VĂN XUÔI Truyện ngắn LÊ MINH QUỐC: Luật chợ

LÊ MINH QUỐC: Luật chợ

 

luatcho

 

Đây là một buổi chiều mà vòm trời giăng đầy mây xám. Những cơn mưa kéo về và trút xuống đường phố. Những người khách bộ hành lúi ha lúi húi kéo nhau vào mái hiên núp mưa. Mưa và gió. Mái hiên độ lượng chở che những người lỡ đường. Trong số đó có Tư Thịnh, anh đứng co ro và thắp trên môi mình một điếu thuốc. Khói tỏa bay. Mưa và gió. Bất chợt, cơn đói lại ùa về khi mùi chiên xào từ quán hủ tiếu bên cạnh lại bay đến. Anh ứa nước miếng. Mấy hôm nay, anh đang thất nghiệp, với số tiền đang còn ít ỏi trong túi thì dù có nằm mơ anh cũng không thể dẫn mình vào quán hủ tiếu được. Anh nuốt nước bọt, và quay nhìn hướng khác. Thế nhưng, mùi hành, tiêu, ớt, tỏi và những tảng thịt bò treo lủng lẳng vẫn ám ảnh trong trí óc. Anh bực mình rít một hơi thuốc lá thật sâu. Điếu thuốc lụn tàn thật nhanh đến bỏng tay. Anh ném mẩu thuốc xuống đất. Dòng nước mưa từ mái hiên cuốn mẩu thuốc ra hè phố mênh mông. Mưa và gió. Trời vẫn mưa. Bỗng một người đến vỗ vai anh một cách thân thiện:

- Nè cậu! Nhờ cậu qua xếp hàng bên cửa hàng thương nghiệp mua giùm tôi vài lố xà bông. Tôi sẽ trả tiền huê hồng cho cậu.

Anh quay lại thì gặp ngay nụ cười căng trên gương mặt người đàn bà son phấn lòe loẹt. Đang túng tiền nên anh gật đầu chấp nhận. Người đàn bà trao tiền cho anh. Chờ một chút xíu nữa ngớt mưa rồi sẽ chạy qua cửa hàng thương nghiệp. Trời vẫn đang mưa. Nhưng mùi thơm một cách béo ngậy của miếng thịt bò đã làm cho khứu giác, vị giác của anh hoạt động một cách tinh tường. Chính vì vậy, dù trời chưa ngớt mưa anh vẫn rời khỏi mái hiên, đến vị trí đứng xếp hàng. Chẳng mấy chốc đến phiên anh. Nhìn gương mặt tái mét của gã thanh niên đang ướt sũng nước mưa, người ta bán ngay cho anh những lố xà bông mà anh cần mua. Không ngờ công việc lại dễ dàng như vậy. Sau khi anh trao hàng cho người đàn bà, bà ta không quên trả tiền công cho anh. Anh cẩn thận cầm những tờ giấy bạc nhàu nát nhét vào trong túi, ngay chỗ trái tim đang gõ nhịp. Dường như khi có tiền thì trái tim đập kiêu hãnh và khỏe mạnh hơn trước. Anh vui vẻ huýt sáo và bước qua quán hủ tiếu. Người đàn bà lại gọi anh một cách thân mật:

- Nè, chiều mai cậu có rảnh rỗi không?

Anh đáp ngay:

- Đang thất nghiệp. Không biết phải làm gì để giết hết thời giờ.

Bà ta cười tình tứ:

- Vậy à? Chiều mai cậu ghé lại đây nghen! Tôi sẽ nhờ cậu mua giùm ít lố xà bông nữa.

Đang buồn ngủ lại gặp chiếu manh. Gặp người đàn bà này thật là may mắn. Anh gật đầu:

- Vâng, bốn giờ chiều mai hẹn gặp nhau ở đây!

Nói xong, anh rảo chân bước đi. Tờ giấy bạc trong túi áo phập phồng  theo nhịp thở đã làm Tư Thịnh gợi nhớ lại những ngày tuổi nhỏ của mình. Ngày xưa, mẹ của thầy Mạnh Tử phải vài ba lần dời nhà, trong đó có một lần phải dời nhà cạnh chợ búa - vì sợ con nhiễm thói buôn bán lọc lừa của thị dân. Trong khi đó, mẹ của anh lại khuyến khích anh làm quen với sinh hoạt của chợ. Chắc hẳn, mẹ của anh suy nghĩ rằng chợ là một quyển tự điển sống động nhất, nơi đó người ta có thể học được bao điều mới lạ. Thế là ngay từ nhỏ đến lúc trưởng thành, việc mua bán ở chợ đã trở thành một kỷ niệm hằn sâu vào ký ức của Tư Thịnh. Kỷ niệm của một người có khát vọng làm giàu bằng nghề nghiệp lương thiện, mà muốn được như vậy thì phải đẩy sự buôn bán lên thành một nghệ thuật. Nghĩ cho cùng thì nó không khác gì câu khẩu hiệu mà chiều nay khi xếp hàng mua xà bông, anh đã đọc được ở cửa hàng thương nghiệp quốc doanh: “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Tất cả những kinh nghiệm từ thời ở chợ, đến bây giờ vẫn còn chi phối toàn bộ suy nghĩ và hoạt động của anh. Công việc đang buôn bán suôn sẻ thì đến năm 1975. Một bước ngoặt lớn. Một cuộc đổi đời. Tất cả xảy ra theo nhiều chiều hướng, thậm chí trái ngược nhau và va chạm vào nhau đến khốc liệt, tỉ như những người thanh niên thời đó đều lao vào cơn lốc của cách mạng. Họ tự nguyện làm mọi việc trong xã hội bằng sự thôi thúc từ nhịp đập rộn ràng của trái tim. Không so đo. Không tính toán. Và đến một lúc nào đó, sực tỉnh lại, họ không có gì ngoài hai bàn tay trắng, nhưng nhiệt tình trong tim vẫn chưa nguội lạnh. Chỉ mấy năm sau chiến tranh, đời sống ngày càng khó khăn hơn, mọi thứ hàng hóa đều trở nên khan hiếm. Mọi người đều xếp hàng để mua nhu yếu phẩm. Xếp hàng theo thói quen. Nhưng con buôn xếp hàng chen chúc nhau để mua hàng quốc doanh, sau đó đem ra chợ bán lại với giá cao hơn. Họ xếp hàng đến mức nhẵn mặt nên cửa hàng đến lúc nào đó sẽ không bán cho họ nữa. Thế là họ phải nhờ người khác xếp hàng giùm mình. Tư Thịnh cũng là một trường hợp như thế.

Nhưng xếp hàng được vài lần thì anh bắt đầu thấy ngượng, nhất là lúc anh Tư Lành, cửa hàng trưởng, đã ném trả tiền vào mặt anh: “Cút xéo! Tôi biết mặt anh quá mà. Anh mua giùm cho con buôn phải không?”. Tư Thịnh đau nhói tim. Anh vội vàng lẻn ra khỏi hàng. Từ nỗi nhục đó, anh suy nghĩ: “Tại sao mình không làm xà bông để bán?”. Lúc này, công nghệ sản xuất xà bông với quy mô lớn đang nằm trong tay Hoa kiều, không dễ gì mà họ nhận anh vào làm việc, vì sợ lộ hết bí mật nghề nghiệp. Nhưng anh vẫn quyết tâm đeo bám để học nghề. Cứ mỗi buổi chiều, anh thường đến uống cà phê ở quán đối diện với một cơ sở sản xuất xà bông. Dần dần Tư Thịnh làm quen được với Sáu Quang - một người thợ giỏi của cơ sở này. Sáu Quang vốn còn độc thân nên sau giờ làm việc là y có thói quen giải trí trong… quán hớt tóc thanh nữ. Tư Thịnh biết vậy nên mỗi lần đi chơi với nhau, anh đều dẫn Sáu Quang đến đó. Y cười tít mắt. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Sự đời là vậy. Cho nên, khi anh nhờ Sáu Quang dẫn đi mua nguyên vật liệu làm xà bông thì y đồng ý ngay. Mặc dù, lò sản xuất xây trong nhà Tư Thịnh nhưng khi pha chế hỗn hợp dầu dừa, xút, xô đa, muối… thì không bao giờ y giảõi bày cho anh biết. Y giấu nghề như mèo giấu cứt. Anh có gặng hỏi thì y cũng chỉ cười mà đáp:

- Công thức chế biến xà bông cũng giống như bí mật của đàn bà. Khi đã biết hết bí mật của họ thì chẳng còn gì hấp dẫn nữa cả.

Cách nói khôn khéo như vậy đã làm anh cứng họng. Sáu Quang nói tiếp:

- Cần gì mày phải biết nghề. Mày chỉ cần thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là… đun củi vào bếp thôi. Vậy là đủ rồi! Hì hì!

Giọng cười khục khặc của y đã làm anh chua chát. Mày không bày cho tao thì tao học cách khác. Anh thầm nghĩ như vậy và thầm học nghề bằng cách canh đồng hồ, lúc này Sáu Quang đổ dầu dừa vào lò thì mấy tiếng đồng hồ sau y lại đổ chất khác vào? Tuần tự này được lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác thì anh đã nắm được “công thức” chế biến của nó. Khách hàng đến với anh ngày một đông, dù anh chưa hề tự tay nấu được một mẻ xà bông nào! Rồi có một ngày, khách tín nhiệm đến đặt anh một số lượng lớn. Anh nhận tiền cọc xong rồi hí hửng đi tìm Sáu Quang. Vẫn quán hớt tóc thanh nữ quen thuộc, vẫn mùi son phấn, mùi nước hoa lẫn tiếng nhạc vàng vọt được trộn lẫn trong không gian chật hẹp này. Vẫn những tiếng cười the thé của những cô gái lỡ thì kéo anh vào quán.

Sáu Quang đang ngồi ngả đầu tình tứ vào cánh tay mềm mại của một cô gái để ráy tai. Tư Thịnh buột miệng nói ngay:

- Trúng mánh lớn rồi anh Sáu ơi! Có người đến đặt mấy trăm ký xà bông. Chiều mai phải giao cho họ rồi. Mình về nấu gấp để kịp giao cho họ anh Sáu à!

Trái hẳn với sự mong đợi của anh, Sáu Quang đáp lèo nhèo như mèo vật đống rơm:

- Ráy tai sướng thế này mà biểu tao phải về ngay à?

- Đã nhận tiền cọc của người ta rồi anh Sáu ơi!

Y trả lời lép nhép như gà mổ tép:

- Vậy thì mày trả tiền cọc lại cho người ta đi!

Trả lại tiền cọc cho người ta à? Không đời nào! Vậy còn gì là uy tín, là lợi nhuận? Bắt Sáu Quang phải rời khỏi quán thanh nữ lúc này chẳng khác gì bắt con lạc đà phải chui qua trôn kim. Anh đành bỏ về.

Cuối cùng, anh quyết định tự nấu mẻ xà bông đầu tiên với tâm trạng hồi hộp, lo lắng. Dây thần kinh căng ra như sợi dây đàn bầu. Hai bên thái dương co giật liên tục. Mồ hôi vã ra. Đến hai giờ khuya mẻ xà bông thành công ra đời. Nhưng thành công với cách học lóm, thì tất nhiên sẽ có một ngày dẫn đến thất vọng não nề. Qua mùa mưa, củi ướt thì độ tỏa nhiệt của nó không giống như trong mùa nắng, trong khi đó, anh vẫn trộn các hỗn hợp theo thời gian đã tính toán thì rõ ràng chất lượng sản phẩm đã khác biệt. Có những ngày anh “thu hoạch” vài tấn xà bông với kết quả thảm hại. Xà bông không đông lại mà nhão nhoẹt như tàu hủ bị vữa. Liên tiếp thất bại này đến thất bại khác. Cho đến một ngày vốn liếng của anh chỉ còn nấu đủ một trăm ký xà bông. Anh đem tiền đi mua nguyên liệu. Những thùng dầu dừa, những bình đựng xút, v.v… được thuê chất lên chiếc xe xích lô chở về nhà, còn anh đạp xe theo sau. Anh đang tưởng tượng một mẻ xà bông sẽ thành công rực rỡ, sẽ bán đắt như tôm tươi, sẽ thu thêm vốn. Nhưng vừa đến ngã sáu chợ Bến Thành, đèn đỏ, anh dừng xe lại. Người đạp xích lô đã chạy mất hút. Chết mẹ rồi! Tìm đâu? Biết tìm đâu cho ra chiếc xích lô cà rịch cà tàng giữa Sài Gòn mênh mông này? Bất giác anh bật lên tiếng khóc. Những giọt nước mắt cay đắng lăn dài trên má đen sạm. Anh chạy tìm đôn đáo. Mệt mỏi. Đến lúc thất vọng nhất, anh trở về nhà thì đã thấy người đạp xích lô ngồi đợi trước cổng từ bao giờ rồi. Thì ra cuộc đời này vẫn còn những người lương thiện kiếm sống bằng nghề nghiệp chân chính. Nếu ông xích lô có lòng tham chở đi nguyên vật liệu này để anh trở về nhà với hai bàn tay không thì có lẽ, cuộc đời của anh đã rẽ qua một ngả khác.

Từ vốn liếng ít ỏi này, Tư Thịnh lại bắt đầu gầy dựng lại công việc làm ăn của mình. Anh đi tìm thầy để học nghề, tìm sách báo chuyên môn để tham khảo. Dần dần số xà bông tiêu thụ nhiều hơn. Đang lúc thần tài đang gõ cửa đến với anh thì tai ương cũng lại đến. Những khách hàng nợ của anh một số lượng lớn lại giật nợ, bỏ trốn không trả cho anh một xu! Lại chuyện địa phương “thương lượng” anh phải giao cho hợp tác xã mua bán của phường vài tấn mỗi ngày, trên nguyên tắc là họ bao tiêu hết. Nhưng hợp tác xã không đủ sức bán, hàng đọng lại. Thua lỗ dồn dập. Và cuối cùng là Tư Thịnh phá sản. Anh ngán ngẩm với nghề làm xà bông. Phải chuyển sang nghề khác thôi. Đang lúc thất vọng như vậy thì có người đến tìm anh. Người ấy chính là Tư Lành - người cửa hàng trưởng đã từng ném tiền vào mặt anh thuở trước. Nhưng khi anh ăn nên làm ra và đã từng rót hàng cho cửa hàng thì hai người trở nên thân thiện với nhau. Tư Lành đến nhà là mang điều lành cho mình đây. Mới năm ngoái đây thôi, Tư Lành đã đặt anh may áo gió bán cho cửa hàng. Thời kinh tế bao cấp ấy đã phá của nhà nước biết bao nhiêu tiền của. Chỉ cần ký xong cái hợp đồng vài chục ngàn cái áo là họ trả tiền ngay. Chỉ cần “chung” cho ngân hàng vài phần trăm là lãnh tiền về. Nhưng Tư Thịnh không quên “đền ơn” cho Tư Lành vài phần trăm huê hồng để mối liên hệ ngày càng bền chặt! Đúng ngày hẹn là họ đến lấy sản phẩm mà không cần biết chất lượng của nó ra sao cả! Buồn cười nhất là những sản phẩm đó họ vẫn phân phát cho cán bộ công nhân viên trong dịp Tết. Công bằng mà nói, nhờ cán bộ quản lý đem tiền vung vãi một cách vô tội vạ thì Tư Thịnh cũng kiếm lời đáng kể! Bây giờ Tư Lành mang điều lành gì đến đây hở trời? Rít một hơi thuốc thơm, Tư Lành nói lào nhào như chào mào mổ dom:

- Thế này Tư Thịnh nhé! Trong kho của cửa hàng “moa” còn gần hai trăm ngàn ống kem đã chảy nước của Trung ương rót xuống theo chỉ tiêu, theo kế hoạch hàng năm. Trả lui thì không được, đem đổ sông đổ biển thì bị kỷ luật như chơi. “Moa” đã gợi ý với cấp trên của “moa” là bán mẹ nó đi. Bán rẻ thôi. Nếu ông muốn đổi đời bằng nghề làm kem đánh răng thì “moa” sẽ nhượng lại. Giá rẻ rề như cho không. Ông nghĩ sao?

Tư Thịnh cắn răng suy nghĩ xem có nên mua “của nợ” này không. Không để cho anh kịp trả lời, Tư Lành đã nói trơn như cháo chảy:

- Ông nên mua ngay đi! Đừng bỏ mất cơ hội đáng đồng tiền bát gạo trong lúc này. Lúc này thị trường đang hiếm kem đánh răng. Ông chỉ cần “tân trang” lại là bán sạch sành sanh! “Moa” đã đề xuất sáng kiến này, nhưng cấp trên của “moa” nhát như cáy nên đếch dám quyết.

Nghe Tư Lành nói cũng có lý lắm chứ, anh gật gù hỏi:

- Anh Tư định nhượng lại cho tôi bao nhiêu tiền một ống kem?

- Bằng giá một phần năm của các loại kem đánh răng đang bán trên thị trường. Nhưng đừng quên chi cho “moa” một ít hoa hồng trà nước nhé!

Vậy thì được. Phải chăng số phận và thần tài đang mỉm cười với anh? Sau khi bán hết đồ đạc trong nhà và vay vốn của bà con họ hàng, anh cho mua gần hai trăm ngàn ống kem hư chở về nhà. Nhìn hàng đống kem chất từng đống trong nhà anh mới hoảng hồn. Tại sao mình lại liều lĩnh đến thế. Nhưng một khi đã leo lên lưng cọp thì không ai có đủ can đảm để nhảy xuống nửa chừng. Tư Thịnh vội vã đi tìm mua máy móc và tìm những người am hiểu về kỹ thuật làm kem đánh răng để tái chế lại những ống kem đánh răng này. Để hấp dẫn tâm lý người tiêu dùng đang khoái dùng hàng ngoại, anh không ngần ngại đặt cho loại kem tái chế này cái tên na ná như tên của loại kem nước ngoài đang bán chạy trên thị trường: Super star. Mẫu mã của nó được in cũng tương tự như mẫu của nước ngoài. Quả đúng như lời Tư Lành đã nói, hàng của anh bán rất chạy, một phần nhờ mẫu mã đẹp và một phần nhờ giá rẻ! Tiền chảy vào nhà anh như nước. Anh nằm ngủ trên đống tiền. Khi có tiền thì người ta thích mua sắm hoặc đi nghỉ mát. Đi nghỉ mát thì phải lên Đà Lạt mới thú vị. Vào một buổi sáng đẹp trời, hai vợ chồng anh đang chuẩn bị ra xe đi nghỉ mát thì có điện tín khẩn gửi đến anh: “Tư Thịnh, con về gấp. Mẹ đang đau nặng”. Anh rụng rời chân tay. Ngay lập tức, thay vì phóng xe lên Đà Lạt, anh cho xe chạy về Tây Ninh. Mẹ anh đang nằm ở bệnh viện. Nhìn gương mặt của bà cụ sưng húp lên, anh không cầm được nước mắt. Ông bác sĩ trưởng khoa ở bệnh viện an ủi anh:

- Anh chớ quá lo lắng. Bà cụ cũng như những nạn nhân ở đây bị dị ứng của loại kem đánh răng mà chất lượng quá kém. Thay vì phải hủy bỏ đi thì người ta lại tung ra thị trường. Anh xem ống kem đây nè!

Khi cầm ống kem từ tay bác sĩ thì Tư Thịnh muốn té xỉu. Mắt anh tối sầm lại. Loại kem Super star do chính anh sản xuất đây mà. Mẹ anh sử dụng sản phẩm của anh không bay lên với siêu sao mà bay lên vào… bệnh viện. Sự đời trớ trêu thay. Đêm hôm ấy, Tư Thịnh trằn trọc mất ngủ. Trên đường trở lại Sài Gòn, vợ anh thở dài:

- Phải cho thu hồi toàn bộ ống kem của mình đang bày bán trên thị trường. Mình lời lãi như vậy là đủ lắm rồi. Nếu vì dùng kem đánh răng của bọn mình mà mẹ có mệnh hệ gì thì ân hận biết chừng nào!

Vợ anh nói đúng ý anh. Anh đang nghĩ đến một cơ hội làm ăn lương thiện. Thế là anh cho ra đời một loại kem mới với sự cộng tác chặt chẽ của những người làm công tác khoa học kỹ thuật có uy tín. Anh cho đổi mẫu mã, đổi tên mới thành kem đánh răng Huyền Sương. Với cách làm ăn thận trọng và đầy trách nhiệm lần này, anh tin rằng sản phẩm mới của mình cũng bán chạy. Nhưng anh đã lầm. Sản phẩm mới thất bại hoàn toàn. Không nản chí, anh quyết tâm đeo bám nghề vì toàn bộ cơ nghiệp đã dồn hết vào nghề này rồi. Điều anh dằn vặt là đi tìm nguyên nhân thành công của ống kem Hynos, kem Perlon trước giải phóng. Anh phát hiện ra rằng: kem Hynos phải mất từ ba đến năm năm mới tạo được chỗ đứnt trong thị trường, mà trước đó người sản xuất phải bê từng lố đi bán lẻ, chất lên xe tải để bán dạo ở chợ, ở tỉnh khác. Họ kiên trì lắm. Còn kem Perlon thành công nhờ kỹ thuật công nghệ tốt và mạng lưới phát hành rộng rãi. Học tập kinh nghiệm của họ, anh bắt đầu chú ý đến kỹ thuật công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm Huyền Sương. Rồi bỏ tiền ra mua xe tải cùng tài xế đi mọi tỉnh thành để giới thiệu, quảng cáo sản phẩm của mình. Thế nhưng sản phẩm vẫn không bán được, dù ký gửi khắp nơi. Tiền vốn ứ đọng tương đương với ba trăm ngàn ống kem. Nợ mỗi ngày một chồng chất. Nợ tứ lung tung xèng.

Trong lúc chán nản nhất thì anh sực nhớ lại lời ai đó đã nói với anh: Một sản phẩm muốn đi vào trí nhớ người mua hàng thì mẫu mã của nó phải lạ, phải đẹp, tên gọi dễ lọt lỗ tai mấy bà nội trợ. Còn Huyền Sương là cái quái gì? Nghe ngô nghê quá! Sao mình không đặt tên của mình? Tên Kim Thịnh cũng trác tuyệt lắm chứ! Anh chộp ngay cái tên cúng cơm để đặt cho sản phẩm của mình. Sau đó, anh đi mua hàng loạt mẫu mã đủ loại kem đánh răng trong ngoài nước, rồi nhờ họa sĩ sáng tác cho mình kiểu chữ mới, nhãn hiệu mới: Kim Thịnh! Hỡi ôi! Mặc dù mặc áo mới nhưng sản phẩm vẫn không bán được! Vào một buổi chiều mưa tầm tã, vợ anh chở một bao hàng tạt vào nhà trú mưa. Bao hàng thấm nước mưa rách toạc, lòi ra những chiếc bàn chải đánh răng. Anh chợt nảy ra sáng kiến khi săm soi bao hàng:

- Cưng à! Em đi lấy thêm tại gốc cho anh vài trăm bàn chải đánh răng nghen!

- Bộ anh định chuyển nghề nữa à?

Tư Thịnh nói như đinh đóng cột:

- Không! Anh bỏ bàn chải vào trong hộp kem đánh răng. Người ta sẽ mua ngay thôi. Vì nó tiện lợi, vì khi mua ống kem người ta có cảm giác được tặng một bàn chải - dù tiền có cao hơn chút đỉnh!

- Hay đấy! Mình làm thử đi anh!

Nói là làm. Trời ơi! Không ngờ mẻ hàng “làm thử lại ăn thiệt”, vừa tung ra thị trường vài ngày sau thì đã bán hết sạch. Thành công là chỗ này chăng? Để cho người tiêu dùng biết đến sản phẩm “khác lạ” này, anh lại tiếp tục quảng cáo. Anh mạnh dạn bán dần đồ đạc trong nhà để có tiền quảng cáo vì anh tin rằng khách hàng đang chấp nhận sản phẩm của anh. Tư Thịnh quyết định mở rộng thị trường. Anh cùng một vài công nhân thân tín đi khảo sát thị trường Hà Nội. Lúc này, ở thủ đô, mọi người đang ưa chuộng kem đánh răng Hà Nội, Như Ngọc, Vonga - chứ chưa ai biết đến sản phẩm Kim Thịnh cả. Sau khi tìm hiểu thị trường, Tư Thịnh quyết định đem sản phẩm Kim Thịnh ra chợ Đồng Xuân, bất cứ chỗ nào có bán kem đánh răng thì tặng họ mười ống để họ giới thiệu giùm. Chỗ nào nhận ký gửi để bán, thu tiền sau, thì được tặng vài quyển lịch. Thế nhưng, không phải chủ hàng nào cũng vui vẻ nhận lấy kem Kim Thịnh, vì sợ chật hàng mà không biết bán được hay không. Anh và công nhân của mình phải năn nỉ họ nhận giùm và hẹn bốn ngày sau nếu không bán được thì sẽ lấy hết về. Bốn ngày sau, khi trở lại chợ Đồng Xuân, không ngờ các chủ hàng hỏi mua từ năm đến mười thùng kem Kim Thịnh. Anh mừng khôn xiết. Để khuyến khích chủ hàng mua thêm, anh quy ước nếu nơi nào mua năm thùng thì được tặng một quạt máy. Rõ ràng, Tư Thịnh đã nắm được quy luật: Muốn đẩy mạnh sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì sản phẩm đó phải tìm được, tìm đúng thị trường của mình. Để bền vững tại thị trường đó thì chất lượng sản phẩm không ngừng nâng cao hơn nữa. Một mặt bỏ tiền ra đầu tư vào trang thiết bị, anh suy nghĩ tìm cách sao cho mặt hàng của mình phải quyến rũ người tiêu dùng hơn nữa. Với đầu óc của một người từng lăn lộn ở chợ, anh phán đoán mặt hàng Kim Thịnh sẽ bị cạnh tranh khốc liệt. Trong thương trường, thì cạnh tranh là một trong những yếu tố quyết định thành công hoặc thất bại của những người buôn bán với nhau. Tư Thịnh chợt nhớ một kỷ niệm.

Đó là lúc cạnh tranh mặt hàng tỏi trong chợ Bình Tây giữa các chủ vựa lớn. Lúc bấy giờ tâm lý người mua không thích tỏi trắng của Việt Nam, ngược lại tỏi Trung Quốc dù chất lượng thấp hơn nhưng sẫm màu lại được khách hàng ưa chuộng. Bà con tiểu thương chợ Bình Tây mới nghiên cứu phương pháp sấy tỏi. Đại loại như ngâm tỏi vào bể nước lớn có pha màu, sau đó vớt ra và đem sấy khô. Cái khó là phải sấy làm sao cho trong ngoài củ tỏi đều khô và giữ được màu thật tươi. Gia đình của anh đã làm được điều đó, mỗi ngày bán ra vài tạ tỏi. Những chủ hàng khác thấy vậy liền hạ giá tỏi để cạnh tranh. Không phải họ hạ giá vài ngày mà kéo dài vài tuần - tìm mọi cách để “hất chân” gia đình anh. Biết vậy, gia đình anh cũng hạ giá theo, nhưng chỉ hạ đến một mức nào đó thôi chứ không thì sẽ lỗ nặng. Những chủ hàng khác có vốn lớn hơn nên họ giữ vững chiến thuật này. Cứ kéo dài tình trạng này thì mặt hàng tỏi của anh dù được bán ra số lượng lớn thì lại càng lỗ lớn. Đối đầu quyết liệt với sự cạnh tranh này thì Tư Thịnh phải làm sao? Anh và những người nhà lập tức “chốt” ngay ở địa điểm buôn bán của những khách hàng, họ cần số lượng bao nhiêu thì sẽ cung cấp ngay, chứ không để cơ hội cho những chủ hàng khác đổ hàng vào. Trước đây, khi mua hàng của gia đình anh, khách phải trả tiền ngay thì nay anh chịu cho nợ, mỗi tuần mới kết sổ một lần. Hơn thế nữa, ngay từ tờ mờ sáng anh phải đến địa điểm người mua hàng, phụ việc cho họ nhằm dọ hỏi số lượng hàng họ cần bao nhiêu để chuẩn bị trước, và việc làm này cũng nhằm tranh thủ tình cảm của họ. Anh duy trì phương thức này suốt thời gian cạnh tranh, cho đến lúc những chủ hàng khác bỏ cuộc. Sau khi còn “một mình một ngựa” thì anh bắt đầu cho tăng giá dần dần. Tăng giá thật khéo léo để không gây phản ứng của khách hàng.

Bây giờ cũng vậy, một khi kem Kim Thịnh đứng vững trên thị trường thì sẽ có cơ sở khác cạnh tranh. Nhằm đối phó lại tình huống này, Tư Thịnh bắt đầu cho “chốt” ở những địa phương mà hàng anh đang bán chạy - nói cách khác là anh đã cho mở những đại lý của kem Kim Thịnh, như khi cạnh tranh mặt hàng tỏi mà anh đã có kinh nghiệm trải qua. Mặt khác, nhờ đọc sách báo về nghệ thuật kinh doanh anh biết trước giải phóng đã có một hãng bột giặt từng khuyến khích người mua bằng cách bỏ vào thùng hàng những tấm vé số được thưởng. Tư Thịnh cũng bắt chước theo. Ai mua một ống kem đánh răng mà trong đó có tờ vé số ghi ba số chín thì sẽ được thưởng món quà gì đó. Nhưng chỉ dừng lại đó thôi thì chưa đủ, trong tờ vé số đó anh có nêu ra hàng loạt câu hỏi về sở thích, chất lượng, mẫu mã của kem đánh răng Kim Thịnh để người mua đóng góp ý kiến. Nhờ sáng kiến như vậy Tư Thịnh đã “tiếp thị” được những thông tin của người tiêu dùng đánh giá về sản phẩm của mình, để kịp thời thay đổi mà phục vụ đúng yêu cầu của họ. Dần dần, kem Kim Thịnh được mọi người chú ý đến. Thần tài lại mỉm cười với anh.

Bây giờ công việc của anh bề bộn hơn trước. Công nhân ngày càng nhiều và số lượng sản phẩm ngày càng lớn. Chiều nay, anh dành cho mình chút ít sự thong thả để đi xuống phố. Đi qua quán hớt tóc thanh nữ mà thuở hàn vi anh đã từng vào đây với Sáu Quang, anh đã thấy nơi này mọc lên quán cà phê sáng sủa hơn nhiều. Anh bước vào quán nhấm nháp ly cà phê đen. Thoáng thấy bóng dáng ai rất quen, anh gọi lớn:

- Anh Tư Lành! Vào đây uống cà phê!

Thật là Tư Lành đó sao? Anh ta đã thay đổi nhiều lắm, trông nhếch nhác quá chừng. Anh hỏi:

- Đi đâu mà đi bộ giữa phố xá bụi bặm vậy?

Tư Lành cười như mếu:

- “Moa” đang thất nghiệp. Đi tìm việc. Làm sao mà đi xe hơi bóng lộn như ông được.

- Xạo hoài!

-Ai thèm xạo với ông làm gì! “Moa” bị tinh giản biên chế ông ạ! Trước đây “moa” chẳng có nghề nghiệp gì cả, tổ chức phân công đâu thì “moa” ngồi đó. Bây giờ tổ chức sắp xếp nhân sự lại thì “moa” ngồi đâu? Kinh tế thị trường “hắc ám” quá. Nó là…

Không để cho Tư Lành nói hết câu, Tư Thịnh kéo anh ta vào quán:

- Là cái gì cũng được anh Tư à? Miễn sao nhà doanh nghiệp phải động não, phải đáp ứng được nhu cầu mà người tiêu dùng đang mong muốn. Trong suốt quá trình ấy họ có thể gặp thất bại, nhưng điều cốt yếu là thất bại ấy không bào mòn được đam mê làm giàu chính đáng của họ. Anh Tư uống gì? Đen đá hay sữa đá? Tôi sẽ tìm việc cho anh. Anh có chịu về làm chân bảo vệ cho cơ sở sản xuất kem đánh răng của tôi không?

Tư Lành nghe nói vậy mừng cười ha hả. Trời đang ngả dần bóng nắng trên những vòm cây nghiêm nghị đứng ven đường. Gió thổi lành lạnh. Tư Thịnh ngước mắt nhìn ra đường, phía bên kia là chợ Bình Tây – anh chợt nhớ đến ông Quách Đàm, một nhà doanh nghiệp đầu tiên bỏ vốn liếng tài sản của mình để xây lên ngôi chợ này. Đi ra từ ngôi chợ này có người trở thành ông chủ một cơ sở sản xuất với quy mô lớn. Tư Thịnh tự hào mình là một ví dụ. Họ đã thành công vì đã nắm được “Luật chợ” – luật của kinh tế thị trường. Còn biết bao người khác nữa, mà anh tin rằng khi nhiều thành phần kinh tế được chấp nhận trong hoạt động kinh tế thời mở cửa, sẽ làm giàu cho chính bản thân mình và cho xã hội. Dân giàu thì nước mạnh.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn - số 29.10.1992)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com