại kêu lên lần nữa.

- Các bạn ơi! Cứu tôi! Cứu tôi!

Một con vịt dừng lại, nói:

- Im lặng. Tớ nghe như có tiếng gọi đâu đây.

Một con vịt khác:

- Làm gì có ai gọi đâu? Chắc cậu nghe nhầm đấy thôi. Hát nữa đi các bạn ơi!

Thế là những con vịt lại vừa đi vừa hát. Lúc này đàn vịt sắp đi qua khỏi hồ, con cá rô liền rướn người lên gọi thảm thiết:

- Các bạn ơi! Cứu tôi! Cứu tôi!

Con vịt đi sau cùng dừng lại, nói lớn:

- Đúng rồi! Có tiếng gọi!

Cả đàn vịt dừng lại. Một con nói:

- Sao chẳng nghe tiếng gọi nào cả?

Lúc này con cá rô lại gọi yếu ớt:

- Cứu tôi! Cứu tôi!

Đàn vịt quay về phía hồ, nơi mà con cá rô đang giãy đành đạch. Một con vịt kêu lên:

- Kia rồi!

Cả đàn vịt cùng kêu lên:

- Kia rồi!

Thế là chúng ùa đến chỗ con cá rô. Hồ cạn nước, con cá rô đang nằm trơ trọi tội nghiệp. Cá rô nói:

- Các bạn ơi! Nước cạn rồi. Chắc tôi chết mất!

Một con vịt hỏi ngốc nghếch:

- Ủa! Sao lại chết nhỉ?

Cả đàn vịt đều hỏi lại:

- Ủa! Sao lại chết nhỉ?

Cá rô đáp:

- Loài cá của chúng tôi sống được là nhờ nước. Nay hồ đã cạn nước thì làm sao sống được!

Một con vịt hỏi:

- Vậy bây giờ chúng tôi phải làm sao để cứu bạn?

Cá rô đáp:

- Các bạn cố gắng đem về cho tôi một ít nước!

Một con vịt hỏi:

- Đem nước về ngay bây giờ à?

Cá rô năn nỉ:

- Vâng, xin các bạn đem nước giúp giùm tôi ngay bây giờ.

Một con vịt nói:

- Làm sao được chứ! Chúng tôi còn phải đi kiếm ăn nữa!

Một con vịt khác, nói thêm:

- Đúng vậy! Chúng tôi sẽ giúp bạn. Bạn vui lòng chờ chúng tôi nhé!

Cá rô thều thào, hai con mắt đỏ ngầu:

- Tôi chờ đến lúc nào? Chao ôi! Không có nước thì tôi chết mất!

Một con vịt an ủi:

- Không sao đâu! Chúng tôi đi kiếm ăn xong sẽ đem nước về cho bạn. Hai con mắt bạn còn đỏ ngầu kìa! Chẳng sao đâu! Bạn cứ nằm nghỉ ngơi nhé!

Nói xong, vậy là cả đàn vịt ngốc nghếch lại tiếp tục lên đường. Vừa đi chúng vừa hát vui vẻ. Trong hồ cạn nước, con cá rô nằm yên. Một cơn gió thổi đến, những chiếc lá rơi lả tả xuống mình con cá rô tội nghiệp.

 

Hồ nước rộng. Ngoại


Lũ vịt vừa đi vừa hát, chẳng mấy chốc chúng đi đến một hồ nước rộng mênh mông. Trong hồ có sen nở hồng, có hoa lục bình nở tím… Lũ vịt ùa xuống tắm và kiếm ăn vui vẻ. Chúng nó bơi lượn lờ trong hồ. Bỗng một con vịt nói:

- Tớ xin kể một câu chuyện ngụ ngôn.

Con khác nói:

- Ừ kể đi! Ăn no rồi mà nghe kể chuyện thì còn gì thú bằng!

Cả lũ vịt nhao nhao:

- Kể đi! Kể đi!

Con vịt này nói:

- Lúc nãy chúng mình đi đường có gặp con cá rô. Hai con mắt của nó đỏ ngầu. Các bạn có biết tại sao không? Thôi để tớ kể cho các cậu nghe nhé.

Nó nói xong thì làm điệu bộ như con cá rô lúc giãy đành đạch. Nó tằng hắng kể:

- Ngày xưa, con cá rô và con lươn là đôi bạn thân. Một hôm con rô đi chơi, đi ngang qua chỗ con lươn đang nằm trong hồ. Rô hỏi: “Úi chà! Cậu nằm trong lờ trông thư thả, thanh nhàn quá nhỉ!” Nghe nói vậy, con lươn đáp: “Tớ mới dựng được một ngôi nhà nghỉ mát. Mời cậu ghé vào chơi!”. A ha! Đố các cậu, con rô này có vào không?

Cả lũ vịt nhao nhao:

- Chả vào! Ai lại dại chui vào trong lờ?

Con vịt kể chuyện bèn nói:

- Đúng thế! Chả ai dại mà chui vào trong lờ. Thế nhưng con lươn tinh quái này lại thách rằng:

Nhà tôi gió mát trăng trong

Thềm cao, sân rộng, sổ song bốn bề

Xin cậu đừng chê!

Cả lũ vịt nhao nhao:

- Chà! Câu thách này hay quá nhỉ! Thế con rô nghe bùi tai thì có vào không?

Con vịt kể chuyện nói:

- Không! Con rô vẫn rụt rè đứng ngoài. Các cậu có biết rồi sao nữa không? Khi thấy cá rô không vào thì

con lươn bèn thách tiếp như vầy:

Nhà tôi cao rộng bốn bề

Cậu vào nhà nghỉ không hề can chi

Xin chớ ngại gì!

Rô bấy giờ nghe bùi tai, chui vào trong lờ!

Cả lũ vịt lại nhao nhao:

- Thôi chết! Rô vào trong lờ thì sao chui ra?

Con vịt kể chuyện bèn nói:

- Đấy! Làm sao chui ra? Còn con lươn thì chui ra được khỏi lờ, khi ra khỏi nó lại hát:

Thương thay cậu đã vào lờ

Khi vào thì dễ, bây giờ khó ra

Xin cố chui qua!

Nghe con lươn hát trêu như thế, cá rô tủi thân khóc mãi, khóc mãi nên bây giờ mắt mới đỏ ngầu lên! Hết!

Lũ vịt cười rộ lên:

- Hay! Câu chuyện ngụ ngôn này hay quá! Đúng là tội nghiệp con rô quá! Vì nghe lời mật ngọt, lời dụ dỗ

ngọt ngào để mất cảnh giác mà thiệt thân!

Lúc này, mặt trời đã đứng bóng. Một con vịt nói:

- Các bạn ơi! Bọn mình mau về đi thôi! Nghe kể chuyện con lươn với con cá rô thì tớ sực nhớ con rô đang

chờ bọn mình đem nước về.

Cả lũ vịt nói:

- Ừ nhỉ! Thế mà chúng mình lại quên béng mất. Mau về thôi.

Thế là lũ vịt lạch bạch lội lên bờ, chúng xách nước theo, chúng nói:

- Đi nhanh lên các bạn ơi! Cá rô đang chờ chúng ta đấy!

Cả lũ vịt tất tưởi đi. Trưa nắng đứng bóng. Nắng gắt.

 

Ao hồ. Ngoại


Khi đi đến hồ cạn nước, lũ vịt ngốc nghếch cùng gọi:

- Cá rô ơi! Chúng tớ đem nước về cho bạn đây!

Không có tiếng trả lời.

Lũ vịt lại lên tiếng gọi:

- Nước đây! Cá rô ơi!

Vẫn không có tiếng đáp lại.

Cả lũ vịt lạch bạch đi đến chỗ mà lúc sáng cá rô đã nằm. Hỡi ôi! Cá rô đã chết khô từ lúc nào rồi. Một con

vịt nói:

- Chậm quá rồi các cậu ơi!

Cả lũ vịt đồng thanh nói:

- Chậm quá rồi!

Một con vịt nói:

- Nếu chúng ta về sớm hơn, đừng mải mê kiếm ăn thì đã cứu sống được cá rô rồi!

Một con khác nói:

- Tội nghiệp cá rô quá! Thôi chúng ta hãy tưới nước cho cá rô nhé!

Thế là cả lũ vịt cùng một lúc đều tưới nước lên mình cá rô. Một vũng nước vô nghĩa. Một con vịt nói bùi

ngùi:

- Muốn giúp ai thì giúp liền lúc đó, chứ để chậm trễ quá thì hỏng hết mọi chuyện!


 

Kịch bản: Quạ và chim đại bàng

Thực hiện: Đài truyền hình TPHCM

Tác giả: Lê Minh Quốc (kể)

 

Khu rừng. Nội. Ngày

Cánh rừng rậm. Cây chuyển động. Xào xạc lá rơi. Trên cành cây có con quạ đang đứng, bên cạnh nó là con công. Cả hai con đều có màu lông trắng như nhau. Con quạ nói:

- Anh công này! Ta thử xem các giống chim trên rừng, trên núi, giống chim nào cũng đẹp cả.

Công đáp:

- Vâng, giống chim nào cũng đẹp cả.

Quạ hứng chí nói tiếp:

- Con phượng hoàng được người ta khen: “Một cái lông phượng hoàng bằng cả làng chim chích”. Con cò

thì lông trắng muốt, đến nỗi người ta phải khen rằng:

Một đàn cò trắng phau phau

Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm

Còn như anh em ta đây! Than ôi, thân hình thật không còn giống nào xấu hơn nữa.

Nghe quạ nói thế, con công thở dài:

- Phận xấu đành vậy, chứ biết làm sao bây giờ?

Con quạ tỏ ra đăm chiêu, suy nghĩ. Một lát sau, quạ nói:

- Xấu mà làm ra đẹp thì cũng được chứ?

Công đáp:

- Ừ! Cũng có thể được.

Quạ bàn với công:

- Vậy bây giờ hai đứa mình cùng tô điểm, vẽ vời cho nhau xem có đẹp hơn không?

Con công nghe nói thế liền gật đầu. Quạ nói:

- Tôi vẽ trước cho anh nhé!

Thế là quạ bèn ra sức tô màu vẽ vời cho công. Đẹp nhất là đuôi công. trông màu sắc lóng lánh, rực rỡ biết bao nhiêu. Ngay cả công cũng phải hài lòng:

- Anh quạ ơi! Đẹp quá! Anh vẽ khéo quá! Bây giờ tôi vẽ lại cho anh nhé!

Con quạ gật đầu.

Con công vẽ lại cho quạ. Lúc đang vẽ thì có một đàn chim khác ríu rít bay lại. Đang ngồi cho công vẽ, quạ

ngước lên hỏi:

- Chúng mày đi đâu mà kéo đàn, kéo lũ như thế?

Đàn chim bèn đáp:

- Chúng tôi nghe đồn ở phía Nam có nhiều gạo, nhiều gà lại có nhiều xác chuột chết. Chúng tôi đi kiếm ăn

đây.

Nói xong, đàn chim vỗ cánh bay đi. Con quạ đang ngồi cho con công trang điểm bộ lông, tỏ ra bồn chồn

lắm. Công nói:

- Anh quạ! Anh ngồi yên thì tôi mới vẽ được cho anh chứ!

Quạ đáp:

- Ngồi yên thế nào được!

Công hỏi:

- Sao lại không được?

Quạ trả lời:

- Bây giờ tôi ngồi đợi để anh tô điểm vẽ vời cho đẹp thì biết bao giờ mới xong? Thôi, sẵn cả đĩa mực đây

anh cứ cầm mà đổ lên cả mình tôi.

Công ngạc nhiên:

- Đổ hết lên mình anh à?

Quạ đáp:

- Ừ! Anh cứ đổ hết mực lên mình tôi. Vậy là xong. Tôi còn phải theo bọn kia, chứ không lỡ mất một dịp

may!

Công nói:

- Vội gì anh quạ ơi! Anh háu ăn như thế thì có ngày cũng mang vạ vào thân đấy!

Quạ nói:

- Chẳng sao cả. Sống để ăn chứ để làm gì? Thôi, anh cứ làm theo yêu cầu chính đáng của tôi nhé!

Công trả lời:

- Anh đã muốn thì tôi đành chiều theo ý anh nhưng tôi nhắc anh đừng quên rằng: háu ăn thì sau này đừng có ân hận nhé!

Quạ đáp:

- Không sao cả. Anh cứ làm đi!

Thế là công cầm cả đĩa mực dốc xuống mình quạ. Vậy là bao nhiêu lông của quạ thành một màu đen như

mực. Quạ hài lòng nói:

- Dĩ thực vi tiên. Ăn là trước hết. Cần gì với xấu đẹp.

Nói xong quạ vỗ cánh bay.

 

Đồng bằng. Ngoại


Quạ bay về đồng bằng phía Nam, quả đúng như lũ chim kia đã nói. Ở đó có nhiều thức ăn, nhưng hỡi ôi! Chỉ còn mỗi một xác con chuột chết - vì nó đến trễ. Quạ nói:

- Tiếc quá nhỉ! Chỉ còn mỗi con chuột. Thôi, có còn hơn không.

Quạ vội sà xuống chỗ con chuột chết. Lúc này, từ trên trời cao có con chim đại bàng bay đến. Cánh đại

bàng xòe rộng trông rất đẹp mắt, uy dũng. Đại bàng nói:

- Chào bạn quạ!

Quạ đáp lại:

- Chào anh đại bàng!

Đại bàng lại nói:

- Sao bạn bây giờ đen thủi đen thui thế kia?

Quạ bèn kể lại câu chuyện vì muốn làm đẹp, nhưng do háu ăn nên con công đã đổ cả lọ mực vào mình.

Nghe xong, đại bàng thương hại:

- Thế đấy! Chỉ vì háu ta háu táu tham ăn mà bây giờ lông đen trông gớm quá!

Quạ nổi giận:

- Nè, anh chế giễu tôi đấy hả anh đại bàng?

Đại bàng đáp:

- Tôi chế giễu bạn làm gì? Tôi chỉ thương hại bạn thôi. Nè bạn quạ ơi!

Quạ đáp:

- Anh gọi gì tôi?

Đại bàng nói:

- Thôi tôi nói thật với bạn nhé! Do bạn ở xa mới đến đây bạn không rõ, chứ con chuột kia đã bị ngấm thuốc

độc rồi!

Quạ hoảng hốt:

- Thật à?

Đại bàng nói:

- Sao lại không thật? Tôi đùa với bạn để làm gì cơ chứ? Tôi nói thật nhé. Bạn mau vứt con chuột kia đi!

Đừng có ăn!

Quạ cầm con chuột chặt hơn:

- Vứt đi ngay mồi ngon này à?

Đại bàng nói:

- Vâng, đừng có tiếc. Bạn tham ăn thì toi mạng đấy!

Quạ ngẫm nghĩ, nói thầm:

- Con đại bàng này chỉ giỏi bày mưu lập kế để tranh mồi mà thôi! Ta mà vứt đi thì nó sẽ đớp ngay. Dại gì

mà mắc mưu nó!

Nghĩ thế nên quạ trả lời:

- Anh đại bàng ơi! Cám ơn anh đã nói với tôi điều đó. Nhưng tôi không thể nghe theo được.

Đại bàng nói:

- Này! Này! Bạn quạ ơi! Đừng có tham ăn mà toi mạng!

Nói xong, đại bàng sà xuống gần chỗ quạ. Quạ sợ đại bàng tranh mồi nên lập tức vỗ cánh bay ngay.

Con quạ mang con chuột về cánh rừng mà sáng nay nó cùng con công trò chuyện. Thấy quạ về, công hỏi:

- Anh đã về rồi đấy à?

Quạ đáp:

- Vâng! Mồi ngon quá! Dù tôi đến trễ nhưng vẫn kiếm được con chuột này.

Công e dè:

- Ô hay! Anh đến trễ mà vẫn còn mồi? Anh quạ ơi! Tôi ngờ rằng chắc mồi này bị làm sao nên bọn chim kia

mới bỏ lại đấy chứ!

Quạ nghe nói vậy giận dữ:

- Anh đừng nói vậy! Tôi đã bực mình khi gặp đại bàng, rồi bây giờ lại gặp anh!

Công ngạc nhiên:

- Ủa! Anh gặp đại bàng à? Đại bàng nói sao?

Quạ đáp:

- Đại bàng nói là mồi này đã bị ngấm thuốc độc và khuyên tôi đừng có ăn!

Công nói:

- Vâng! Đại bàng nói vậy thì anh phải cảnh giác! Đừng vội ăn!

Quạ cười khanh khách:

- Công ơi! Sao anh ngây thơ thế? Đại bàng nói vậy là bày mưu lập kế tranh mồi với tôi mà thôi! Ha ha! Tôi

chẳng dại như mấy anh nghĩ đâu!

Nói xong, quạ đem mồi ra ăn ngấu nghiến. Nó ăn rất nhanh vì sợ bị công tranh mồi. Vừa ăn nó vừa nói:

- Chao ôi! Ngon quá! Ngon lắm!

Nhưng hỡi ôi! Khi ăn nửa chừng thì nó bị ngộ độc mà chết ngay. Quạ ngã lăn ra, giãy đành đạch. Con

công thở dài:

- Tham thực thì cực thân. Điều này có bao giờ sai đâu!


 

Kịch bản: Người trồng nho và con chim sâu

Thực hiện: Đài Truyền hình TPHCM

Tác giả: Lê Minh Quốc (kể)

 

Khu vườn. Ngoại. Ban ngày


Trong một khu vườn trồng nho. Nho mọc tươi tốt. Có một người đàn ông đang tưới nho. Trên cành cây cao

có tiếng chim hót véo von. Người đàn ông cứ lúi cúi tưới nho, khi đi gần hết luống thì ông gặp con chim

sâu.

Con chim sâu này đang đậu trên cây nho, nó há mỏ ra để ăn sâu bọ trên chùm nho chín mọng một cách

ngon lành. Thấy vậy, ông lão tưới nho quát:

- Đồ ăn hại! Nho ta đang tươi tốt thế này mà ngươi dám đến ăn à?

Con chim sâu quay lại:

- Tôi nào có ăn gì của ông đâu? Tôi đang giúp ông đấy chứ!

Ông lão quát:

- Mày đừng có lẻo mép! Chính mắt tao thấy mày đang ăn nho!

Chim sâu nói:

- Ông nói oan cho tôi!

Ông lão nói:

- Oan gì mày! Chứ mày vào vườn nho nhà tao để làm gì?

Chim sâu đáp:

- Để làm gì à? Tôi ăn sâu bọ! Nếu không có tôi thì sâu bọ sẽ ăn hết nho của ông!

Ông lão cười gằn:

- Nói hay nhỉ! Lâu nay không có mày thì nho của tao hư hỏng hết chắc?

Chim sâu nói:

- Đúng vậy!

Ông lão nói:

- Này! Đừng có kể công nhé! Mày ăn sâu bọ thì cũng giống như người ta ăn thịt, trứng vậy. Lẽ ra tao phải

đòi tiền mày đấy!

Chim sâu nói:

- Ô hay! Lẽ ra tôi phải trả tiền cho ông à?

Ông lão đáp:

- Ừ!

Chim sâu nói:

- Ông ơi! Tôi ăn sâu bọ giúp ông thì ông phải trả công cho tôi chứ!

Ông lão nói:

- Không! Mày phải trả tiền công cho tao!

Không ai chịu thua ai, cả hai cùng cãi vã nhau. Cuối cùng ông lão nói:

- Chính mắt tao thấy mày trong vườn nho của tao. Chính mắt tao thấy mày ăn nho của tao! Vậy mày phải trả

tiền cho tao!

Chim sâu kêu lên:

- Ông nhầm rồi!

Ông lão nói:

- Chẳng nhầm gì cả! Nếu mày không trả tiền cho tao thì tao đem mày lên quan để quan phân xử!

Chim sâu nói:

- Ừ! Tùy ông! Cây ngay chả sợ chết đứng, kẻ ngay như tôi thì chả sợ gì cả.

Ông lão nói:

- Vậy thì mày đi lên quan để quan phân xử!

Nói xong, cả hai cùng đi lên công đường. Chim sâu đi trước, ông lão trồng nho đi sau. Trên cao có chim

chóc bay theo, hót inh ỏi trong nắng mai.

 

Nhà quan. Nội. Ban ngày


Cả hai cùng đến nhà quan. Quan là con quạ đen. Quạ hỏi:

- Thế nào các ngươi có chuyện gì cần đến quan?

Ông lão kể lại đầu đuôi câu chuyện:

- Bẩm quan! Con chim sâu này…

Mới nói đến đó thì quạ hỏi:

- Ai là người đứng ra kiện?

Ông lão đáp:

- Bẩm, tôi!

Quạ nói:

- Vậy ông lão đã đóng tiền để quan xử chưa?

Ông lão nói:

- Chưa ạ!

Quạ nói:

- Chưa thì mau mau đóng tiền!

Ông lão nhăn nhó nói:

- Bẩm quan! Tôi không có tiền!

Quạ nói:

- Không có tiền thì thôi. Ta cho cả hai được huề! Chẳng cần phải xử gì cả!

Ông lão lẩm bẩm, nói thầm:

- Nếu xử thắng thì chim sâu sẽ đền tiền lại cho mình. Sợ gì nhỉ? Đã phóng lao thì phải theo lao.

Thế là ông lão rút tiền trong túi áo đặt lên bàn của quan. Quan quạ đen cười khanh khách:

- Được ! Bây giờ thì ông lão hãy nói cho quan để quan biết rõ đầu đuôi câu chuyện.

Ông lão kể lại câu chuyện:

- Bẩm quan! Con chim sâu này đã vào ăn nho trong vườn của tôi. Thế mà nó không trả tiền cho tôi.

Quạ hỏi:

- Có đúng thế không chim sâu kia?

Chim sâu đáp:

- Bẩm không ạ! Oan cho tôi! Tôi chỉ ăn sâu bọ chứ nào có ăn nho của ông lão đâu!

Quạ nói:

- Ông lão nói có, chim sâu nói không. Vậy ta biết tin ai? Này, ông lão, ông có bằng chứng gì không?

Ông lão nói:

- Bẩm quan, chính mắt tôi trông thấy.

Quạ đáp:

- Khi phân xử, người ta chỉ trọng chứng cứ, chứ không trọng cung. Ngươi không có bằng chứng thì làm

sao ta có thể xử phạt chim sâu kia được?

Ông lão nói:

- Bẩm quan! Nhưng chính mắt tôi trông thấy.

Quạ nói:

- Chỉ thấy thôi thì vẫn chưa đủ. Phải có bằng chứng, tang chứng, vật chứng thì mới được. Thôi, ta xử như

thế này: Kể từ nay trở về sau, chim sâu không được bén mảng vào vườn nho của Ông lão nữa.

Chim sâu nói:

- Vâng! Tôi đồng ý!

Quạ nói tiếp:

- Nếu chim sâu vào vườn nho thì xem như là ăn nho của Ông lão. Khi đó ta phạt thật nặng thì đừng trách

nhé. Còn Ông lão, lần sau gặp chim sâu vào thì cứ bắt lên đây cho ta!

Ông lão nói:

- Vâng, tôi đồng ý!

Quạ nói:

- Thôi, xử như vậy là xong. Bây giờ ai về nhà nấy, chớ có lôi thôi mà mang vạ vào thân.

 

Vườn nho. Ngoại. Ban ngày


Buổi sáng, ánh nắng lung linh trong vườn nho. Những lá nho xanh mởn, những trái nho chín mọng trông đẹp mắt. trên chùm nho ấy, có những con sâu. Một con sâu nói:

- Ngon nhỉ! Nho ngon tuyệt!

Con sâu khác đáp:

- Ông lão làm vườn thật đáng khen, ông ta đã đuổi con chim sâu đi rồi. Từ nay, bọn mình tha hồ mà ăn

nho, chả sợ ai nữa!

- Ừ, chả sợ ai nữa!

Bọn sâu ăn hại thích thú lắm. Vừa ăn nho, chúng vừa hào hứng hát một bài đồng dao cho vui vẻ: “Bông

xanh bông trắng rồi lại bông vàng ơ rượng ơ. Bông lê cho bằng bông lựu ơ rượng ơ, là đố y a đố nàng.

Bông rồi lại mấy bông là đố ý a đố nàng. Bông rồi lại mấy bông?”. Trong khi bọn sâu đang vui vẻ hát thì

Ông lão làm vườn lại bắt đầu một ngày lao động của mình. Ông tưới nước cho vườn nho của mình, xăm

xoi nhìn vào từng cây nho, tay nâng niu những trái nho chín mọng, ông nói:

- Nho ơi! Mày mau chín nhé! Chẳng còn con chim sâu nào hại mày nữa đâu! Tao đã đuổi chim sâu đi rồi!

Một cơn gió thổi qua, những trái nho rung rinh như gật đầu hài lòng với lời thủ thỉ, tâm tình của Ông lão

làm vườn.

Một con sâu nói:

- Này! Các bạn ơi, Ông lão đã ra vườn rồi đấy nhé! Cẩn thận nhé!

Con sâu khác đáp:

- Ừ! Phải cẩn thận, kẻo Ông lão phát hiện ra thì khốn đấy!

Thế là những con sâu nằm im. Ông lão không hay biết gì cả, đi về nhà. Lúc này, những con sâu vui mừng

nói với nhau:

- Ông lão đã về rồi, anh em ơi!

Những con sâu bắt đầu cắn vào những chùm nho chín, chúng vừa ăn vừa hát vui vẻ: “Bông xanh bông

trắng rồi lại bông vàng ơ tượng ơi…”


Vườn nho. Ngoại. Buổi chiều


Ông lão làm vườn đứng giữa vườn nho. Bây giờ vườn nho không còn xanh tươi, mơn mởn như lúc trước

mà cây lá xơ xác, đìu hiu. Ông lão nói với cây nho như tâm tình:

- Quái lạ! Sao vườn nho nhà mình lại như thế này? Chẳng có ai vào đây phá như con chim sâu kia cơ mà!

Chao ôi! Cả vườn nho thông tiêu điều đến thảm hại. Lúc này, con chim sâu bay qua, nó gọi:

- Ông lão làm vườn ơi!

Ông lão ngẩng mặt lên nhìn tứ phía, hỏi:

- Ai gọi ta đấy?

Con chim sâu đậu trên cành cây, nó đáp:

- Tôi đây! Chim sâu đây!

Ông đưa mắt về phía đó:

- Mày đấy à?

Chim sâu nói:

- Vâng tôi đây!

Ông lão buồn rầu hỏi:

- Cả vườn nho của tao trong mùa này sao lại xơ xác thế này? Tao tưới cây chu đáo đêm ngày mà nho ngày

càng héo hắt!

Chim sâu nói:

- Có gì đâu! Tại ông không cho tôi giúp ông đấy chứ!

Ông lão hỏi:

- Ô hay! Mày giúp gì cho tao?

Chim sâu cười hiền lành:

- Mỗi lần tôi bắt sâu cho ông thì ông lại đuổi tôi đi, thậm chí ông còn bắt tôi lên quan nữa!

Ông lão nói:

- Tao không đuổi mày đi thì mày ăn hết cả vườn nho của tao à?

Chim sâu đáp:

- Tôi nào có ăn nho của ông. Tôi ăn sâu đấy chứ? Ô! Ông đuổi tôi đi thì ai bắt sâu cho ông?

Ông lão gật gù:

- Đúng thế sao?

Chim sâu nói:

- Sao lại không đúng! Dù tôi có ăn một vài quả nho thì ông vẫn còn một vườn nho, sao hồi đó ông lại tiếc?

Bây giờ không có tôi thì ai bắt sâu cho ông?

Ông lão nói:

- Đúng! Mày nói đúng lắm! Thế mùa nho sau mày quay lại đây giúp tao nhé!

Chim sâu đáp:

- Ông đã nói thế thì mùa nho sau tôi sẽ đến giúp ông!

 

Vườn nho. Ngoại. Ban ngày

 

Mùa nho sau, Ông lão làm vườn ra sức chăm bón lại vườn nho. Lúc này, trên vườn nho của ông có con

chim sâu đang bắt sâu cho ông. Những trái nho chín mọng lung linh dưới ánh nắng mặt trời. Ông lão làm

vườn vừa tưới cây vừa vui vẻ hát.


 

Kịch bản:  Cọp và Mèo

Thực hiện: Đài Truyền hình TPHCM

Tác giả: Lê Minh Quốc (kể)

 

Rừng. Ngoại. Ban ngày


Trong khu rừng có một con mèo đi dạo chơi. Dáng vẻ đủng đỉnh, nho nhã thư sinh. Mèo đi đến nhà voi

chơi, khi đi đến nơi thì thấy voi đang nằm trước nhà. Voi thở dài, dáng vẻ âu lo. Thấy vậy, mèo mới hỏi:

- Anh voi! Có chuyện gì mà trông anh sầu não thế?

Voi nói:

- Hôm nọ tôi thi tài với cọp, bên nào thua thì phải chịu để cho bên kia ăn thịt. Tôi thua, chút xíu nữa là cọp

sẽ đến ăn thịt tôi!

Mèo nói:

- Anh sợ cọp lắm sao?

Voi đáp:

- Cọp là chúa tể sơn lâm. Ai mà không sợ cọp.

Mèo cười:

- Đúng! Cọp là chúa sơn lâm, nhưng anh cứ để tôi lo liệu.

Voi nói:

- Anh cứu được tôi à?

Mèo:

-Sao lại không? Bây giờ anh cứ đến gốc cây kia nằm chổng vó lên trời rồi để tôi lo liệu.

Voi liền đi tới gốc cây nằm theo lời của mèo dặn. Còn mèo thì nấp sau gốc cây, khi cọp vừa đến thì mèo

nhảy lên mình voi. Nó vừa nhảy vừa nói:

- Một voi, ta ăn hết! Hai voi, ta cũng ăn hết! Ba voi cũng ăn hết!

Lúc này cọp bước đến, hỏi:

- Mày ăn hết được cả voi hả mèo?

Mèo cười:

- Sao mà không ăn được? Tôi vừa vật ngã con voi để ăn thịt nó đây!

Cọp hoảng hồn:

- Mày mà vật được voi à?

Mèo:

- Sao lại không? Anh không thấy voi đang nằm chỏng vó đấy à!

Cọp nói:

- Ghê quá nhỉ!

Mèo:

- Chẳng có gì ghê cả. Nếu anh đến thì tôicũng vật anh luôn thể!

Cọp:

- Mày vật ngã tao thì sao?

Mèo:

- Nếu tôi vật ngã anh thì tôi cũng ăn thịt anh luôn! Nhưng thôi, nếu anh muốn thì tôi dạy cho anh cách vật

ngã bất cứ con gì!

Cọp:

- Kể cả voi?

Mèo cười khì:

- Tất nhiên!

Cọp:

- Hay quá nhỉ!

Mèo:

- Có gì là hay đâu! Tôi sẽ dạy cho anh với điều kiện…

Cọp:

- Điều kiện gì?

Mèo:

- Anh không được ăn thịt con voi này, vì nó là phần của tôi.

Suy nghĩ một lát, cọp đáp:

- Ừ cũng được!

Mèo:

- Bây giờ anh về nhà tôi thì tôi sẽ dạy cho anh.

Cọp và mèo cùng đủng đỉnh bước đi. Mèo đi trước, cọp đi sau.

 

ngu-ngon-1

 

Nhà. Ngoại


Nhà mèo có cây cau cao. Khi đi đến nơi, mèo nói:

- Anh được tôn làm chúa sơn lâm, nhưng tôi hỏi anh rằng: anh có biết trèo cây không?

Cọp:

- Trèo cây thì có gì là khó đâu!

Mèo:

- Đằng trước nhà tôi có cây cau, vậy tôi với anh cùng thi nhau trèo nhé!

Cọp:

- Ô hay! Mày nói là mày dạy cho tao cách vật cả voi cơ mà! Sao lại nói thi trèo cây ở đây?

Mèo:

- Đúng thế! Nếu anh biết trèo thì mới học vật được. Tôi phải kiểm tra sức khỏe của anh chứ!

Cọp:

- Thôi được. Tao đồng ý. Nhưng tao nói trước, nếu tao trèo nhanh hơn mày thì tao ăn thịt mày nhé!

Mèo nói:

- Nếu anh thua tôi thì sao?

Cọp nói:

- Thì chẳng sao cả. Vì tao là chúa sơn lâm cơ mà!

Mèo đáp:

- Ừ! Vậy cũng được!

Thế là mèo và cọp đủng đỉnh bước ra khỏi nhà, chúng đi đến chỗ cây cau. Cây cau cao vút, mọc trước sân

nhà của mèo.

 

Ngoại. Sân nhà


Cả hai cùng ngửa mặt nhìn cây cau. Mèo nói:

- Bây giờ thì ai leo trước?

Cọp tinh quái nghĩ thầm:

- Mình chưa bao giờ biết leo cây cả, chi bằng mình cho hắn leo trước để mình bắt chước làm theo.

Ngẫm nghĩ xong, cọp nói:

- Ta vốn là chúa sơn lâm, ta cho ngươi leo trước!

Mèo nói:

- Vâng, tùy anh. Bây giờ tôi leo nhé!

Nói xong, mèo co chân leo lên cây cau. Nó leo nhẹ nhàng mà nhanh thoăn thoắt. Con cọp thấy vậy cũng

bắt chước leo lên, nhưng mới lên được một đoạn ngắn thì tụt xuống. Không thể nào leo lên được cả.

Trong lúc này mèo đã leo lên ngọn cây cau, từ trên cao chót vót, mèo nói:

- Anh cọp ơi! Sao anh không leo lên?

Cọp nói:

- Tao đã cố gắng bắt chước mày nhưng tao leo không được.

Mèo đáp:

- Vậy à? Thế thì anh đợi tôi xuống, tôi sẽ dạy cho anh cách leo nhé!

Nói xong, mèo tụt xuống một cách lẹ làng trong sự khâm phục của cọp.

Khi đứng dưới đất, mèo nói:

- Tôi dạy cho anh trèo, leo nhé! Nếu biết thêm môn này nữa thì anh sẽ trở thành vô địch.

Cọp thích chí cười:

- Đúng, ta sẽ thành vô địch!

Mèo nói:

- Muốn trèo được thì hai chân trước của anh phải bám vào thân cây. Sau khi đã bám được rồi thì anh dùng

toàn bộ sức lực đưa hai chân sau lên. Nào! Bắt đầu!

Mèo vừa nói, vừa chỉ vào thân cây, vừa làm động tác mẫu để cọp bắt chước theo… Cọp làm theo nhưng lại

tụt xuống. Mèo vỗ về:

- Nào! Bắt đầu làm lại nhé! Anh bám thật chắc hai chân trước vào thân sau. Ừ! Bám chắc rồi phải không?

Hãy nâng người lên.

Cọp vừa làm theo động tác chỉ dẫn, vừa thở hổn hển:

- Hãy nâng người lên!

Mèo khen:

- Đúng rồi! Hãy nâng người lên!

Lần này thì cọp làm được như thế. Khi cọp đang bám vào thân cau thì mèo dạy tiếp:

- Hai chân trước của anh đang bám như thế, anh hãy giơ một chân ra để bám lên cao hơn. Trong khi đó,

hai chân sau thì một chân co lên để giữ thăng bằng! Nào! Làm đi!

Cọp ngoan ngoãn làm theo thì quả thật cọp nâng được thân thể lên cao hơn. Đúng phía dưới, mèo hứng

chí nói tiếp:

- Vậy đó, cứ vậy mà anh leo lên cao hơn nữa.

Theo lời dạy này, cọp leo lên cao hơn. Khi cọp leo đến ngọn cây cau, mèo nói:

- Thôi! Khá lắm! Bây giờ anh hãy tụt xuống!

Cọp chậm rãi tụt xuống đất. Khi xuống đất, cọp nói:

- Bây giờ thì tao biết trèo, biết leo rồi. Tao phải ăn thịt mày.

- Anh không sợ tôi vật ngã anh sao?

Cọp nói:

- Mày đừng có già mồm lẻo mép. Sức mày ốm yếu như thế này làm sao mà mày vật nổi tao?

Mèo run sợ:

- Thật đấy! Anh không thấy tôi đã từng vật ngã voi à?

Cọp cười rống lên:

- Mày đừng có qua mặt tao. Tao giả vờ tin lời mày đó thôi. Bây giờ tao phải ăn thịt mày!

Mèo run lập cập:

- Cọp ơi! Nỡ nào anh lại trả ơn tôi như thế sao? Chính tôi dạy cho anh biết trèo cơ mà!

Cọp cười khoái chí:

- Đúng vậy! Tao trả ơn mày bằng cách là tao phải giết mày. Ha ha! Tao vừa khỏe mạnh, vừa biết leo trèo thì

tao thành vô địch.

Mèo rầu rĩ:

- Anh cọp ơi! Tại sao anh lại ăn thịt tôi?

Cọp kiêu hãnh đáp:

- Tại vì mày biết leo trèo… giống như tao!

Nói xong, cọp lao đến chộp được mèo. Cọp cầm mèo trên tay, môi liếm mép. Trong tay cọp, mèo nói:

- Đúng, tôi phải chết thôi, nhưng…

Cọp quát:

- Nhưng cái gì?

Mèo nói:

- Nhưng tôi chưa dạy anh cách tụt xuống nhanh chóng! Anh biết leo, nhưng tụt xuống còn chậm lắm. Chi

bằng anh hãy thả tôi ra, tôi sẽ dạy cho anh.

Cọp nói:

- Tao thả mày ra thì mày chạy mất.

Mèo nói:

- Tôi chạy đi đâu? Tôi có trèo lên cây thì bây giờ anh đã biết trèo rồi! Anh sẽ trèo theo mà bắt tôi chứ!

Cọp gật gù:

- Đúng! Đúng thế! Tao học xong thì tao ăn thịt mày cũng chưa muộn!

Nói xong, cọp thả mèo ra. Mèo nói:

- Anh cố gắng nghe cho kỹ nhé! Sau khi leo lên rồi, nếu muốn xuống thì anh quay đầu leo lộn xuống, cả

người anh sẽ lao xuống đất một cách nhẹ nhàng.

Cọp nói:

- Tao nhớ rồi! Bây giờ mày làm cho tao xem thử.

Mèo liền leo thoăn thoắt lên cây, khi lên đến ngọn, mèo liền quay đầu lại, nó leo lộn xuống rất trơn tru,

nhanh chóng vì mình mèo nhỏ và nhẹ. Thấy mèo xuống thoăn thoắt, cọp vỗ tay khen:

- Hay lắm! Bây giờ đến phiên tao!

Cọp liền đến cây cau, nó leo lên. Khi tới ngọn cây, nó hỏi mèo đang đứng dưới:

- Bây giờ thì tao phải làm sao?

Mèo đáp:

- Bây giờ anh quay đầu để leo lộn xuống!

Cọp liền làm theo lời dạy của mèo. Khi vừa quay đầu lại để leo lộn xuống thì cọp té từ trên cao xuống đất.

Con cọp ngu ngốc không biết rằng nó nặng nề, chậm chạp thì không thể làm theo kiểu đó được.

Cọp té dập mũi dưới đất. Trong khi đó mèo co chân chạy mất. Trước khi chạy, nó còn đến kéo đầu cọp lên

và nói:

- Quân lừa thầy phản bạn! Đáng đời mày nhé!

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com