VĂN XUÔI Truyện ngắn LÊ MINH QUỐC: Học giả Nguyễn Văn Xuân - từ trang văn đến cuộc đời

LÊ MINH QUỐC: Học giả Nguyễn Văn Xuân - từ trang văn đến cuộc đời

Kịch bản "Học giả Nguyễn Văn Xuân - từ trang văn đến cuộc đời" khi dựng thành phim và phát sóng trên TFS của HTV, nhà biên kịch Nguyễn Hồ đổi lại "Thầy Nguyễn Văn Xuân".

Phim này do đạo diễn Hải Anh thực hiện và đã đoạt giải Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2001.

nha-van-Nguyen-Van-XuanRR

Nhà văn hóa Nguyễn Văn Xuân

Tôi viết lời bình cho kịch bản này bằng cách xem từng thước phim đã quay do dạo diễn Hải Anh cung cấp. Mà những thước phim này, chúng tôi đã bàn bạc trước khi cùng bắt tay vào làm đường dây cho kịch bản. Sau đó, tôi lại dựa vào hình ảnh đã quay và viết lời bình.

Đây cũng là cách khi tôi viết cho kịch bản Bí mật thái giám trong hoàng cung Việt Nam http://www.leminhquoc.vn/lmq/bao-chi/le-minh-quoc-viet/951-thai-giam-trong-hoang-cung-viet-nam.html kể cả bộ phim về trang phục Việt Nam cũng của đạo diễn Hải Anh.

L.M.Q

X.2012

Kịch bản:

Hình ảnh những người đàn bà Quảng Nam đang gồng gánh trên đường.Để thấy được sự tất bật trong mưu sinh đời thường. Ảnh nhạt dần. Hình ảnh sóng vỗ bờ sóng tung trắng trời. Ảnh nhạt dần. Hình ảnh người đàn bà Hội An đang gánh (05:07).  Hình ảnh vạt lau trắng. Tất cả hình ảnh tĩnh và động nối tiếp nhau nhằm nói lên thân phận con người trong cõi nhân sinh. Từ đó, ta thấy chân dung học giả Nguyễn Văn Xuân. Ảnh tĩnh, từ từ hiện lên dòng chữ ghi tựa của bộ phim.

Lời bình:

Đọc sử của một đất nước, nếu chỉ đọc phần chính sử thì ta sẽ không rõ sinh hoạt, đời sống bình thường của người dân thuở ấy. Điều này chỉ có thể khắc phục được khi ta được đọc những trang gia phả của từng dòng họ, mà qua đó, những con người cụ thể gắn với những số phận thăng trầm sẽ góp phần không nhỏ để bổ sung cho chính sử.

Với suy nghĩ này, chúng tôi nghĩ, để hiểu lịch sử của một đất nước không thể không đề cập đến lịch sử của từng địa phương. Chính những trang sử của từng địa phương sẽ khắc họa, bổ sung cho diện mạo của lịch sử của một đất nước. Những ai đã ý thức được điều này và dám dành trọn một đời để khám phá lịch sử của vùng đất mà mình dang sống ?

Ngoài Bắc, có nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Văn Uẩn, Nguyễn Vinh Phúc, Tô Hoài...đã viết những trang văn thấm đượm linh hồn ngõ ngách ba sáu phố phường với tất cả sự trìu mến, trân trọng.

Trong Nam có nhà văn Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Sơn Nam... đã miệt mài lấy chất chất liệu từ hương rừng Cà Mau, từ “đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ” để dựng lên chân dung của con người phương Nam ngàn năm đi mở cõi.

Vậy miền Trung - mà cụ thể là vùng Quảng Nam, Đà Nẵng - có ai ? Chắc hẳn trong tâm trí chúng ta vọng về tên tuổi và hiện lên hình ảnh của nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân.

 Hình ảnh Nguyễn Văn Xuân đang săm soi từng bia mộ giặc Pháp trên bãi biển Sơn Chà (08:24).

Lời bình:

Lịch sử đã dành cho thành phố Đà Nẵng một sứ mệnh cay đắng và vinh quang. Đó là nơi mà giặc Pháp lần đầu tiên để lại vết ô nhục mà ngàn đời sau không rửa sạch ở Đông Dương. Năm giờ sáng ngày 1.9.1858 chúng đã ngang ngược tấn công thành phố này để mở đầu cho công cuộc xâm lược Việt Nam. Nhưng dưới nhọn cờ chính nghĩa của lão tướng dày dạn chiến trận Nguyễn Tri Phương, dân quân Đà Nẵng đã bị đánh quỵ đại binh viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha dưới quyền chỉ huy của Trung tướng hải quân Rigault Genouilly ! Chúng không thể hoàn thành chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh mà phải rút chạy khỏi Đà Nẵng để vào tấn côngNam Kỳ.

Hình ảnh bia mộ hoang tàn. Cận ảnh tấm bia (08: 24). Cận ảnh tấm bia (08:24:52) vì tấm bia còn ghi tên của Trung tướng hải quân Rigault Genouilly. Những bước chân của Nguyễn Văn Xuân đi chậm rãi qua từng ngôi mộ(08:25)

Lời bình:

Theo ông Nguyễn Văn Xuân, đây là một chứng tích hùng hồn tố cáo tội ác xâm lược của giặc Pháp mà rất tiếc là thế hệ trẻ hiện nay không mấy ai biết đến. Chỉ qua một đoạn phim ngắn ngủi này, trong lòng ta lại bật lên sự xúc động lạ thường.  Câu thơ của cụ Đồ Chiểu từ thế kỷ trước lại vọng đến với lòng căm thù sâu sắc:

“Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;

Gươm dao dùng bằng lưỡi dao phay cũng chém đặng thằng quan hai nọ”.

Phải chăng chính sự tự hào này mà Nguyễn Văn Xuân đã dành cả đời mình để ghi chép về sự tích thần kỳ của vùng đất mình gắn bó máu thịt ?

Hình ảnh học giả Nguyễn Văn Xuân phát biểu. Cận ảnh.

Ở đoạn này Nguyễn Văn Xuân cho biết là sau Hiệp định Genève lập lại hòa bình  ở Đông Dương, khi hồi cư về Đà Nẵng có người mời ông vào Sài Gòn sinh sống, lập nghiệp nhưng ông từ chối vì đã đặt cho mình nhiệm vụ phải viết sử của đại phương mình (07:23:16 đến 07:12:35)

Lời bình:

Có thể nói đây là một sứ mệnh cao quý mà ông đã ý thức lúc mới ngoài 30 xuân. Ông sinh năm 1921 tại  xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Điện Phương là nơi hình thành nghề truyền thống đúc đồng nổi tiếng- phải chăng điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy nghiên cứu nghiêm túc và phong cách tiếp cận vấn đề rất tài tử của ông chăng ?

Lướt qua các trang truyện ngắn của ông được chọn in trong Tổng tập văn học Việt Nam.

Lời bình:

Khi nói ông có phong cách tiếp cận vấn đề đầy tính ngẫu hứng và tài tử thì có lẽ nhiều người không đồng ý vì nó khá xa lạ với bản chất của một nhà nghiên cứu. Nhưng thật ra, đó mới là bản lĩnh độc đáo của Nguyễn Văn Xuân, vì trước khi trở thành nhà nghiên cứu thì ông đã là nhà văn. Điều này cũng tương tự như Sơn Nam ở Nam Bộ.

Ít ai biết rằng, từ trước năm 1945 ông đã có những truyện ngắn được in trên Tuần báo “Tiểu thuyết thứ bảy” xuất bản tại Hà Nội. Trong đó, với giọng văn đặc sệch ngôn ngữ Quảng Nam, ông đã tạo nên bối cảnh và nhân vật như mới từ vùng đất “rượu hồng đào chưa nhấm đã say” bước thong dong vào trang văn để lôi cuốn người đọc. Vì lẽ đó, không phải ngẫu nhiên mà các nhà văn học sử đã xếp ông vào thế hệ nhà văn vào nghề từ thập niên 1940.

Lướt qua bài các tập truyện ngắn, tiểu thuyết của ông như Bão rừng, Dịch cát, Hương máu... Hình ảnh tư liệu Nguyễn Văn Xuân thời trẻ.

Lời bình:

Sống tại miền Nam trong vùng địch tạm chiếm, ông vẫn tiếp tục sáng tác. Nhưng ý hướng của một người từng sống trong vùng kháng chiến, từng hoạt động ở liên khu V cùng với nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký, nhà thơ Trinh Đường... từng viết kịch phục vụ phong trào cứu quốc...thì các tác phẩm Bão rừng, Hương máu và một loạt truyện ngắn khác in trên báo công khai của ông vẫn không nhập vào trào lưu văn học “thời thượng” lúc bấy giờ. Nhân vật của ông không phải là gái bán bar, thanh niên thác loạn... - mà ở đó là những nhân vật anh hùng lừng danh ở quê hương ông như Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu, Thái Phiên, Trần Cao Vân...

Ông đã viết về các nhân vật này bằng tất cả sự ngưỡng mộ và cũng là một cách bộc lộ quan điểm chính trị của mình. Tuy viết theo kiểu “xanh vỏ đỏ lòng” nhưng nó đã có tác dụng cổ vũ tinh thần yêu nước của người dân sống trong vùng tạm chiếm. Ở đó, cái chết của những nhân vật ấy đã gây những cảm xúc mạnh mẽ ở người đọc bởi những câu văn sắc lạnh, nhưng ẩn sau đó là nỗi đau, là những giọt nước mắt của tác giả lặn mãi vào trong lòng không thể nào tuôn ra được.

Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Bao quát cả không gian rộng lớn. Xen lẫn là hình ảnh núi non Bà Nà (05:30) lấy những ảnh biệt thự thời Phap điêu tàn, đổ nát theo thời gian. Nguyễn văn Xuân chậm rãi bước qua đường do người con trai dẫn dắt.

Lời bình:

Những bước chân rụt rè qua đường. Mái tóc bạc phơ. Cũng giống như bao lão ông bình dị khác, nhưng có mấy ai biết được rằng thời trai trẻ, Nguyễn Văn Xuân là người đi nhiều? Đi và ghi chép. Ghi chép và viết. Ông quan niệm rằng, nghiên cứu một vấn đề sữ học không chỉ căn cứ trên văn bản, mà còn phải khảo sát từ thực địa. Chính nhờ những chuyến đi điền dã không mệt mỏi mà ông đã có được tác phẩm nổi tiếng “Phong trào Duy Tân”, in từ năm 1969 tại miền Nam.

Đây là công trình đặt nền móng cho việc nghiên cứu lịch sử nước ta về phong trào Duy Tân. Ông tận dụng tối đa nguồn tư liệu cổ phong phú, tư liệu viết và tư liệu sống. Do đó, bức tranh của phong trào được ông dựng lại sống động, đầy nghĩa khí, trí tuệ, nhưng cũng vô cùng bi thương. Hằng mấy chục năm qua, cuốn sách nghiên cứu này vẫn để lại ấn tượng sâu sắc, có giá trị lâu bền, có lẽ bởi ngoài chuyện tâm huyết còn phải nói đến tài năng. Tài năng đó hòa với trái tim nồng nhiệt của nhà văn qua một bút pháp rất riêng. Bút pháp đem tấm lòng, tâm tình để viết lịch sử - đó chính là sức lôi cuốn và hấp dẫn của Phong trào Duy Tân.

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc- Tổng Thư ký Hội khoa học lịch Việt Nam thì “Những quan điểm được trình bày trong sách nói chung là nghiêm túc, ít sai sót về mặt sử liệu và không có những quan điểm không phù hợp với yêu cầu chính trị hiện đại”.

Phỏng vấn ông Dương Trung Quốc.

Lời bình:

Phải viết để xuất bản công khai trong vùng địch tạm chiếm, mà nay vẫn không lỗi thời thì ta cũng đã thấy được nhiệt thành yêu nước và sự dũng cảm của ông.

Hình tư liệu các nhà nho tham gia phong trào Duy Tân bị Pháp xiềng gông.

Lời bình:

Có thể nói, bất cứ trong thời điểm nào việc giáo dục lịch sử nước nhà cho thế hệ trẻ cũng là nhiệm vụ cấp bách và rất cần thiết. Nhất là ở thời điểm hiện nay, khi đất nước đã mở cửa và hội nhập với các nước trên thế giới với nhiều luồng văn hóa khác nhau. Để gìn giữ bản sắc của một dân tộc thì có “vũ khí” nào sắc bén hơn là giáo dục cho mọi người ý thức về tự hào dân tộc ?

Hình ảnh Nguyễn Văn Xuân ngồi trò chuyện với các bạn trẻ (06:37 đến 07), không ghi lời nói của ông mà vẫn là lời bình. Và xen lẫn là ảnh Đà Nẵng, ảnh phong cảnh, cảnh đời thường... Mục đích là để tạo ra những hình ảnh động.

Lời bình:

Ông cho rằng: Chúng ta muốn đổi mới mà ít học lịch sử của ta và của thế giới (nhất là quanh ta) thì thật là quá thiếu sót. Ngày nay sự duy tân của Phan Châu Trinh với ba nguyên tắc căn bản về dân trí, dân khí, dân sinh thì thiết tưởng thời nào cũng phải tâm niệm: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh thì về nguyên tắc một và ba, ta đang thực hiện, nhưng chấn dân khí thì quả là thiếu sót. Ta có thể rất tự hào về dân khí trong chiến đấu, nhưng còn dân khí để làm người đối với đất nước nhất là với thế giới mới thì ta đã đặt ra chưa? Hay sinh viên ngày nay chỉ có mơ ước cao xa là có bằng cấp để đi làm thầy thông, thầy ký, lãnh lương cho các doanh nghiệp Việt Nam và kỳ vọng lớn hơn là doanh nghiệp nước ngoài - bất kỳ nước nào - vì ở đó lương hướng gấp mấy lần ở ta? Chấn dân khí ở đây chỉ là ví dụ nhỏ. Nó còn lớn lao và sâu sắc trong mọi hoạt động mà xuất phát không phải tự thân mà đòi hỏi ở một hiến pháp và nền giáo dục nặng về khai phóng.

Hình ảnh Nguyễn Văn Xuân lật từng bản thảo chữ Hán tại nhà (08:0 3) và (08:36)...

Lời bình:

Câu hỏi mà ông đặt ra quả đáng để chúng ta lưu ý và cũng đang là mối quan tâm của nhiều người. Nhưng câu hỏi ấy có được không phải ông tìm từ trong sách vở mà từ khảo sát của thực tế. Và cũng từ thâm nhập trong thực tế bằng sự quan sát tinh tế nên trong ông cái máu “Quảng Nam hay cãi” vẫn chưa nguội lạnh. Chính vì hay “cãi” nên ông luôn đưa ra những ý kiến khác người.

Nhưng độc đáo nhất và tạo nên bản lĩnh Nguyễn Văn Xuân chính là thời điểm ông công bố  biên khảo giá trị  “Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc”. Qua công trình này ông quyết “cãi”: dịch giả “Chinh phụ ngâm” không phải Đoàn Thị Điểm mà chính là Phan Huy Ích. Luận cứ của ông thuyết phục giới nghiên cứu khi ông đã đưa ra bản dịch mà ông tìm được trong thư viện gia đình của một bà Chúa ở xóm Âm Hồn ngoài Huế! Có thể ghi nhận đây là một trong những nét son đáng lưu ý của sự nghiệp Nguyễn Văn Xuân.

Ảnh hát bài chòi Hội An hoặc ảnh tư liệu sân khấu hát bội. Cố gắng có hình ảnh đang trình diễn để đoạn phim, sống động.

Lời bình:

Chưa hết. Chính từ những chuyến đi điền dã, ông thu thập được nhiều vốn quý để viết “Khi những lưu dân trở lại”, trong đó, ông đã đưa ra một nhận định hoàn toàn mới ở thời điểm đó và qua kiểm nghiệm của thực tế đến nay càng thấy đúng: ở miền Nam, văn học trình diễn rất quan trọng. Ngoài Bắc, văn là để xem; trong Nam, văn là để nói. Thơ lục bát của Nguyễn Đình Chiểu là để nói. Người ta nói thơ Lục Vân Tiên, thơ Thông Tàm, thơ Mụ Đội, vè Chàng Lía...Nói  là phong cách  là phong cách lớn của văn học miền Nam góp vào văn học Việt Nam nói chung. Kết tinh của phong cách này là văn học trình diễn. Thật vậy, ở Trung Nam Bộ còn có câu ca dao :

Ai về Bình Định mà nghe

Nghe thơ chàng Lía, nghe vè Quảng Nam

Do phong cách tiếp cận vấn đề đầy tài tử như chúng tôi đã nêu trên, ở nhận định quan trọng này, ông đã đưa ra nhận xét thú vị và dân dã đời thường : bánh chưng ngoài Bắc là thứ thích hơp với sự cố định, để nguyên một chỗ; bành tét trong Nam là thứ thứ hợp cho di chuyển, xách mang. Miền Bắc nền nã, cố định. Miền Nam năng động và trẻ...

Hình ảnh Nguyễn Văn Xuân và Sơn Nam quan sát lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh ở Quảng Nam. Phát biểu của Sơn Nam đánh giá về Nguyễn Văn Xuân.

Phát biểu của Sơn Nam. Cận ảnh. Có thể ở trong công viên nào đó. Không ghi ảnh tại nhà riêng.

Hình ảnh Nguyễn Văn Xuân ngồi đọc báo buổi sáng (06:14), ảnh nhà thờ Con Gà...

Lời bình:

Cho đến dù đến tuổi “cổ lai hy” nhưng thói quen đọc báo buổi sáng của ông cũng không bỏ. Đó là thói quen của thị dân luôn khao khát tiếp cận với thông tin mới. Nhìn ông thong thả nhả khói thuốc lên nền trời xanh, ta có cảm tưởng hạnh phúc, đời sống gia đình của ông may mắn hơn người khác chăng?

Hình ảnh nhà riêng Nguyễn Văn Xuân.(O 8:00) chỉ lấy tiếng cằn nhằn của vợ ông một đoạn ngắn, rất ngắn. Cảnh gà bới sách (08:03: 58)... Từng thước phim này lướt qua chậm rãi.Không lời bình.Không tiếng động.

Hình ảnh Nguyễn Văn Xuân ngồi ở bàn viết (08:02)

Lời bình:

Nhìn hình ảnh nhà văn ngồi viết chúng tôi lại nhớ đến nhân vật Điền trong truyện ngắn “Trăng sáng” của nhà văn Nam Cao. Nhà văn cắn răng mà viết trong tiếng nợ đòi, viết vì gánh nặng gia đình đè xuống đôi vai gầy guộc...Và viết như một cách thư giản thong dong trong cõi vô thường của văn chương chữ nghĩa.

Nếu trong sự nghiệp của ông rạng rỡ và thành công bao nhiêu thì trong góc khuất cuộc sống gia đình của ông lại đầy đau thương, oan nghiệt bấy nhiêu. Những mảng sáng tối trong đời ông luôn đan xen lẫn lộn. Cái giá phải trả cho niềm say mê văn học và nghiên cứu văn hóa của mình không thể kể xiết: người bạn đời, ba đứa con của ông đều bị tâm thần và ông sống chung mấy chục năm nay trong một căn nhà nghèo khó...

Hình ảnh vợ Nguyễn Văn Xuân.

Lời bình:

Gương mặt đôn hậu của người phụ nữ đáng thương kia, vợ của nhà văn khiến ta ái ngại, không rõ bà có hiểu được những việc làm tâm huyết một đời của chồng mình ? Bà bị mất trí nhớ, nhưng nụ cười tươi tắn hiếm hoi kia cho thấy thời son trẻ bà là một người phụ nữ có nhan sắc. Người đã sống trọn một cuộc đời với ông trong khổ đau cũng như hạnh phúc...

Hình giáo sư Hoàng Châu Ký phát biểu kỷ niệm lúc ông đứng ra mai mối vợ cho Nguyễn Văn Xuân (09: 03)

Lời GS Hoàng Châu Ký.

Hình ảnh Nguyễn Văn Xuân đọc thơ của ông (07:) xen lẫn với lúc người con gái mất trí nhớ tay run run đưa bánh mì lên miệng...Hình ảnh đối nghịch nhau để tạo hiệu quả cảm xúc người xem.

Lời bình:

Với  một hoàn cảnh không bình thường như thế nhưng ông vẫn yêu đời, vẫn sống và viết. Chúng tôi nghĩ rằng, ông viết không chỉ để mưu sinh nuôi vợ con mà còn là một thú vui an nhiên tự tại giữa cuộc đời này. Và cứ thế, mỗi ngày ông lại viết, lại đưa ra những vấn đề hữu ích cho người đọc mà ông đã dày công nghiên cứu.

Đôi lúc, chúng tôi muốn đặt ra câu hỏi chua xót: phải chăng ông đã nhầm khi chọn cái giá trị tinh thần cao hơn giá trị vật chất, khi mà không có thực thì làm sao mà vực được đạo đây, thưa ông? Nhưng câu hỏi ấy cứ nghẹn lại khi thấy từ giọng nói, ánh mắt của ông vẫn hừng hực nhiệt tình đối với công việc còn biết bao bề bộn...

Hình ảnh trang bản thảo là nét chữ của ông,.. và ảnh lúc nằm đọc cho con ghi.

Lời bình:

Khi làm bộ phim về ông, chúng tôi thật sự vất vả khi phải đi sưu tầm lại những bài viết rải rác của ông khắp nơi, vì nó vẫn chưa được tập hợp in thành sách. Bản thân ông đã không còn tự viết được nữa, ông thường nằm đọc cho cậu con trái ghi chép lại - mà cậu con trai này mới vừa ở bệnh viện tâm thần ra được một tháng, bệnh còn nhẹ so với những người thân trong gia đình ông.

Hình ảnh con gà nhảy lên bàn viết của Nguyễn Văn Xuân.

Lời bình:

Ông đã già yếu quá rồi, không còn đủ sức nâng lên và sắp xếp lại giá sách nữa,. Những đứa con của ông thờ ơ đi qua, những sinh viên trẻ thuê nhà thờ ơ đi qua... Trong đống sách đổ nát ấy, có những cuốn mối đã xông...Tâm hồn chúng tôi thắt lại chua xót...

Kế tiếp là ảnh Nguyễn Văn Xuân đứng bên thành Điện Hải. (08:15) và ảnh bờ tường rêu xám xịt.

Lời bình:

Nhưng tự vượt lên trên những khó khăn của đời thường. Nguyễn Văn Xuân, lúc khỏe, lại thực hiện những chuyến đi điền dã.

Đây là một trong những di tích đầu tiên mở ra trang sử chống xâm lăng từ đầu thế kỷ XIX ở Đà Nẵng còn sót lại và có lẽ cũng là di tích cuối cùng còn bền gan chống lại sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian... Bức tường này lão tướng Nguyễn Tri Phương đã cho xây để chống lại vũ khí tối tân của giặc từ những năm 1858.

Đứng trước cảnh “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, chúng ta mới thấy những học giả như Nguyễn Văn Xuân thật quý biết chừng nào. Ông am tường cổ tích của vùng đất này như hiểu rõ lai lịch của chính mình, lỡ mai kia...Mới nghĩ đến đó chúng tôi đã ái ngại...

Ảnh bà Phan Thị Minh và Nguyễn Văn Xuân đang làm việc.

Lời bình:

Khi chúng tôi đang thực hiện những thước phim này thì cũng là lúc học giả Nguyễn Văn Xuân - với tư cách là cố vấn cho Hội lịch sử khoa học TP. Đà Nẵng - đang giúp bà Phan Thị Minh - cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh hiệu đính, sắp xếp lại bản thảo “Những tư liệu mới về Phan Châu Trinh” lần đầu tiên sẽ được công bố do bà sưu tầm, tìm kiếm từ các thư viện ở Pháp.

Hình ảnh bà Phan Thị Minh phát biểu về Nguyễn Văn Xuân. Chỉ lấy một doạn ngắn.

Lời bà Phan Thị Minh.

Minh họa cho lời nói của bà Minh là hình ảnh Nguyễn Văn Xuân đang đưa tay sờ bức tường Điện Hải.

Lời bình:

Vậy đó, ở tuổi ngoài 80 xuân nhưng công việc đi điền dã, những trang sử liệu sống đối với ông vẫn là một niềm say mê cháy bỏng. Khi nhìn những ngón tay của ông chạm vào tường rêu, chúng tôi có cảm tưởng ông đã quen thuộc và trân trọng di tích lịch sử này đến dường nào...

Ai đó đã nói, địa phương học là vấn đề lớn ngày nay, môn học mũi nhọn của thế kỷ? Thật vậy, ai cũng hiểu rằng, muốn làm giàu mọi mặt cho đất nước thì phải khai thác đến tối đa các địa phương mới làm bật ra sự phong phú, đa dạng cho từng bộ phận hoặc toàn thể đất nước. Trong suy nghĩ ấy, ta thấy Nguyễn Văn Xuân ít nhiều đã làm được điều đó.

Chính sự am tường và quen thuộc của ông đối với từng di tích lịch sử của địa phương đã tạo trong trang viết một sức hấp dẫn mãnh liệt, qua đó, ông đã truyền đến cho người đọc tất cả sự rạo rực, hăm hở của người đầu tiên khi phát hiện ra một điều lý thú nào đó...

Cảnh Nguyễn Văn Xuân ngồi trên ghế đá sông Hàn, ông đang nhìn ghe thuyền đi lại. Có cả cầu mới xây.

Lời bình:

Suốt một đời người chỉ sống và viết về lịch sử địa phương của mình dưới nhiều daạng từ sáng tác đến biên khảo...bằng tất cả tâm huyết và lòng nhiệt thành yêu nước thì những đóng góp của ông không còn thu gọn trong một địa phương cụ thể nữa. Nó còn hữu ích, còn đóng góp cho lịch sử nơi khác khi ta đặt những trang viết ấy trong một tổng thể chung. Không ai có thể bác bỏ quan niệm: lịch sử địa phương quan hệ mật thiết với lịch sử đất nước. Có lẽ, không lời tôn vinh nào xứng đáng hơn khi gọi ông là “nhà địa phương học” với đúng nghĩa cao quý của cụm từ này.

Ông từng phát biểu về nghề nghiệp của mình : Việc nghiên cứu xã hội, theo tôi, không phải là chép chỗ kia một ít, chỗ kia một ít, mà phải nghiên cứu thực tế sự việc, phong tục, văn hóa...Và ông cũng cho biết thêm hồi trước, khi đọc một tác giả người Pháp, ông sững sờ vì cái nhận xét mang tính phương châm này: sự nghiên cứu về cả thế giới nên bớt đi, sự nghiên cứu về địa phương nên tăng lên. Từ đó, ông yên tâm tập trung tối đa vào nghiên cứu địa phương, thấy việc nghiên cứu từng địa phương là quan trọng.

Hình ảnh con thuyền nhỏ bé giữa dòng sông Hàn (06:24:05) và từ từ hiện lên dòng chữ:

Kịch bản và đạo diễn : HẢI ANH

Lời bình: LÊ MINH QUỐC

Biên tập: NGUYỄN HỒ

Quay phim: LƯU NGUYỄN

HẢNG PHIM TRUYỀN HÌNH TP. HỒ CHÍ MINH

SẢN XUẤT 2001

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com